tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cổ đông chiến lược và câu chuyện 'nuôi cá mập trong nhà'

  • Cập nhật : 01/06/2018

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A của khối ngoại và doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, có không ít lần, cổ đông ngoại và doanh nghiệp có những bất đồng, dẫn đến mối quan hệ giữa hai bên đổ vỡ.

Việc khối ngoại sở hữu lượng lớn cổ phần của một doanh nghiệp nội đã không còn quá xa lạ. Mục đích của nhà đầu tư ngoại có thể là trở thành đối tác trong hoạt động kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, hay đầu tư dài hạn… Tuy nhiên, không ít trường hợp, sau khi đầu tư nắm lượng lớn cổ phần và "có tiếng nói" trong doanh nghiệp, giữa nhà đầu tư ngoại và lãnh đạo đã phát sinh mâu thuẫn.

Tại ĐHĐCĐ năm 2017 của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: API) những tranh luận giữa cổ đông ngoại nắm giữ hơn 47% vốn và ban lãnh đạo doanh nghiệp đã nổ ra. Những tranh cãi xuất phát từ việc nhóm cổ đông ngoại gồm Asean Deep Value Fund và Lucerne Enterprise Ltd năm 47% vốn, không có quyền biểu quyết do không thể hoàn thành thủ tục trong quá trình kiểm tra tư cách cổ đông.

Cao điểm của mâu thuẫn được đẩy lên khi ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, nhóm cổ đông ngoại đang muốn thâu tóm công ty. Trong khi đó, phía cổ đông ngoại liên tục chất vấn về tính minh bạch khi nhiều thành viên HĐQT có mối quan hệ.

Mặc dù cả không đưa ra được câu trả lời thỏa mãn đối phương nhưng kết thúc đại hội, hai phía đã nối lại "tình cảm" và cùng hứa hẹn mối quan hệ lâu dài.

4 năm trước, câu chuyện giữa CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, nay là Tập đoàn Lộc Trời (HOSE:LTG) và cổ đông ngoại Vina Capital cũng từng gây chú ý. Bất đồng của hai bên nằm ở việc định hướng kinh doanh của công ty, nhóm cổ đông ngoại trong đó có Vina Capital không đồng ý với chủ trương phát triển sang lĩnh vực lúa gạo và chiến lược "Cánh đồng lớn" mà lãnh đạo LTG theo đuổi. Theo đó, nhóm này đã phủ quyết các tờ trình tại ĐHĐCĐ.

Không tìm được tiếng nói chung ở chiến lược phát triển và nhiều khúc mắc nội bộ, cuối cùng Vina Capital đã tiến hành thoái toàn bộ vốn 23,6% vốn tại LTG cho quỹ đầu tư ngoại SCPE (thuộc Ngân hàng Standard Chartered - đơn vị cho LTG vay 70 triệu USD) vào tháng 9/2014.

Hay như câu chuyện của Lotte và Bibica, cuộc chiến kéo dài để giữ thương hiệu Việt và cái hồn Việt trong các sản phẩm bánh kẹo đã khiến ban điều hành Bibica và đại diện vốn Lotte xung đột trong một thời gian dài. Tuy nhiên sau khi về với PAN Group, hiện mối quan hệ ba bên đã khá hài hoà và kết quả là Bibica đang có những bước tăng trưởng thần tốc.

Nhắc đến những xung đột với cổ đông ngoại, không thể bỏ qua trường hợp của CTCP Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG), CTCP Vicostone (HNX: VCS) và CTCP Everpia (HOSE: EVE). Cả ba doanh nghiệp này có mâu thuẫn với một tổ chức ngoại "tai tiếng" là Red River Holding với chung một vấn đề liên quan đến lợi ích cổ đông (tỷ lệ cổ tức, mua lại cổ phiếu giá cao…).

Tại CTCP Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG), Red River Holding với khoảng 10% cổ phần vào năm 2009-2012, cũng bất đồng với lãnh đạo doanh nghiệp về đường lối phát triển, khi yêu cầu NNG thoái vốn tại các công ty con. Điều này có thể làm sạch báo cáo tài chính trong ngắn hạn nhưng lại gây ảnh hưởng đến chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp.

Khi không được sự đồng thuận của ban lãnh đạo, Red River Holding đã yêu cầu doanh nghiệp mua lại lượng vốn sở hữu với giá cao trong lúc tiềm lực tài chính của công ty gặp khó khăn. Cuối cùng, đại diện của Red River Holding đã bị miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT và thoái vốn khỏi NNG thời gian sau đó.

Tính cảnh tương tự cũng diễn ra tại CTCP Vicostone (HNX: VCS) và CTCP Everpia (HOSE: EVE),Red River Holding đều yêu cầu doanh nghiệp chi trả cổ tức mỗi năm ở mức cao nhằm "vắt" toàn bộ lợi nhuận, trong khi doanh nghiệp đang cần nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Khi không được đáp ứng, Red River Holding đã phản ứng bằng cách phủ quyết các tờ trình tại mỗi mùa ĐHĐCĐ.

Tuy nhiên, kết cục cuối cùng vẫn là Red River Holding phải thoái vốn khỏi doanh nghiệp và "rút người" khỏi doanh nghiệp. Kể từ sau khi Red River Holding dời đi, cổ phiếu Vicostone tăng phi mã và trở thành một trong những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên TTCK trong 3 năm trở lại đây.

Cũng có trường hợp, cổ đông ngoại thâu tóm doanh nghiệp khiến tên tuổi của doanh nghiệp biến mất luôn trên thị trường. Tại CTCP Beton6, kể từ khi cổ đông lớn liên quan đến công ty Bất động sản Bình Thiên An thâu tóm công ty, Beton 6 gần như biến mất trên thị trường và lui vào bóng tối. Kết quả kinh doanh èo uột, gần như mất thanh khoản trên thị trường và chuyển xuống giao dịch Upcom là kết quả của hậu M&A tại BT6. Được biết, chủ mới của BT6 liên quan đến công ty BĐS Bình Thiên An do Kusto Group lập ra nhằm đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam. Đối với trường hợp của Descon (DCC) cũng tương tự, sau khi Bình Thiên An (Kusto) nắm quyền kiểm soát và đưa công ty đi theo định hướng kinh doanh của mình thì DCC đã không mang lại kết quả như mong đợi và bị buộc hủy niêm yết trên HOSE từ 15/12/2011 vì vi phạm nghiêm trọng quy định công bố thông tin. Lúc đó, cũng đã có nhiều nhận xét rằng DCC có thể không công bố thông tin đúng quy định để "được" hủy niêm yết bắt buộc.

Những ví dụ trên cho thấy việc lựa chọn cổ đông chiến lược phải thực sự cân nhắc. Những cổ đông nào có thể đồng hành cùng doanh nghiệp, ngoài việc hỗ trợ về tài chính, có thể hỗ trợ về mặt quản trị hay mở rộng mạng lưới kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt cũng cần tránh tình trạng bán cổ phần cho các đối tác cùng ngành dọc và để rồi khi đối tác ngoại đã trở thành người một nhà của doanh nghiệp lại có những thay đổi khiến thương hiệu Việt mất tăm trên thị trường hay bị nuốt trọn bởi danh tiếng của cổ đông lớn. M&A là một cuộc chơi giống như con dao hai lưỡi, doanh nghiệp có thể nhận được nguồn vốn hỗ trợ kinh doanh, nhưng mặt khác, nếu lựa chọn không kỹ đối tác, một ngày nào đó đối tác ngoại sẽ quay trở lại gây khó dễ với ban điều hành của doanh nghiệp.


Theo Hải An - Trí thức trẻ, CafeF

Trở về

Bài cùng chuyên mục