tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 18-01-2016

  • Cập nhật : 18/01/2016

Ông Obama tuyên bố tình trạng khẩn cấp bang Michigan

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đồng thời mở gói hỗ trợ liên bang để giúp khu vực này tìm các giải pháp thoát khỏi tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

​michigan dang doi mat voi cuoc khung hoang y te lon vi nguon nuoc o nhiem - anh: afp

​Michigan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế lớn vì nguồn nước ô nhiễm - Ảnh: AFP

AFP cho biết các nhà chức trách Michigan đang đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế lớn bởi sự cố nguồn nước ô nhiễm bùng phát do việc áp dụng cắt giảm chi phí tại thành phố Flint.

Vấn đề phát sinh sau khi các quan chức bang phớt lờ cảnh báo sức khỏe hàng tháng trời về việc nguồn nước có mùi hôi trong khi cư dân trong khu vực phàn nàn rằng nguồn nước này khiến họ bị bệnh.

Giữa tuần thống đốc Michigan Rick Snyder đã nộp đơn yêu cầu ban hành tình trạng khẩn cấp bang lên tổng thống Obama.

Là một phần của biện pháp cắt giảm chi phí, thành phố Flint bắt đầu dẫn nước từ sông Flint từ tháng 4-2014 thay vì mua nước từ Detroit. 

Sở Môi trường bang Michigan cấp phép sử dụng nước từ sông Flint dù nhà máy xử lý nước của thành phố không thể sản xuất nước đạt tiêu chuẩn bang và liên bang.

Nhà Trắng cho biết tổng thống Obama đã tuyên bố "tình trạng khẩn cấp tại bang Michigan" và ra lệnh dùng nguồn quỹ liên bang hỗ trợ cho địa phương và bang tìm các giải pháp.

Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang thực hiện các nỗ lực giải quyết tình hình bao gồm cung cấp nước. máy lọc nước và thùng đựng nước trong vòng 3 tháng cho người dân thành phố.


Lãnh đạo thế giới ca ngợi thỏa thuận hạt nhân với Iran

 Cơ quan Năng lượng Quốc tế LHQ (IAEA) bật đèn xanh cho việc dỡ bỏ cấm vận với Iran theo thỏa thuận của Tehran với các cường quốc phương Tây.

cac lanh dao phuong tay hop ban quyet dinh do bo lenh trung phat iran tai vienna, ao - anh: afp

Các lãnh đạo phương Tây họp bàn quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran tại Vienna, Áo - Ảnh: AFP

"Hôm nay Mỹ, bạn bè và đồng minh của chúng tôi tại Trung Đông và toàn thể thế giới sẽ được an toàn bởi mối đe dọa của vũ khí hạt nhân đã được kiềm chế" - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố sau cuộc họp tại Vienna.

Trong khi đó, như AFP ngày 16-1 đưa tin, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon cho biết đây là "cột mốc quan trọng phản ánh nỗ lực tin tưởng của các bên trong việc đảm bảo thực hiện các cam kết đã thỏa thuận".

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond - một trong sáu cường quốc cùng với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức tham gia đàm phán về chương trình hạt nhân với Iran - cho biết "những năm tháng chính sách ngoại giao kiên nhẫn và kiên trì đã đơm hoa kết trái".

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank Walter Steinmeier gọi việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân là "một thành công mang tính lịch sử đối với ngoại giao".

"Chính quyền Obama sẽ bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế cho Iran" - Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho biết.

Tuy vậy, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 16-1 cảnh báo rằng Iran "sẽ không từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục hành động gây bất ổn Trung Đông và lan rộng khủng bố ra khắp thế giới".

Ả Rập Saudi cũng lo lắng trước viễn cảnh quan hệ Mỹ-Iran ấm dần lên cùng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng đến giá dầu thế giới.


Trung Quốc kiểm soát chặt quân đội

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình siết chặt quyền kiểm soát đối với quân đội thông qua cuộc cải tổ sâu rộng.
Tháng 11.2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thị trấn Cổ Điền ở tỉnh Phúc Kiến, nơi cách đây hơn 80 năm nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông lần đầu tiên đề ra học thuyết rằng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) phải là lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).
Trước hàng trăm tướng lĩnh tại Cổ Điền, ông Tập nhấn mạnh rằng PLA vẫn phải là quân đội của đảng, phải duy trì “truyền thống cách mạng” và trung thành tuyệt đối với CPC. Những phát biểu của ông Tập tại hội nghị quân chính được mệnh danh Tân Cổ Điền đã mở đầu cho một cuộc cải cách sâu rộng PLA kể từ đó đến nay.
Tăng cường vai trò quân ủy
Theo giới phân tích, ông Tập Cận Bình hạ quyết tâm cải tổ PLA do rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, người bị cho là không nắm được quyền kiểm soát quân đội. Chẳng hạn vào năm 2011, PLA bất ngờ thử nghiệm chiến đấu cơ tàng hình J-20 trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Trong hồi ký của mình, ông Gates tiết lộ bản thân ông Hồ Cẩm Đào cũng sửng sốt khi hay tin về vụ thử nghiệm.
Tờ South China Morning Post cũng từng dẫn các nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho hay hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) thời ông Hồ Cẩm Đào là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng từng nhiều lần gạt cấp trên ra rìa trong các quyết định quân sự. Hai nhân vật này đã lần lượt bị điều tra tham nhũng trong chiến dịch đả hổ diệt ruồi của ông Tập
Theo tờ The Economist, cuộc cải tổ của PLA bao gồm hai mục tiêu chính: tăng cường sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quân đội và biến PLA thành một lực lượng chiến đấu hiệu quả hơn.
Vào ngày 11.1, CMC mà ông Tập Cận Bình nắm chức chủ tịch đã thông báo giải thể Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Trang bị của PLA để phân chia và sáp nhập thành các cơ quan khác trực thuộc CMC. Các cơ quan này từng là những tổ chức đầy quyền uy của PLA và gần như là những lãnh địa độc lập, do hai ông Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng kiểm soát và lũng đoạn. Bằng cách giáng cấp các cơ quan trên, CMC sẽ có nhiều quyền hạn hơn trong các vấn đề quân sự.
Trong cấu trúc mới, 4 cơ quan cấp tổng cục sẽ được đổi tên và trở thành 4 trong 15 “cơ quan chức năng” thuộc quyền kiểm soát trực tiếp của lãnh đạo CMC, gồm Bộ Tham mưu liên hợp, Cục Công tác chính trị, Cục Bảo đảm hậu cần, Cục Phát triển trang bị. 11 cơ quan còn lại bao gồm Văn phòng CMC, Cục Quản lý huấn luyện, Cục Động viên quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật, Ủy ban Chính pháp, Ủy ban Khoa học kỹ thuật, Văn phòng Quy hoạch chiến lược, Văn phòng Cải cách biên chế, Văn phòng Hợp tác quân sự quốc tế, Văn phòng Kiểm toán, Văn phòng Quản lý sự vụ.
Đáng chú ý là Ủy ban Kiểm tra kỷ luật của PLA trước đây thuộc Tổng cục Chính trị nay được đôn lên ngang hàng với Cục Công tác chính trị trong cấu trúc mới.
Những lực lượng mới
Mũi nhọn cải tổ thứ hai là cân bằng vai trò giữa các quân chủng của PLA.
Trong lịch sử, lục quân của PLA là lực lượng quyền thế bậc nhất. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trước những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như ý định thách thức ưu thế hải quân và không quân của Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Vào ngày 31.12.2015, CMC thông báo thành lập Bộ Tư lệnh lục quân, qua đó xếp ngang hàng quân chủng này với hải quân và không quân, vốn đã có bộ tư lệnh trước đó.
Ngoài ra, hai bộ tư lệnh mới cũng được thành lập là Bộ Tư lệnh tên lửa (nâng cấp từ Lực lượng pháo binh số 2), chịu trách nhiệm kiểm soát các tên lửa chiến lược, và Bộ Tư lệnh chi viện chiến lược, phụ trách các hoạt động không gian và chiến tranh mạng. Theo tờ The Diplomat, khác với trước, Bộ Tư lệnh tên lửa hiện nay không chỉ kiểm soát các tên lửa hạt nhân chiến lược trên bộ mà còn tiếp quản hai thành tố khác trong bộ ba hạt nhân của Trung Quốc là các tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm và các oanh tạc cơ chiến lược.
Những thay đổi lớn cũng diễn ra tại các đại quân khu của Trung Quốc. Theo tờSouth China Morning Post, 7 đại quân khu hiện tại sẽ được chia lại thành 5 khu chiến lược. Các đại quân khu ở Trung Quốc vốn là những tổ chức tương đối độc lập và có thực quyền, việc chia sẻ hoặc luân chuyển binh sĩ, vũ khí, khí tài, giữa các đại quân khu hiếm khi xảy ra. Theo cơ chế mới, các binh sĩ sẽ được tuyển mộ, huấn luyện bởi các quân chủng khác nhau trước khi biên chế về các khu chiến lược. Điều này sẽ giúp siết chặt quyền kiểm soát của trung ương đối với các đại quân khu.
Theo The Economist, những cải tổ trên thậm chí còn sâu rộng hơn cả những gì mà giới quan sát nước ngoài trông đợi sau hội nghị ở Cổ Điền. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vaily Kashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ ở Moscow mô tả cuộc cải tổ quy mô lớn của PLA là chưa có tiền lệ trong lịch sử Trung Quốc. “Nếu thành công, cải tổ quân đội sẽ giúp hiện đại hóa hệ thống quản lý của PLA và khắc phục những vấn đề về tổ chức đang hiện hữu”, ông Kashin nói.
Theo nhận xét của nhà quan sát Bạc Trí Dược trên tờ The Diplomat, nếu lãnh đạo của 15 cơ quan mới thành lập cùng với chỉ huy của 5 bộ tư lệnh nói trên đều trở thành ủy viên CMC thì số lượng thành viên ủy ban này sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 10 lên đến 23. Và bởi ông Tập Cận Bình là kiến trúc sư của cuộc cải tổ, những chỉ huy mới được đề bạt chắc chắn sẽ biết đặt lòng trung thành của họ vào ai.

Tương lai nào cho Saudi Arabia trong cơn bão giá dầu?

tuong lai nao cho saudi arabia trong con bao gia dau?

Tương lai nào cho Saudi Arabia trong cơn bão giá dầu?


Kể từ thời điểm giữa 2014 đến nay, mức sụt giảm gần 70% của giá dầu đã và đang gây áp lực giảm giá trị lên các đồng tiền của những quốc gia xuất khẩu các loại hàng hóa cơ bản trong đó có Saudi Arabia – một trong những nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Giá dầu vẫn tiếp tục giảm trong khi căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran cũng ngày càng tăng sau khi Mỹ và Liên hợp quốc bãi bỏ các lệnh cấm vận kinh tế với Iran. Hai yếu tố này đã làm tăng “giá các hợp đồng phái sinh”, mà ở đây chủ yếu là các hợp đồng giao sau mua đồng USD bằng đồng Riyal – hay nói cách khác thị trường quan ngại rằng có nhiều khả năng đồng Riyal của Saudi Arabia sẽ tiếp tục giảm giá so với đồng USD trong thời gian tới. Lúc này nhiều câu hỏi hoài nghi bắt đầu được đặt ra về tương lai nào cho cơ chế neo tỷ giá cố định vào đồng USD đã có lịch sử 30 năm của Arabia.

Sau những biến động bất lợi của đồng Riyal trên thị trường ngoại hối, thống đốc NHTW Saudi Arabia Fahad al-Mubarak đã cam kết sẽ vẫn giữ và duy trì tỷ giá cố định ở mức 3,75 Riyal đổi 1 USD nhờ vào một loạt các công cụ chính sách tiền tệ cũng như lượng dự trữ ngoại hối dồi dào của nước này. Vị thống đốc này cũng cho rằng những biến động trên thị trường ngoại hối trong thời gian qua là bất hợp lý do bắt nguồn từ những đánh giá sai lầm của những bên tham gia thị trường ngoại hối về tổng thể nền kinh tế Saudi Arabia.

Tuyên bố cũng nêu lập luận rằng các chỉ báo kinh tế và tài chính của nước này vẫn đứng ở mức ổn định, đồng thời được củng cố bởi vị thế là nhà cho vay dòng trên thị trường nợ quốc tế. Nợ nước ngoài của Saudi Arabia khá thấp trong khi mức “xuất khẩu tư bản” – đầu tư ra nước ngoài cao (mức nợ công trên GDP chỉ đứng ở mức 9,4% – rất thấp so với cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển trên thế giới). Ngoài ra Fahad al-Mubarak còn đưa ra dẫn chứng hệ thống ngân hàng của nước này vẫn rất vững chắc và khỏe mạnh.

Kể từ thời điểm giữa 2014 đến nay, mức sụt giảm gần 70% của giá dầu đã và đang gây áp lực giảm giá trị lên các đồng tiền của những quốc gia xuất khẩu các loại hàng hóa cơ bản trong đó có Saudi Arabia – một trong những nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nga là một ví dụ không hề xa xôi, khi mà đồng Ruble (Rúp) của nước này cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 13 tháng qua so với đồng USD.

Tuy nhiên, thị trường cho rằng giá dầu giảm sẽ làm sụt giảm dự trữ ngoại hối của Saudi Arabia do doanh thu từ xuất khẩu dầu mà chủ yếu là đồng USD sẽ hao hụt, qua đó gây ảnh hưởng trực tiếp tới tính vững của cơ chế neo tỷ giá cố định vào USD. Khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối để giữ vững mức tỷ giá cố định của nước này sẽ bị suy yếu.

Và, không chỉ có Saudi Arabia là nước Vùng Vịnh duy nhất áp dụng cơ chế neo tỷ giá cố định vào đồng USD. Nhiều quốc gia khác trong khu vực này neo tỷ giá cố định vào USD, vàng hay một rổ tiền tệ nào đó nhằm giúp ổn định lạm phát, tỷ giá – phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư của một nền kinh tế. Qua thời gian sự ổn định của cơ chế tỷ giá này sẽ càng có tính ăn sâu vào hoạt động kinh tế, đầu tư của quốc gia đó, do đó bất kỳ sự thay đổi nào trong cơ chế này sẽ gây tác động sâu rộng vào nền kinh tế đó.

Nhà phân tích Simon Quijano – Evans của Commerzbank cho biết Saudi Arabia đã phải dùng dự trữ ngoại hối để khỏa lấp các khoản thâm hụt tài khoản vãng lai và ngân sách trong vòng 4 năm qua. Một lượng lớn các tài sản thanh toán bằng các ngoại tệ chủ chốt như USD hay Euro, bảng Anh (trong tổng số khoảng 627 tỷ USD dự trữ ngoại hối – số liệu công bố mới nhất)… đã được chính phủ nước này bán ra, rút khỏi các thị trường tài chính, ngân hàng tại Mỹ và châu Âu để bù đắp cho thâm hụt ngân sách, thương mại. Điều này nghĩa là xuất khẩu của kinh tế Saudi Arabia đã suy giảm đáng kể trong 4 năm qua bất kể giá dầu trong thời gian này ổn định ở quanh ngưỡng 90 - 100 USD/thùng.

Sự sụt giảm này trùng khớp với thời điểm mà một số nền kinh tế lớn là đối tác nhập khẩu năng lượng của Saudi Arabia như Trung Quốc bắt đầu suy giảm và đối tác khẩu dầu thô lớn khác là Mỹ đã bắt đầu giảm dần nhập khẩu khi ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ bùng nổ trở lại kể từ sau 2008. Nhà phân tích của Commerzbank cũng nhận định rằng nếu giá dầu không thiết lập lại được xu hướng tăng ổn định thì những quan ngại về tính vững chắc đối với cơ chế tỷ giá cố định của Saudi Arabia sẽ càng tăng.

Simon Quijano-Evans cho rằng: “Trong lịch sử, một khi chính sách tỷ giá cố định không còn khả thi về mặt kinh tế nữa hay nó trở nên đắt đỏ, khó khăn đối với các chính phủ để duy trì mức tỷ giá cố định (như trường hợp nước Anh - 1992, một số nước Đông Nam Á - 1997), và lúc đó thì những lợi ích nhằm có được từ việc duy trì cơ chế tỷ giá cố định đó cuối cùng lại biến thành những lỗ hổng lớn trong hệ thống tài chính. Cơ chế tỷ giá cố định lại ngăn cản việc tiến tới giá trị thực tế của một số đồng tiền và bó buộc sự vận động linh hoạt trong nền kinh tế”.

Hiện tại Ả-rập-xê-út vẫn có dự trữ ngoại hối khoảng 627 tỷ USD, mức này giảm 14% so với thời điểm tháng 11 năm ngoái 2014, sự sụt giảm như đã nêu nguyên nhân ở trên là do quốc gia này phải chi một lượng lớn dự trữ ngoại hối của mình để khỏa lấp, bù đắp các khoản thâm hụt thương mại, ngân sách cũng như chi phí cho cuộc chiến ở Yemen do liên minh mà Ả-rập-xê-út đứng đầu tham gia.

Những áp lực tài chính đang tăng đè nặng lên đồng Riyal thậm chí cũng đang làm lu mờ đi cả cuộc khủng hoảng chính trị, ngoại giao với đối thủ truyền thống trong khu vực Trung Đông của nước này là Iran.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính vẫn còn hoài nghi về mức độ nghiêm trọng thực sự của nền kinh tế Saudi Arabia cũng như khả năng nước này phải phá bỏ cơ chế neo tỷ giá cố định vào đồng USD đã tồn tại suốt 30 năm qua.

Quả thật nếu Saudi Arabia có thể giữ vững được cơ chế tỷ giá hối đoái cố định như hiện nay bất chấp nếu có xảy ra một đợt suy giảm mạnh hơn nữa của giá dầu hoặc bất ổn chính trị trong khu vực tiếp tục gia tăng thì đó có thể xem như một hiện tượng “thiên nga đen” trong kinh tế học để nói về các hiện tượng khó có thể hoặc tưởng chừng như không thể xảy ra.


IS bắt cóc hơn 400 thường dân ở Syria

 Ngày 17-1, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt cóc ít nhất 400 thường dân bao gồm phụ nữ và trẻ em tại thành phố Deir Ezzor ở Syria.

thanh pho deir ezzor hoang tan, do nat sau nhung ngay thang chien tranh - anh: getty images

Thành phố Deir Ezzor hoang tàn, đổ nát sau những ngày tháng chiến tranh - Ảnh: Getty Images

Theo AFP, tổ chức Đài Quan sát nhân quyền Syria (SOHR) đưa tin sau cuộc tấn công đẫm máu vào thành phố Deir Ezzor do chính quyền Syria kiểm soát, IS bắt cóc tới hơn 400 thường dân từ khu ngoại ô Al-Baghaliyeh và các địa điểm lân cận.

“Những người bị bắt giữ đều là người Hồi giáo Sunni. Đó là phụ nữ, trẻ em và thành viên gia đình các binh sĩ của chính quyền Syria” - SOHR khẳng định.

Các nguồn tin của SOHR từ Deir Ezzor cho biết các nạn nhân bị đưa đến những vùng do IS kiểm soát ở phía bắc tỉnh Deir Ezzor và gần biên giới tỉnh Raqqa.

SOHR ước tính cuộc tấn công của IS tại Deir Ezzor cướp đi sinh mạng của 85 thường dân và 50 binh sĩ chính phủ. Trước đó hãng thông tấn nhà nước Syria SANA đưa tin IS thảm sát tới 300 thường dân tại đây.

Trước đây IS từng hành quyết hàng loạt thường dân, bao gồm hàng trăm người thuộc bộ tộc Hồi giáo Sunni Shaitat ở Deir Ezzor hồi năm 2014. Tháng 8-2014, IS cũng thảm sát 200 binh sĩ chính phủ Syria sau khi đánh chiếm căn cứ quân sự Tabqa tại tỉnh Raqqa.

Như vậy đến nay IS đã  kiểm soát khoảng 60% thành phố Deir Ezzor, thủ phủ tỉnh Deir Ezzor rất giàu tài nguyên dầu khí. Hiện tại quân đội Syria vẫn đang giao chiến với lực lượng IS ở phía tây bắc thành phố. Máy bay chiến đấu Nga tiếp tục ném bom hỗ trợ quân đội Syria.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục