Tổng thống Putin sa thải đồng loạt 8 tướng lĩnh
Lộ nơi đồn trú tàu sân bay Trung Quốc ở Biển Đông
Hội đồng bảo an lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Kỳ vọng từ chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Canada
Tin thế giới đọc nhanh chiều 26-08-2016
- Cập nhật : 26/08/2016
Campuchia ra mặt ủng hộ Trung Quốc
Theo Asia Maritime ngày 24-8, Cheam Yeap, nghị sĩ đảng Nhân dân Campuchia (AIPA), ngày 23-8 xác nhận thông tin Quốc hội nước này sẽ kiến nghị lãnh đạo Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA) bỏ đi một đoạn văn bản có nội dung đề cập tranh chấp biển Đông trong tuyên bố chung dự kiến đưa ra vào cuối tháng 9 tới trong cuộc họp tại Vientiane, Lào.
“Sau khi chúng tôi nhận được dự thảo tuyên bố chung từ Ban Thư ký của AIPA tại Jakarta, chúng tôi thảo luận và thống nhất nên loại bỏ đoạn nội dung về vấn đề biển Đông vì nước chúng tôi không có liên quan” - ông Yeap nói trong một cuộc phỏng vấn với Reaksmei Kampuchea Daily.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (thứ ba từ phải qua) cùng các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 26 tại Malaysia hồi năm ngoái. Ảnh: Reuters
Ông Yeap cho biết bản thân ông không rõ liệu tổng thư ký AIPA có chú ý đến yêu cầu của Quốc hội Campuchia không nhưng nhắc lại quan điểm của Thủ tướng Hun Sen rằng các nước có liên đến tranh chấp biển Đông nên đàm phán trực tiếp với Trung Quốc để tìm giải pháp.
“Tôi đồng ý với các đề xuất và tuyên bố của chính phủ Campuchia cũng như Thủ tướng Hun Sen đã khẳng định Campuchia duy trì sự thống nhất và chủ quyền lãnh thổ là điều đúng đắn” - ông Yeap nói.
Các nhà phân tích và một số nhà ngoại giao đánh giá Campuchia đang phá hoại sự thống nhất của khối ASEAN sau khi nhận nửa tỉ USD viện trợ từ Trung Quốc hồi tháng 7, thời điểm mà Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines.
Theo ông Carlyle Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Úc, hồi đầu tháng này cho biết nếu Campuchia còn tiếp tục những hành động có lợi cho Bắc Kinh tại ASEAN, khối này nên xem xét thay đổi việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận tương tự ra quyết định về kinh tế. Đó là đa số thành viên có thể tiến hành và nhóm thiểu số có thể chọn tham gia hoặc từ chối.
Yêu cầu của Phnom Penh là bước can thiệp mới nhất sau sự kiện xảy ra năm 2012. Campuchia hiện vẫn từ chối cùng các thành viên ASEAN khác ra tuyên bố chung về tranh chấp biển Đông, cụ thể là liên quan đến Trung Quốc.(PLO)
Kim Jong Un ca ngợi vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên trực tiếp giám sát vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm và tuyên bố đó là "thành công vĩ đại nhất" của nước này.
Theo Reuters, truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm nay (25-8) dẫn tuyên bố của ông Kim Jong Un khẳng định Bình Nhưỡng đã tiến tới "vị thế dẫn đầu" về sức mạnh hạt nhân của quân đội sau vụ phóng thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (gọi tắt là SLBM).
Trong vụ bắn ngày 24-8, tên lửa đạn đạo đã bay đi khoảng 500 km. Chính phủ Hàn Quốc và các chuyên gia quốc tế cho rằng vụ phóng thử đã chứng tỏ sự tiến bộ kỹ thuật trong chương trình SLBM của Triều Tiên.
Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết: "Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm đã được tiến hành thành công dưới sự chỉ đạo của vị tư lệnh tối cao của quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) Kim Jong Un. Ông đánh giá vụ phóng thử này là một thành công và chiến thắng vĩ đại nhất".
Bản tin của KCNA không nêu ngày diễn ra vụ phóng thử tên lửa và cũng như thông lệ, không nói cụ thể thời gian cũng như địa điểm diễn ra các hoạt động của lãnh đạo Kim Jong Un.
Cũng theo KCNA, vụ phóng thử tên lửa ngày 24-8 đã cho thấy hệ thống dẫn đường và kiểm soát của tên lửa dùng nhiên liệu rắn cũng như khả năng quay trở lại khí quyển của đầu đạn đều đã đáp ứng các yêu cầu hoạt động.
Giới quân sự Mỹ và Hàn Quốc cho biết tên lửa được bắn đi từ một khu vực gần thành phố biển Sinpo của Triều Tiên, nơi có đặt một căn cứ tàu ngầm, và được bắn về phía vùng biển Nhật Bản.
Nhật Bản cho biết tên lửa Triều Tiên đã chạm tới vùng nhận diện phòng không của nước này. Đây cũng là lần đầu tiên một tên lửa Triều tiên có tầm bắn đến khu vực đó.(TT)
Phát hiện chấn động về hành tinh ngoài hệ Mặt trời giống Trái Đất
Theo trang tin Space.com, ngày 24-8, các nhà khoa học thuộc ĐH Queen Mary, London (Anh) đã công bố một phát hiện gây chấn động về một hành tinh nằm ngoài hệ Mặt trời, có khả năng có sự sống nơi đó.
Hành tinh mới phát hiện được gọi là Proxima b, có kích thường bằng khoảng 1,3 lần kích thước của Trái đất.
Điều đáng nói ở đây là hành tinh Proxima b nằm ở khu vực được cho là có nước trên bề mặt, làm dấy lên hy vọng có sự sống ngoài hệ Mặt trời của chúng ta.
Báo Guardian cho biết các nhà khoa học ĐH Queen Mary cho biết hành tinh mới phát hiện này nằm cách Trái đất 4,2 năm ánh sáng. Với kỹ thuật hiện nay, chúng ta phải mất 70.000 năm mới có thể đến được hành tinh Proxima b.
Proxima b có vị trí rất gần ngôi sao Proxima Centauri - ngôi sao nằm gần hệ Mặt trời nhất.
Theo tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hành tinh này sau khi xem xét các dữ liệu dựa trên ánh sáng phát đi từ Proxima Centauri. Dữ liệu này thu thập được bằng cách sử dụng các thiết bị tại phòng nghiên cứu Nam Âu ở Chile.(PLO)
'Diều hâu' Trung Quốc coi Mỹ là mục tiêu hạ bệ hàng đầu
Giới nghiên cứu chỉ ra, bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ hiện nay rất giống bối cảnh quan hệ Nhật – Mỹ sau thời Nhật Bản trỗi dậy từ Minh Trị Duy tân (1868).
Với tham vọng trở thành bá chủ thế giới, phát xít Nhật từng bất ngờ tấn công quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, trở thành bước ngoặt của Thế chiến thứ Hai khi người Mỹ thay đổi hoàn toàn chính sách đối ngoại….
Theo phân tích của học giả Đinh Đương (Đại học Truyền thông Bắc Kinh) trên trang thông tin Đa Chiều, sau khi Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa, với khát vọng trỗi dậy của Trung Quốc, quan hệ căng thẳng Trung – Mỹ đã nhiều lần xảy ra, nhưng khi đó vị thế Trung Quốc còn yếu nên tình hình không thể phát triển đến mức nghiêm trọng như hiện nay. Mối quan hệ Trung – Mỹ luôn được giới truyền thông quan tâm đặc biệt, nhưng nổi bật vẫn là giới học thuật Trung Quốc, theo đó hàng loạt những tác phẩm bàn về chiến tranh Trung – Mỹ đã được xuất bản.
Năm 1997, hai ký giả nổi tiếng của Mỹ (Richard Bernstein và Ross H.Munro) đã nhận định trong cuốn “Chiến tranh Trung – Mỹ đang đến gần” (The coming conflict with China). Cuốn sách nhìn từ góc độ xung đột kinh tế, chính trị… toàn cầu cho rằng cuộc chiến tranh Trung – Mỹ là khó tránh khỏi. Khi đó, với cao trào chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, học giới Trung Quốc cũng xuất bản nhiều sách phân tích ý đồ của Mỹ và thái độ cứng rắn của Trung Quốc, theo đó Trung Quốc chủ trương con đường sức mạnh vũ trang, tiêu biểu như các cuốn “Bối cảnh yêu ma hóa Trung Quốc” (của Lý Hy Quang và Lưu Khang), “Trung Quốc có thể không nói ra” (của Tống Cường và Kiều Biên), “Con đường Trung Quốc dưới bóng mát toàn cầu hóa”(Phòng Ninh, Vương Tiểu Đông và Tống Cường)….
Dù quan hệ Trung – Mỹ từng xảy ra nhiều vấn đề căng thẳng trực diện (năm 1999 Mỹ đánh trúng Đại sứ quán Trung Quốc trú tại Nam Tư khiến Trung Quốc bùng lên phong trào chống Mỹ; năm 2000 máy bay trinh sát của Mỹ va chạm với máy bay Trung Quốc trên đảo Hải Nam làm Trung Quốc bị thương vong, và trào lưu chống Mỹ lại trỗi dậy)…, nhưng cuối cùng đều hòa giải thành công. Quan hệ Trung – Mỹ dần ổn định: về kinh tế, Trung Quốc được Mỹ ủng hộ gia nhập WTO; về chiến lược, Mỹ chủ trương thân thiện, không có ý làm khó dễ Trung Quốc; còn Trung Quốc cũng chủ trương trỗi dậy trong hòa bình. Trong bối cảnh này, ván cờ cạnh tranh Trung – Mỹ không leo thang, không thấy có dấu hiệu xảy ra chiến tranh.
Mỹ có kế hoạch duy trì thường xuyên hai cụm tác chiến tàu sân bay ở châu Á do tình hình phức tạp ở Biển Đông.
Nhưng qua hơn 10 năm, tình hình Trung Quốc và Mỹ trên trường quốc tế hiện nay đã thay đổi nhiều, dù hai nước không tiếp diễn những xung đột trực tiếp như trước, nhưng những người chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc vẫn cho rằng trong hàng loạt vấn đề quốc tế (đảo Điếu Ngư, Đài Loan, Biển Đông…) tác động đến Trung Quốc luôn có bóng dáng Mỹ. Còn với Mỹ, trong vai trò bá chủ thế giới có địa bàn lợi ích bao trùm khắp nơi, Mỹ khó tránh khỏi va chạm với Trung Quốc trong nhiều vấn đề quốc tế.
Với Trung Quốc, nhiều vấn đề đối ngoại quan trọng cũng luôn liên quan đến Mỹ. Đi theo nền kinh tế Trung Quốc lớn mạnh vươn lên đứng thứ hai thế giới, khuynh hướng cứng rắn của giới lãnh đạo mới và tình trạng bùng nổ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, người Trung Quốc ngày càng tự kiêu, trong xu thế này, mục tiêu hàng đầu mà Trung Quốc muốn nhắm vào, hạ bệ chính là Mỹ.
Theo phân tích của học giả Đinh Đương và giới sử học nói chung, bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ kể từ sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa (từ 1978) rất giống bối cảnh quan hệ Nhật – Mỹ kể từ sau Minh Trị duy tân (1868).
Với Nhật Bản: Năm 1895 Nhật toàn thắng Trung Quốc, vươn lên làm bá đã bùng nổ. Nhưng Nhật gặp đối thủ lớn nhất khi đó là Mỹ. Trước Thế chiến Hai, hoạt động trao đổi thương mại giữa Nhật và Mỹ đã xảy ra nhiều va chạm cạnh tranh, bên cạnh đàm phán thì Nhật Bản cũng đồng thời đẩy mạnh trang bị quân sự, cuối cùng quyết định dùng chiến tranh để giải quyết với trận Trân Châu Cảng mở đầu.
Với Trung Quốc hiện nay: Tổng sản lượng của nền kinh tế Trung Quốc hiện đã vượt các cường quốc châu Âu, chiếm luôn vị trí thứ hai của Nhật, và hiện đang muốn vươn lên đứng đầu thế giới. Nghiên cứu sử học mới chỉ ra, bối cảnh Nhật Bản tăng cường chạy đua vũ trang chuẩn bị cho chiến tranh với Mỹ trong quá khứ khá tương đồng bối cảnh chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc hiện nay, cả hai cùng lấy danh nghĩa yêu nước, chỉ khác nhau về khẩu hiệu.
Đế quốc Nhật ngụy biện là “Đại Đông Á cùng thịnh vượng”, còn Trung Quốc hiện nay là luôn tuyên truyền về cái gọi là “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại”, theo ngôn từ dùng của chính quyền là “trỗi dậy hòa bình”, nhưng thực tế tâm thức của người dân là ý định phục thù. Thực hiện khẩu hiệu này, Trung Quốc cần có những tiêu chí làm nền tảng, trong đó hai tiêu chí quan trọng nhất là thống nhất với Đài Loan và bành trướng tại Biển Đông đều đang gặp trở ngại lớn từ phía Mỹ.
Cận cảnh Đá Subi bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự ở quần đảo Trường Sa.
Theo phân tích của học giả Đinh Đương, bối cảnh Nhật Bản trước đây và Trung Quốc hiện nay không chỉ giống về đối ngoại mà còn giống trong chính trị quốc nội. Cải cách mở cửa ở Trung Quốc rất giống Minh Trị Duy tân ở Nhật Bản: chỉ thay đổi theo cách đi học kỹ thuật tân tiến của đối phương sau đó dùng chính những kỹ thuật này đe dọa đối phương, không thay đổi gì về quốc thể và chính thể. Vấn đề tập trung quyền lực của Trung Quốc hiện cũng tương tự như Nhật Bản trước đây.
Theo giới học giả phân tích, con đường này nhất thời có thể phát huy hiệu quả cao trong thống nhất ý chí từ trên xuống dưới, qua đó dùng chiến tranh bên ngoài để xoa dịu những bất ổn kinh tế và mâu thuẫn trong nước. Trong bài học của Đức và Nhật trước đây, bộ máy tập quyền thường hiếu chiến và không thể dừng lại cho đến lúc bị diệt vong.
Trái với quan điểm của nhiều người cho rằng không có khả năng xảy ra cuộc chiến tranh Trung – Mỹ, vì đời sống người dân Trung Quốc hiện nay khấm khá, Trung Quốc lại có nhiều “con tin” đang sống ở Mỹ. Tác giả Đinh Đương cho rằng quan điểm này khó đứng vững, vì nhìn lại quá khứ của Nhật Bản trước đây, số “con tin” của Nhật sống ở Mỹ cũng tương tự, cuối cùng đều bị Mỹ nhốt vào trại tập trung, và chiến tranh vẫn nổ ra. Với Trung Quốc hiện nay, vấn đề kiểm soát khát vọng tập quyền dâng cao là vô cùng khó khăn.
Nhưng vấn đề đáng quan tâm, theo Đinh Đương, chiến tranh sẽ dẫn đến cách mạng: tiêu biểu như Công xã Paris hình thành do chiến tranh Pháp – Phổ, Cách mạng tháng Mười do Thế chiến thứ Nhất, hay nội chiến và chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc sau cuộc chiến tranh kháng Nhật... Vấn đề là Trung Quốc có thắng nổi không hay lặp lại thất bại như Nhật và Đức trước đây?(Vietimes)