tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-05-2017

  • Cập nhật : 20/05/2017

Lọc dầu Dung Quất bán 5-6% vốn khi IPO

Lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn khẳng định sẽ cổ phần hoá theo lộ trình vào tháng 11 tới dù nhà đầu tư có lo ngại sau những bê bối của ngành dầu khí vừa qua.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) cho biết doanh nghiệp sẽ bán 5-6% cổ phần ra thị trường trong đợt chào bán đầu tiên (IPO) vào tháng 11 năm nay. Bên cạnh đó là việc chào bán cho các nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược.

Lý giải về tỷ lệ bán khiêm tốn trong đợt IPO tới, ông Nguyên chia sẻ rằng con số đã được cân nhắc rất kỹ cùng đơn vị tư vấn. "Nếu bán nhiều hơn sẽ khiến giá trị doanh nghiệp thấp đi", ông Nguyên nói. Toàn bộ thông tin về xác định giá trị doanh nghiệp, giá chào bán lần đầu... sẽ được công bố vào tuần tới khi doanh nghiệp nhận được sự đồng ý từ Bộ Công Thương.Lãnh đạo BSR cũng cho hay, việc thực hiện chào bán cổ phiếu của BSR sẽ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I, công ty sẽ tiến hành chuyển đổi thành mô hình cổ phần và thực hiện chào bán cho cán bộ nhân viên và IPO, hoàn thành trong năm 2017. Tiếp đến, BSR sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng tiếp theo.

nha may loc dau 3 ty usd se tien hanh ipo vao thang 11 toi. anh: h.t

Nhà máy lọc dầu 3 tỷ USD sẽ tiến hành IPO vào tháng 11 tới. Ảnh: H.T

Do thuộc diện Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ (không giới hạn tỷ lệ bán), lãnh đạo BSR kỳ vọng có thể bán tới 36% cổ phần cho đối tác chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc - hóa dầu.

Chia sẻ thêm về thời điểm IPO nhà máy đang được cho "không mấy thuận lợi", ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV BSR thông tin, thực tế chủ trương cổ phần hoá nhà máy lọc dầu 3 tỷ đôla đã được ban lãnh đạo doanh nghiệp đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2013. Khi đó, công ty đã làm việc với đối tác tư vấn để lên kế hoạch chi tiết, song cuối cùng đã không được thông qua. "Tiếc là cơ chế hành chính đã không cho phép công ty cổ phần hoá sớm hơn", ông Giang chia sẻ.

Vị này thừa nhận, tình hình hiện tại khó khăn hơn, khi thị trường tài chính không thuận lợi, giá dầu thô giảm, và nhất là những bê bối trong ngành dầu khí vừa qua đang tác động, ảnh hưởng tới niềm tin nhà đầu tư.

"Liệu họ có sẵn sàng mua cổ phần của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mới vài năm, vài tháng trước còn rất tuyệt vời, nhưng nay lại đang có mây đen bao phủ?", Chủ tịch HĐTV BSR nêu trở ngại.

Nhìn nhận thời điểm này, doanh nghiệp như "người lữ hành trễ chuyến tàu", song Chủ tịch BSR khẳng định quyết tâm cổ phần hoá, "muộn còn hơn không làm".

Vị này còn cho rằng, BSR đang muốn việc cổ phần hoá được tiến hành càng sớm càng tốt để thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia vào quá trình phát triển, mở rộng nhà máy trong tương lai.

Về kế hoạch bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 kéo dài trong 52 ngày (5/6 - 26/7), ông Trần Ngọc Nguyên nói thêm, sẽ khoảng 6.000 đầu công việc được chia làm 7 gói thầu và đa số các đơn vị thầu tham gia là nhà thầu trong nước, thay vì nước ngoài như 2 lần bảo dưỡng trước.(Vnexpress)
-------------------------

Giá gạo Việt Nam chạm đỉnh 11 tháng

Giá gạo FOB cảng Sài Gòn đạt mức trung bình 367,5 USD/tấn trong tuần, cao nhất 11 tháng qua.

Hãng tin Reuters dẫn lời thương lái cho biết, giá gạo Thái Lan và Việt Nam tăng cao trong tháng này nhờ triển vọng xuất khẩu tích cực, trong khi đó giá cao khiến thị trường Ấn Độ trầm lắng.

Giá gạo 5% tấm FOB cảng Sài Gòn hiện giao dịch ở 365-370 USD/tấn, tăng từ mức 355-360 USD của tuần trước. Tính trung bình cả tuần, giá gạo ở mức 367,5 USD/tấn. Đây là mức cao nhất trong 11 tháng qua, theo dữ liệu của Reuters.

Dự đoán nhu cầu nhiều hơn từ các nước nhập khẩu hàng đầu, giới thương lái Việt Nam đang tích trữ gạo để bán sau này khi giá đang trên đà tăng. "Họ kỳ vọng giá sẽ cao hơn, vì vậy chẳng ai phải vội vàng bán ngay", một thương lái tại TPHCM nói.

Ước tính, Việt Nam đã xuất khẩu 1,84 triệu tấn gạo trong 4 tháng đầu năm, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, trên thị trường Thái Lan, giá gạo 5% tấm xuất cảng Bangkok trong tuần này ở mức 385-411 USD/tấn, tăng so với giá 387-392 USD tuần trước. Với mức giá trung bình là 398 USD/tấn, giá gạo Thái đã chạm đỉnh cao nhất 9 tháng, Reuters cho biết.

Giới thương lái nhận định, các nhà xuất khẩu Thái Lan vẫn đang tiếp tục gom hàng, cùng với đó, kỳ vọng nhu cầu cao của một số nước nhập khẩu lớn cũng cao hơn đẩy giá gạo tăng.

Tuần trước, Bangladesh cho biết sẽ nhập khẩu 600.000 tấn gạo. Nước này cũng đã hoàn thiện hồ sơ mời thầu tổng cộng 100.000 tấn.

Thái Lan và Việt Nam đang lần lượt giữ vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới.

Trái ngược với hai nước này, tại nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm giảm 3 USD mỗi tấn xuống 391-396 USD/tấn trong tuần, do nhu cầu xuất khẩu suy giảm.

Trong hai tháng qua, chính phủ Ấn Độ đã tăng cường mua gạo, và đồng rupee của nước này cũng tăng giá, khiến cho giá gạo tăng. Hiện đồng rupee đã tăng 5% trong năm nay và đang dò đỉnh 21 tháng. Đồng rupee mạnh đã bào mòn lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Ấn Độ, do đó, họ không thể giảm bớt giá.

Một nhà xuất khẩu tại bang miền nam Andhra Pradesh cho biết: "Người mua từ châu Phi đang chuyển hướng sang Việt Nam. Gạo Ấn Độ không cạnh tranh nổi ở mức giá hiện tại". Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu gạo không phải basmati sang các nước châu Phi, và xuất gạo basmati sang các nước Trung Đông. 

Chính phủ Ấn Độ đang mua gạo từ nông dân địa phương với mức giá cố định nhằm làm thực phẩm trợ cấp và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp như khi giá thay đổi đột ngột. Chính phủ nước này đã mua 36 triệu tấn gạo trong mùa vụ 2016-2017, tăng 24% so với một năm trước.(NCDT)
-----------------------------

Nhật Bản theo đuổi TPP không có sự tham gia của Mỹ

Theo hãng thông tấn Kyodo, giới chức Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đã bắt đầu mở đường cho việc hiện thực hóa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) theo đó thiết lập các quy định "cấp cao" về thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho dù không có sự tham gia của Mỹ.

 

thu tuong nhat ban shinzo abe (phai) va nguoi dong cap new zealand bill english (trai) tai khang dinh cam ket phoi hop chat che de hiep dinh doi tac xuyen thai binh duong (tpp) som co hieu luc. anh: epa/ttxvn

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và người đồng cấp New Zealand Bill English (trái) tái khẳng định cam kết phối hợp chặt chẽ để Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm có hiệu lực. Ảnh: EPA/TTXVN

 

Theo nguồn tin trên, các bộ trưởng 11 nước tham gia đàm phán TPP dự kiến có cuộc họp bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sắp tới tại Việt Nam. 

Trước thềm cuộc họp, Bộ trưởng Chính sách Tài chính và Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara ngày 19/5 đã có các cuộc thảo luận song phương với các đối tác Việt Nam, Peru, Mexico để giải thích về lập trường của Tokyo thúc đẩy đạt được một sự đồng thuận nhất định giữa các nước đàm phán TPP về cách thức duy trì sự tồn tại của hiệp định. 

Phát biểu với báo giới, ông Ishihara cho biết Nhật Bản sẽ theo đuổi việc thực thi sớm TPP mà không có sự tham gia của Mỹ, cam kết Nhật Bản sẽ đóng vai trò đi đầu trong việc đưa ra đường hướng rõ ràng cho hiệp định thương mại tự do lớn này. 

Theo ông Ishihara, TPP không những mang lại lợi ích về kinh tế mà còn có tầm quan trọng chiến lược. 

TPP được ký hồi tháng 2/2016 bởi 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, sau khi đạt thỏa thuận về hiệp định này vào tháng 10/2015. 

Hiện hiệp định đang trong giai đoạn 2 năm chờ quốc hội các nước ký kết phê chuẩn. Tuy nhiên, quá trình này rơi vào khó khăn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định thương mại mang tính lịch sử này. Đến nay chỉ có Nhật Bản và New Zealand  phê chuẩn hiệp định. 

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 19/5, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed cho biết với việc Mỹ rút khỏi TPP, cần phải đàm phán lại nếu các bên tiếp tục theo đuổi hiệp định không có sự tham gia của Mỹ. 

Ông cho biết hiện Chính phủ Malaysia dành ưu tiên cho việc hoàn tất các cuộc thương lượng về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).(TTXVN)
----------------------------

Singapore Airlines lỗ ròng vì cạnh tranh khốc liệt

Hãng hàng không Singapore Airlines (SIA) ngày 18/5 công bố báo cáo cho hay hãng này đã chứng kiến lỗ ròng trong quý IV của tài khóa 2016/17 (kết thúc ngày 31/3/2017).

 

may bay boeing 777-300er cua hang hang khong singapore airlines tai san bay quoc te changi. anh: afp/ttxvn

Máy bay Boeing 777-300ER của Hãng hàng không Singapore Airlines tại sân bay quốc tế Changi. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Theo AFP, kết quả này khiến lợi nhuận cả tài khóa của SIA giảm hơn một nửa so với tài khóa trước đó, giữa bối cảnh sự cạnh tranh khốc liệt với các hãng hàng không khác tiếp tục gây bất lợi cho hoạt động của SIA. 

Cụ thể, theo báo cáo trên, trong quý IV của tài khóa vừa qua, hãng hàng không quốc gia Singapore này chịu khoản lỗ ròng 138,3 triệu SGD (99,4 triệu USD), do lợi nhuận hoạt động của SIA sụt giảm mạnh và hãng này đã bổ sung thêm đội bay cho mảng vận chuyển hàng hóa. Tình chung cả tài khóa 2016/17, lợi nhuận ròng của SIA đạt 360 triệu SGD, giảm 55,2% so với tài khóa trước, với doanh thu cũng hạ 2,4%, xuống 14,87 tỷ SGD. 

SIA cho rằng sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các hãng hàng không tại những thị trường chủ chốt, cùng với sự bất ổn về kinh tế và địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới, tiếp tục gây sức ép lên lợi nhuận của hãng này. Thêm vào đó, việc giá nhiên liệu máy bay phục hồi từ cuối năm 2016 cũng tác động tiêu cực tới lợi nhuận của SIA. 

Nhà phân tích Shukor Yusof từ Endau Analytics nhận định, mức thua lỗ của SIA trong quý IV của tài khóa 2016/17 gây bất ngờ cho thị trường, và điều này cho thấy hãng hàng không quốc gia này cần phải hành động quyết liệt và triệt để hơn nhằm vượt qua những khó khăn trong thời gian tới.(TTXVN)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục