tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thấy gì từ “ngôi sao mới nổi” của chứng khoán Trung Quốc?

  • Cập nhật : 11/11/2015

(Chung khoan)

Khi nền kinh tế tăng trưởng như vũ bão, lĩnh vực tài chính mang lại quá nhiều lợi nhuận, tại sao ta không tham gia?".

 

Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc đang bị xói mòn trầm trọng, sau liên tiếp các vụ bắt bớ, bố ráp.

Tháng 10, cảnh sát Thượng Hải công bố lệnh truy nã 2 người nước ngoài tại công ty Yishidun International Trade. Hai người này bị tình nghi sử dụng phần mềm giao dịch tự chế để thao túng thị trường, trục lợi bất chính 2 tỷ nhân dân tệ, tương đương 315 triệu USD.

Cuối tháng 10, Tổng giám đốc công ty chứng khoán Quốc Tín (tên giao dịch Guosen) bị tìm thấy thắt cổ tự vẫn bằng dây điện tại nhà riêng. Ông được cho là có quan hệ gần gũi với Trợ lý chủ tịch ủy ban giám sát thị trường chứng khoán Trung Quốc, người đang bị giam giữ để điều tra.

Đầu tháng 11, ông Xu Xiang - Giám đốc quỹ đầu tư Zexi Investment bị bắt tạm giam vì nghi ngờ giao dịch nội gián. Đây từng được mệnh danh là huyền thoại đầu tư chứng khoán của Trung Quốc.

Tin vui

Cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Trung Quốc đón một tin vui hiếm hoi. Ông Fang Xinghai được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc.

Ông Fang từng là cố vấn cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có bằng tiến sỹ kinh tế từ Đại học Stanford. Ông nổi tiếng là một nhân vật có tư tưởng cách tân.

Sau khi ông nhậm chức, giới quan sát kỳ vọng đây sẽ là nhân tố tác động lên chính quyền Trung Quốc, đẩy mạnh nới lỏng quy định để thị trường đóng vai trò "quyết định" hơn trong nền kinh tế.

Tuy nhiên trên thực tế, ông Fang có thể sẽ khiến nhiều người thất vọng. Tiếng tăm về tư tưởng cách tân của ông bén rễ từ thời ông còn hoạt động tại Thượng Hải năm 2007 – 2013. Thời đó, ông lãnh đạo Văn phòng dịch vụ tài chính Thượng Hải – cánh tay phải của chính quyền thành phố giám sát lĩnh vực tài chính.

Để cải tổ Thượng Hải thành một tụ điểm tài chính quốc tế, ông Fang ra quyết sách sử dụng nguồn lực của chính thành phố để thúc đẩy tăng trưởng của các tập đoàn tài chính có vốn sở hữu của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, đây không phải là nước đi sáng suốt. Đốt tiền của chính phủ để "đạp ga" tăng trưởng sẽ dẫn đến khủng hoảng trong tương lai, buộc chính phủ phải can thiệp nhiều hơn.

Niềm tin sắt đá

Ông Fang không ngại nhiều lần bày tỏ niềm tin sắt đá vào "bàn tay hữu hình" của chính phủ trên thị trường chứng khoán.

Phát biểu trước một hội thảo vào năm 2011, ông Fang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tài chính ủng hộ phương sách của ông: "Khi nền kinh tế tăng trưởng như vũ bão, lĩnh vực tài chính mang lại quá nhiều lợi nhuận, tại sao ta không tham gia?".

Nói là làm, ông tham gia vô cùng tích cực. Năm 2009, văn phòng của ông quản trị tài sản tài chính của chính quyền Thượng Hải, tổng trị giá hơn 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (314,5 tỷ USD). Ông kiểm soát hơn một chục tập đoàn tài chính có trụ sở tại Thượng Hải.

Chính quyền Thượng Hải có ghi nhận lãi dưới thời ông Fang cầm quyền, nhưng với cái giá phải trả không hề rẻ: Cạnh tranh thị trường bị vùi dập, các công ty tài chính tư nhân bế tắc trong tăng trưởng.

Không có một sân chơi lành mạnh, không có cái gọi là tăng trưởng tài chính thực tế tại Thượng Hải nói chung, và Trung Quốc nói riêng.

Năm 2011, văn phòng của ông ký "hợp đồng trách nhiệm" kỳ hạn 3 năm với các tập đoàn tài chính nhà nước dưới quyền kiểm soát. Hợp đồng bao gồm các chỉ tiêu hoạt động cụ thể như doanh thu, lợi nhuận, thậm chí thứ hạng trong nước.

Chưa sẵn sàng

Ông Fang là ví dụ điển hình cho một bộ phận quan chức của Trung Quốc thiếu niềm tin vào khái niệm thị trường tự do.

Trả lời tờ Newsweek vào năm 2009, ông Fang khẳng định "Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một hệ thống thị trường tự do dân chủ". Thay vào đó, ông ca ngợi hiện trạng của Trung Quốc: "Cho dù nó là gì đi chăng nữa thì nó cũng phù hợp với Trung Quốc".

Năm 2013, ông Fang diện kiến ông Tập, tự giới thiệu là một người có khả năng cải thiện thị trường tài chính của Trung Quốc "lên tầm quốc gia".

Việc ông Fang được thăng chức cho thấy Trung Quốc vẫn đang vương vấn với hệ thống tài chính cũ kỹ, không còn hiệu quả.

Sau gần 4 năm cải cách kinh tế, tàn dư của một nền kinh tế chịu sự áp chế của chính phủ vẫn còn rải rác tại nhiều lĩnh vực trụ cột. Nền tài chính Trung Quốc có thể còn phải trải qua nhiều cơn bạo bệnh trước khi hệ thống kinh tế với thị trường tự do thành hình hoàn chỉnh.

Bài viết được đăng trên tạp National Interest của Mỹ. Tác giả bài viết là ông Weifeng Zhong - nhà nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.

 

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục