tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 25-06-2016

  • Cập nhật : 25/06/2016

Nguy cơ lớn nhất đối với EU lộ diện

Hãng tin Reuters nhận định phe “ra đi” ở Anh chiến thắng đồng nghĩa với Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với mối đe dọa tồn vong.

Sự sống còn của EU

Chính sách hội nhập duy trì hàng thập kỷ của EU đang có nguy cơ bị đảo lộn sau khi Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về quyết định ở lại hay rời khỏi liên minh.

Với kết quả "ra đi" chiến thắng (tỉ lệ phiếu 52% so với 48%), Anh là nước đầu tiên rời khỏi EU, từ đó khơi ra các vết nứt tương tự đe dọa sự sống còn của liên minh gồm 28 thành viên (nay chỉ còn 27), trong bối cảnh EU vẫn đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và dòng người di cư từ Syria.

Tổng thống Pháp François Hollande cảnh báo kết quả sẽ có một tác động rất lớn về tương lai của EU. “Sự ra đi của một quốc gia về mặt địa lý, lịch sử, chính trị ở Liên minh châu Âu sẽ gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” – ông Hollande nói.

thu tuong anh david cameron. anh: pa

Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: PA

Thảm họa!

Với EU, việc mất đi Anh - nền kinh tế số 2 EU sau Đức, một cường quốc hạt nhân nắm ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một đồng minh thân thiết của Mỹ - là một thảm họa.

Đài Sky News cũng bày tỏ lo ngại trong một bài bình luận rằng EU dường như đang trở thành một dãy domino. Trong trường hợp Anh ra đi, các thành viên còn lại của khối cũng có thể làm theo, đặc biệt là Thụy Điển. Theo Telegraph, người dân Pháp, Ý và Hà Lan cũng đang có yêu cầu trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU và số phận đồng euro.

Anh và Thụy Điển vốn là đồng minh, nằm ở rìa châu Âu và không ở trong khu vực đồng euro. Người Thụy Điển tất nhiên muốn Anh ở lại EU bởi London được xem là một đối trọng với các nước lớn trong khối. Nhiều người Thụy Điển cho biết trong một cuộc thăm dò rằng họ sẵn sàng rời khỏi EU nếu Anh lựa chọn phương án này.

Việc Anh ra đi cũng tiếp sức cho các phong trào chống EU trên toàn châu lục. Theo báo The New York Times, các phong trào này có thể ảnh hưởng lớn tới các cuộc tổng tuyển cử tổ chức vào năm sau ở Pháp và Đức.

Canh bạc của Thủ tướng David Cameron

Một mối lo ngại khác chính là số phận Thủ tướng Anh David Cameron. Trong một lá thư, 84 nhà lập pháp bảo thủ theo đường lối hoài nghi châu Âu tuyên bố họ muốn ông Cameron vẫn là thủ tướng bất chấp kết quả bỏ phiếu ra sao.

Trong số những người ký tên có hai gương mặt nổi bật: nhà vận động Boris Johnson của phe “ra đi”, từng giữ chức thị trưởng London và Bộ trưởng Nội các Michael Gove, bạn của ông Cameron.

Tuy nhiên, giờ đây ông Cameron phải đối mặt với áp lực rất lớn bởi trước đó, ông kêu gọi người dân bỏ phiếu “ở lại” để cứu vãn thương mại và đầu tư trong nước.


Tổng thống Indonesia gửi thông điệp đến Trung Quốc

Thăm quần đảo Natuna, nơi thường xuyên bị tàu cá Trung Quốc quấy rối, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tổ chức họp nội các và đưa ra chỉ thị phát triển quốc phòng, nghề cá, năng lượng tại đây.

tong thong widodo tren tau chien imam bonjol - anh: afp

Tổng thống Widodo trên tàu chiến Imam Bonjol - Ảnh: AFP

Jakarta Post ngày 24-6 đưa diễn tiến về chuyến thăm này. Việc Tổng thống Widodo ngày 23-6 đích thân ra khơi trên chiến tàu chiến Imam Bonjol để đến quần đảo Natuna được báo chí quốc tế và khu vực nhìn nhận như một thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc. Nhiều bộ trưởng các bộ ngoại giao, an ninh và ngư nghiệp, các vấn đề hàng hải tháp tùng ông Widodo.

“Bên cạnh việc phát triển kinh tế trong các lĩnh vực ngư nghiệp, dầu khí, tư lệnh quân đội Indonesia cũng truyền đạt các kế hoạch phát triển hạ tầng quốc phòng ở Natuna và các vùng biển xung quanh” - Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết.

Trong khi đó, Bộ trưởng du lịch Arief Yahya cũng tuyên bố sẽ bắt tay ngay vào kế hoạch biến Natuna thành điểm đến du lịch mới.

Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc leo thang liên tục vài tháng qua do các vụ chạm trán giữa tàu hải quân Indonesia và tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá trái phép tại Natuna, vùng biển thuộc chủ quyền của Jakarta nhưng bị Bắc Kinh đưa vào đường chín đoạn phi pháp.

Trong diễn biến mới nhất, Trung Quốc cáo buộc phía Indonesia bắn tàu đánh cá trái phép của nước này làm bị thương một thủy thủ người Trung Quốc.

“Chúng tôi cam kết duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc không có nghĩa là Indonesia sẵn sàng bán biển. Cần làm rõ các đảo ở Natuna và vùng biển xung quanh thuộc về chúng tôi” - chuyên gia Evan Laksmana, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Jakarta, bình luận về thông điệp chuyến thăm của ông Widodo.

Theo ông Laksmana, dù Jakarta cố né tránh xung đột trên Biển Đông nhưng nước này có thể trở nên kiên định hơn nếu chủ quyền bị thách thức. Bên cạnh đó là áp lực từ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực The Hague vào tháng sau. “Áp lực quốc tế và trong nước đòi Indonesia phải đưa ra quan điểm” - ông cho biết.

Phản ứng trước chuyến thăm, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 23-6 nhắc lại Bắc Kinh “không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Indonesia” và thừa nhận chủ quyền của Jakarta đối với quần đảo Natuna.

Nhưng nói về việc Bắc Kinh vơ vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia vào đường chín đoạn trên Biển Đông, bà Hoa Xuân Oánh lại mâu thuẫn cho rằng “hai nước có những tuyên bố chồng lấn về các quyền hàng hải và lợi ích trên một số vùng nước thuộc Biển Đông”.

Cụm từ “tuyên bố chồng lấn” cũng được sử dụng trong một tuyên bố khác của Trung Quốc hồi đầu tuần.

Giới phân tích lo ngại việc Trung Quốc không ngại khẳng định tranh chấp quyền hàng hải với Indonesia làm tăng căng thẳng trong thời gian tới.


Chính khách Hà Lan, Pháp đòi bỏ phiếu rời EU

Khi cuộc bỏ phiếu rời hay ở lại EU của nước Anh sắp có kết quả với lợi thế đang nằm trong tay nhóm "thoát ly", một số chính khách tại Hà Lan và Pháp cũng đòi hai nước này có các cuộc bỏ phiếu tương tự.

ong geert wilders - anh: ap

Ông Geert Wilders - Ảnh: AP

Tại Hà Lan, ông Geert Wilders - người đứng đầu nhóm chống nhập cư - kêu gọi Hà Lan hãy nên tổ chức một cuộc bỏ phiếu tương tự nước Anh.

Theo các thăm dò, ông Wilders đang là ứng viên sáng giá cho cương vị thủ tướng Hà Lan. Ông Wilders khẳng định nếu đắc cử vào tháng 3-2017 ông sẽ kêu gọi thực hiện cuộc bỏ phiếu rời EU.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Wilders: "Chúng tôi muốn toàn quyền chịu trách nhiệm về chính sách nhập cư của mình, tiền của mình, biên giới của mình và đất nước của mình. Càng sớm càng tốt, Hà Lan phải có cơ hội lên tiếng về tư cách thành viên của mình trong EU".

Theo cuộc thăm dò của kênh truyền hình Een Vandaag, 54% người dân Hà Lan muốn có cuộc bỏ phiếu để quyết định rời hay ở lại EU. Cử tri Hà Lan đã hai lần lên tiếng mạnh mẽ đòi rời khỏi EU. Làn sóng này càng mạnh hơn từ tháng tư khi hầu hết người Hà Lan phản đối hiệp định ký kết giữa Ukraine với EU.

Ông Wilders nói thêm: "Đây là lúc để bắt đầu lại, tự lực trên sức mạnh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nếu trở thành thủ tướng, tôi sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu để quyết định có rời EU hay không. Hãy để người dân Hà Lan quyết định".

Còn tại Pháp, đảng cực hữu Mặt trận dân tộc cũng kêu gọi Pháp hãy tổ chức bỏ phiếu để quyết định rời hay ở lại EU. Florian Philippot, quyền lãnh đạo Mặt trận dân tộc nói: "Cuối cùng, quyền tự do của người dân sẽ thắng! Chúc mừng người Anh".


Thế giới ra sao sau cơn ác mộng Brexit?

Rốt cuộc, thế giới không còn phải thấp thỏm với khả năng Anh rời Liên minh châu Âu (EU), mà sẽ phải đối mặt với “cơn ác mộng hậu Brexit”.

noi buon cua nhung nguoi ung ho anh o lai eu. anh: reuters

Nỗi buồn của những người ủng hộ Anh ở lại EU. Ảnh: Reuters

Theo CNN, kết quả kiểm phiếu 382/382 khu vực bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc ở lại hay rời khỏi EU cho thấy phe Brexit (ủng hộ Anh rời EU) đã giành chiến thắng với 51,89% số phiếu ủng hộ.

Thiệt hại về kinh tế, sụt giảm ngân sách, hạn chế trong việc mở rộng quy mô cũng như ảnh hưởng uy tín trên trường quốc tế là những nguy cơ mà EU sẽ phải đối mặt khi Anh rời khỏi liên minh này.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nếu như Anh quyết định rời EU sẽ kéo theo hậu quả “lớn và tiêu cực” cho nền kinh tế nước này, làm giảm thu nhập của người dân và nguy hại đến nền kinh tế của các nước châu Âu khác.

Trong ngắn hạn, việc rời bỏ EU sẽ khiến nền kinh tế Anh rơi vào tình trạng suy thoái trong hai năm tới.

Về mặt lâu dài, những tổn thất trong giai đoạn bất ổn và chi phí thương mại lớn sẽ “quét sạch” toàn bộ lợi nhuận mà Anh thu được từ việc không phải đóng góp cho EU trong trường hợp không còn là thành viên.

Bên cạnh đó, một khi rời xa “người tình lâu năm” EU, Anh sẽ phải thiết lập một mối quan hệ mới. Bởi theo lãnh đạo EU, “một khi đã đi là không được trở lại”.

Như vậy, Anh sẽ phải đưa ra ký kết những hiệp định thương mại hoàn toàn mới với châu Âu và mất nhiều thời gian cho việc sửa đổi lại các điều luật.

Ngoài ra, Anh còn có thể đối mặt với lệnh trừng phạt từ EU, để làm gương răn đe cho các quốc gia nhen nhóm ý định rời khỏi khối này.

Ngoài Anh và EU, nhiều nhà phân tích dự đoán quyết định dứt áo ra đi lần này của Anh còn là một đòn giáng mạnh lên nền kinh tế của nhiều cường quốc, trong đó điển hình là Nga và Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang xoay trục sang châu Âu, Anh được Trung Quốc lựa chọn là “hành lang vận động”, hỗ trợ trong việc thúc đẩy EU công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, cho phép giảm thuế nhập khẩu đánh vào hàng của Trung Quốc xuất sang châu Âu.  

Năm 2015 Anh đã mở cửa đón nhận hàng loạt các dự án đầu tư của Trung Quốc, trị giá hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, Anh cũng là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Trung Quốc dễ tràn vào thị trường châu Âu khó tính. Nếu như Anh chấm dứt mối quan hệ với EU, thì sợi dây kết nối thương mại của Trung Quốc và EU cũng bị cắt đứt.

Nga – bạn hàng chính của EU trong nhiều thập niên – cũng bị đánh giá là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ kịch bản Brexit.

Dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga hiện lên đến 360 tỷ USD, với phần lớn (80%) trong đó số đó gửi tại các ngân hàng nước ngoài và hơn 40% trong số đó là bằng đồng euro.

Theo ông Andrey Sushentsov, Giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế Moskva, “hai bạn hàng chính còn lại của Nga trong EU là Hà Lan và đảo Cyprus. Anh ra khỏi EU sẽ gây ra cuộc chiến thương mại giữa hai bên và hệ quả là làm 'tiêu tan' tiền đầu tư của Nga ở ba đối tác quan trọng này”.


Ai Cập đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nước nghiêm trọng

Dòng sông Nile có ý nghĩa sống còn đối với đất nước Ai Cập trong hàng nghìn năm qua. Tuy nhiên, quốc gia Bắc Phi này đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn nước nghiêm trọng một khi dự án thủy điện khổng lồ Đại Phục Hưng do Ethiopia xây dựng ở thượng nguồn được hoàn thành và đi vào hoạt động trong một vài năm tới.

Hiện tại, Ethiopia đang đẩy nhanh tiến độ dự án thủy điện khổng lồ trên, cho dù nước này và các nước ở hạ nguồn là Ai Cập và Sudan vẫn chưa đạt được nhất trí cuối cùng liên quan đến kỹ thuật và môi trường sau nhiều năm đàm phán.
 
Khởi nguồn từ hồ Victoria nằm giữa biên giới Kenya, Uganda và Tanzania, sông Nile đổ vào Sudan và chảy đến thủ đô Khartoum. Đây được gọi là nhánh Nile Trắng. Một nhánh khác, gọi là Nile Xanh, bắt nguồn từ hồ Tana trên vùng cao nguyên của Ethiopia. Nhánh này chảy vào Sudan rồi hợp lưu với nhánh Nile Trắng tại Khartoum, tạo thành dòng Nile chính rồi tiếp tục chảy qua Sudan và Ai Cập trước khi đổ ra Địa Trung Hải. Với tổng chiều dài khoảng 6.700 km, sông Nile là dòng sông quốc tế, cung cấp nguồn nước chủ yếu cho 11 quốc gia trong khu vực, bao gồm Tanzania, Uganda, Rwanda, Burundi, CHDC Congo, Kenya, Ethiopia, Eritrea, Nam Sudan, Sudan và Ai Cập.
song nile co y nghia song con doi voi ai cap.

Sông Nile có ý nghĩa sống còn đối với Ai Cập.

 

Từ thời xa xưa, dòng sông Nile, nhất là tại Ai Cập, là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Có thể nói rằng không có sông Nile thì sẽ không có Ai Cập. Sông Nile có ý nghĩa sống còn đối với Ai Cập, quốc gia có tới hơn 90% diện tích lãnh thổ là sa mạc. “Xứ sở các kim tự tháp” này đang khai thác khoảng 55,5 tỷ m3 nước mỗi năm từ sông Nile, đáp ứng 95% nhu cầu nước của 91 triệu dân.

 
Căng thẳng bắt đầu gia tăng giữa Ethiopia với Sudan và Ai Cập khi Addis Ababa khởi công dự án xây dựng đập thủy điện khổng lồ Đại Phục Hưng trên nhánh Nile Xanh vào năm 2011. Đập thủy điện có tổng kinh phí xây dựng 4,2 tỷ USD và công suất 6.000 MW. Đây là đập thủy điện lớn nhất châu Phi, với dung lượng hồ chứa lên tới 74 tỷ m3. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến được hoàn thành trong năm 2017. Chính phủ Ethiopia coi dự án là một "dấu mốc lịch sử", giúp khắc phục tình trạng thiếu điện và phát triển kinh tế.
 
Là quốc gia ở hạ nguồn, Ai Cập phản ứng rất dữ dội do quan ngại đập Đại Phục Hưng sẽ làm giảm nguồn nước của quốc gia Bắc Phi này cũng như tác động tiêu cực đến môi trường ở hạ nguồn. Một khi đập Đại Phục Hưng hoàn thành sẽ cần 30 tỷ m3 nước mỗi năm và điều này được cho là sẽ làm hồ Nasser của Ai Cập khô cạn, khiến hoạt động cấp điện từ đập thủy điện Aswan (Ai Cập) bị ngưng trệ. Một số quan điểm cho rằng dự án thủy điện của Ethiopia sẽ làm mất cân bằng tự nhiên ở hạ nguồn sông Nile, như ngăn phù sa chảy xuống hạ nguồn và làm gia tăng ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân cũng như các loài động vật không xương sống, cá và chim. Nguồn nước giảm sẽ ảnh hưởng đến hơn 4 triệu người dân Ai Cập sống ở các thành phố ven biển Địa Trung Hải khi nước biển tăng 1 - 2 cm mỗi năm.
 
Với đập thủy điện Đại Phục Hưng, Ethiopia sẽ kiểm soát 86% tài nguyên nước của Ai Cập và 60% của Sudan. Nhánh Nile Xanh chảy từ Ethiopia có lưu lượng dòng chảy trung bình 50 tỷ m3/năm, tương đương khoảng 60% tổng dòng chảy của sông Nile qua Ai Cập. Do đó, Ai Cập có thể thiếu khoảng 26 tỷ m3 nước/năm, tương đương hơn 50% tổng lượng nước sông Nile cung cấp cho đất nước "kim tự tháp".
 
Bên cạnh đó, lượng phù sa sụt giảm mạnh cũng ảnh hưởng đến 4,5 triệu ha đất canh tác của Ai Cập. Theo tính toán của giới khoa học, khi đập thủy điện Đại Phục Hưng hoàn thành và đi vào khai thác, Ai Cập sẽ thiếu 55% nguồn cung lương thực, buộc nước này phải nhập khẩu 10 tỷ USD lương thực thiết yếu mỗi năm, trong đó 70% là lúa mỳ (11 triệu tấn).
 
Bất chấp sự phản đối của Ai Cập và Sudan, Ethiopia vẫn tiếp tục đẩy nhanh dự án. Cuối tháng 5/2013, Ethiopia đã bắt đầu chuyển hướng dòng chảy nhánh Nile Xanh trong khuôn khổ dự án. Do tình hình chính trị và an ninh bất ổn sau chính biến mùa xuân Arập năm 2011, Ai Cập đã phải chấp nhận để Ethiopia triển khai dự án. Tuy nhiên, Cairo buộc Addis Ababa phải thực hiện dự án theo các yêu cầu của mình và cung cấp đầy đủ các báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của dự án trước khi xây dựng.
 
Cuối tháng 12/2015, sau 11 vòng đàm phán, Ai Cập, Sudan và Ethiopia ký thỏa thuận về nguyên tắc đối với dự án xây dựng đập thủy điện Đại Phục Hưng. Mặc dù vậy, đến nay các bên vẫn chưa thống nhất các vấn đề cụ thể liên quan đến kỹ thuật và môi trường của đập Đại Phục Hưng.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục