tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 04-08-2016

  • Cập nhật : 04/08/2016

Mặt trận bí mật Philippines có thể bày ra với Trung Quốc trên Biển Đông

Manila có thể phải tiến hành chiến dịch đàm phán hoàn toàn bí mật với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài.

hinh anh duoc cho la oanh tac co h-6k trung quoc bay qua bai can scarborough. anh: weibo

Hình ảnh được cho là oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough. Ảnh: Weibo

Manila và Bắc Kinh dường như vẫn lâm vào bế tắc trong việc giải quyết những tranh chấp trên biển ngay cả khi Tòa Trọng tài đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách trong "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương vẽ ra ở Biển Đông, theo Inquirer. Giới phân tích cho rằng đàm phán bí mật là phương án khả thi nhất hiện nay để Philippines và Trung Quốc giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Bắc Kinh luôn miệng tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết từ tòa. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại nói phán quyết sẽ được dùng như một tài liệu mang tính bản lề dẫn dắt các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc.

Ông Duterte tuần trước còn đảm bảo với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng sẽ triệt để áp dụng phán quyết từ tòa quốc tế tại các cuộc đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc. Quan điểm của Washington là tất cả các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông cần tôn trọng luật pháp quốc tế và tuân thủ những quyết định mà Tòa Trọng tài đưa ra.

Theo giáo sư Alito L. Malinao thuộc Đại học Truyền thông Đại chúng ở Manila, để có thể phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, chính phủ Philippines cần chấm dứt việc đưa tin công khai về những cuộc thảo luận song phương với Trung Quốc, cũng như nói rằng Bắc Kinh sẽ chấp nhận đàm phán dựa trên các điều kiện do Manila đưa ra.

Nói cách khác, Philippines cần thực hiện một cuộc chiến ngoại giao hoàn toàn bí mật, áp dụng chiến thuật đàm phán thầm lặng, không công khai, không phô trương, nhằm xử lý hiệu quả những tranh chấp ở Biển Đông mà không làm leo thang căng thẳng với Trung Quốc.

Song song với đó, Philippines cần thực hiện những nỗ lực ngoại giao hậu trường để đề phòng trường hợp họ không thể giải quyết những mâu thuẫn giữa quan điểm mà Tổng thống Duterte theo đuổi và lập trường không chấp nhận nhượng bộ của Trung Quốc.

Theo ông Malinao, các cuộc đàm phán bí mật có ưu điểm là sẽ giúp cả Manila và Bắc Kinh tránh bị bẽ mặt trong trường hợp đàm phán gặp sự cố, thậm chí đổ vỡ, đồng thời giúp các nhà ngoại giao không phải chịu sức ép quá lớn từ truyền thông và dư luận.

Theo đó, Bộ Ngoại giao Philippines không cần thiết phải thông báo bất cứ điều gì khi các phiên đàm phán đang diễn ra. Truyền thông chỉ nên biết về chúng khi dự thảo cuối cùng của biên bản ghi nhớ thỏa thuận giữa đôi bên đã sẵn sàng, chỉ chờ lãnh đạo hai nước đặt bút ký.

Một ví dụ điển hình cho phương pháp ngoại giao này là chuyến thăm bí mật tới Trung Quốc hồi cuối tháng 4/1971 của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thời điểm đó, ông Henry Kissinger. Khi Washington được Bắc Kinh bật đèn xanh cho biết họ sẵn sàng đón tiếp đại diện của Mỹ, ông Kissinger đã thực hiện một chuyến thăm chính thức đến Pakistan. Tại Islamabad, thủ đô của Pakistan, Kissinger giả vờ bị ốm và nói với các phóng viên rằng ông sẽ tĩnh dưỡng hai ngày tại một biệt thự bên ngoài thành phố.

Trong hai ngày đó, Kissinger đã bí mật bay từ Pakistan đến Bắc Kinh, gặp gỡ và trò chuyện với thủ tướng Trung Quốc khi ấy là ông Chu Ân Lai rồi quay trở về. Những cuộc trao đổi này đã mở đường cho chuyến thăm của tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Bắc Kinh, đánh dấu giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ - Trung.

Ngoài ra, Philippines và Trung Quốc nên khởi động các biện pháp khôi phục lòng tin nhằm xoa dịu căng thẳng tại các khu vực tranh chấp, ông Malinao đề xuất. Quá trình ký kết "thỏa thuận kết nghĩa" giữa khu tự trị Hồi Ninh Hạ ở Trung Quốc với tỉnh Palawan của Philippines là một bằng chứng cho thấy tính hiệu quả của ý tưởng trên. Lễ ký kết được tổ chức tại Ninh Hạ hồi tuần trước.

Theo ông Malinao, để thể hiện thiện chí xây dựng lòng tin, Trung Quốc có thể rút lực lượng hải cảnh và tàu quân sự khỏi bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines. Mỹ từng tố cáo Trung Quốc có ý đồ bồi đắp bãi cạn này thành đảo nhân tạo, và cảnh báo hành động đó sẽ châm ngòi cho biện pháp đáp trả từ Washington.(Vnexpress)

Mỹ chở 400 triệu USD sang Iran chuộc con tin?

Mỹ bị nghi cho máy bay vận tải chở nhiều kiện ngoại tệ tổng giá trị 400 triệu USD sang Iran để mua lấy sự tự do của bốn công dân Mỹ bị Iran bắt.

Chính phủ Mỹ đã bí mật phái một chiếc máy bay chở nhiều kiện ngoại tệ tổng giá trị 400 triệu USD sang Iran hồi tháng 1 vừa rồi, trùng với thời điểm Iran trả tự do cho bốn công dân Mỹ, báo Wall Street Journal (Mỹ) dẫn thông tin từ nhiều nghị sĩ, quan chức Mỹ và châu Âu.

Theo các quan chức này, 400 triệu USD gồm nhiều loại tiền: euro, đồng francs của Thụy Sĩ và một số loại tiền khác được sắp trong các thùng gỗ chất lên một chiếc máy bay vận tải chở sang Iran. Số tiền này được Mỹ lấy từ các ngân hàng trung ương ở Hà Lan và Thụy Sĩ.

Theo một quan chức Mỹ, lý do số tiền này không phải là tiền USD vì tất cả mọi giao dịch bằng USD với Iran đều bị cấm theo luật trừng phạt của Mỹ. Lý do Mỹ phải chở tiền mặt qua cho Iran là vì các lệnh trừng phạt của quốc tế khiến Iran khó có thể tiếp cận với các ngân hàng thế giới.

nha bao jason rezaian (giua) va nguoi than tai duc sau khi duoc iran tra tu do hoi thang 1. anh: reuters

Nhà báo Jason Rezaian (giữa) và người thân tại Đức sau khi được Iran trả tự do hồi tháng 1. Ảnh: REUTERS

Về danh nghĩa, số tiền này là đợt chi trả đầu tiên nằm trong khoản 1,7 tỉ USD chính phủ Mỹ thỏa thuận bồi thường cho Iran liên quan đến một thương vụ mua bán vũ khí mà Mỹ đã ký với Iran trước cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran nhưng cuối cùng không bán. Vụ này do Tòa án Quốc tế The Hague thụ lý. Tòa án Quốc tế đồng ý với việc thỏa thuận bồi thường của hai bên. Ban đầu phía Iran đòi Mỹ bồi thường tới 10 tỉ USD.

Các quan chức cấp cao Mỹ, trong đó có người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bác bỏ sự liên quan giữa việc Mỹ chở tiền qua Iran với việc Iran thả công dân Mỹ, khẳng định Mỹ không dùng tiền để trao đổi tù nhân với Iran. “Đây là hai vụ khác nhau, do các nhóm khác nhau thương lượng” - Wall Street Journal dẫn lời ông John Kirby.

Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ cũng thừa nhận các nhà thương lượng Iran trong vụ thả tù nhân nói họ muốn nhận lại điều gì đó hữu hình từ Mỹ, cụ thể là tiền. Truyền thông Iran dẫn lời nhiều quan chức quốc phòng cấp cao Iran nói rằng khoản tiền mặt 400 triệu USD này là tiền chuộc. Bộ Ngoại giao Iran không bình luận.

Hai công dân Mỹ bị Iran bắt trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama. Công dân Mỹ thứ ba là Jason Rezaian, trưởng chi nhánh báo Washington Post (Mỹ) ở Tehran (Iran), bị bắt tháng 7-2014 vì cáo buộc làm gián điệp. Công dân Mỹ thứ tư là cựu nhân viên FBI Robert Levinson, bị bắt năm 2015.

Mỹ và Iran bắt đầu thương lượng trao trả bốn công dân Mỹ vào tháng 11-2014. Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Didier Burkhalter giữ vai trò trung gian. Thụy Sĩ đại diện quyền lợi ngoại giao của Mỹ ở Iran sau khi Mỹ đóng cửa đại sứ quán ở Iran từ sau vụ Iran bắt cóc con tin Mỹ năm 1979.

ngoai truong my john kerry (trai) va ngoai truong iran javad zarif tai ao thang 7-2015. anh: bo ngoai giao my

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại Áo tháng 7-2015. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO MỸ

Thời điểm bốn công dân Mỹ được thả, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Nhà Trắng gọi đây là một thắng lợi ngoại giao. Trong một tuyên bố ngày 17-1, Tổng thống Mỹ Barack Obama có nhắc đến thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 về việc Iran thả công dân Mỹ nhưng không nhắc đến việc Mỹ cho máy bay chở 400 triệu USD qua Iran.

Nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton vốn không ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran đã cáo buộc Tổng thống Obama lạm quyền khi dùng tới 1,7 tỉ USD để đổi lấy sinh mạng của một vài công dân Mỹ. Hành động này của Mỹ sẽ khiến Iran tiếp tục bắt công dân Mỹ.

Từ sau thời điểm Mỹ cho máy bay chở tiền qua Iran tới nay, Iran đã bắt thêm hai công dân Mỹ gốc Iran. Ngoài ra, Iran còn bắt thêm một số công dân Pháp, Canada, Anh gốc Iran.

Phần tử thân IS gửi thư đe dọa tấn công thủ tướng Malaysia

Bức thư với nội dung đe dọa Thủ tướng Najib Razak và các lãnh đạo cao cấp của chính phủ Malaysia được phần tử thân IS gửi tới một đồn cảnh sát.

thu tuong malaysia najib razak. anh: sea globe 

Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Ảnh: Sea globe 

Star Online hôm qua dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết, các phần tử tự nhận là thành viên của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã gửi một bức thư đến trụ sở cảnh sát bang Negri Sembilan, Malaysia với nội dung đe dọa Thủ tướng Najib Razak và các thành viên chính phủ nước này.

Nhiều quan chức cấp cao khác cũng bị đe dọa trong bức thư được đóng dấu "Lời đe đọa của IS", như phó thủ tướng, ba bộ trưởng, tổng thanh tra cảnh sát và một công tố viên. Bà Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước Myanmar, cũng được nhắc tới trong bức thư.

Cảnh sát bang Negri Sembilan cho biết từng nhận được 4 bức thư có nội dung tương tự, khẳng định họ không coi nhẹ tính chất vụ việc và đang điều tra để xác định nguồn gốc và người gửi bức thư, cũng như kẻ đứng đằng sau lời đe dọa.

Ông Khakid Abu Bakar, tổng thanh tra cảnh sát Malaysia, cho rằng động cơ của bức thư vẫn chưa thực sự rõ ràng vì đối tượng đe dọa tấn công cả lãnh đạo nước ngoài, nhưng có thể là nhằm tạo ra sự hỗn loạn trong nước.

Trước đó, trong một video tuyên truyền, IS đã cảnh báo tấn công vào các lãnh đạo cấp cao của lực lượng cảnh sát Malaysia.

Trung Quốc nói Sách trắng của Nhật ‘chứa đựng luận điệu thù địch’

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 2-8 cho rằng Sách trắng quốc phòng năm 2016 của Nhật Bản chứa đựng sự thù địch đối với quân đội Trung Quốc và nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế.

Theo Tân Hoa Xã, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 2-8 đã mạnh mẽ phản đối Sách trắng quốc phòng năm 2016 của Nhật Bản, được công bố trước đó cùng ngày. Sách trắng Nhật Bản nêu bật quan ngại về hành động đơn phương của Bắc Kinh làm leo thang căng thẳng ở biển Hoa Đông và biển Đông.

“Sách trắng của Nhật Bản chứa đựng luận điệu thù địch với quân đội Trung Quốc, nó làm khuấy đảo mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, đồng thời nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế” - Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm.

Trung Quốc tập trận ở Hoa Đông
Trung Quốc phóng tên lửa từ tàu hải quân trong cuộc tập trận bắn đạn thật mới đây ở Hoa Đông. Ảnh: AP

Về vấn đề biển Đông, ông Ngô cho rằng Nhật Bản đang cố gây trở ngại cho lợi ích của chính nước này.

“Những gì chúng tôi muốn nhắc Nhật Bản là vấn đề tự do hàng hải không bao giờ trở thành vấn đề ở biển Đông, trong khi đó sự can thiệp của Nhật Bản và các quốc gia ngoài khu vực đang gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trong khu vực” - ông Ngô nói.

Về vấn đề quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói đảo Điếu Ngư là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Ông nói Nhật Bản đã nhiều lần thổi phồng cái gọi là “chạm mặt bất thường ở cự ly gần” giữa máy bay quân sự Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Đối với các cáo buộc trong Sách trắng cho rằng Trung Quốc gia tăng hành động quân sự ở quần đảo Điếu Ngư, ông Ngô Khiêm nói những gì quân đội Trung Quốc làm là phù hợp bởi quần đảo này thuộc về nước này.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi Tokyo có các hành động cụ thể để tạo điều kiện cải thiện mối quan hệ Trung-Nhật.

Nhật Bản lần đầu công bố Sách trắng về quốc phòng vào năm 1970 và sau đó được soạn thảo mới mỗi năm kể từ năm 1976.

Ngày 2-8, nội các Nhật đã thông qua Sách trắng quốc phòng thường niên 2016 của Nhật. Năm nay, Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản dài 480 trang, trong đó khoảng 30 trang đề cập những hành động của quân đội Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông cũng như cảnh báo về chiến lược biển của Trung Quốc.

Cụ thể, Sách trắng quốc phòng của Nhật cho rằng hoạt động trên không và trên biển mang tính chất hung hăng và bành trướng nhanh chóng của Trung Quốc cùng với tình trạng thiếu minh bạch trong tăng cường quân sự của Trung Quốc đã gây bất ổn cân bằng quân sự trong khu vực. Một số hành động của Trung Quốc trong yêu sách hàng hải mâu thuẫn là hành động nguy hiểm có thể dẫn tới tình hình ngoài dự kiến.

Hành động bồi đắp và xây dựng của Trung Quốc ở biển Đông là khiêu khích. Trung Quốc đã thúc đẩy sử dụng các đảo tôn tạo nhằm mục đích quân sự, đồng thời vừa tiếp tục mở rộng sang Ấn Độ Dương. Bắc Kinh phải chấp nhận phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài nhằm giải quyết tranh chấp hàng hải với Philippines.

Trung Quốc đã gia tăng hoạt động xung quanh các đảo do Nhật kiểm soát mà cả hai đang tranh chấp. Một tàu chiến Trung Quốc đã đi vào vùng biển Nhật ngay bên ngoài khu vực tranh chấp. Tình hình gia tăng hoạt động trên biển Hoa Đông đến mức Nhật đã phải đuổi các máy bay Trung Quốc hơn 570 lần hồi năm ngoái.(PLO)

Mỹ đau đầu tìm phương kế chống đỡ tấn công mạng

Các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ đang đẩy chính quyền Tổng thống Barack Obama vào tình thế phải lựa chọn cách đáp trả mà không khiến căng thẳng gia tăng.

tong thong my barack obama trong mot chuyen tham trung tam tich hop vien thong va an ninh mang quoc gia o arlington, bang virginia, my. anh: nytimes

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một chuyến thăm Trung tâm Tích hợp Viễn thông và An ninh mạng Quốc gia ở Arlington, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: NYTimes

Thông tin về vụ tấn công vào hệ thống máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) và đánh cắp hàng nghìn email nhằm thao túng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đang đặt Nhà Trắng trước thách thức phải tìm ra phương thức trả đũa hiệu quả với tin tặc.

Theo New York Times, một số chuyên gia an ninh mạng tư nhân nói rằng họ "có niềm tin mãnh liệt" rằng Nga phải chịu trách nhiệm với vụ tấn công mạng trên. Theo bình luận viên David E. Sanger, ngay cả khi nhận định trên là chính xác, Mỹ cũng gặp rất nhiều khó khăn để đưa ra được hành động đáp trả rõ ràng để răn đe nhưng không gây leo thang căng thẳng với Nga.

Hành vi phá hoại nguy hiểm

Sau khi tin tặc đột nhập vào hệ thống máy chủ của DNC, đánh cắp nhiều email và công bố nội dung của chúng, cho thấy DNC đã thiên vị ứng cử viên Hillary Clinton trong các cuộc bầu cử sơ bộ trước đối thủ cùng đảng Bernie Sanders, chủ tịch của DNC đã buộc phải từ chức. Vụ rò rỉ thông tin này được coi là một đòn giáng vào uy tín của bà Clinton trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ.

Tối 29/7, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John O. Brennan cho rằng việc công bố các tài liệu đánh cắp được bằng tấn công mạng nhằm tác động đến một cuộc bầu cử là hành vi phá hoại ở cấp độ mới, khác xa với những hoạt động tình báo bình thường.

"Khi tìm ra ai chịu trách nhiệm cho vụ việc này, những cuộc họp ở các cấp cao nhất của chính phủ sẽ được tiến hành để xác định chuỗi hành động hợp lý", ông Brennan nói.

Giới quan sát đánh giá những vụ tấn công mạng liên quan đến tin tặc Nga rất nan giải và dai dẳng. Chỉ 4 tháng sau khi nhậm chức hồi năm 2009, Tổng thống Obama và các cố vấn an ninh quốc gia đã nhận được cảnh báo từ các cơ quan tình báo Mỹ rằng trong số các nước nhắm vào mạng lưới máy tính Mỹ, Nga "sở hữu một chương trình mạnh mẽ và lâu đời hơn cả".

Thời điểm đó, ông Obama đã xuống tận Phòng Tình huống ở Nhà Trắng để giám sát một chiến dịch tấn công mạng phối hợp giữa Mỹ và Israel nhằm vô hiệu hóa hệ thống máy ly tâm hạt nhân của Iran. Ông bày tỏ lo ngại với các trợ lý rằng chiến dịch này sẽ càng làm leo thang những cuộc tấn công mạng cũng như hành động trả đũa.

Mối lo âu này sau đó được chứng minh khi Iran bị coi là thủ phạm thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào Arab Saudi, tin tặc Nga bị cáo buộc tấn công gây tê liệt mạng lưới điện ở Ukraine, trong khi Triều Tiên cũng bị nghi tấn công mạng nhằm vào Hàn Quốc. Danh sách các vụ tấn công mạng tiếp tục được kéo dài theo thời gian.

Liên quan đến vụ đột nhập lấy cắp email từ DNC, hai quan chức chính quyền cấp cao Mỹ đã đề xuất nhiều phương án phản ứng, từ tấn công mạng trả đũa Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và Cục Tình báo Quân đội Nga (GRU), đến những biện pháp trừng phạt kinh tế, đi lại...

FSB và GRU là hai cơ quan tình báo lớn thuộc Nga đang bị Mỹ nghi ngờ đạo diễn cuộc tấn công vào hệ thống mạng máy tính của DNC.

Chiều 30/7, cũng tại Diễn đàn An ninh Aspen, Lisa O. Monaco, cố vấn an ninh nội địa cho Tổng thống Obama né tránh thảo thuận chi tiết về vụ tấn công mạng nhằm vào DNC, song ghi nhận chính quyền có thể sớm xem xét liệu hệ thống bầu cử Mỹ có cấu thành "cơ sở hạ tầng quan trọng" giống như mạng lưới điện hoặc mạng di động hay không.

"Tôi cho rằng đó là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt khi nó liên quan đến hành động đe dọa, phá hoại và thao túng dữ liệu", bà Monaco nhận định và thêm rằng bất cứ khi nào suy tính trả đũa, Mỹ cần lưu ý đến nguy cơ leo thang căng thẳng và hiểu nhầm. Nhưng bà cũng khẳng định nếu một sự việc đủ nghiêm trọng, Mỹ "phải tỏ rõ rằng chúng ta sẽ phản ứng".

Trả giá nếu không hành động

Theo bình luận viên Sanger, cái giá của việc không hành động trước vụ tấn công mạng máy tính DNC có thể rất đắt. Nguy cơ bị phá hoại có thể không ngừng gia tăng bởi Mỹ cùng rất nhiều nước ngày nay phụ thuộc nhiều vào hệ thống bầu cử điện tử.

Sanger cho rằng đối với Obama, vị tổng thống đã nỗ lực mạnh mẽ để báo động nguy cơ tấn công mạng và xây dựng Bộ Chỉ huy Mạng Mỹ, vấn đề an ninh mạng mang nặng màu sắc chính trị.

Tuần trước, ông Adam B. Schiff và Dianne Feinstein, hai nghị sĩ đảng Dân chủ chuyên trách các vấn đề tình báo, còn gửi thư cho Tổng thống Obama, hối thúc ông công bố đánh giá tình báo về vụ tấn công mạng máy tính của DNC.

Theo New York Times, ông Obama thường nói vấn đề xung đột mạng vẫn còn mới mẻ và chưa được quy định chặt chẽ. Đến nay, chưa có hiệp ước hay luật quốc tế nào về an minh mạng ra đời mà chỉ tồn tại một bộ chuẩn mực còn mang tính chắp vá nhằm xác định những cách hành xử được chấp nhận trên không gian mạng.

"Tôi nghĩ chính quyền cần phải có chứng cứ chắc chắn để thuyết phục người dân Mỹ rằng đây là vấn đề chính sách, không phải chính trị. Đây là vấn đề bảo vệ quy trình hiến pháp, không phải một đảng", Jason Healey, học giả nghiên cứu về xung đột mạng giữa các quốc gia thuộc Đại học Columbia, Mỹ, nhận xét.(VNEX)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục