tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Da giày xuất khẩu: Tìm trợ lực từ người Ý

  • Cập nhật : 26/07/2017

Từ trước đến nay, các doanh nghiệp Ý đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất là lĩnh vực da giày.

da giay xuat khau: tim tro luc tu nguoi y

Da giày xuất khẩu: Tìm trợ lực từ người Ý

Năm 2016, người Mỹ chi 1,2 tỉ USD để mua giày dép được sản xuất từ Việt Nam, nhưng thực tế miếng bánh mà các doanh nghiệp nội địa nhận được ngày càng nhỏ đi. Trong bối cảnh áp lực xuất khẩu gia công ngày càng khó khăn, việc tiếp cận những công nghệ mới từ giày Ý được kỳ vọng mang lại lợi thế cạnh tranh mới cho quốc gia giữ vị thế số 3 thị trường xuất khẩu quốc tế.

Áp lực từ Trung Quốc

Theo một khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường việc làm Navigos Search, hiện có nhiều doanh nghiệp FDI Trung Quốc và các liên doanh (có vốn của Trung Quốc, chủ yếu với các doanh nghiệp châu Âu) đang đầu tư nhiều vào các nhà máy dệt may - da giày để phục vụ cho xuất khẩu.

“Hiện tại quy mô của các nhà máy này còn tương đối nhỏ trong năm đầu tiên, khoảng từ 100-200 công nhân cho một nhà máy. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này có kế hoạch mở rộng lên quy mô 400-500 công nhân từ năm thứ 2 trở đi, tùy vào nhu cầu đáp ứng của thị trường xuất khẩu”, báo cáo của Navigos Search cho biết.

Thực tế từ đầu năm đến nay, dòng vốn FDI Trung Quốc đổ vào đáng kể. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, các lĩnh vực tập trung bao gồm dệt may, da giày, bất động sản, xây dựng, nhiệt điện và khai khoáng. Riêng trong tháng 6, lượng vốn Trung Quốc đổ vào lên tới 1,4 tỉ USD, tương đương 12% tổng lượng vốn đầu tư từ trước đến nay, đưa Trung Quốc lên vị thế thứ 4, sau Hàn Quốc, Nhật và Singapore.

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), lý do các doanh nghiệp FDI đổ vào lĩnh vực này nhiều hơn là vì mở rộng nhà máy đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Trong số này, Trung Quốc chiếm phần lớn bởi là công xưởng số 1 thế giới.

Áp lực từ nhà đầu tư Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp da giày ở trong tình trạng đáng báo động. Theo LEFASO, các doanh nghiệp nội gặp nhiều khó khăn về mở rộng sản xuất, nguồn vốn và tiếp cận thị trường.

Ngược lại, các doanh nghiệp FDI giành miếng bánh ngày càng nhiều hơn. Số liệu thống kê cho thấy giá trị xuất khẩu của khối FDI trong lĩnh vực sản xuất giày dép năm 2013 là 7,8 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 75% trong miếng bánh xuất khẩu, nhưng đến năm 2016, con số này lần lượt tăng lên là 13 tỉ USD và 80,5%. Số liệu cập nhật mới nhất trong 5 tháng đầu năm lên đến con số 81,3%. Những con số này minh chứng một điều rằng việc gia công không hẳn là lời giải tối ưu cho nền công nghiệp da giày Việt.

Da giay xuat khau: Tim tro luc tu nguoi Y

 

Hiện các nhà máy tại Việt Nam đang gia công cho các thương hiệu lớn như Nike, Skechers USA, Timberland (Mỹ), Adidas, Puma, Asics (Nhật), Reebok (Anh)... Các đơn hàng gia công cho những thương hiệu lớn chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc, Hàn Quốc hay Đài Loan như Pou Chen, Feng Tay hay Taekwang Vina... Đại diện của Việt Nam chỉ có Thái Bình Shoes và Đông Hưng. Rào cản về kỹ thuật, nguyên liệu, nhà máy, năng lực sản xuất và thiết kế trở thành áp lực quá lớn khiến các doanh nghiệp da giày nội địa chỉ đứng vòng ngoài đối với các thương hiệu lớn.

 

Trợ lực từ người Ý

Đầu tháng 7, đi cùng với sự kiện hội chợ triển lãm về da giày ở TP.HCM, người Ý cũng mang đến cho người Việt một món quà lớn. Theo đó, hàng chục doanh nghiệp Ý và doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng cùng Thương vụ Ý (ITA), Hiệp hội Quốc gia Các nhà sản xuất thiết bị và công nghệ cho ngành da giày Ý (ASSOMAC) cùng với LEFASO chính thức khai trương Trung tâm Công nghệ Giày Việt - Ý.

Dù hiếm có kim ngạch xuất khẩu 13 tỉ USD năm 2013 và dự báo lên 18 tỉ USD trong năm nay, nhưng giá trị của ngành da giày vẫn thấp, chỉ chiếm 20-25% chuỗi giá trị. Những giá trị này chủ yếu đến từ hai khâu là nghiên cứu phát triển và gia công sản xuất. Vì thế, không chỉ có vai trò đào tạo, phổ biến xu hướng thiết kế và công nghệ sản xuất mới trên thế giới, tại trung tâm này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng sẽ được tiếp cận các loại máy móc mới, hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản phẩm, điều mà họ không thể làm được nếu đứng một mình và chỉ nhận gia công cho một công ty nước ngoài nào đó.

Hạn chế về trung tâm nghiên cứu và phát triển từ trước đến nay là một bài toán khó đối với doanh nghiệp Việt, vốn chọn cách gia công nhiều hơn để giải quyết dòng tiền trước mắt. Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch LEFASO, cho rằng chỉ có làm chủ được khâu nghiên cứu và phát triển thì doanh nghiệp Việt mới nâng cao đáng kể giá trị trong cả chuỗi giá trị toàn ngành. Bên cạnh đó, một hạn chế đáng kể là khả năng tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường, đến từ nguồn nhân lực, bao gồm chất lượng đào tạo công nghệ sản xuất, thiết kế chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp.

Hợp tác sâu hơn trên cấp độ Nhà nước cũng tạo điều kiện cho thương mại phát triển giữa hai quốc gia. “Ngành da giày Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng cường quan hệ thương mại với Ý nói riêng và thị trường Liên minh châu Âu (EU) nói chung”, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch LEFASO, nhận định. Hiện EU là thị trường xuất khẩu giày dép lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Trong khi đó, năm 2016, da giày xuất khẩu sang Ý đạt kim ngạch hơn 380 triệu USD, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU. Thực tế từ trước đến nay, các doanh nghiệp Ý đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất là lĩnh vực da giày. Ngược lại, Việt Nam nhập từ Ý chủ yếu là máy móc thiết bị cơ khí.

Da giay xuat khau: Tim tro luc tu nguoi Y

 

Với lợi thế về chi phí cạnh tranh, những quốc gia đang phát triển như Việt Nam được chọn là công xưởng da giày trên thế giới. Trong xu hướng đó, dù sở hữu nền công nghiệp da giày hùng mạnh trong thời gian trước đây, Ý cũng giảm dần các hoạt động sản xuất, chỉ giữ lại 2 tài sản quan trọng đặc biệt: thương hiệu và công nghệ.

 

Ngay trong buổi tham quan trung tâm mới, các doanh nghiệp đều tỏ ra thích thú với các loại máy móc hiện đại, với mỗi công nhân đứng một máy. Dù vậy, họ lại lắc đầu khi nói về chi phí, vốn có thể cao hơn gấp 4 lần nếu đầu tư máy móc theo công nghệ này. “Bù lại, một đôi giày mang mác công nghệ Ý sẽ mang lại nhiều giá trị thặng dư hơn cho nhà sản xuất”, ông Thuấn khuyến khích về phần thưởng cho những người dũng cảm khi trao đổi câu chuyện với một doanh nghiệp.

Rõ ràng, máy móc và công nghệ hiện đại không dành cho số đông, phần lớn đang chọn cách gia công. Dù vậy, nếu muốn làm chủ cuộc chơi, các doanh nghiệp không thể thiếu yếu tố công nghệ và nằm ngoài dòng chảy xu hướng thiết kế. Đây là bài toán muôn thuở cho doanh nghiệp Việt trong nhiều ngành hàng chứ không chỉ là lĩnh vực giày dép.

Người Ý đã mang đến món quà mới cho người Việt, gồm máy móc và công nghệ để làm nên những đôi giày tuyệt hảo trên thế giới, chỉ còn chờ doanh nghiệp Việt tiếp tục chọn lối đi, tiếp tục gia công hay chuyển lên một bậc cao hơn trong chuỗi giá trị đầu tư. Những tác động này, LEFASO kỳ vọng, sẽ tạo nên sự thay đổi trong vòng 5-10 năm tới. Tiến lên bậc thang cao hơn có vẻ quá sức về khả năng gọi vốn của doanh nghiệp, nhưng hẳn nhiên đó không phải là tiêu chí quan trọng nhất. “Có đam mê là được”, ông Thuấn nói vui.
 

Thanh Phong
Theo Nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục