tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh sáng 25-04-2016

  • Cập nhật : 25/04/2016

Mỹ yêu cầu sửa khẩn động cơ 176 máy bay Boeing 787

Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) hôm 23-4 đã yêu cầu hãng Boeing sửa ngay động cơ của 176 máy bay dòng Boeing 787 Dreamliner trên toàn thế giới.

mot chiec boeing 787 cua hang ana ha canh khan cap xuong san bay takamatsu, nhat ban hoi thang 1-2013 vi truc trac - anh: reuters

Một chiếc Boeing 787 của hãng ANA hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Takamatsu, Nhật Bản hồi tháng 1-2013 vì trục trặc - Ảnh: Reuters

Theo AFP, việc sửa chữa này nhằm tránh cho động cơ bị dừng đột ngột khi đang bay. FAA gọi đây là một “vấn đề an toàn khẩn cấp”.

Chỉ đạo của FAA quan ngại về một rủi ro đối với hầu hết động cơ tối tân của hãng General Electric ảnh hưởng đến 176 máy bay dòng Boeing 787 Dreamliner trên toàn cầu.

FAA bắt đầu quan ngại sau khi một máy bay Boeing 787 của hãng Japan Airlines đã bị trục trặc động cơ khi đang bay hồi tháng 1.

Mặc dù phi công trên chuyến bay từ Vancouver (Canada) về Tokyo (Nhật Bản) này đã tắt động cơ trục trặc nhưng vụ việc không bị coi là quá nghiêm trọng bởi động cơ còn lại của máy bay khi ấy là phiên bản cũ của cùng mẫu động cơ này nên không vấn đề gì. 

Người phát ngôn Boeing Doug Adler nói vấn đề của động cơ lần này liên quan đến việc đông cứng tự nhiên xảy ra ở cao độ thấp trong mùa đông. 

FAA nói đã ra lệnh chỉnh sửa động cơ để tránh việc băng đá tích tụ trên cánh quạt, điều có thể khiến động cơ bị hư hại và tắt nguồn không thể khởi động lại khi đang bay. 

Trong số này chỉ có 43 máy bay Boeing 787 đang được các hãng hàng không Mỹ vận hành.

Ông Adler nói hiện đã có hơn 40 chiếc Boeing 787 được sửa chữa. Việc sửa chữa này có thể được thực hiện mà không cần tháo động cơ máy bay ra. 

Hồi tháng 2, một chiếc Boeing 787 của hãng ANA của Nhật Bản đã buộc phải hạ cánh xuống Kuala Lumpur (Malaysia) sau khi động cơ quá nóng. 

Năm ngoái, FAA đã ra lệnh sửa một lỗi phần mềm của dòng máy bay này có thể khiến máy bay đột ngột mất điện hoàn toàn. 

Năm 2013, Boeing 787 cũng bị tạm ngưng hoạt động toàn cầu vì một lỗi khác về điện. 

Đầu năm ngoái, nhiều máy bay dòng này cũng bị vấn đề về pin quá nóng, có thể gây cháy trên máy bay. Vấn đề cũng đã được sửa chữa sau đó. 


Mỹ tố 2 công dân Trung Quốc ăn cắp công nghệ quân sự

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc hai công dân Trung Quốc đã xuất khẩu bất hợp pháp các công nghệ và bí mật quân sự cho Trung Quốc.

Tờ Business Insider ngày 23-4 cho hay Fuyi Sun, một công dân Trung Quốc 52 tuổi, đã bị bắt hôm 14-4 vì các cáo buộc xuất khẩu sợi carbon cao cấp, loại chất được sử dụng cho các ứng dụng hàng không quân sự như chế tạo máy bay không người lái.

“Sun đã bị cáo buộc cố gắng mua sợi carbon cao cấp và chuyển cho một đối tượng mà ông nhiều lần xác định là quân đội Trung Quốc” - trợ lý Tổng chưởng lý Carlin nói trong thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ.

“Sợi carbon cao cấp - được sử dụng nhiều trong hàng không vũ trụ và quốc phòng - là loại chất được kiểm soát chặt chẽ và Sun đã sẵn sàng trả giá cao để vi phạm luật xuất khẩu Mỹ”.

“Theo như cáo buộc, Fuyi Sun đã nỗ lực trong nhiều năm để có được sợi carbon cao cấp nhằm xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc” -  chưởng lý bang New York Preet Bharara nói trong cùng thông cáo.

Ông Bharara cho biết: “Đầu tuần này, sau khi đến New York từ Trung Quốc để hoàn tất thỏa thuận, Sun đã nói với các đại lý bí mật rằng sợi carbon ông thu được đã được chuyển cho quân đội Trung Quốc. Và để tránh bị phát hiện, Sun đã chỉ đạo các đại lý bí mật vận chuyển số sợi carbon trong những chiếc hộp không nhãn mác và làm giả chứng từ gửi hàng về những gì được chứa bên trong các chiếc hộp”.

Trong một vụ khác, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Amin Yu, công dân Trung Quốc 53 tuổi sống ở Orlando, bang Florida, hoạt động như một đại lý nước ngoài, xuất khẩu trái phép các thiết bị vi phạm luật Mỹ từ Mỹ sang Trung Quốc và tiến hành rửa tiền cũng như lập các báo cáo sai gửi đến Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ.  

“Theo cáo trạng thay thế, ít nhất từ năm 2002 đến khoảng tháng 2-2014, Yu thu được các linh kiện và hệ thống được dùng để chế tạo các thiết bị chìm dưới biển từ các công ty ở Mỹ” - bản thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ chỉ rõ.

Các cáo buộc trên xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh những cải cách nhằm hiện đại hóa nền quân sự nước này. Theo Business Insider, Trung Quốc có thể đang sử dụng các hoạt động đánh cắp công nghệ quân sự của Mỹ để phục vụ quá trình này. Cả hai trường hợp của Yu và Sun, nếu bị kết tội thì án tù tối đa đối với hai người là 10 năm.


Định bỏ trốn, 45 tay súng IS bị đóng băng đến chết

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vừa bắt 45 tay súng của mình vào một tủ đông lạnh và để họ từ từ đóng băng đến chết sau khi những người này tìm cách đào tẩu.

Kênh truyền hình Al Sumaria News hôm 23-4 đưa tin IS thực hiện vụ hành quyết tập thể ở TP Mosul, một thành trì của chúng tại miền Bắc Iraq. Một nguồn tin cho biết 45 nạn nhân phải chui vào một chiếc tủ đông lạnh dùng trong ngành pháp y suốt 24 giờ, dẫn đến bị chết cóng.

Sau đó, IS mang thi thể đóng băng của họ đặt trên đường phố để răn đe những người còn lại. Tất cả bị buộc tội tìm cách bỏ trốn khỏi Mosul để tránh lực lượng chính phủ Iraq đang tiến tới gần.

Hồi tháng trước, IS cũng quay cảnh hành quyết 2 người đàn ông trong một tòa nhà ở Syria bằng cách cho họ nổ tan xác. Đoạn video có nhan đề “Chạy trốn không có lợi gì cho các người” được quay vào ngày 8-3, theo trang Mirror (Anh).

mot tay sung is phat co tai iraq. anh: reuters

Một tay súng IS phất cờ tại Iraq. Ảnh: REUTERS

Giữa thời điểm bị mất nhiều vùng lãnh thổ vào tay liên quân tại Iraq và Syria, các phần tử IS đều có tâm lý dao động, trong đó có nhiều tên nghĩ cách bỏ trốn để tránh mất mạng. Các nhà phân tích Trung Đông cho biết IS đang tích cực đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền nhằm ngăn thành viên bỏ trốn.

Một trong những cách thức tuyên truyền phổ biến là quay cảnh hành quyết tù nhân. IS từng hành quyết tù nhân dã man bằng việc nhốt họ vào một cái lồng rồi dìm xuống hồ nước, quấn dây thuốc nổ quanh cổ tù nhân rồi kích hoạt, thiêu sống con tin trong lồng thép…

ong siddique bi sat hai hom 23-4. anh: epa

Ông Siddique bị sát hại hôm 23-4. Ảnh: EPA

Trong một diễn biến khác, IS vừa nhận trách nhiệm vụ giết chết một giáo sư đại học tại Bangladesh. Những kẻ tấn công dùng vũ khí sắc nhọn đâm chết giáo sư Rezaul Karim Siddique khi ông đang trên đường tới lớp để giảng dạy môn tiếng Anh ở TP Rajshahi.

Phó ủy viên cảnh sát Nahidul Islam cho biết các nghi phạm bỏ trốn khỏi hiện trường ngay lập tức. Theo tổ chức tình báo SITE - chuyên theo dõi các trang web thánh chiến, vụ tấn công này do IS thực hiện. Chúng cũng nhận trách nhiệm một số vụ tấn công tương tự ở Bangladesh nhưng chính quyền địa phương phủ nhận sự hiện diện của IS tại đây.

Trong những năm qua, ít nhất 3 giáo sư Đại học Rajshahi đã bị các nhóm Hồi giáo cực đoan sát hại. Sau cái chết của ông Siddique hôm 23-4, hàng trăm sinh viên và giảng viên tổ chức diễu hành trong khuôn viên trường Đại học Rajshahi, đồng thời chặn đường cao tốc để đòi lại công lý.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) ngoài việc lên án vụ giết người còn kêu gọi chính phủ Bangladesh đưa thủ phạm ra ánh sáng.


Triều Tiên dàn 300 hệ thống phóng rocket đa nòng dọc biên giới

Triều Tiên đang triển khai khoảng 300 hệ thống phóng rocket đa nòng (MLRS) cỡ 122 ly dọc theo biên giới với Hàn Quốc.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Hãng thông tấn Yonhap dẫn nhiều nguồn tin của quân đội Hàn Quốc ngày 24/4 cho biết Triều Tiên đang triển khai khoảng 300 hệ thống phóng rocket đa nòng (MLRS) cỡ 122 ly dọc theo biên giới với Hàn Quốc. Các hệ thống này có thể bắn được tới Seoul và các khu vực lân cận.

Theo một nguồn tin giấu tên, Bình Nhưỡng bắt đầu triển khai các hệ thống này theo đơn vị cấp trung đoàn dọc theo Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên kể từ năm 2014, điều này cho thấy sự cần thiết cấp bách phải đối phó với mối đe dọa trên. Trong khi đó, một nguồn tin khác cho rằng với việc triển khai nói trên, số lượng các MLRS và pháo tầm xa dọc theo DMZ sẽ vượt qua con số 600.

Nhiều chuyên gia quân sự nhận định hiện Hàn Quốc chưa có các loại vũ khí để đối phó với mối đe dọa như trên và biện pháp duy nhất Seoul có thể sử dụng là tấn công phủ đầu, tuy nhiên điều này có thể khơi mào cho một cuộc xung đột.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố họ không thể xác nhận liệu Bình Nhưỡng đã triển khai các MLRS cỡ 122 ly hay chưa mà chỉ nhấn mạnh rằng những biện pháp đối phó với các hệ thống như vậy đã được đưa vào kế hoạch quốc phòng giai đoạn 2017-2021.


1 chiếc tàu cá trên Biển Đông, nguồn cơn căng thẳng giữa Indonesia - Trung Quốc

Điều bất thường là hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã dùng vũ lực và các hành động hăm dọa để ngăn chặn đội tuần duyên Indonesia bắt tàu đánh cá trái phép theo như quy định của luật pháp nước này.

Tờ Courrier International đặc biệt quan tâm đến “Căng thẳng Indonesia - Trung Quốc chung quanh một chiếc tàu cá”. Tờ báo lược dịch lại các nhận định của ông Ernesto Simanungkalit, một nhà ngoại giao Indonesia trình bày trên tờ Kompas của Jakarta, cho rằng sự tham lam ngày càng lớn của Trung Quốc đang phá hỏng mối bang giao hữu hảo giữa hai nước và có nguy cơ gây tổn hại cho dự án con đường tơ lụa hàng hải do Bắc Kinh đề ra, RFI thuật lại.

Đầu tiên, tờ báo nhắc lại vụ việc chiếc tầu đánh cá mang số hiệu Kway Fey 10078, được hai tầu hải cảnh Trung Quốc hộ tống đã xâm nhập và đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải của Indonesia, ngoài khơi đảo Natuna.
Điều bất thường là hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã dùng vũ lực và các hành động hăm dọa để ngăn chặn đội tuần duyên Indonesia bắt tàu đánh cá trái phép theo như quy định của luật pháp nước này.
Ngoại trưởng Trung Quốc đã biện minh cho những hành động trên khi khẳng định chiếc tàu đánh cá Trung Quốc chỉ thực hiện các “hoạt động bình thường” trong “những vùng đánh bắt truyền thống của Trung Quốc”. Thế nhưng, theo quan điểm của ông Simanungkalit, những lời biện minh này của Bắc Kinh cho đó là “những vùng đánh bắt truyền thống” là sai và nguy hiểm.
“Sai” là vì Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (Unclos), đưa ra vào năm 1982, mà Trung Quốc cũng có tham gia ký kết, không có sử dụng thuật ngữ “vùng đánh bắt truyền thống” mà là “quyền đánh bắt truyền thống” cấp cho một quốc gia nào đó, trong vùng lãnh hải của một đảo quốc lân cận. Đây cũng là quyền mà Jakarta đã cấp cho Kuala-Lumpur theo một thỏa thuận song phương.
“Nguy hiểm” là vì Trung Quốc tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm ở bất cứ những nơi nào mà họ cho là có mối liên hệ "lịch sử và truyền thống". Nếu nói vậy, chẳng lẽ tất cả các cảng biển của Indonesia đều sẽ là của Trung Quốc?
Đối với nhà ngoại giao này, việc tầu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tàu đánh cá để đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải nước khác là một hành động “vi phạm quyền quốc tế”. Ông còn chỉ trích thái độ hăm dọa của phát ngôn viên tòa đại sứ Trung Quốc tại Jakarta là thiếu tính xây dựng, khi đòi hỏi Indonesia phải xử lý vụ việc “một cách khôn khéo” và phải “để ý đến mối quan hệ song phương Trung Quốc – Indonesia”.
Theo tác giả, Trung Quốc phải hiểu rằng cuộc chiến chống đánh bắt trái phép cũng là một phần của dự án “ngã tư hàng hải thế giới” do tổng thống Joko Widodo đưa ra ngay từ khi nhậm chức năm 2014. Dự án này sẽ phải được kết hợp đồng điệu với con đường tơ lụa hàng hải của ông Tập Cận Bình. Do bởi, phần phía nam của con đường này phải đi ngang qua vùng lãnh hải của Indonesia.
Chính vì điều này, Bắc Kinh chỉ có lợi khi duy trì một mối quan hệ tốt với Jakarta. Và cũng đừng quên rằng Indonesia hiện đang kiểm soát những eo biển quan trọng cho lưu thông hàng hải thế giới, mà sự an toàn và thịnh vượng của Trung Quốc lệ thuộc vào điều đó rất đáng kể.
Câu hỏi đặt ra, vì sao Trung Quốc sẵn sàng hy sinh tiếng tăm của mình cũng như mối quan hệ hữu hảo cá nhân giữa ông Widodo với ông Tập Cận Bình cho một sự đòi hỏi hoàn toàn không có cơ sở. Phải chăng đã đến lúc nên kiện Trung Quốc ra trước Tòa Án Quốc Tế về luật biển? Và với tư cách là thành viên ký kết Unclos, liệu Indonesia có đủ can đảm để làm điều đó hay chăng?

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục