tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 22-10-2015

  • Cập nhật : 22/10/2015

Hai nhà ngoại giao Trung Quốc bị bắn chết tại Philippines

Phó lãnh sự và một nhà ngoại giao Trung Quốc khác bị bắn chết tại nhà hàng ở thành phố Cebu, Philippines. Tổng lãnh sự bị thương trong vụ việc.
canh sat phong toa nha hang light house, noi vu no sung xay ra. anh: cnn

Cảnh sát phong tỏa nhà hàng Light House, nơi vụ nổ súng xảy ra. Ảnh: CNN

Phó lãnh sự Sun Shan và quan chức phụ trách tài chính Hui Li được xác định đã tử vong tại bệnh viện thành phố Cebu. Trong khi đó, tổng lãnh sự đang trong tình trạng ổn định, Inquirer dẫn lời Dave Tumulak, lãnh đạo trung tâm chỉ huy thành phố Cebu, cho hay. Ông cũng cho biết Sun bị trúng đạn ở cổ còn Li bị bắn vào đầu.

Ba người nằm trong số 9 người Trung Quốc đang ăn trưa tại một căn phòng của nhà hàng Lighthouse vào khoảng 13h30 khi tiếng súng nổ ra.

AFP dẫn lời Wilben Mayor, phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Philippines, thì cho biết hai người Trung Quốc bị bắt sau vụ tấn công, trong đó một người là chồng một nhà ngoại giao tại lãnh sự quán. Người phụ nữ còn lại cũng làm việc tại đại sứ quán. 

Còn theo CNN, các nghi phạm được xác định là cặp vợ chồng Li Qing Li và Gou Jing. Dựa trên đoạn video từ camera theo dõi, Li bước ra khỏi nhà hàng ngay sau vụ nổ súng. Hắn để lại khẩu súng ngắn cỡ nòng 11,43 mm. Khẩu súng sau đó bị vợ hắn giấu đi. Hai người bị bắt tại văn phòng lãnh sự Trung Quốc trong một cuộc rượt đuổi, Inquirer đưa tin. 

"Chúng tôi không thực sự nhìn thấy vụ bắn súng. Họ ở trong một phòng chức năng riêng. Có một chuỗi những tiếng súng", Stephen John Patero, quản lý nhà hàng Lighthouse, nói. Ông cho biết những bồi bàn phục vụ họ trước đó nghe thấy các vị khách cãi nhau. 

Các phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila và Bộ Ngoại giao Philippines hiện chưa thể bình luận về vụ việc do đang xác minh thông tin. Cảnh sát đang tìm hiểu động cơ vụ nổ súng. Theo Straits Times, ông Song được bổ nhiệm làm tổng lãnh sự phụ trách riêng Cebu hồi tháng 9. Sau khi được bổ nhiệm, ông Song tuyên bố Philippines và Trung Quốc "chẳng lý lý do gì để cãi nhau". Song cho biết ông sẽ làm việc để "nuôi dưỡng và củng cổ tình hữu nghị" giữa người Philippines và người Trung Quốc. 

cac nghi pham tai van phong canh sat thanh pho cebu. anh: twitter

Các nghi phạm tại văn phòng cảnh sát thành phố Cebu. Ảnh: Twitter


Mỹ bán 4 tàu chiến hiện đại cho Ả-rập Xê-út

Chính phủ Mỹ hôm qua đã loan báo thỏa thuận bán cho Ả-rập Xê-út 4 tàu chiến hiện đại trị giá 11 tỷ USD trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực đang có dấu hiệu leo thang.

anh minh hoa tau chien uss fort worth cua my (anh: afp)

Ảnh minh họa tàu chiến USS Fort Worth của Mỹ (Ảnh: AFP)

Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ đã gửi thông báo lên Quốc hội Mỹ về quyết định trên của Bộ Ngoại giao và đang chờ được thông qua lần cuối.

“Thương vụ này sẽ nâng cao an ninh cho đối tác chiến lược (của Mỹ) trong khu vực, vốn đã và đang là một lực lượng quan trọng cho tiến trình ổn định chính trị và kinh tế ở Trung Đông”, tuyên bố của Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ nêu rõ.

Bốn tàu chiến được Mỹ bán cho Ả-rập Xê-út thuộc phiên bản tàu chiến “mặt nước đa nhiệm”, có khả năng mang theo hàng chục tên lửa hải đối không Sea Sparrow và tên lửa chống hạm Harpoon. Các tàu chiến hành có kích thước tương đối nhỏ nhưng được thiết kế có thể di chuyển nhanh và cơ động ở những vùng nước nông.

Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, thương vụ trên có thể sẽ làm nóng cuộc chạy đua vũ trang tại Trung Đông, nơi đang có rất nhiều cuộc chiến đan xen với các thế lực cả ở trong và ngoài khu vực.

Hiện Ả-rập Xê-út đang tìm cách hiện đại hóa hạm đội phía Đông của nước này để đối phó với các lực lượng của Iran ở vùng Vịnh.


Mỹ lo ngại về các vệ tinh quân sự Nga

Các chuyên gia vũ trụ Nga cho biết việc một vệ tinh quân sự của nước này nằm giữa khoảng cách 2 vệ tinh Intelsat của Bộ quốc phòng Mỹ sẽ không gây ảnh hưởng cho các vệ tinh này.

ve tinh quan suu luch cua nga (anh: federalspace)

Vệ tinh quân sựu Luch của Nga (Ảnh: Federalspace)

Vệ tinh quân sự Luch được Nga phóng lên quỹ đạo vào cuối tháng 9/2014 và hiện đang nằm giữa 2 vệ tinh Intelsat 7 và Intelsat 901 của Bộ Quốc phòng Mỹ. Điều này khiến Lầu Năm Góc lo ngại và đã phải triệu tập nhiều cuộc họp với lãnh đạo tập đoàn Intelsat để thảo luận về những nguy cơ mà 2 vệ tinh này có thể gặp phải. Intelsat cho biết đã tìm cách liên lạc trực tiếp với "chủ sở hữu vệ tinh Nga" thông qua Lầu Năm Góc, song chưa nhận được phản hồi.

“Mặc dù có yêu cầu từ phía các cơ quan chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, song sự xuất hiện của một vệ tinh khác trong phạm vi hoạt động của các vệ tinh Mỹ là điều không thể chấp nhận được”, đại diện Intelsat cho biết.

Tuy nhiên, ông Ivan Moiseyev, Viện trưởng Viện Chính sách không gian Nga, lại cho rằng khẳng định nguy cơ va chạm và can thiệp lẫn nhau giữa vệ tinh quân sự Luch của Nga và các vệ tinh Mỹ là rất nhỏ. Ông Moiseyev nhấn mạnh không có sự vi phạm quy định về việc phóng vệ tinh trong trường hợp này.

“Luch là một vệ tinh chuyển tiếp, truyền tín hiệu từ các tàu vũ trụ tới Trái đất, ví dụ từ Trạm vũ trụ quốc tế. Vì vậy Luch sẽ không có khả năng can thiệp làm mất tín hiệu và ảnh hưởng đến hoạt động của các vệ tinh của Mỹ. Bất kì vệ tinh nào cũng có rủi ro đi trệch quỹ đạo, song trong trường hợp này, khả năng xảy ra va chạm giữa các vệ tinh là vô cùng nhỏ”, ông Ivan Moiseyevcho biết.

Trong khi đó, các chuyên gia vũ trụ Mỹ lại bày tỏ quan ngại về vị trí và quỹ đạo di chuyển của vệ tinh Luch của Nga. Sau 7 tháng được đưa vào không gian, vệ tinh này nằm ở độ cao 36.000 m, ở vị trí 18.1 độ kinh Tây. Các báo cáo cho thấy, đã có thời điểm Luch tiến gần tới các vệ tinh Intelsat tới 10 km, một khoảng cách theo lãnh đạo Intelsat là "trong vòng nguy hiểm". Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, cho biết bộ này đã được thông tin về việc vệ tinh Nga đã 3 lần tiến tới gần vệ tinh Intelsat với khoảng cách 5 km.

Hiện tập đoàn Intelsat đã đưa vào hoạt động khoảng 50 vệ tinh, một số đang được quân đội Mỹ sử dụng, bao gồm cả các thiết bị không người lái và hệ thống liên lạc từ xa với các tiền đồn quân sự.

Được biết, vệ tinh Luch của Nga là vệ tinh đa chức năng, được chế tạo và sản xuất trong Chương trình vũ trụ Liên bang của Nga giai đoạn 2006-2015.


Nga xây căn cứ quân sự lớn ở Bắc Cực

Nga đang hoàn thiện một căn cứ quân sự tại Bắc Cực, nơi 150 binh sĩ có thể đồn trú độc lập trong vòng 18 tháng.
tong thong nga putin (ao do) toi tham can cu nga tren dao alexandra land. anh:kremlin

Tổng thống Nga Putin (áo đỏ) tới thăm căn cứ Nga trên đảo Alexandra Land. Ảnh:Kremlin

Bộ Quốc phòng Nga ngày 20/10 cho biết quân đội nước này đã hoàn thiện 97% việc xây dựng căn cứ quân sự khổng lồ tại Bắc Cực. Căn cứ nằm trên hòn đảo lớn Alexandra Land, thuộc quần đảo Franz Josef Land, ở 80 độ vĩ bắc, theo AFP.

Với tên gọi "Lá ba thùy Bắc Cực", căn cứ này là một cấu trúc có diện tích 14.000 mét vuông với ba điểm nhô ra như chiếc lá ba thùy, được sơn màu trắng, xanh, đỏ theo màu quốc kỳ Nga. Với nhiều kho thực phẩm và nhiên liệu lớn, căn cứ có thể đảm bảo cuộc sống độc lập và tiện nghi cho 150 binh sĩ đồn trú trong vòng 18 tháng.

"Nhiệt độ ở Bắc Cực có thể đạt tới -47 độ C, tuy nhiên các binh sĩ có thể thoải mái di chuyển xung quanh căn cứ bằng một hệ thống hành lang kín gió và hiện đại", một quan chức Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Học thuyết hải quân mới của Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của Bắc Cực, vì đây là một khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng và có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào.

Nga từng duy trì một đồn biên phòng ở quần đảo Franz Josef Land, tuy nhiên lực lượng đồn trú tại đây đã bị rút về vào thập niên 1990. Tháng 9/2013, Tổng thống Nga Valadimir Putin ra lệnh khôi phục căn cứ quân sự này. Đến tháng 11 năm ngoái, Hạm đội Biển Bắc đánh dấu sự trở lại khu vực bằng sự hiện diện của các đơn vị quân đội.

Hồi đầu năm, Nga mở lại một đường băng trên đảo Alexandra Land để máy bay vận tải quân sự cỡ lớn chở vật liệu xây dựng có thể hạ cánh. Kể từ đó, căn cứ này đã trở thành nơi tiếp đón nhiều tàu hải quân chở vũ khí và nhiên liệu thuộc Hạm đội Biển Bắc.

Đầu tháng 8/2015, Nga đã nộp đơn cùng các tài liệu bằng chứng lên Liên Hợp Quốc, xin công nhận chủ quyền với 1,2 triệu km2 thềm lục địa Bắc Cực.Yêu cầu này của Nga sẽ được Liên Hợp Quốc xem xét trong những tháng đầu năm 2016, dự kiến sẽ làm gay gắt thêm cuộc đua về chủ quyền tại khu vực này giữa các bên như Nga, Mỹ, Canada, Na Uy và Đan Mạch.

quan dao franz josef land nam tren vi tuyen 80 do bac. anh: wikipedia

Quần đảo Franz Josef Land nằm trên vĩ tuyến 80 độ bắc. Ảnh: Wikipedia


Trung Quốc xây thêm hai hải đăng trái phép ở Hoàng Sa

Trung Quốc tuyên bố xây xong hai ngọn hải đăng mới trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
hai dang trai phep cua trung quoc o truong sa. anh: news.163

Hải đăng trái phép của Trung Quốc ở Trường Sa. Ảnh: News.163

Theo Xinhua, chính quyền cái gọi là "thành phố Tam Sa" hôm nay thông báo xây xong hai ngọn hải đăng tại đảo Duy Mộng và đá Hải Sâm, thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm, phía tây nam quần đảo Hoàng Sa.

"Chính quyền Tam Sa" không tiết lộ chiều cao của hai hải đăng này, mà chỉ nói rằng chúng có chức năng dẫn đường cho tàu thuyền và "phục vụ ngư dân trong hoạt động đánh bắt".

Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Nước này liên tục đẩy mạnh hoạt động xây hải đăng trái phép trên các đá và đảo chiếm đóng của Việt Nam ở Biển Đông. Hôm 9/10, Bắc Kinh cũng khánh thành hai ngọn hải đăng trên đá Châu Viên và Gạc Ma, có phạm vi chiếu sáng tới 22 hải lý.

Trung Quốc phớt lờ sự phản đối của các nước trong khu vực và quốc tế, biện minh xây hải đăng để hỗ trợ hàng hải trong khu vực. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, đây là động thái thâm sâu để củng cố cho tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 13/10 khẳng định,mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều bất hợp pháp và vô giá trị.Philippines hôm 19/10 cũng kịch liệt chỉ trích Trung Quốc xây hải đăng ở Trường Sa, cho rằng chúng là phương tiện để Bắc Kinh hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục