tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 03-02-2016

  • Cập nhật : 03/02/2016

Mỹ sẽ chi 13 tỉ USD phát triển loại tàu ngầm hạt nhân mới

do hoa mo phong tau ngam the he moi thay the cho lop ohio - anh: vien nghien cuu hai quan my

Đồ họa mô phỏng tàu ngầm thế hệ mới thay thế cho lớp Ohio - Ảnh: Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ


Trong đề xuất ngân sách quốc phòng trong 5 năm tới của Mỹ, 13 tỉ USD dự kiến sẽ được dành cho dự án nghiên cứu phát triển loại tàu ngầm hạt nhân mới, theo Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 2.2 dự kiến vạch ra những ưu tiên trong việc chi tiêu số tiền 583 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng năm 2017, trước khi những công bố chính thức này được đưa ra vào ngày 9.2.

Reuters ngày 1.2 dẫn lời một nguồn tin thân cận cho biết, kế hoạch trong 5 năm tới của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ có 13 tỉ USD dành cho việc nghiên cứu chế tạo loại tàu ngầm hạt nhân mới. Theo đó, Hải quân Mỹ sẽ chi hơn 4 tỉ USD cho việc nghiên cứu phát triển thế hệ tàu ngầm mới, trong khi kinh phí cho việc triển khai đóng vào khoảng 9 tỉ USD.

Kế hoạch này nằm trong dự án tài trợ cho bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ, trong đó bao gồm máy bay ném bom mới, tàu ngầm thay thế cho lớp tàu ngầm chiến lược Ohio mang đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa được trang bị đầu đạn hạt nhân mới.

Các đề xuất cho ngân sách trong năm tài khóa 2017 sẽ nhắm đến việc tài trợ mua sắm nguyên vật liệu cho tàu ngầm mới, dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2021 mới đầy đủ.

Tập đoàn General Dynamics sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc nghiên cứu lớp tàu ngầm mới thay thế lớp Ohio. Theo thông tin trước đó, thế hệ mới này là loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược SSBN (X).

bo truong quoc phong my ashton carter se vach ra ke hoach uu tien trong de xuat ngan sach quoc phong 5 nam toi cua my, truoc khi cong bo chinh thuc duoc dua ra vao ngay 9.2 - anh: reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ vạch ra kế hoạch ưu tiên trong đề xuất ngân sách quốc phòng 5 năm tới của Mỹ, trước khi công bố chính thức được đưa ra vào ngày 9.2 - Ảnh: Reuters

Ngoài ra, kế hoạch tới đây của Mỹ cũng sẽ bao gồm các đơn đặt hàng cho hãng Boeing và Lockheed Martin để mua máy bay chiến đấu, và thay đổi chiến lược máy bay do thám trên tàu sân bay theo hướng tập trung nhiều hơn vào việc thu thập tin tức và tiếp nhiên liệu, thay vì nhiệm vụ chiến đấu, theo Reuters.

Hãng Boeing sẽ nhận được hơn 1 tỉ USD cho các đơn đặt hàng mới. Hải quân Mỹ sẽ yêu cầu tài trợ cho việc mua 2 chiếc máy bay F/A-18E/F Super Hornet trong năm tài khóa 2017, và 14 chiếc khác trong năm 2018. Theo nguồn tin của Reuters, có thể Hải quân Mỹ sẽ yêu cầu bổ sung thêm 12 chiếc F/A-18E/F Super Hornet theo hạng mục những mặt hàng ưu tiên không được tài trợ của năm 2017.

se co 64 tiem kich f-35c dat hang cho hang lockheed martin trong de xuat ngan sach quoc phong moi cua my - anh: reuters

Sẽ có 64 tiêm kích F-35C đặt hàng cho hãng Lockheed Martin trong đề xuất ngân sách quốc phòng mới của Mỹ - Ảnh: Reuters

Trong khi đó, kế hoạch ngân sách quốc phòng 5 năm tới cũng sẽ mua 161 tiêm kích F-35 của hãng Lockheed Martin, trong đó có 64 chiếc thuộc dòng C dành riêng cho tàu sân bay và 97 chiếc dòng B có thể cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng (cho Thuỷ quân lục chiến).


Trung Quốc bắt một người Nhật với cáo buộc làm gián điệp

Chính phủ Nhật ngày 1.2 cho biết Trung Quốc đã chính thức thông báo với Nhật về việc bắt một công dân Nhật với cáo buộc làm gián điệp.
Theo lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, chính phủ Trung Quốc cho biết vụ bắt giữ diễn ra từ tháng 6.2015 nhưng đến nay phía Trung Quốc mới thông báo. Như vậy, Trung Quốc hiện đang giam giữ 4 công dân Nhật, đều cáo buộc họ tội làm gián điệp.
Thông báo kể trên của Trung Quốc xảy ra giữa lúc căng thẳng Trung - Nhật đang dâng cao, gần đây là việc Nhật tuyên bố thành lập một phi đội mới - phi đội số 9 - bao gồm 40 chiếc F-15 nhằm bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Trung Quốc. Phi đội này bao gồm 1.500 binh sĩ. Đây là lần đầu tiên trong vòng 51 năm, lực lượng phòng vệ Nhật lập một phi đội mới, theo UPI.
Thời gian qua, 2 bên liên tục "lời qua tiếng lại" xung quanh việc Trung Quốc cho tàu đến gần Senkaku/Điếu Ngư, còn Nhật tuyên bố khu vực 12 hải lý xung quanh quần đảo này là thuộc lãnh hải của mình.
Chính quyền Nhật cũng mạnh mẽ thách thức Trung Quốc với tuyên bố hôm 1.2 rằng Nhật ủng hộ việc Mỹ đưa tàu khu trục USS Curtis Wilbur vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp. Chánh văn phòng Suga tuyên bố Nhật ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông, nói thêm rằng điều này "cực kỳ quan trọng đối với cộng đồng quốc tế".

Giới quân đội Trung Quốc đòi phản ứng mạnh với Mỹ

Nhiều cựu sĩ quan Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh phản ứng mạnh với Mỹ sau khi tàu khu trục hạm USS Curtis Wilbur đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 30.1.
Trong đó, đại tá về hưu Nhạc Cương cho rằng Bắc Kinh chỉ cảnh báo tàu chiến Mỹ là chưa đủ mà cần phải có hành động cứng rắn hơn, theo tờ South China MorningPost ngày 1.2. Ông Nhạc tự tin khẳng định hành động cứng rắn của Bắc Kinh đối với Washington sẽ không dẫn đến chiến tranh vì hai bên không muốn điều đó xảy ra.
Còn thiếu tướng về hưu Từ Quang Dụ cho rằng Bắc Kinh đã chuẩn bị các phương án khác nhau để đáp trả Washington, có thể tăng tốc xây dựng ở Biển Đông và triển khai máy bay quân sự thử nghiệm các đường băng ở khu vực.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu Tra Hiểu Cương tại Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải lên giọng cảnh báo nếu Mỹ tiếp tục gây sức ép đối với Trung Quốc, một vụ đụng độ nhỏ có thể xảy ra, buộc Bắc Kinh phải có những biện pháp đáp trả, kể cả hành động quân sự.
Tờ Hoàn Cầu thời báo cũng đăng bài xã luận kêu gọi Trung Quốc “tăng tốc phát triển các khả năng tấn công chiến lược, kể cả khả năng tấn công hạt nhân”. Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cáo buộc Mỹ đang tìm kiếm bá quyền trên biển dưới danh nghĩa quyền tự do hàng hải, theo Reuters.
Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố Tokyo ủng hộ chiến dịch tự do hàng hải mới nhất của Mỹ, đồng thời khẳng định các hành động xây đảo nhân tạo và căn cứ dùng cho mục đích quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đang là “mối quan ngại chung” của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc tử hình 2 người sát hại lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng

lanh dao tinh than cua nguoi tay tang song luu vong tai scotland, choje akong tulku rinpoche - anh chup man hinh lionsroad

Lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng sống lưu vong tại Scotland, Choje Akong Tulku Rinpoche - Ảnh chụp màn hình Lionsroad


Trung Quốc đã kết án tử hình đối với 2 người đàn ông với tội danh sát hại một vị lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng của người Tây Tạng.
Hai bị cáo là Thubten Kunsal và Tsering Palijor. Nạn nhân là Choje Akong Tulku Rinpoche, từng là một trong những lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng, giúp truyền bá đạo Phật cho tông đồ ở phương Tây. Ông Rinpoche từng sống ly hương ở Scotland và sau đó trở thành công dân Anh, theo Reuters ngày 1.2.
Ông Rinpoche cùng người cháu trai và tài xế bị sát hại ở thành phố Thành Đô, tây nam Trung Quốc vào tháng 10.2013. Cảnh sát cho biết nguyên nhân là do tranh chấp về tài chính.
Thủ phạm Thubten Junsal từng là một hoạ sĩ tại tu viện của ông Rinpoche ở Anh từ năm 2002-2011. Kunsal và Paljor bị xử án tử vì đâm chết 3 người kia tại nhà riêng của ông Rinpoche trong một vụ tranh cãi về tiền lương của Kunsal. Một người nữa cũng bị phạt 3 năm tù vì giấu những con dao được dùng để gây án.
Thubten Kunsal và Tsering Paljor thừa nhận liên quan đến vụ án nhưng cho rằng không cố tình làm chết người, theo lời luật sư của 2 người này. Toà án cho biết 2 bị cáo này sẽ làm đơn kháng cáo, người còn lại chưa quyết định có kháng cáo hay không.
Ông Rinpoche là một trong số ít các lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng cân bằng được lợi ích giữa chính phủ Trung Quốc và người Tây Tạng. Ông được người Tây Tạng tôn vinh vì những hành động từ thiện và khuyến khích giáo dục.
Có nhiều uẩn khúc đằng sau cái chết của ông Rinpoche khiến nhiều nhà phân tích cho rằng có bàn tay của chính phủ Trung Quốc đằng sau vụ việc, mặc dù không có bằng chứng nào được tìm thấy, theo Reuters.

Báo Thái Lan: ASEAN trước sự lôi kéo của Mỹ và Trung Quốc

Mỹ đang cố lôi kéo ASEAN về phía mình trong khi Trung Quốc thông qua các lợi ích kinh tế muốn khối này "từ bỏ" Mỹ để cùng song hành với Bắc Kinh. Chính sách nào sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN lựa chọn?
Tờ The Nation (Thái Lan) ngày 1.2 có bài bình luận về mối quan hệ của ASEAN với Mỹ và Trung Quốc. Năm 2016 này, Trung Quốc và ASEAN đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đang thúc đẩy chính sách đối ngoại tiến gần hơn với ASEAN.
Giữa tháng 2.2016, Tổng thống Obama sẽ có cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN ở Sunnylands, bang California. Đây là nơi ông Obama từng tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hơn 2 năm về trước để thúc đẩy mối quan hệ với cường quốc châu Á này.
The Nation nhận định ông Obama xem mối quan hệ Mỹ - ASEAN không thua kém mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc và xem khối này là một đối trọng về kinh tế và cả an ninh chính trị của Mỹ ở châu Á. Tổng thống Obama sẽ cố gắng thực hiện điều này trước khi ông mãn nhiệm.
The Nation còn cho rằng ông Obama đã thuyết phục được hoặc ít nhất sẽ sớm thành công để 4 trong 10 thành viên của ASEAN tham gia vào TPP - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - vốn nhằm khống chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở khu vực này.
Tiếp đến, Washington đã góp tiếng nói khá mạnh mẽ đối với tranh chấp ở Biển Đông và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải ở vùng biển này. Thông qua việc xuất hiện ở Biển Đông, Washington muốn thuyết phục các nhà lãnh đạo ASEAN rằng Mỹ luôn có mặt và sẵn sàng làm đối trọng, giúp họ đối phó với Trung Quốc.
Dưới con mắt của nhiều nước thành viên ASEAN, ông Obama có vẻ gần gũi với ASEAN hơn các tổng thống tiền nhiệm, thậm chí ông Obama còn được xem là thân thiện hơn cả Ngoại trưởng John Kerry, người không tạo nhiều ấn tượng ở châu Á.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nỗ lực tạo dấu ấn lên ASEAN.The Nation cho rằng Bắc Kinh thúc đẩy chính sách “Một vành đai, một con đường” nhằm tạo cầu nối giữa Bắc Kinh với ASEAN. Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra “công thức 2 x 7” cho tương lai của ASEAN - Trung Quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị với ASEAN với “đề nghị 10 điểm”. Năm nay được Trung Quốc xem là năm Trung Quốc - ASEAN.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với vấn đề được xem là "món nợ" đối với ASEAN. Đó chính là Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Năm 2015 được xem là ‘’năm hợp tác hàng hải Trung Quốc -ASEAN’’ với mục tiêu hoàn tất COC, nhưng mục tiêu này không đạt được vì sự trì hoãn từ phía Trung Quốc.
ASEAN đang đứng trước những cơ hội và thách thức từ Mỹ và Trung Quốc. Tờ TheNation cho rằng các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ không bỏ lỡ cơ hội nào từ 2 cường quốc này. Thắt chặt mối quan hệ chiến lược với cả Mỹ và Trung Quốc chính là chính sách đối ngoại mà ASEAN muốn đeo đuổi.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục