tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

TPP: Cú hích với nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ

  • Cập nhật : 10/10/2015

(Thuong mai)

Nền kinh tế toàn cầu vốn đang trì trệ đã có một cú hích khi vào ngày 5/10, lãnh đạo của 12 nền kinh tế trong khu vực Thái Bình Dương đã có thể đạt được thỏa thuận đối với hiệp định thương mại lớn nhất trong vòng 20 năm qua - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

TPP là một hiệp định thương mại siêu lớn bao trùm 40% GDP của toàn thế giới và thúc đẩy mức độ tự do thương mại rất lớn. Bao trùm các khía cạnh công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và đầu tư liên quan tới thương mại, cũng như các vấn đề về môi trường và lao động, hiệp định sẽ mở cửa các thị trường và tăng cường khung quy định đối với ứng xử thương mại, giảm quan liêu và sự bất ổn.

Nhận định về thỏa thuận vừa đạt được, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng: "Ðây là một bước tiến mang ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế toàn cầu trong một thế giới không chỉ ngày càng kết nối mà còn phụ thuộc lẫn nhau. TPP sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á”.

Vị này cũng cho biết: “Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép. Theo nghiên cứu của Khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020. Phần còn lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này. Tôi tin tưởng vững chắc rằng TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn”. 

TPP là loại hiệp định cho phép sửa đổi để giải quyết các vấn đề liên quan tới thương mại mới phát sinh trong tương lai. Hiệp định cần được ký kết và phê chuẩn bởi 12 quốc gia tham gia, một tiến trình có thể mất nhiều tháng.

Sau 5 năm đàm phán, các nhà đàm phán rốt cuộc đã thành công khi có thể đạt thỏa thuận về TPP vào ngày 5/10 tại Atlanta, Hoa Kỳ. Toàn bộ chi tiết của Hiệp định chưa được công bố mặc dù Phòng đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã cung cấp một bản tóm tắt. Và những chi tiết đầu tiên của Hiệp định đã được hé lộ.

Theo đó, phần lớn nhưng không phải tất cả thuế suất đều được dỡ bỏ khi hiệp định được thực hiện đầy đủ. Thông cáo báo chí của Nhà Trắng nêu rõ, việc loại bỏ 18.000 loại thuế suất đang được các thành viên TPP áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Nhưng cũng có những ngoại lệ đối với miễn thuế (ví dụ liên quan tới một số sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm) và trong một số trường hợp, thuế suất sẽ được loại bỏ sau một thời gian dài (ví dụ lên tới 15 năm đối với một số phụ tùng ô tô Mỹ nhập từ Nhật Bản).

Đối với một số loại dược phẩm mới được coi là chế phẩm sinh học, thỏa thuận bảo hộ 5 năm đối với các dữ liệu thử nghiệm thỏa mãn yêu cầu của pháp luật, cũng như một vài bảo hộ cộng thêm thông qua các khung bảo vệ quốc gia khác nhau. Trong quá trình thảo luận, đại diện các thành viên TPP đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy những cải tiến trong lĩnh vực dược theo một phương thức cân bằng với những biện pháp khuyến khích phù hợp.

“Hiệp định TPP đạt thỏa thuận vào thời điểm quan trọng khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục có dấu hiệu trì trệ. Đây là một hiệp định bao trùm một khu vực kinh tế lớn hàm ý về một tín hiệu tích cực. Một chính sách rộng lớn và kết nối đại diện cho một bước tiến về phía các cải cách thể chế đang rất cần thiết đối với các nền kinh tế và cho thấy tính khả thi của những ý tưởng tương tự trong bối cảnh hiện tại của kinh tế toàn cầu” – đánh giá của Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC trong bản báo cáo nhanh về TPP ngày 6/10.

Khi được phê chuẩn, hiệp định sẽ kéo dài trong một số năm kéo theo việc tạo lập một chương trình tự do hóa trong trung tới dài hạn. Điều này sẽ góp phần hình thành kỳ vọng và dẫn tới những cải cách sâu rộng hơn về các vấn đề sẽ phát sinh hoặc tại các nền kinh tế sẽ tham gia mới.

Cùng với đó, việc tích cực mở rộng thị trường thông qua cải cách chính sách thương mại theo quy mô lớn như vậy có thể thúc đẩy tăng trưởng theo một phương thức hòa hợp. Việc mở rộng thị trường có thể đem lại cơ hội về kinh tế dựa trên quy mô và chuyên môn hóa. Trong khi đó, tiếp cận các nguyên liệu đầu vào cạnh tranh có thể giúp các doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn, trong một thị trường rộng hơn.

TPP sẽ đem lại những lợi ích trực tiếp và trong thời gian ngắn đối với người tiêu dùng xét về khả năng tiếp cận các sản phẩm cạnh tranh. Các nhà sản xuất cũng sẽ thu lợi từ thuế thương mại hạ xuống. Việc thúc đẩy thương mại sẽ giúp giảm các tổn thất phát sinh từ quan liêu tại hay xuyên biên giới liên quan tới các sản phẩm thương mại.

Bước tiếp theo sẽ là một cuộc thảo luận công khai về các điều khoản thực tế và tiến trình phê duyệt. Có thể sẽ có những thách thức liên quan tới những điều này. Việc gia tăng mở cửa thông qua TPP sẽ bao hàm những điều chỉnh và những quan ngại có liên quan sẽ cần được giải quyết như một phần của các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, ngay khi các quốc gia phê duyệt và TPP được đưa vào thực hiện, những lợi ích lâu dài của hiệp định sẽ bắt đầu tích lũy một cách liên tục.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục