tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 21-01-2016

  • Cập nhật : 21/01/2016

Nhật cảnh cáo tàu Trung Quốc khi đi vào vùng tranh chấp

Hôm qua 19-1, Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF)  ra tín hiệu cảnh cáo khi một số tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên các tàu Trung Quốc phớt lờ. 

quan dao senkaku/dieu ngu do nhat kiem soat - anh: asahi

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật kiểm soát - Ảnh: Asahi

Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố Bắc Kinh trước đó chưa từng công nhận tuyên bố chủ quyền của Nhật đối với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Ông này cũng hùng hổ khẳng định trong thời gian tới, tàu Trung Quốc sẽ tiếp tục đi qua vùng biển trên.

Phản ứng của Trung Quốc được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani khẳng định lực lượng phòng vệ biển nước này có thể sẽ được cử đến tuần tra trên lãnh thổ xung quanh quần đảo, nếu phía Trung Quốc vẫn không ngừng xâm phạm.

Trước đó, tàu có vũ trang của Trung Quốc cũng từng có hành động tương tự vào ngày 26-12 và 8-1.

Tướng Nakatani từ chối cung cấp thêm chi tiết về các cuộc xâm nhập này, cũng như phản ứng tiếp theo của Nhật. Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông trung ương Trung Quốc, Nhật đang có kế hoạch triển khai tàu chiến đến ép tàu Trung Quốc rút ra khỏi vùng biển trong vòng 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp.

Bên cạnh đó, các chuyên gia an ninh cũng cho biết rất có khả năng Mỹ sẽ can thiệp nếu tình hình chuyển biến theo hướng tiêu cực, nhờ hiệp ước phòng thủ chung mà hai nước ký kết sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc.


Nhật viện trợ 350 triệu USD cho người tị nạn Iraq, Syria

Quyết định viện trợ được quốc hội Nhật Bản thông qua ngày 20-1. Ngoài khoản tiền 350 triệu USD, Nhật cũng dành nhiều viện trợ khác cho người tị nạn trốn chạy bạo lực ở Iraq và Syria.

nguoi ti nan syria o mafraq, jordan - anh: reuters

Người tị nạn Syria ở Mafraq, Jordan - Ảnh: Reuters

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida, gói viện trợ này nhằm giúp cho "sự ổn định của Syria và Iraq".

"Nhật Bản sẽ dành những nỗ lực đặc biệt để hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria và Iraq, như cung cấp thực phẩm, nước và giáo dục, mang lại ổn định cho các khu vực đã được giải phóng khỏi sự cai trị của chủ nghĩa khủng bố", ông Kishida nói.

Nhật Bản sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 trong năm nay, và theo ông Kishida, các vấn đề như "chủ nghĩa khủng bố, Trung Đông, người tị nạn và người sơ tán" dự kiến sẽ được đưa ra bàn bạc bên cạnh các chủ đề khác.

Chính phủ Nhật cũng sẽ giúp "khôi phục lại một xã hội ổn định và khoan dung ở Trung Đông", ông Kishida nói, tuy nhiên không cung cấp thông tin chi tiết.

Mặc dù tiếp nhận khá ít người tị nạn, Nhật Bản dành nhiều khoản viện trợ cho đối tượng này. Năm ngoái, Tokyo đã chi 810 triệu USD để giúp người tị nạn bên trong và bên ngoài Iraq và Syria - gấp 3 lần khoản viện trợ của năm trước đó.


Thứ trưởng Mỹ kêu gọi Trung Quốc ủng hộ cấm vận Triều Tiên

Ngày 20-1, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken lên tiếng kêu gọi Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm trừng phạt CHDCND Triều Tiên vì vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ tư.

thu truong ngoai giao my antony blinken (trai) bat tay voi bo truong quoc phong han quoc han min-koo trong cuoc gap hom nay o seoul - anh: reuters

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (trái) bắt tay với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-Koo trong cuộc gặp hôm nay ở Seoul - Ảnh: Reuters

Theo AFP, đến thăm Hàn Quốc ông Blinken mô tả CHDCND Triều Tiên là “nguồn gây bất ổn lớn nhất ở châu Á” và nhấn mạnh Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc kiềm chế nước này vì “mối quan hệ đặc biệt” giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

“Chúng tôi hi vọng Trung Quốc sẽ thể hiện sự lãnh đạo trong vấn đề này - ông Blinken tuyên bố sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-Se - Tất cả các nước trong khu vực đều muốn ổn định. Chúng ta phải cùng nhau xử lý vấn đề CHDCND Triều Tiên”.

Ông Blinken cũng tiết lộ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang xem xét nhiều biện pháp cấm vận mới đối với CHDCND Triều Tiên. “Tất cả mọi thứ đều đang được đưa lên bàn để xem xét” - ông Blinken khẳng định. Ông Yun cho rằng CHDCND Triều Tiên “muốn chống lại cả thế giới”.

Ngày mai ông Blinken sẽ tới Bắc Kinh và gặp các quan chức ngoại giao Trung Quốc. Tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng sẽ đến Trung Quốc để gây sức ép với nước này về vấn đề CHDCND Triều Tiên.

Trung Quốc là đồng minh duy nhất của CHDCND Triều Tiên, tuy nhiên giới quan sát nhận định quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng đã xấu đi đáng kể sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-Un lên nắm quyền.

Đồng thời, Trung Quốc cũng không muốn mạnh tay với CHDCND Triều Tiên vì muốn duy trì “vùng đệm” ngăn chặn lực lượng Mỹ tiến sát biên giới nước này.


CSIS cảnh báo Mỹ mất lợi thế ở châu Á - Thái Bình Dương

Ngày 20-1, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) công bố báo cáo cảnh báo cân bằng quyền lực quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương đang dịch chuyển theo hướng bất lợi đối với Mỹ.

mot tau san bay my hoat dong tai chau a - anh: us navy

Một tàu sân bay Mỹ hoạt động tại châu Á - Ảnh: US Navy

Báo cáo do các chuyên gia CSIS thực hiện cho Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy chiến lược “tái cân bằng lực lượng” của Tổng thống Mỹ Barack Obama ở châu Á không đủ hiệu quả để bảo vệ lợi ích của Washington tại khu vực.

“Các hành động của Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đang liên tục thách thức các cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực. Với tốc độ phát triển năng lực quân sự hiện tại của Mỹ, sự cân bằng quyền lực quân sự ở khu vực đang dịch chuyển theo hướng chống lại Mỹ” - báo cáo viết.

Theo Reuters, trước đó các lãnh đạo Lầu Năm Góc và nhiều nghị sĩ Mỹ từng cảnh báo nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ để đối phó với những hành vi gây hấn của Trung Quốc tại châu Á và các mối đe dọa khác đang giảm sút. Nguyên nhân là do Lầu Năm Góc buộc phải cắt giảm chi tiêu để chống thâm hụt ngân sách.

Báo cáo của CSIS đưa ra bốn đề xuất. Thứ nhất là Nhà Trắng cần phát triển một chiến lược tái cân bằng duy nhất thay vì bối rối như hiện nay. Chính phủ Mỹ nên tăng cường hợp tác với Quốc hội một các hiệu quả hơn để thực hiện chiến lược này.

Thứ hai, Washington cần đẩy nhanh các nỗ lực tăng cường sức mạnh cho các nước đồng minh và đối tác khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải. “Rất nhiều quốc gia khu vực đang gặp khó khăn trong việc xử lý các rủi ro an ninh hàng hải” - CSIS nhấn mạnh.

Thứ ba, Mỹ cần mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương. Cuối cùng là Mỹ nên đẩy nhanh phát triển năng lực quân sự của lực lượng vũ trang, bao gồm năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo của kẻ thù có khả năng tấn công tàu chiến và các căn cứ Mỹ ở châu Á.


Ấn Độ sẽ xây hàng rào laser dọc biên giới Pakistan

Chính quyền Ấn Độ đang lên kế hoạch xây dựng một hàng rào laser dọc biên giới với Pakistan sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào một căn cứ không quân của Ấn Độ hồi đầu tháng 1. 

binh si an do canh gac doc bien gioi voi pakistan - anh: afp

Binh sĩ Ấn Độ canh gác dọc biên giới với Pakistan - Ảnh: AFP

Theo báo South China Morning Post, Ấn Độ sẽ đưa vào sử dụng công nghệ tường laser do Lực lượng An ninh biên giới phát triển dọc khu vực “nhạy cảm” giáp ranh với Pakistan.

Một quan chức Bộ Nội vụ Ấn Độ tiết lộ khu vực trên bao gồm tất cả vùng ven sông và những nơi chưa có hàng rào ở bang Punjab, miền Đông Bắc Ấn Độ.

Hãng tin Press Trust of India cho biết công nghệ tường laser đặc biệt này có khả năng kích hoạt còi báo động mỗi khi có người đi qua, nhờ đó giúp lực lượng quân sự Ấn Độ phản ứng kịp thời trước bất cứ sự cố nào.

Hiện hệ thống tường laser trên đã được đưa vào kiểm nghiệm dọc biên giới Ấn Độ và Pakistan ở vùng Kashmir.

Động thái trên được đưa ra sau vụ tấn công đẫm máu ngày 2-1 nhằm vào căn cứ không quân tại Pathankot, bang Punjab, Ấn Độ, khiến 7 người thiệt mạng.

Sau 14 giờ đọ súng với lực lượng an ninh Ấn Độ, toàn bộ 4 kẻ tấn công đều bị tiêu diệt. Những kẻ này bị tình nghi là nhóm phiến quân Jaish-e-Mohammed, có căn cứ tại Pakistan từng thực hiện vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội Ấn Độ hồi tháng 12-2001 làm 11 người thiệt mạng.

Sự kiện đẫm máu trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi có chuyến thăm đầu tiên đến Pakistan sau 11 năm, làm nhen nhóm hy vọng mối cựu thù sẽ được giảm nhẹ giữa hai quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân này.

Trong một diễn biến liên quan, quân đội Pakistan ngày 19-1 tuyên bố nước này đã thực hiện thành công vụ phóng thử tên lửa hành trình tự chế mang tên “Ra'ad” với tầm bắn 350 km.

Tuyên bố trên nêu rõ: “tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) tối tân Ra'ad được trang bị hệ thống dẫn đường và định vị hiện đại, đảm bảo tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao”.

Đây là động thái mới nhất trong một loạt vụ thử nghiệm tên lửa của Pakistan và Ấn Độ kể từ khi cả hai nước bắt đầu chạy đua vũ khí hạt nhân năm 1998. 

Trước đó 4 ngày, Pakistan cũng đã bắn thử thành công một quả tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục