tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Dự án Luật đấu giá tài sản: VAMC và các TCTD bị lãng quên?

  • Cập nhật : 17/10/2015

(Tin kinh te)

Để tạo thuận lợi cho TCTD trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo cần có quy định riêng cho TCTD về việc xử lý đấu giá tài sản không thành.

Dự án Luật Đấu giá tài sản gồm 8 chương, 77 điều, vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến với sự đồng thuận của đa số cho rằng cần thiết phải ban hành nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Tuy nhiên, sau khi thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo (TSĐB) của khoản nợ xấu vào dự án Luật.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Đây cũng là đề xuất từ phía NHNN trong quá trình tham gia góp ý dự án luật. Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho biết, NHNN đã có văn bản gửi Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tư pháp về một số vấn đề liên quan đến xử lý TSĐB của các TCTD, trong đó có hoạt động của VAMC.

Theo đó, NHNN đề nghị dự thảo nêu cụ thể về quy định trong trình tự, thủ tục mua bán nợ và mua bán nợ xấu của công ty VAMC, trong đó nhấn mạnh đến việc áp dụng các quy định về thực hiện bán đấu giá tài sản, về xác định giá khởi điểm, về xử lý tài sản trong trường hợp đấu giá không thành và huỷ kết quả đấu giá tài sản là khoản nợ xấu…

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, dự án Luật chỉ quy định tổ chức đấu giá tài sản (bao gồm DN đấu giá tài sản và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản) là chưa bao quát hết hoạt động của công ty VAMC. Bởi theo quy định của Chính phủ về tổ chức hoạt động, VAMC được quyền tổ chức đấu giá tài sản, và đây là một trong những công cụ cần thiết để cơ quan này có thể xử lý được các khoản nợ xấu. Vì vậy, NHNN đề nghị bổ sung vào khoản 10, điều 3 về tổ chức đấu giá tài sản bao gồm cả VAMC để tạo cơ sở pháp lý phù hợp với quy định hiện nay về hoạt động của VAMC.

Về đấu giá không thành, dự thảo luật đưa ra hướng sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc đấu giá lại theo thoả thuận giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản.

Phó Thống đốc cho rằng quy định như vậy là chưa phù hợp. Ông cho biết, hiện nay việc xử lý TSĐB của TCTD được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định 163 về giao dịch bảo đảm, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 11 của Chính phủ.

Việc xử lý TSĐB của TCTD được thực hiện theo hình thức các bên thoả thuận lựa chọn phương án để xử lý TSĐB như: bán TSĐB; bên nhận tài sản nhận chính TSĐB để thay thế cho nghĩa vụ trả nợ: bên nhận TSĐB nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ người thứ 3 trong trường hợp thế chấp đòi nợ và các phương thức khác do các bên thoả thuận. Nếu các bên không có thoả thuận thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng theo quy định của dự thảo Luật thì việc xử lý đấu giá tài sản không thành được thực hiện theo quy định của pháp luật, hoặc đấu giá lại theo thoả thuận của người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản. Như vậy, nếu quy định việc đấu giá lại chỉ thực hiện khi có thoả thuận giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thì sẽ khó khăn cho TCTD, nếu người có tài sản đấu giá không hợp tác trong phương thức xử lý cũng như giá khởi điểm đấu giá lại.

Vì vậy, để tạo thuận lợi cho TCTD trong quá trình xử lý TSĐB cần có quy định riêng cho TCTD về việc xử lý đấu giá tài sản không thành. Những nội dung cụ thể đã được Chính phủ trình gửi cho UBTVQH.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục