tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kỷ nguyên của công ty đa quốc gia siêu nhỏ

  • Cập nhật : 03/06/2016

Công nghệ xóa bỏ rào cản tiếp cận thị trường

Trong nhiều thập kỷ, vũ đài quốc tế đã là sân chơi của các DN lớn, trong khi các DN nhỏ có xu hướng chỉ dừng lại ở sân nhà. Ngày nay, những DN có quy mô vừa với cấu trúc tinh gọn đang bước chân ra những thị trường mới ngay từ giai đoạn đầu chu kỳ kinh doanh của công ty.

Những bước đi táo bạo của họ đang dần thay đổi diện mạo nền thương mại toàn cầu, thách thức những đối thủ lớn mạnh, lâu đời và xác lập những hình mẫu kinh doanh mới cho các DN nhỏ hơn học tập.

“Các DN này không chỉ kinh doanh hàng hóa xuyên quốc gia, họ còn tổ chức hoạt động tại nhiều thị trường khác nhau” - Vivek Ramachandran, Giám đốc Sản phẩm và Định vị kinh doanh thương mại toàn cầu của Ngân hàng HSBC nhận xét.

am hieu cong nghe, di vao thi truong ngach va tu duy toan cau da giup nhieu dn da quoc gia sieu nho thanh cong

Am hiểu công nghệ, đi vào thị trường ngách và tư duy toàn cầu đã giúp nhiều DN đa quốc gia siêu nhỏ thành công

Tại Anh, 40% DN đa quốc gia siêu nhỏ đã bắt đầu mở văn phòng tại các thị trường mới trong vòng 5 năm trở lại đây – một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới theo nghiên cứu của FedEx Express.

Theo khảo sát của Radius Global CFO, xu hướng này vẫn tiếp tục phát triển với 83% các DN từ nhỏ đến vừa khẳng định mở rộng thị trường quốc tế đang là ưu tiên hàng đầu của họ. Trong quá khứ, việc mở rộng kinh doanh như vậy đối với các DN nhỏ là chuyện không dễ dàng.

Bởi muốn vươn ra thế giới, họ cần nắm rõ những quy định của nước sở tại, những quy luật chuyển động của thị trường cũng như tìm kiếm đối tác mới... mà tất cả những thông tin này thường không có sẵn.

Nhưng vài thập kỷ trở lại đây, công nghệ đã giúp giải quyết vấn đề thông tin và liên kết xuyên lục địa. Các DN ngày nay dễ dàng tìm kiếm thông tin trực tuyến và kết nối với nhau dù không ở cùng một quốc gia.

DN đa quốc gia siêu nhỏ thường áp dụng lối tư duy “công dân toàn cầu”. Theo đó, họ vượt khỏi giới hạn của một quốc gia hay thậm chí một dòng sản phẩm. Mô hình kinh doanh truyền thống thiên về sản xuất hàng hóa từ công đoạn đầu đến khi ra thành phẩm hoặc kinh doanh nhiều chủng loại sản phẩm/dịch vụ thuộc cùng một lĩnh vực.

Tuy nhiên, những DN đa quốc gia siêu nhỏ ngày nay lại đang phá vỡ khuôn mẫu ấy bằng việc tham gia vào thị trường ngách toàn cầu, chuyên về một khâu trong chu trình sản xuất hoặc cung cấp những mặt hàng hay dịch vụ chuyên biệt.

Theo một nghiên cứu năm 2013 do Oxford Economics và SAP thực hiện với 2.100 DNNVV tại 21 quốc gia cho thấy, doanh thu từ nước ngoài của những DNNVV sẽ tăng từ hơn 40% lên 66% vào năm 2016. Hơn phân nửa DN tham gia khảo sát cho biết nền tảng và mạng lưới kinh doanh trực tuyến sẽ mang đến cải tiến và tăng trưởng ở thị trường toàn cầu.

“Nếu như những làn sóng đầu tiên của toàn cầu hóa chỉ tập trung vào các quốc gia khác nhau và lợi thế cạnh tranh của một nước so với những nước khác... thì hiện nay, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mà các DN toàn cầu đang “chiến đấu” với nhau ở những thị trường ngày càng chuyên biệt nhằm chiếm lấy thị phần màu mỡ” - Gary Hufbauer, thuộc Học viện Kinh tế Quốc tế Peterson phân tích.

Quản lý tài chính – thách thức phía trước

Thời đại kỹ thuật số tạo ra một sân chơi cân bằng cho các DNNVV trong cuộc cạnh tranh với những đối thủ lớn hơn. Các giải pháp trực tuyến và kỹ thuật số giúp cắt giảm chi phí và xóa bỏ những rào cản thâm nhập những thị trường mới, đặc biệt là thị trường mới nổi. Công nghệ cũng là yếu tố quan trọng mang đến hiệu quả kinh doanh.

Không chịu áp lực phải đi theo lối mòn, các DN này có thể ứng dụng những công cụ hiện đại nhằm phục  vụ các thị trường mới. Nếu bạn hoạt động hiệu quả hơn các đối thủ, nghiễm nhiên bạn đang sở hữu lợi thế cạnh tranh. Đây là điều mà các DN đa quốc gia siêu nhỏ hiểu rất rõ.

Nhưng không phải không có những điều mà các DN này cần lưu tâm trong quá trình phát triển DN và hoạt động kinh doanh. Trong đó, một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là quản lý tài chính.

Theo một nghiên cứu của HSBC, có gần 75% các công ty có doanh thu dưới 250 triệu USD không có bộ phận quản lý tiền tệ và vốn. Bởi thế, việc tìm được giải pháp công nghệ phù hợp để quản lý tài chính chính là một thách thức với các DN này. Nếu đầu tư quá lớn, ví dụ bỏ tiền mua Hệ thống quản lý vốn và tiền tệ (TMS) sẽ rất tốn kém và đòi hỏi nguồn lực lớn để quản lý.

Trong khi đó, việc quản lý vốn lưu động của các DN này cũng thường kém hiệu quả hơn những tập đoàn lớn. “Thử thách lớn nhất đối với các DN này khi mở rộng thị trường là làm thế nào để tối ưu hóa vốn lưu động tại nhiều thị trường khác nhau” - Vivek Ramachandran chỉ ra.

DN càng phát triển, thị trường càng mở rộng thì các công ty càng phải đối mặt với thách thức này. Để giảm nhẹ áp lực đó, một lời khuyên được các chuyên gia đưa ra là các DN nên chủ động đối diện để giải quyết vấn đề.

“Quản lý thanh khoản xuyên quốc gia sẽ trở thành vấn đề trọng yếu. Các DN đa quốc gia siêu nhỏ cần tìm cách giải quyết vấn đề này một cách đơn giản nhất.  Đây là lúc công nghệ có thể giúp chúng ta thông qua hệ thống quản lý vốn, tiền tệ và các quy trình quản lý vốn, tiền tệ đối với các khoản phải thu và các khoản cần chi” - Vivek Ramachandran cho biết.

Và để củng cố năng lực tài chính, các DN này cần thường xuyên thảo luận với các NH. Các NH có thể hỗ trợ không chỉ dựa vào kinh nghiệm của họ về thị trường mà còn thông qua việc giới thiệu những DN này với các công ty từng gặp phải trường hợp tương tự.

Những đặc điểm của một DN đa quốc gia siêu nhỏ: Có tư duy toàn cầu và mạnh dạn đổi mới; Thường là các DN có quy mô vừa; Nhanh nhạy trong vươn ra thị trường quốc tế; Tập trung đi vào thị trường ngách, thường chỉ tham gia một bộ phận trong chu trình sản xuất hàng hóa, dịch vụ; Am hiểu công nghệ mới để phát triển mạng lưới và thương hiệu.


Đỗ Lê
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục