tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xu hướng lãi suất: Còn phụ thuộc vào cầu tín dụng

  • Cập nhật : 11/04/2016

(Tin kinh te)

Theo TS. Vũ Đình Ánh, tới nay, chưa thể dự tính được thời điểm lãi suất cho vay sẽ chuyển động theo hướng tăng và khả năng tăng là bao nhiêu.

Hiện tượng lãi suất huy động (LSHĐ) bước vào chu kỳ tăng thứ ba kể từ đầu năm tới nay đã khiến thị trường không ít xáo động, DN không khỏi lo lắng về việc lãi suất cho vay (LSCV) tăng theo.

Để phần nào giải toả băn khoăn này, Thời báo Ngân hàng ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, lãnh đạo các NHTM xung quanh câu chuyện này.

 

Chuyên gia Ngân Hàng, TS. Võ Trí Thành:

Lãi suất tăng là điều khó tránh

ts. vo tri thanh

TS. Võ Trí Thành

Từ năm ngoái, tôi đã dự đoán điều này, cho nên diễn biến lãi suất có chiều hướng tăng trong thời gian gần đây không có gì bất ngờ. Có nhiều lý do tác động đến diễn biến lãi suất.

Thứ nhất, nó phụ thuộc vào lạm phát. Dự báo lạm phát năm nay khoảng 3-4%, rõ ràng cao hơn năm ngoái nên lãi suất khó có thể hạ.

Thứ hai, là tương quan giữa đồng VND với USD. Dù có giảm nhưng áp lực phá giá đồng tiền vẫn còn không nhỏ trước những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới như chính sách lãi suất đồng USD của Mỹ, đồng CNY của Trung Quốc và các nước đối tác…

Thứ ba, trên thị trường có nhiều loại tài sản tài chính. Nếu lợi tức các loại tài sản khác như cổ phiếu, bất động sản… cao thì lãi suất tiền gửi phải tương quan hợp lý.

Thứ tư, việc bù đắp thâm hụt ngân sách khó khăn, Chính phủ sẽ phải phát hành rất nhiều trái phiếu. Tôi được biết, năm nay lượng trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành lớn hơn nhiều so với năm ngoái. Muốn phát hành thành công thì lãi suất TPCP phải đủ hấp dẫn với người mua.

Thực tế trong phiên ngày 30/3/2016 mới đây, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 3 năm tăng 2 điểm cơ bản (5,55%), và lãi suất kỳ hạn 5 năm tăng 3 điểm cơ bản (6,38%) so với phiên đấu thầu gần nhất (23/3/2016). Lãi suất TPCP lại là chỉ báo lãi suất trên thị trường. Quan trọng nữa, NH giữ vai trò chính trên thị trường này khi khoảng 85% người mua TPCP là NHTM.

Điều dễ nhận thấy nữa là khi lượng tiền mua trái phiếu nhiều, thì tiền cho vay vào nền kinh tế ít đi, mức độ khan hiếm tăng, NH phải tăng LSHĐ để hút tiền. Và điều rất quan trọng là tỷ trọng tiền gửi dân cư rất lớn. Nếu để LSHĐ thấp sẽ khó gia tăng nguồn tiền gửi này. Một lý do nữa khiến NH tăng LSHĐ là dự thảo sửa đổi Thông tư 36, trong đó có sửa đổi về quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn được cho vay trung dài hạn.

Tôi cho rằng, năm nay giữ được mặt bằng lãi suất, hoặc tăng ít đã là thành công. Để duy trì được mặt bằng lãi suất tốt, tôi hy vọng áp lực từ tỷ giá sẽ giảm thêm. Ngoài ra, chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, giảm gánh nặng chi phí cho NH. Bên cạnh đó, tính kỷ luật ngân sách phải thực hiện tốt hơn, thâm hụt ngân sách giảm cũng góp phần giảm lãi suất.

Phó Tổng giám đốc HDBank Lê Thành Trung:

Mới là nhen nhóm, chưa phải trào lưu

ong le thanh trung

Ông Lê Thành Trung

Theo đánh giá của tôi, hiện nay các yếu tố về kinh tế vĩ mô chưa tác động tới vấn đề tăng lãi suất. Bởi tình trạng thanh khoản của các NH hiện nay khá tốt. Tuy nhiên, thị trường đang phải lường trước những khó khăn có thể xảy ra. Năm 2016, dự kiến cầu tín dụng sẽ tăng cao, nên tất yếu đẩy LSHĐ tăng. Nhưng việc này hiện chưa trở thành trào lưu.

Nhiều dự báo rằng sau Tết, có khả năng tỷ giá sẽ biến động. Nhưng tới thời điểm này, tỷ giá vẫn cơ bản ổn định. Tuy vậy, những biến động kinh tế 2016 sẽ có ảnh hưởng lớn, đặc biệt với vấn đề nợ công. Và các NHTM cũng như các định chế tài chính đều có sự đề phòng với chuyện này.

Thêm nữa, hiện tượng thiên tai trong những tháng vừa qua cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu (nông sản, thực phẩm...). Bởi vậy có những dự báo rằng có thể sang quý II/2016, tình hình sẽ có biến động như: tăng trưởng tín dụng cao hơn, xuất khẩu giảm. Điều này dẫn tới tâm lý bất an, lo ngại.

Nhưng theo tôi, yếu tố thực sự tác động mạnh mẽ lên lãi suất thì vẫn chưa rõ ràng. LSHĐ được điều chỉnh tăng ở một số kỳ hạn mang tính chất dự phòng nhiều hơn, chưa tác động trực tiếp để mặt bằng lãi suất bứt phá.

Thêm nữa, việc tín dụng tăng cũng không phải là tác nhân trực tiếp ảnh hưởng đến lãi suất. Bởi nếu tín dụng tăng cao nhưng dòng vốn quay vòng tốt thì không có vấn đề gì.

Các NHTM cũng có tính toán dựa theo các con số thống kê: năm 2015 tín dụng tăng cao hơn 17,2% và khả năng năm nay sẽ tăng nữa. Tín dụng BĐS và tín dụng trung, dài hạn vẫn nhiều nên áp lực lên cung vốn sẽ có, kéo theo lãi suất tăng. Chính vì thế nên một số NHTM có động thái tăng LSHĐ để dự trữ thanh khoản. Nhưng về lâu dài thì theo tôi, LSHĐ sẽ không tăng quá “nóng”.

Vì chính sách điều hành của Chính phủ và NHNN là cố gắng cắt giảm lãi suất, nên chắc chắn sẽ dùng mọi biện pháp để kiểm soát phù hợp, như việc phát hành trái phiếu để tăng nguồn cung.

Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh

Khó dự báo thời điểm lãi suất cho vay tăng

ts. vu dinh anh

TS. Vũ Đình Ánh

Hiện tượng LSHĐ tăng thời gian qua, theo tôi thứ nhất là do mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng trong năm 2016. Và cơ hội để giảm gần như là không có. Thứ hai, là LSCV trong một số lĩnh vực theo phản ánh vẫn ở mức cao, nhưng tổng tín dụng vẫn tăng khá mạnh. Năm 2016, dự báo tín dụng tăng và có thể tăng cao hơn so với năm 2015 nên sẽ xuất hiện nhu cầu về cấp vốn tín dụng từ phía NHTM, buộc họ phải đẩy LSHĐ lên.

Còn về chuyện LSCV có tăng sớm hay không còn phụ thuộc vào diễn biến của lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát tới thời điểm này chưa hình dung được một cách rõ ràng. Nhưng không có chuyện LSCV năm nay sẽ giảm.

Hiện nay, căn cứ để xác định chuyện LSCV có tăng hay không và mức độ ra sao còn phụ thuộc vào việc các NHTM đẩy LSHĐ lên để đáp ứng cầu về tín dụng như thế nào. Mà cầu tín dụng phụ thuộc vào khả năng sản xuất kinh doanh cũng như tăng trưởng kinh tế.

Quý I/2016, mức độ tăng trưởng thấp, nếu không có cải thiện tích cực thì nhu cầu tín dụng sẽ không tăng lên. Chưa kể chỉ số PMI của tháng 3/2016 cũng không tăng, cộng thêm các yếu tố về triển vọng sản xuất kinh doanh cũng như xuất khẩu của thời gian tới… thì thấy rằng yếu tố hỗ trợ cho việc tăng lãi suất và lựa chọn thời điểm nào tăng LSCV là còn hạn chế.

Do đó, tới nay, chưa thể dự tính được thời điểm LSCV sẽ chuyển động theo hướng tăng và khả năng tăng là bao nhiêu.

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhận định: Việc tăng LSHĐ gần đây tại các NHTM không phải xu hướng chung mà chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau Tết. Trên thực tế, cũng có nhiều NHTM thực hiện giảm LSHĐ.

 


Nhóm phóng viên chuyên đề
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục