tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 16-10-2015

  • Cập nhật : 16/10/2015

Tư lệnh Hải quân Mỹ: Mỹ hoạt động ở Biển Đông là chuyện thường

 Người đứng đầu Hải quân Mỹ lên tiếng phản bác cáo buộc của Trung Quốc rằng Mỹ gây hấn "châm dầu vào lửa" ở Biển Đông, khi nói rằng tàu và máy bay Mỹ tuần tra Biển Đông là chuyện thường, không phải khiêu khích.
do doc john richardson, tu lenh hai quan my - anh: hai quan my

Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ

Hoạt động của Mỹ trên vùng biển quốc tế trong khu vực Biển Đông không nên xem là điều đáng ngạc nhiên và đó cũng không phải là hành động khiêu khích, Reuters ngày 15.10 dẫn lời đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tokyo (Nhật Bản), đô đốc Richardson đã phản bác cáo buộc của Bắc Kinh nói rằng Washington đang gây hấn và “châm dầu vào lửa” ở Biển Đông.
Trước đó, trong một thông cáo ngày 14.10, Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc cho biết “quan ngại sâu sắc” về tuyên bố chung của các bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ và Úc.
“Chúng tôi đề nghị các bên có liên quan chấm dứt sử dụng tiêu chuẩn kép. Tốt hơn là họ nên giữ cam kết không đứng về phe nào trong những vụ tranh chấp và đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định khu vực, hơn là châm dầu vào lửa”, thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc viết.
Trước đó nữa, trong tuyên bố chung sau cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ở Boston (Mỹ), các quan chức cấp cao của Mỹ và Úc cũng bày tỏ sự "quan ngại sâu sắc” về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 13.10 tuyên bố quân đội Mỹ sẽ đưa tàu, máy bay đến bất kỳ đâu ở vùng biển quốc tế, kể cả Biển Đông.
Báo Navy Times (Mỹ) hôm 7.10 dẫn nguồn tin từ quân đội Mỹ nói rằng hải quân nước này sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh khi cho biết sẽ gửi tàu đi vào bên trong vùng giới hạn 12 hải lý ở quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp trên Biển Đông. Navy Times nói việc đưa tàu vào khu vực này đang đợi sự chấp thuận của chính phủ Obama.

Báo Trung Quốc khoe vũ khí trên không 'khống chế Biển Đông'

Truyền thông Trung Quốc "khoe" rằng máy bay ném bom của nước này có thể không kích chính xác tầm xa, giữa lúc Mỹ sắp điều tàu chiến và máy bay áp sát những đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
may bay nem bom chien luoc tam xa h-6k cua trung quoc - anh: quan doi trung quoc

Máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6K của Trung Quốc - Ảnh: Quân đội Trung Quốc

Không quân Trung Quốc có khả năng tiến hành những cuộc không kích chính xác tầm xa trong mọi điều kiện thời tiết, tờ China Daily (Trung Quốc) ngày 14.10 dẫn lời chuyên gia không quân Trung Quốc Fu Qianshao cho hay.
“Máy bay ném bom H-6K của chúng ta đã tham gia những cuộc tập trận tầm xa ở Thái Bình Dương; phi đội H-6K có khả năng tiến hành nhiều chiến dịch khác nhau bao gồm những cuộc không kích chính xác tầm xa”, ông Fu khoe khoang.
Theo chuyên san The Diplomat (trụ sở ở Nhật Bản), H-6K là phiên bản Trung Quốc của máy bay ném bom chiến lược hai động cơ Tupolov Tu-16 do Liên Xô phát triển từ những năm 1960. Máy bay ném bom H-6K lần đầu tiên bay vào năm 2007 và từ đó trải qua nhiều lần nâng cấp. Nếu không tiếp nhiêu liệu, H-6K có tầm bay tối đa 3.000 km; tuy nhiên tầm bay của H-6K có thể tăng lên đến gần 5.000 km nếu được tiếp nhiên liệu trên không hai lần. Hiện Không quân Trung Quốc có 36 máy bay loại này.
“Trước đây, những máy bay ném bom của chúng ta chỉ có thể thả bom nên không thể tiến hành những cuộc không kích chính xác, nhưng H-6K được nâng cấp với những công nghệ tiên tiến, có thể mang và phóng tên lửa hành trình không đối đất và tên lửa diệt hạm, đồng nghĩa với việc có thể tấn công nhiều mục tiêu trên đất liền hoặc trên biển trong một sứ mạng”, ông Fu cho biết thêm.
Máy bay H-6K mặc dù thiếu công nghệ tàng hình nhưng có thể mang theo 7 tên lửa diệt hạm siêu thanh YJ-12 (tầm bắn 400 km) hoặc tên lửa hành trình CJ-20 (tầm bắn 2.400 km), chuyên san quốc phòng IHS Jane’s Defense Weekly (Anh) cho biết. Tạp chí này cũng cho rằng H-6K cũng có thể mang theo nhiều loại vũ khí chính xác mới có sẵn trong kho vũ khí của Trung Quốc.
China Daily đăng tải bài viết với ý kiến chuyên gia Fu đánh giá sức mạnh của H-6K giữa lúc các chuyên gia quốc tế nhận định Mỹ sẽ điều tàu chiến và máy bay tuần tra sâu trong vùng 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý và những hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Cũng trong ngày 14.10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông, và một số quốc gia cố bành trướng sức mạnh quân sự ở vùng biển này (ám chỉ Mỹ) nên chấm dứt thổi phồng vấn đề.
Tờ Hoàn Cầu Thời báo (Trung Quốc) ngày 15.10 đăng bài xã luận, ngang ngược chỉ trích Mỹ “liên tục gây hấn” ở Biển Đông. Hoàn Cầu Thời báo cho biết thêm quân đội Trung Quốc “nên sẵn sàng có những biện pháp đáp trả tùy theo mức độ gây hấn của Mỹ”.(Thanh Niên)

Điện Kremlin: Mỹ từ chối đàm phán với Nga về chiến sự Syria

 Nga "lấy làm tiếc" khi Mỹ từ chối lời đề nghị đàm phán cấp cao về chiến sự Syria từ phía Moscow, theo tuyên bố từ người phát ngôn của Tổng thống Nga.
tong thong nga vladimir putin (phai) va nguoi phat ngon dmitry peskov - anh: afp

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người phát ngôn Dmitry Peskov - Ảnh: AFP

Người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov hôm 14.10 cho biết Điện Kremlin "cảm thấy tiếc" khi lời đề nghị đàm phán giải quyết vấn đề Syria của quan chức cấp cao Nga không được Washington đáp lại, hãng thông tấn Itar TASS cho hay.
“Giờ đây chúng tôi chỉ có thể thể hiện sự tiếc nuối”, ông Peskov nói các nhà báo ở Nga. “Mọi sự từ chối đối thoại trong một tình huống nhạy cảm như Syria đều không tạo điều kiện để cứu quốc gia này cũng như toàn bộ khu vực đang bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm đóng", ông nói tiếp.
Cùng với đó, Moscow cũng tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch ở Syria và hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, nhân vật Mỹ và phương Tây muốn lật đổ.
Ông Peskov nói rằng Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ định Thủ tướng Dmitry Medvedev làm trưởng đoàn đàm phán sang Washington để cùng giải quyết với người Mỹ những vấn đề ở Syria, trong đó cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết xung đột ở quốc gia Trung Đông này.
Người phát ngôn Tổng thống Nga giải thích vì Ngoại trưởng Sergey Lavrov và người đồng cấp John Kerry của Mỹ có nhiều bất đồng, vì vậy Tổng thống Putin phải chỉ định Thủ tướng Medvedev đi thay, ông Putin cho rằng điều này sẽ mang lại hiệu quả cho cuộc đối thoại giữa 2 bên. Tuy nhiên, đoàn lãnh đạo cấp cao của Nga đã bị Washignton từ chối.
Nhà Trắng chưa lên tiếng về tuyên bố này của phía Nga. Trước đó, Washington thể hiện mong muốn đối thoại với Moscow về vấn đề Syria.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Mỹ không chỉ từ chối đón đoàn cấp cao của Nga, Washington cũng không có ý định gửi người đến Moscow cho bất kỳ cuộc đàm phán nào về vấn đề Syria, theo Itar TASS.
Tuy nhiên, cũng theo Ngoại trưởng Lavrov, dù không muốn bàn vấn đề Syria với người Nga, người Mỹ lại quan tâm đến cuộc đối thoại về giải pháp làm sao để máy bay 2 bên tránh đụng độ trên bầu trời Syria. Cuộc đối thoại này được cho đã có kết quả. Theo đó, Mỹ và Nga sẽ sớm ký thỏa thuận tránh đụng độ trên không phận Syria khi cả 2 tiến hành không kích nhằm tiêu diệt mục tiêu chung là lực lượng của IS.
Nga bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria từ hôm 30.9 và không chỉ nhằm vào IS, kẻ thù chung của Nga và Mỹ, mà cả vào các nhóm nổi dậy Moscow xem là khủng bố. Trong khi đó, Mỹ huấn luyện và tài trợ lực lượng nổi dậy ở Syria để chống IS và lật đổ Tổng thống Assad, đồng minh lâu năm của Nga.

Mỹ sẽ tăng cường tập trận ở Châu Á-Thái Bình Dương

Mỹ sẽ tăng cường và mở rộng quy mô các cuộc tập trận quân sự tại Châu Á-Thái Bình Dương vào năm tới bằng việc mời thêm các đối tác mới, bên cạnh các quốc gia đồng minh truyền thống, tờ The Diplomat trích dẫn một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.

tau hai quan my va philippines trong lan tap trung gan day (anh: flickr)

Tàu hải quân Mỹ và Philippines trong lần tập trung gần đây (Ảnh: Flickr)

Chuẩn Đô đốc Charlie Williams, người đứng đầu Đội đặc nhiệm 73, thuộc Hạm đội 7 của Mỹ tiết lộ với tờ The Diplomat rằng Mỹ hiện đã lên danh sách một loạt các kế hoạch tập trận với các quốc gia đồng minh Châu Á, trong đó đáng chú ý là tập trận “Hợp tác Tác chiến trên biển” với sự tham dự của 9 quốc gia Nam Á và Đông Nam Á.

Ngoài ra, Mỹ cùng Việt Nam và 6 nước khác tổ chức một cuộc tập trận hải quân khác với quy mô nhỏ hơn, Chuẩn Đô đốc Williams cho hay.

“Washington đang tìm cách đa phương hóa các hoạt động tập trận bằng việc mời thêm 2 nước Châu Á khác cùng tham gia dự”, vị đô đốc trên cho biết. Tuy nhiên, ông cũng không tiết lộ 2 nước được mời là những nước nào.

Chuẩn Đô đốc Williams, người tham gia trực tiếp vào việc kế hoạch tổ chức và hỗ trợ cho hoạt động tập trận trên biển của Mỹ, lưu ý chủ đề của các cuộc tập trận sắp tới sẽ tập trung xoanh quanh các vấn đề như viện trợ nhân đạo và tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải hay tuần tra biển, tùy thuộc vào lực lượng nào phía Mỹ sẽ triển khai cũng như quy mô của các cuộc tập trận.

“Tôi nghĩ các cuộc tập trên sẽ thành công và các nước đối tác nằm trong danh sách khách mời hy vọng sẽ tham dự đầy đủ”, theo vị tư lệnh này.

Đáng chú ý, các đồng minh tại Châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ đã tích cực hợp tác với Mỹ trong các cuộc tập trận chung trong những năm gần đây.

Giới chức quân sự Mỹ đưa ra những lời bình luận trên trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sau khi Mỹ gần đây đánh tiếng sẽ phái tàu chiến và máy bay tuần tra khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp và xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Theo một báo cáo Lầu Năm Góc đưa ra hồi tháng 7/2015, Bắc Kinh hiện đã nâng diện tích đất bồi đắp tại các bãi lên hơn 1.173 ha tính đến tháng 6 năm nay.


Tàu ngầm Ấn Độ tự chế sắp phóng tên lửa đạn đạo

Sau khi chạy thử nghiệm thành công trên biển, chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên có tên gọi INS Arihant do Ấn Độ tự chế tạo dự kiến sẽ bắt đầu phóng thử tên lửa trong tháng này, trang mạng The New Indian Express đưa tin.

mot tau ngam cua an do (anh: diplomat)

Một tàu ngầm của Ấn Độ (Ảnh: Diplomat)

Một khi thử thành công, tàu ngầm INS Arihant sẽ được Hải quân Ấn Độ cho ra mắt trong dịp nước này đứng ra tổ chức Triển lãm hạm đội quốc tế vào tháng 2/2016 tại thành phố cảng Visakhapatnam, tờ The Diplomat trích dẫn một quan chức quân sự Ấn Độ cho biết.

Loại tên lửa được phóng thử lần này là tên lửa hành trình tầm xa bán siêu âm có tên là Nirbhay, vốn được coi là khắc tinh với tên lửa Tomahawk của Mỹ và tên lửa Babur của Pakistan, được Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) sản xuất. Vụ phóng thử tên lửa Nirbhay là một trong 2 kế hoạch thử tên lửa của Ấn Độ trong tháng này.

“Tên lửa Nirbhay sẽ được phóng từ tàu ngầm INS Arihant và vụ thử tiếp theo sẽ là một loại tên lửa khác. Cho đến nay các vụ chạy thử tàu ngầm đều thành công”, vị quan chức này cho biết.

Trong lần thử tiếp theo có thể là loại tên lửa đạn đạo mang tên K-15 Sagarika có tầm bắn 700-750km cùng tên lửa K-4, một loại tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng từ tàu ngầm có tầm bắn 3.500km, đều do tổ chức DRDO sản xuất. Tầm bắn tối đa của tên lửa Nirbhay khoảng 1.000km, theo truyền thông Ấn Độ.

Cả tên lửa Nirbhay, K-15 và K-4 đều có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, các đợt phóng thử tên lửa Nirbhay tiến hành trước đó vào tháng 3/2013 và tháng 10/2014 chỉ mới thành công một phần, một quan chức thuộc tổ chức DRDO cho hay.

Nếu như lần thử này (tên lửa Nirbhay) không thành công và tất nhiên loại tên lửa này chưa thể đưa vào sử dụng trong tương lai gần, thì đây sẽ là những bước cản lớn nhất để tàu ngầm INS Arihant trở thành bộ 3 vũ khí tấn công nguyên tử của Ấn Độ, trong bối cảnh tầm bắn của tên lửa K-15 còn hạn chế. Điều này có nghĩa là tàu ngầm trên phải đáp ứng yêu cầu áp sát mục tiêu để phóng tên lửa mà không bị phát hiện.

Hơn nữa, theo quan chức trên, chính sách vũ khí hạt nhân của Ấn Độ sẽ tập trung vào học thuyết không sử dụng loại vũ khí tối tân nhất (viết tắt là NFU). Điều mà quốc gia Nam Á đang theo đuổi là nâng cao khả năng tấn công từ loại vũ khí hạng 2 nhưng phải đáng tin cậy.

Tuy nhiên, báo cáo tổ chức Hòa bình quốc tế Carnegie ra vào tháng 5/2015 chỉ ra rằng Ấn Độ cũng giống như Pakistan đều được cộng đồng thế giới biết đến là các quốc gia sử hữu vũ khí đầu đạn hạt nhân, nhưng với tàu ngầm INS Arihant, thì tên lửa đạn đạo hiện có là K-15 phải trang bị thêm đầu đạn hạt nhân trước khi được lắp đặt trên tàu ngầm trên.

Chiếc tàu ngầm INS Arihant do Ấn Độ tự chế tạo dựa trên Dự án 971 Akula I-class của Nga nhằm chế tạo tàu chiến tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tàu ngầm INS Arihant là chiếc đầu tiên của hạm đội tàu ngầm gồm 4 chiếc của Ấn Độ, trong khi truyền thông đồn đoán là hạm đội gồm 5 chiếc.

Hiện quốc gia Nam Á đã bắt tay đóng chiếc tàu ngầm thứ hai mang tên INS Aridhaman trong năm nay.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục