tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 12-04-2016

  • Cập nhật : 12/04/2016

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ủng hộ Ấn Độ phát triển hải quân

tau san bay ins vikramaditya cua an do - anh: afp

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ - Ảnh: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố ủng hộ chính sách phát triển hải quân của Ấn Độ, nói đó sẽ là điểm quan trọng giúp bảo vệ an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ấn Độ có kế hoạch tăng cường số tàu chiến từ 130 lên 166 tàu, trong đó có thêm một tàu sân bay thứ ba, theo Stars and Stripes ngày 11.4 dẫn lời quan chức quốc phòng Ấn Độ.
“Việc tăng cường số lượng tàu chiến sẽ giúp Ấn Độ trở thành người bảo đảm cho an ninh khu vực. Điều đó rất phù hợp với chính sách của Mỹ”, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter phát biểu trên soái hạm USS Blue Ridge, tàu chỉ huy của Hạm đội 7 Mỹ.
Tàu USS Blue Ridge đang có chuyến thăm cảng Goa ở Ấn Độ. Ông Carter cũng đi cùng Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar lên thăm tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ trong ngày 11.4.
ong ashton cater tham tau san bay ins vikramaditya - anh tu facebook bo truong quoc phong my

Ông Ashton Cater thăm tàu sân bay INS Vikramaditya - Ảnh từ Facebook Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Ấn Độ đang đẩy nhanh việc tăng cường đội tàu hải quân, mở rộng vai trò từ việc chống cướp biển và các mối đe doạ gần bờ sang đối phó Trung Quốc. Trong năm 2015, Ấn Độ đã 6 lần điều tàu đến Biển Đông, đáp trả hành động của Trung Quốc liên tục quân sự hoá khu vực này.
Ấn Độ hiện nay có 2 tàu sân bay. Năm 2013, nước này mua lại tàu tuần dương Đô đốc Gorshkov của Nga được cải tạo thành tàu sân bay INS Vikramaditya. Tháng 6.2015, Ấn Độ cũng ra mắt tàu sân bay tự đóng đầu tiên mang tên INS Vikrant. Hiện nước này đang đàm phán để có tàu sân bay thứ ba, đồng sản xuất với Mỹ.
Ấn Độ hiện là một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Nhà cung cấp vũ khí ưa thích của nước này trước giờ chủ yếu là Nga. Tuy nhiên, gần đây Ấn Độ cũng tìm cách đa dạng hoá nguồn cung khi đàm phán mua các máy bay vận tải C-130J của Mỹ và chiến đấu cơ Rafale của Pháp.

Ai Cập "tặng" Saudi Arabia 2 hòn đảo để cảm ơn

Sau chuyến công du 5 ngày đến Ai Cập, Quốc vương Saudi đã trở lại với một món quà không thể lớn hơn: 2 hòn đảo nằm ngay 2 góc chiến lược tại Biển Đỏ.

Theo New York Times, 2 hòn đảo này chính là "lời cảm ơn" mà Ai Cập gửi đến Quốc vương Saudi Arabia sau khi nhận được hàng loạt viện trợ và đầu tư từ quốc gia giàu có này. Theo ước tính, chỉ trong vòng 5 ngày, hai bên đã ký ít nhất 15 thoả thuận kinh tế, trong đó bao gồm một gói hỗ trợ phát triển ở Sinai và một thỏa thuận dầu mỏ trị giá đến 22 tỷ USD.

Trước đó, vào ngày 9/4, nội các Ai Cập tuyên bố sẽ chuyển 2 phần lãnh thổ khô cằn, không người ở là đảo Tiran và Sanafir tại Vịnh Aqaba cho Saudi Arabia. Nội các nhấn mạnh đây là hành động chuyển giao hợp pháp, vì vốn dĩ 2 khu vực này thuộc lãnh thổ của Saudi Arabia. Hai đảo này được giao quyền kiểm soát cho Ai Cập vào năm 1950, trong bối cảnh leo thang căng thẳng với Israel.

Các quan chức cho biết việc bàn giao 2 hòn đảo nằm giữa bờ biển của 2 nước là kết quả của cuộc đàm phán 6 năm qua về biên giới hàng hải. 2 vùng lãnh thổ này chủ yếu có giá trị chiến lược chứ không phải kinh tế, vì trên đảo không có dân lưu trú mà chỉ có số ít binh lính (hầu hết là người Mỹ), đóng quân theo thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Ai Cập năm 1979.

vi tri 2 dao tiran va sanafir. anh: new york times

Vị trí 2 đảo Tiran và Sanafir. Ảnh: New York Times

Tuy vậy, quyết định trên vẫn làm dấy lên không ít phản đối từ phía dân chúng Ai Cập. Họ cho rằng Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đang nhượng bộ "đầy nhục nhã" trước đồng minh.

Trong loạt bài xã luận xuất hiện sau quyết định trên, các nhà phê bình gọi ông Sisi là "Awaad" để gợi nhắc về một nhân vật trong dân gian Ai Cập đã bán đất của mình, hành động đáng xấu hổ trong con mắt của người dân nông thôn Ai Cập.

"Không cần biết tình trạng pháp lý của sự việc là như thế nào, động thái này nhìn từ bên ngoài là rất tồi tệ", Samer Shehata, giáo sư nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma cho biết.

"Vua Salman đến Ai Cập mang theo hàng tỷ USD viện trợ đầu tư, và đổi lại, họ nhận được 2 hòn đảo. Đối với nhiều người Ai Cập, hành động trên như thể tổng thống đang bán đất cho Saudi vậy", vị giáo sư nhận định.

Các chuyên gia chính trị cũng thể hiện sự ngạc nhiên trước hành động nhượng đất của Tổng thống Sisi, vì sau khi lên nắm quyền vào năm 2013, ông từng gợi ý một điều khoản trong Hiến pháp quy định rõ việc cấm nhượng lãnh thổ Ai Cập cho bên ngoài.

Không chỉ thể hiện thái độ phản đối trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân Ai Cập còn tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ tại Quảng trường Tahrir, nơi từng diễn ra các cuộc bạo loạn lật đổ tổng thống Hosni Mubarak. Theo một quan chức Bộ Nội vụ,ít nhất 5 người đã bị bắt giữ trong cuộc biểu tình ngày 10/4.

Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, việc chuyển giaocó thể mang lại nhiều lợi ích ngoại giao cho Cairo, sau gói viện trợ ít nhất 12 tỷ USD từ Arab giúp phục hồi nền kinh tế yếu kém của Ai Cập từ năm 2013.

Động thái nàycàng trở nên ý nghĩa hơn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa 2 nước trong những tháng gần đây, khi Arab nhất quyết phản đối các chính sách mà nước này coi là xâm lược quân sự của Ai Cập tại Yemen và Syria.

"Thực ra, đây không phải là một sự nhượng bộ", Michael Wahid Hanna, thành viên cao cấp của Quỹ Thế kỷ tại New York đánh giá. "Nó cho thấy Tổng thống Sisi của Ai Cập đang nhìn nhận mối quan hệ với Arab như một hàng rào cần được nối lại."


Mỹ cảnh báo trừng phạt tàn nhẫn hơn nếu Triều Tiên khiêu khích

ngoai truong my john kerry quan ngai ve van de hat nhan tren ban dao trieu tien - anh: reuters

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry quan ngại về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo sẵn sàng trừng phạt tàn nhẫn hơn các biện pháp của Liên Hiệp Quốc nếu Triều Tiên tiếp tục các hành động khiêu khích của nước này.
Yonhap ngày 12.4 dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ và cộng đồng quốc tế rất quan ngại về những hành vi khiêu khích của Triều Tiên thời gian qua. Ông Kerry hối thúc Bình Nhưỡng ngưng các hoạt động cũng như những tuyên bố khiêu khích khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo Washington sẵn sàng áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn các biện pháp mà Liên Hiệp Quốc đưa ra mới đây đối với Bình Nhưỡng, do chương trình hạt nhân của nước này. Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đưa ra đầu tháng 3 được coi là lệnh trừng phạt hà khắc và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên.
Ông Kerry nói rằng một vài biện pháp mạnh mẽ hơn đã được bàn thảo nhưng có áp đặt hay không sẽ phụ thuộc vào thái độ và hành vi của Triều Tiên. Tuy không nêu cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ đánh giá đó sẽ là các biện pháp trừng phạt mà Trung Quốc khó lòng đồng ý.
Mặc dù vậy, ông Kerry vẫn khẳng định Mỹ sẵn sàng đàm phán hòa bình với Triều Tiên, thậm chí Washington hứa hẹn viện trợ kinh tế và nhiều sự hỗ trợ khác nếu Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân nước này đang theo đuổi.
Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ đưa ra tại một cuộc họp báo ngày 11.4 khi ông đang tham gia hội nghị ngoại trưởng các nước G7 tại Hiroshima (Nhật Bản). Chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là một trong những vấn đề quan trọng nhất được các ngoại trưởng G7 đưa ra thảo luận. Nhiều người tỏ ra nghi ngại về khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa trước thềm kỷ niệm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành vào ngày 15.4 tới.

Trung Quốc "giận dữ" với tuyên bố chung G7 về Biển Đông

Trung Quốc ngày 11/4 thể hiện sự tức giận khi các ngoại trưởng G7 ra tuyên bố chung ngầm chỉ trích hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

"Chúng tôi yêu cầu các nước thành viên G7 tôn trọng cam kết không đứng về phe nào trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/4 cho hay.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang ngược "yêu cầu các nước G7 tôn trọng nỗ lực của các nước khác trong khu vực, chấm dứt những bình luận và hành động vô trách nhiệm, đóng vai trò thật sự trong việc xây dựng hòa bình và ổn định khu vực".

Cơ quan này đồng thời tuyên bố sẽ không chấp nhận và không tham gia vụ kiện với Philippines.

Cũng trong cuộc họp báo ngày 11/4, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc ngoại trưởng G7 bày tỏ quan ngại trước các hành động khiêu khích trên Biển Đông và biển Hoa Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho hay:

"Dường như nhiều bài báo gần đây cho rằng cuộc họp của các ngoại trưởng G7 tại Nhật Bản sẽ bàn nhiều đến vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuy nhiên, tôi không thấy các tài liệu bạn đã đề cập. Sau khi đọc, chúng tôi sẽ xem xét liệu những tài liệu đó có đáng để đưa ra bình luận hay không".

trung-quoc-bien-dong (1)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo ngày 11/4. Ảnh: Fmprc.gov.cn

Người phát ngôn còn mạnh miệng nói rằng "dù một số nước đang tiếp tục thổi phồng vấn đề, khát vọng hoà bình và ổn định khu vực sẽ không thay đổi".

Lục Khảng ngang nhiên nhấn mạnh, nếu muốn gây ảnh hưởng với cộng đồng quốc tế, G7 cần có thái độ tôn trọng sự thật và giải quyết những vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm hơn.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lớn tiếng rằng G7 nên tập trung vào quản trị kinh tế toàn cầu và hợp tác trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu kém hiện nay, thay vì thổi phồng các tranh chấp và kích động vấn đề.

trung-quoc-bien-dong (2)

Các thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam . Đồ hoạ: NY Times

Trong tuyên bố chung được đưa ra hai ngày sau cuộc họp tại Hiroshima, Nhật Bản, các ngoại trưởng G7 bày tỏ lo ngại về tranh chấp hàng hải trên Biển Đông và biển Hoa Đông, trong đó ngầm chỉ trích động thái từ Trung Quốc. Ngoại trưởng các nước thành viên G7 "phản đối bất kỳ hành động đe doạ hay đơn phương khiêu khích có thể làm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, biển Hoa Đông".

Trước đó, tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng G7, Nhật Bản hy vọng các bộ trưởng sẽ lên tiếng phản đối hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng của các vùng biển, cũng như khuyến khích phương Tây góp tiếng nói nhiều hơn để thay mặt các nước Đông Nam Á đang có lợi ích ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự của các ngoại trưởng G7. Theo Bắc Kinh, việc Nhật Bản đề cập tới những tranh chấp trên biển là "sự khiêu khích" ảnh hưởng tới "những mối quan tâm thích đáng hơn". Trung Quốc cũng yêu cầu Nhật Bản đưa vấn đề Biển Đông khỏi chương trình nghị sự.

G7 là tập hợp 7 nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới, gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức và Italy). Nhóm được thành lập vào năm 1976. G7 sẽ họp vài lần mỗi năm để bàn luận và trao đổi về chính sách kinh tế. G7 nhóm họp lần đầu vào ngày 11/4/2008 ở Washington, D.C. để bàn về cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2008.

Hội nghị cấp cao G7 năm 2016 là lần tổ chức thứ 42, diễn ra vào cuối tháng 5 tại thành phố Hiroshima, do Thủ tướng Abe chủ trì.


Đài Loan phản đối Kenya trục xuất người Đài Loan về Trung Quốc

nhan vien an ninh kenya - anh: afp

Nhân viên an ninh Kenya - Ảnh: AFP

Chính quyền Đài Loan ngày 11.4 phản đối việc Bắc Kinh gây áp lực buộc chính phủ Kenya trục xuất 8 người Đài Loan và đưa họ về Trung Quốc.
Hồi tháng 11.2014, Kenya đã bắt 28 người Đài Loan và 49 người thuộc tộc người thiểu số ở Trung Quốc với cáo buộc xâm nhập bất hợp pháp vào nước này và tham gia vào một đường dây viễn thông bất hợp pháp.
Khoảng 37 người, trong đó có 23 người Đài Loan, được tòa án Kenya tuyên vô tội hồi tuần qua. Đến hôm 8.4, chính quyền Kenya đã trục xuất 8 người Đài Loan trong số này về Trung Quốc thay vì Đài Loan dưới sức ép của Bắc Kinh, AFP dẫn nguồn từ Cơ quan ngoại giao Đài Loan cho hay.
Theo Cơ quan ngoại giao Đài Loan, chính quyền đại lục đã sử dụng “thủ thuật” để ngăn cản thông tin về phán quyết của tòa đến được với Cơ quan ngoại giao Đài Loan.
“Khi nhân viên ngoại giao đến sân bay, thì 8 người Đài Loan đã bị ép lên máy bay của China Southern Airlines và đưa về đại lục”, Cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết. Đài Bắc gọi đó là vụ bắt người “trái phép” và “không văn minh”, vi phạm quyền cơ bản của con người.
Cơ quan ngoại giao Đài Loan yêu cầu Trung Quốc đại lục trả 8 người trên về Đài Loan và chính phủ Kenya phóng thích 15 người Đài Loan còn lại.
“Thông tin có được đến lúc này là máy bay Trung Quốc đưa họ đáp xuống Quảng Châu nhưng không rõ hiện giờ họ đang ở đâu”, ông Shih Hui Fen, quan chức đối ngoại của Đài Loan nói trong cuộc điều trần tại cơ quan lập pháp.
Theo người phát ngôn của chính quyền Đài Loan Ma Wei Kuo, nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu cũng đã chỉ đạo các cơ quan của Đài Loan phải làm rõ vụ “bắt người” này.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục