tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 17-10-2015

  • Cập nhật : 17/10/2015

Mỹ: Đi lại ở Biển Đông không phải hành động khiêu khích

Các tàu chiến của Mỹ có quyền đi qua vùng biển quốc tế ở Biển Đông, bao gồm cả những khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và không thể coi đó là hành vi khiêu khích.

do doc john richardson (trai) va thu tuong nhat ban shinzo abe - anh: abcnews.com

Đô đốc John Richardson (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: abcnews.com

Đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải quân Mỹ, khẳng định như trên ngày 15-10.

Tuyến hàng hải qua Biển Đông là nơi những chuyến tàu chở hàng với tổng giá trị thương mại 5.000 tỉ USD đi qua mỗi năm.

Trước đó, Trung Quốc đã nói sẽ không chấp nhận việc các nước khác “xâm phạm lãnh hải” của họ nhân danh tự do hàng hải.

Nhưng Mỹ khẳng định luật pháp quốc tế cấm tuyên bố chủ quyền xung quanh các đảo nhân tạo xây trên những rặng san hô ngầm và nửa nổi, điều mà Trung Quốc ráo riết thực hiện bất chấp luật pháp và sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế suốt một thời gian dài qua.

“Không ai ngạc nhiên nếu chúng tôi thực hiện quyền tự do hàng hải ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép” - đô đốc John Richardson nói với các phóng viên ở Reuters.

“Tôi không hiểu vì sao những hành động như thế lại bị coi là khiêu khích”.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trên Tân Hoa xã: “Chúng tôi cực lực phản đối bất cứ nước nào gây nguy hại cho chủ quyền và an ninh của nước khác nhân danh tự do hàng hải và hàng không”.

Báo Trung Quốc Global Times đã viết trong một bài xã luận rằng các cuộc tuần tra của Mỹ ở Biển Đông không phải là bảo vệ tự do hàng hải, mà là thể hiện sức mạnh và khẳng định vị thế độc tôn của Mỹ trên trường quốc tế.

“Hải quân và không quân Trung Quốc cần chuẩn bị sẵn sàng, dõi theo các hành động gây hấn quân sự của Mỹ và đáp trả thích đáng”, tờ báo viết.

Một số nhà phân tích ở Washington nói với Reuters rằng Mỹ có thể đã quyết định sẽ tiến hành các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải bên trong ranh giới 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố sau khi xây đắp các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.

Ngày 13-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã khẳng định quân đội Mỹ được phép hiện diện ở bất cứ đâu mà pháp luật cho phép.

Ông Richardson đưa ra phát biểu cụ thể hóa nhận xét của cấp trên mình nhân chuyến thăm 12 ngày tới châu Á và châu Âu, bắt đầu ở Nhật Bản.


Ukraine đòi Nga bồi thường 1.000 tỷ USD

Kiev cáo buộc Nga can thiệp vào miền đông Ukraine, đồng thời đòi Moscow bồi thường 1.000 tỷ USD vì sáp nhập bán đảo Crimea.
thu tuong ukraine arseny yatsenyuk. anh: ria novosti.

Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk. Ảnh: RIA Novosti.

"Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các thủ tục pháp lý", RT dẫn lời Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk nói. Theo đó, Kiev yêu cầu Moscow trả 1.000 tỷ USD để bồi thường việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và can thiệp vào vùng Donbass. Nga luôn bác bỏ các cáo buộc này.

Theo Thủ tướng Yatsenyuk, Kiev sẽ đề nghị Moscow thêm một lần nữa vào ngày 29/10 để "họ quyết định có chấp nhận các điều kiện của Ukraine hay không". Ukraine đang nợ Nga 3 tỷ USD với hạn thanh toán là tháng 12.

Chính phủ Nga lập tức bác bỏ đòi hỏi của Ukraine.

"Crimea là lãnh thổ Liên bang Nga. Donbass là lãnh thổ Ukraine. Sao họ lại đưa ra số tiền 1.000 tỷ USD? Điều này không rõ ràng", Itar-Tass dẫn lời ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói.

Ukraine cuối tháng 8 ký thỏa thuận tái cấu trúc với các chủ nợ phương Tây nhằm giảm nợ công. Kiev cùng ủy ban chủ nợ, do Franklin Templeton dẫn đầu, thống nhất xóa 20% trong tổng số nợ 18 tỷ USD. Franklin Templeton là công ty đầu tư đang nắm giữ số trái phiếu chính phủ Ukraine trị giá khoảng 7 tỷ USD.

Thủ tướng Ukraine còn kêu gọi Nga "tham gia cùng các quốc gia khác tái cấu trúc nợ của Kiev". Moscow từng nhiều lần khẳng định không muốn tái cấu trúc nợ cho Kiev và dự định dùng tiền đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ Nga.

Chính sách hiện tại của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ cho phép quốc gia thành viên trễ hạn trả nợ cho nhà đầu tư tư nhân, trong khi đó, Moscow nhấn mạnh nợ của Kiev là nợ quốc gia. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết IMF có thể sẽ thay đổi nguyên tắc trên và nếu thực hiện thì đây là hành động nhằm "đóng băng các khoản nợ đối với Nga".


Philippines lưỡng lự tuần tra chung với Mỹ ở Trường Sa

Philippines ủng hộ Mỹ cử tàu áp sát đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp ở Trường Sa nhưng chưa có kế hoạch tuần tra chung tại đây. 
phuong tien do bo tan cong cua thuy quan luc chien my tang toc qua mot con tau trong cuoc tap tran voi quan doi philippines o san antonio, tinh zambales. anh: afp

Phương tiện đổ bộ tấn công của thủy quân lục chiến Mỹ tăng tốc qua một con tàu trong cuộc tập trận với quân đội Philippines ở San Antonio, tỉnh Zambales. Ảnh: AFP

Philippines hôm qua cho biết họ không có thông tin về kế hoạch tuần tra và tập trận chung với Mỹ ở vùng biển gần đảo nhân tạo. "Điều chúng tôi biết là các cuộc tập trận liên quan đến Hiệp ước Phòng thủ Chung đã lên kế hoạch từ trước", báo Phil Star dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez cho hay.

Bộ Ngoại giao Philippines tuần này hoan nghênh kế hoạch Mỹ triển khai tàu vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cho rằng hành động "sẽ phù hợp với luật quốc tế và trật tự dựa trên cơ sở luật pháp trong khu vực". 

Cơ quan này cho rằng sự thất bại trong việc thách thức những tuyên bố chủ quyền sai trái sẽ làm xói mòn trật tự này, dẫn Trung Quốc đến kết luận sai trái rằng tuyên bố của nước này được chấp nhận là chuyện đã rồi. Bộ Ngoại giao Philippines kêu gọi cộng đồng quốc tế cần bảo vệ tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông. 

Financial Times và Navy Times tuần trước đưa tin Mỹ sẽ đưa tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong vòng hai tuần tới.

Phản ứng trước thông tin, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua tuyên bố các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực này, theo luật pháp quốc tế.


Australia sẽ không điều tàu đến Trường Sa cùng Mỹ

Bộ trưởng Australia nói rằng nước này sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tuần tra hải quân nào của Mỹ nhằm thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và không đứng về phe nào trong tranh chấp.
bo truong thuong mai australia andrew robb. anh: sydney morning herald

Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb. Ảnh: Sydney Morning Herald

Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb đưa ra bình luận sau khi Ngoại trưởng Australia Julie Bishop gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào tuần này. Bà Bishop đã nói rằng Australia "có quan điểm đồng thuận với Mỹ" về Biển Đông. Mỹ đang xem xét điều tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở vùng biển này.

"Về vấn đề đó, chúng tôi không đứng về phe nào", Bloomberg dẫn lời ông Robb, hôm qua nói. "Chúng tôi sẽ không tham gia vào bất kỳ hoạt động trinh sát hoặc bất cứ hoạt động nào khác Mỹ đã nêu ra".

Australia cần tìm cách bảo vệ tuyến đường thương mại đến phía bắc nước này, mà không làm căng thẳng quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và là khách hàng quặng sắt và than đá quan trọng của Australia.

Gần ba phần tư lượng hàng hóa thương mại của Australia đi qua Biển Đông, ông Robb nói. "Vì vậy, hoàn toàn hợp lý khi chúng tôi quan tâm đến việc đảm bảo rằng hàng hóa của chúng tôi đi qua suôn sẻ".

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews hồi tháng 5 nói rằng Canberra sẽ tiếp tục tiến hành các chuyến bay giám sát trên Biển Đông. "Chúng tôi đã trinh sát khu vực này gần 35 năm qua", ông nói. "Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục làm điều đó trong tương lai".

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên tiến hành cải tạo đất phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi việc làm của các bên khác trên hai quần đảo mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều bất hợp pháp và vô giá trị.

Khi được hỏi về thông tin Mỹ sắp điều tàu tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: "Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực này".


Nga đưa vũ khí hủy diệt tới Syria đánh IS

Nga triển khai hệ thống phóng lửa nhiệt áp vào Syria để tiếp thêm sức mạnh cho chiến dịch không kích tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS.

he thong ten lua tos-1a cua nga - anh: reuters

Hệ thống tên lửa TOS-1A của Nga - Ảnh: Reuters

Các hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội Facebook gần đây cho thấy ít nhất một hệ thống TOS-1A được gắn trên chiếc xe tăng T-72 của lực lượng quân đội Syria. Máy phóng đa tên lửa di động TOS-1A là vũ khí có tính hủy diệt cao nhất mà Matxcơva đưa đến Syria.

Trang IBTimes dẫn nguồn một tờ báo Nga cho biết hệ thống TOS-1A Solntsepyok được đưa tới Syria hồi đầu tháng này nhưng chưa rõ có bao nhiêu hệ thống được đưa đến.

TOS-1A là hệ thống phóng tên lửa có 24 đến 30 nòng và là vũ khí nhiệt áp có thể dễ dàng san phẳng một lúc 8 dãy nhà. Các tên lửa nhiệt áp khi được phóng ra sẽ giải phóng một đám mây chất lỏng gây cháy xung quanh mục tiêu rồi châm lửa đốt số nhiên liệu này.

Sức tàn phá khủng khiếp của vũ khí này là do các vụ nổ sẽ kéo dài hơn với các sóng xung kích nóng hơn và mạnh hơn những đầu đạn thông thường.

Ngoài ra, việc đốt cháy toàn bộ khí oxy xung quanh sẽ tạo ra khoảng chân đủ mạnh để gây ra các nội thương nghiêm trọng, phá hủy các cơ quan quan trọng như phổi.

Theo kết quả nghiên cứu của CIA hồi 1993, sức công phá của vũ khí nhiệt áp đối với mục tiêu trong một không gian khép kín như tòa nhà, hầm trú ẩn và đường hầm là “cực lớn”.

"Những thứ ở quanh đó đều bị xóa sổ. Những người ở gần nhiều khả năng sẽ bị nội thương và bị các thương tổn không nhìn thấy được, như rách màng nhĩ và tổn thương tai trong, vỡ phổi và các cơ quan bên trong và có thể mù" – nghiên cứu cho biết.

Hệ thống TOS-1A được quân đội Nga sử dụng từ năm 2001 và đã xuất khẩu sang nhiều nước khác gồm Azerbaijan, Kazakhstan và Iraq.

Bộ quốc phòng Nga hôm 14-10 cho biết các máy bay chiến đấu của Matxcơva tấn công 40 mục tiêu IS trong vòng 24 giờ phá hủy nhiều trại đào tạo và kho vũ khí của tổ chức khủng bố này.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục