tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 16-05-2016

  • Cập nhật : 16/05/2016

Lập "mặt trận chung" đối phó Trung Quốc?

Thủ tướng Nhật Bản dự kiến tìm cách thuyết phục các lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) thành lập mặt trận thống nhất đối phó những hành động ngang ngược của TQ ở Biển Đông.

"Vấn đề là liệu G7 có đạt được sự đồng thuận về việc này hay không và có bao nhiêu nước ASEAN ủng hộ bước đi này của G7" - một quan chức chính phủ Nhật Bản nói với hãng tin Kyodo hôm 14-5.

Tokyo tin rằng Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan trong vài tuần tới sẽ ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra ở tỉnh Mie trong 2 ngày 26 và 27-5, Thủ tướng Abe sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ những phán quyết của tòa án được dựa trên luật pháp quốc tế.

Đây là nội dung được đề cập trong tuyên bố về an ninh hàng hải được các ngoại trưởng G7 đưa ra sau cuộc gặp ở TP Hiroshima vào tháng rồi. Cũng theo các nguồn tin, ông Abe hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ của lãnh đạo các nước châu Á tham dự hội nghị mở rộng G7.

tau hai canh trung quoc tai bai co may thuoc quan dao truong sa cua viet nam anh: reuters

Tàu hải cảnh Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam Ảnh: Reuters

Thông tin trên được đăng tải một ngày sau khi Lầu Năm Góc trình lên quốc hội Mỹ báo cáo vạch trần những hoạt động quân sự phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông năm 2015.

Nội dung báo cáo chỉ rõ Bắc Kinh đang tập trung phát triển, quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép ở biển Đông nhằm phục vụ âm mưu độc chiếm vùng biển này. Báo cáo còn chỉ ra Trung Quốc thiếu minh bạch trong việc chi tiêu quốc phòng và phát triển khả năng quân sự khiến tình hình khu vực căng thẳng.

Trung Quốc ngày 15-5 đã lên tiếng bác bỏ điều mà họ gọi là "sự thổi phồng mối đe dọa quân sự" của Bắc Kinh. Ông Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho rằng báo cáo trên "cố ý bóp méo chính sách quốc phòng Trung Quốc" và gây tổn hại nghiêm trọng đến sự tin tưởng giữa 2 nước.

"Trung Quốc theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính phòng vệ. Những cải cách quân sự sâu rộng của Trung Quốc, việc phát triển và tăng cường sức mạnh vũ khí là nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm sự phát triển hòa bình của Trung Quốc" - ông Dương bao biện.

Không những thế, ông Dương còn tiếp tục lặp lại luận điệu cũ rích rằng hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở biển Đông nhằm "phục vụ các mục đích dân sự" cũng như giúp Trung Quốc thực hiện đầy đủ các trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế. Thậm chí, ông Dương còn tố ngược chính Mỹ mới thúc đẩy quân sự hóa ở biển Đông bằng cách thường xuyên gửi tàu, máy bay đến đó!


Anh khởi động chiến dịch thông tin về Brexit

Anh vừa khởi động chiến dịch 2,4 triệu bảng Anh để vận động người dân đăng ký bỏ phiếu và tìm hiểu thông tin của cuộc trưng cầu đi hay ở lại Liên minh châu Âu của nước này.

thu tuong anh david cameron ngay 9/5 da canh bao nguy co xay ra chien tranh se gia tang neu nuoc nay roi khoi lien minh chau au (eu). anh: epa/ttxvn

Thủ tướng Anh David Cameron ngày 9/5 đã cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến tranh sẽ gia tăng nếu nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: EPA/TTXVN

Ủy ban Bầu cử Anh vừa khởi động chiến dịch lớn nhất từ trước tới nay với đối tượng vận động là 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc. Theo phóng viên TTXVN tại London ngày 15/5, Giám đốc truyền thông của Ủy ban Bầu cử Anh, ông Alex Robertson cho biết nhằm đảm bảo mọi người dân Anh đều không bỏ lỡ sự kiện lịch sử này, ủy ban sẽ tiến hành chiến dịch thông tin đồng loạt trên sóng truyền hình, phát thanh và mạng xã hội cũng như hệ thống biển quảng cáo, và phát tài liệu hướng dẫn bỏ phiếu đến từng hộ gia đình trước thời hạn cuối vào ngày 7/6. Cuốn tài liệu có đính kèm lá phiếu mẫu và vận động đều gồm các nội dung liên quan hai luồng ý kiến nước Anh nên ở lại hoặc rời khỏi EU.

Hiện tại, có khoảng 7,5 triệu người dân Anh không đăng ký bỏ phiếu. Theo một cuộc khảo sát mới đây của Ủy ban Bầu cử Anh, khoảng 20% dân số nước này chưa đăng ký hoặc không biết mình có tên trong danh sách cử tri hay không. Ngoài ra, đối với các cử tri vắng mặt vào ngày bỏ phiếu 23/6, ủy ban trên vận động họ đăng ký bỏ phiếu qua bưu điện hoặc ủy quyền bỏ phiếu. Hồi năm 2014, trong ít tuần cuối cùng trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland về việc tách ra hay ở lại Vương quốc Anh, số lượng cử tri đăng ký tăng vọt lên gần 140.000 người, song khoảng 11.000 người đã đăng ký quá muộn hoặc bỏ lỡ.

Phe ủng hộ ở lại EU đã hoan nghênh chiến dịch trên, cho rằng hoạt động này sẽ cung cấp thông tin về cuộc bỏ phiếu trực tiếp cho giới trẻ, nhóm đối tượng được cho là ủng hộ ở lại EU song không có tên trong danh sách cử tri hoặc không tham gia bỏ phiếu. Tối 14/5, thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cũng vận động giới trẻ Anh đăng ký cử tri nhằm đóng góp tiếng nói của mình trong cuộc trưng cầu ý dân, thực hiện quyền bỏ phiếu của mỗi người.

Vận động bỏ phiếu tại khu vực bầu cử xứ Oxford, Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh rằng người dân chỉ còn 40 ngày để đưa ra quyết định đi khỏi hay ở lại EU, gọi đây là "lựa chọn của cả một thế hệ". Ông Cameron nhấn mạnh việc Anh rời khỏi EU và thị trường chung của khối này sẽ đẩy nền kinh tế Anh vào khủng hoảng, đồng thời viện dẫn các cảnh báo từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Bộ Tài chính Anh, Ngân hàng Trung ương Anh và Đại học Kinh tế London về những tổn thất kinh tế tiềm tàng mà Brexit sẽ gây ra.

Trong khi đó, cựu Thị trưởng London Boris Johnson, nghị sĩ trong đảng Bảo thủ của ông Cameron, lại khẳng định kinh tế Anh sẽ "khởi sắc và thịnh vượng chưa từng có" một khi nước này rời khỏi EU và nắm toàn quyền quyết định đối với nền kinh tế.


Tây Ban Nha cấm máy bay chở Ngoại trưởng Anh qua không phận

Một máy bay của Không quân Hoàng gia Anh chở Ngoại trưởng Philip Hammond của nước này đã bị cấm bay qua không phận Tây Ban Nha khi đang trên đường tới Gibraltar hồi tuần trước.

ngoai truong anh philip hammond. (anh: afp)

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond. (Ảnh: AFP)

Tờ Sunday Express cho biết, sự việc xảy ra hôm 11/5 khi Ngoại trưởng Anh có chuyến bay tới Gibraltar để gặp gỡ với người dân ở đây để thực hiện chiến dịch vận động ủng hộ Anh ở lại EU trước thềm cuộc trưng cầu vào ngày 23/6 tới.

Giới chức Tây Ban Nha đã biết về sự có mặt của ông Hammond trên chuyến bay này nhưng vẫn cấm máy bay qua không phận, buộc phi công của máy bay chuyển hướng và bay qua Bồ Đào Nha.

Gibraltar là một khu vực tự trị với diện tích chỉ khoảng 7km, dân số hơn 30.000 người, rộng nằm ở phía nam bán đảo Iberia, tây nam Tây Ban Nha, và được nhượng lại cho Vương quốc Anh từ năm 1713. Tuy có quyền tự trị nhưng Gibraltar vẫn phụ thuộc Anh về ngoại giao và quốc phòng. Trong chuyến tới Gibraltar tuần trước, ông Hammond cảnh báo nếu người dân Gibraltar ủng hộ Anh rời EU thì London sẽ không thể bảo vệ quyền lợi của họ nữa.

Tây Ban Nha nhiều lần khẳng định họ sẽ không từ bỏ chủ quyền với khu vực này. Tuy nhiên, trong hai cuộc trưng cầu dân ý năm 1967 và 2002, đa số người dân Gibraltar cho biết họ không muốn trở thành một phần của Tây Ban Nha dù nằm sát quốc gia này. Kể từ năm 1989, Tây Ban Nha cấm các máy bay quân sự Anh bay qua không phận nếu đích đến là Gibraltar.

Vụ việc hôm 11/5 diễn ra không lâu sau khi hồi tháng 4 Hải quân Anh đã bắn cảnh cáo một tàu tuần tra của Tây Ban Nha sau khi tàu này hai lần quấy rối tàu ngầm hạt nhân Mỹ đang nỗ lực cập cảng ở Gibraltar.


Tân Tổng thống Philippines muốn quan hệ thân thiện với TQ

Tại buổi họp báo đầu tiên, Tổng thống đắc cử của Philippines Rodrigo Duterte nói muốn quan hệ thân thiện với TQ, khẳng định cho phép lực lượng an ninh nổ súng để trấn áp tội phạm.

Ngày 15/5, ông Rodrigo Duterte đã có buổi họp báo đầu tiên sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 9/5. Tại dịp này, ông đã khẳng định sẽ thực hiện nhiều lời hứa chính sách đưa ra trong quá trình tranh cử.

Về quan hệ với Trung Quốc, một phóng viên đã hỏi ông Duterte có muốn quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc so với chính sách của Tổng thống Aquino được nhiệm hay không. Duterte tuyên bố muốn xây dựng mối quan hệ thân thiện, nói ông sẵn sàng đối thoại trực tiếp về vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã làm tổn hại đến quan hệ song phương, AFP đưa tin.

tong thong dac cu cua philippines, ong rodrigo duterte. anh: afp

Tổng thống đắc cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte. Ảnh: AFP

Quan hệ Trung Quốc - Philippines căng thẳng nghiêm trọng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Aquino, đặc biệt sau khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough năm 2012.

Chính quyền Aquino phản ứng bằng cách ký hiệp ước quốc phòng mới với Mỹ, kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế, tìm cách đưa vấn đề ra nhiều diễn đàn đa phương.

Bắc Kinh phản ứng giận dữ trước chiến thuật của ông Aquino và yêu cầu đàm phán song phương trực tiếp với Philippines.

Tuy nhiên, Tổng thống Aquino luôn từ chối hội đàm trực tiếp do lo ngại Trung Quốc sẽ chiếm nhiều lợi thế hơn. Ông cũng cho rằng đối thoại với Trung Quốc không có ích gì, khi Bắc Kinh luôn khẳng định không có vấn đề nào để đàm phán và khăng khăng bám vào tuyên bố chủ quyền phi lý của họ.

Trong diễn biến khác, Tổng thống đắc cử của Philippines cũng cho biết đại sứ Trung Quốc và Nhật Bản tại nước này sẽ là 2 trong 3 đại diện nước ngoài mà ông chọn để gặp đầu tiên trong ngày 16/5.

Không rõ đại sứ thứ 3 mà ông Duterte muốn gặp là ai, nhưng ông đã tuyên bố chưa lên kế hoạch gặp gỡ đại sứ Mỹ.

Khôi phục án tử hình

Ông Duterte cũng tuyên bố sẽ thúc giục quốc hội để khôi phục án tử hình bằng treo cổ. Ông cũng sẽ cho phép lực lượng an ninh quyền nổ súng bắn hạ đối tượng khi trấn áp những băng đảng tội phạm có tổ chức.

Philippines đã bỏ án tử hình vào năm 2006 dưới thời tổng thống khi đó là bà Gloria Arroyo. Lần này, ông Duterte muốn phục hồi hình thức xử phạt này với các tội danh như buôn ma tuý, cưỡng hiếp, giết người, cướp bóc.

Duterte chọn hình thức treo cổ vì “không muốn lãng phí súng đạn”. Những tuyên bố mạnh tay với tội phạm là một vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông, khi cam kết xoá sạch tội phạm trong vòng 3 - 6 tháng.

Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Philippines ngày 9/5 cho biết ông Duterte chiến thắng tới gần 40% tỷ lệ phiếu bầu. Vị ứng viên với phong cách phát ngôn bạt mạng sẽ chính thức nhậm chức vào tháng 6 này, thời điểm mà Toà án trọng tài thường trực có thể ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc.


Mỹ cảnh báo mối đe dọa từ “Sát thủ đảo Guam” của Trung Quốc

Tên lửa DF-26 của Trung Quốc, hay còn gọi là “Sát thủ đảo Guam”, với khả năng tiêu diệt các mục tiêu từ khoảng cách hơn 5.000 km, đã trở thành mối đe dọa ngày càng lớn với các căn cứ quân sự và sự ổn định của quân đội Mỹ ở khu vực rìa Thái Bình Dương.

ten lua tam trung df-26 cua trung quoc (anh: reuters)

Tên lửa tầm trung DF-26 của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung (USCC) thuộc chính phủ Mỹ mới đây đã công bố báo cáo đánh giá sự nguy hiểm của tên lửa DF-26 do Trung Quốc phát triển. USCC cho biết tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc, trình làng hồi cuối tháng 9 năm ngoái trong một buổi duyệt binh tại Bắc Kinh và được các chuyên gia đặt cho biệt danh “Sát thủ đảo Guam”, cho phép Trung Quốc có thể triển khai những cú đánh chất lượng nhất từ trước đến nay nhằm vào khu vực đảo Guam của Mỹ.

Báo cáo của USCC khẳng định, tên lửa DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung đầu tiên của Trung Quốc có khả năng bắn tới đảo Guam và có thể coi là đỉnh cao trong công nghệ phát triển tên lửa đạn đạo của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

Một cuộc nghiên cứu do trang Missilethreat.com tại Viện nghiên cứu George C. Marshall ở Washington thực hiện vào năm ngoái đã từng đưa ra lời cảnh báo rằng: “Trước khi triển khai tên lửa DF-26, cách duy nhất để Trung Quốc có thể tấn công đảo Guam là sử dụng máy bay ném bom chiến lược H-6K. Tuy nhiên, đứng trước khả năng phòng thủ mạnh mẽ của quân đội Mỹ tại căn cứ trên đảo Guam, việc triển khai các máy bay này của Trung Quốc tỏ ra kém hiệu quả hơn nhiều”.

Vị trí của đảo Guam cách Bắc Kinh khoảng 4.000 km, do vậy, tầm bắn của các tên lửa tầm trung thông thường đặt trên đất liền của Trung Quốc sẽ phải vươn xa thêm 1.000 km nữa mới tới được đảo Guam. Tuy nhiên, với sự ra đời của “Sát thủ đảo Guam” với tầm bắn lên tới hơn 5.000 km, đảo Guam trở thành mục tiêu chinh phục dễ dàng của quân đội Trung Quốc.

Đảo Guam, nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân Apra, là khu vực cho phép Mỹ triển khai sức mạnh xuyên Thái Bình Dương trong khi vẫn có thể giữ cho các lực lượng quân đội và căn cứ quân sự của Mỹ một khoảng cách an toàn so với mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Tập đoàn nghiên cứu quốc phòng RAND của Mỹ cảnh báo rằng một cuộc tấn công tên lửa với khoảng 100 tên lửa đạn đạo tầm trung như DF-26 có thể đóng cửa căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam trong vòng 11 ngày. Đó là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực rìa Thái Bình Dương.

Báo cáo của USCC được đưa ra cùng thời điểm Mỹ điều một tàu khu trục có tên lửa dẫn đường thực hiện tuần tra tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo, xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập. Trung Quốc đã đáp trả động thái này của Mỹ bằng cách ngang nhiên điều máy bay chiến đấu và đưa tàu chiến ra xua đuổi tàu khu trục Mỹ.

Mới đây, trong báo cáo thường niên trình lên Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc đã vạch ra những diễn biến quân sự, an ninh của Trung Quốc, bao gồm việc Bắc Kinh tìm cách bành trướng trên phạm vi toàn cầu và việc sẵn sàng gia tăng căng thẳng ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông. Báo cáo nhận định: “Trung Quốc đang dùng chiến thuật cưỡng bức để thúc đẩy các lợi ích của họ theo cách được tính toán dưới ngưỡng có thể làm bùng lên một cuộc xung đột”.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục