tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Quy hoạch “cầm đèn chạy trước ô tô”

  • Cập nhật : 27/04/2016

(Tin kinh te)

Xây dựng hạ tầng luôn đi trước khiến quy hoạch tổng thể thiếu hiệu quả

Từ chuyện sân bay 8.000 tỷ đồng

Sự việc Lai Châu, một trong những tỉnh thành nghèo nhất cả nước vừa đề xuất chủ trương xây dựng sân bay 8.000 tỷ đồng, có thể xem là một biểu hiện của “căn bệnh” phát triển tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ, vẫn đang tồn tại ở nhiều địa phương trên cả nước.

Trước đó, hồi tháng 3/2016, Cục Hàng không Việt Nam đã trình kế hoạch đầu tư xây dựng 3 cảng hàng không ở khu vực Tây Bắc là Cảng Hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), sân bay Lai Châu và Cảng hàng không Lào Cai trong năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 9.813 tỷ đồng. Kế hoạch đưa ra vào thời điểm đó cũng đã vấp phải nhiều phản đối của các chuyên gia kinh tế do bị đánh giá là lãng phí và không phù hợp nhu cầu.

hieu qua hoat dong han che cua nhieu san bay dia phuong dat ra nghi ngai cho cac du an san bay moi

Hiệu quả hoạt động hạn chế của nhiều sân bay địa phương đặt ra nghi ngại cho các dự án sân bay mới

Lo ngại này là rất có căn cứ nếu xét đến hiệu quả hoạt động của một số sân bay tại các địa phương hiện nay. Đơn cử như Thanh Hóa và Vinh. Mặc dù là 2 tỉnh nằm liền kề nhau, có khoảng cách gần, song 2 địa phương này vẫn xây dựng sân bay. Một số sân bay địa phương cũng đang trong tình trạng hoạt động không hiệu quả do vắng khách và hàng hoá vận chuyển.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, chủ trương đầu tư sân bay lưỡng dụng ở Lai Châu là trường hợp đặc biệt, có ý nghĩa chính trị, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Do đó, việc đầu tư xây dựng là cần thiết trong lâu dài. Song ông Doanh lưu ý cần nghiên cứu, phân tích thêm về hiệu quả hoạt động để xem xét về nguồn vốn và tiến độ xây dựng sân bay Lai Châu trong điều kiện ngân sách dành cho đầu tư rất khó khăn hiện nay.

Cũng theo một nhà đầu tư trong ngành hàng không, hiện nay sân bay Điện Biên có công suất nhỏ, đồng thời lại nằm ở vùng địa thế núi rừng hiểm trở, vì vậy có thể cần thêm sân bay Lai Châu để tạo "cú hích" cho phát triển kinh tế của Lai Châu và của cả vùng Tây Bắc.

Tuy nhiên theo ông này, khả năng xã hội hóa vốn đầu tư sân bay Lai Châu sẽ rất khó, vì thị trường không mấy hấp dẫn. Với đặc thù như vậy, quy mô sân bay Lai Châu chỉ nên ở mức nhỏ, đủ kết cấu hạ tầng tối thiểu để không lãng phí vốn đầu tư.

Vị này đề xuất, mức vốn đầu tư sân bay Lai Châu chỉ cần nằm trong khoảng 1.000 tỷ đồng, quy mô đủ để đón máy bay nhỏ, sẽ hấp dẫn và vừa sức hơn để thu hút NĐT tư nhân trong nước tham gia. Với định hướng phát triển kinh tế của cả tỉnh Lai Châu, thì quy mô dự án sân bay như vậy cũng là phù hợp hơn cả.

Đến hạ tầng đi trước quy hoạch

Nhìn nhận một cách tổng thể, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch cho rằng việc tranh cãi về tính khả thi cũng như quy mô của các dự án hạ tầng sẽ là bất tận và hiệu quả của mỗi dự án cũng khó đoán định được cho tới khi đi vào vận hành chính thức.

Ông Lawrie Wilson, chuyên gia tư vấn về quy hoạch của Cơ quan Phát triển Bỉ phân tích, trong hệ thống quy hoạch hiện đại, thiết kế đô thị mà cụ thể là hệ thống cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, sân bay… sẽ là giai đoạn cuối cùng. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay thì lại khác!

Hậu quả là, “hệ thống quy hoạch đô thị hiện nay quá nặng nề, rời rạc và thiếu sự phối hợp”, ông nhận xét. Do đó, điểm đầu tiên phải nhận ra là quá trình quy hoạch không gian hiện tại phải được tích hợp chặt chẽ hơn nữa với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội. Quan trọng nhất là quy hoạch vùng phải được sử dụng như một phương tiện chính cho việc áp dụng và thực hiện chiến lược quốc gia, cũng như các chính sách và định hướng phát triển khác cụ thể. Đồng thời, quy hoạch không gian đô thị của các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương phụ thuộc vào quy hoạch vùng.

Phân tích cụ thể hơn, ông Lawrie Wilson cho biết, một khu vực có thể bao gồm một tỉnh (chẳng hạn Thủ đô Hà Nội) hoặc hai hay nhiều hơn hai tỉnh có các đặc điểm tương đồng và phụ thuộc lẫn nhau (chẳng hạn như lưu vực sông); hoặc có các mục tiêu phát triển kinh tế chung (chẳng hạn như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận).

Với quy hoạch vùng, công tác quản lý cũng được phân công rạch ròi với khung thể chế cụ thể. Theo đó, các chuyên gia cho rằng nên quy về hai đầu mối thực hiện quy hoạch và đô thị là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Bộ Xây dựng.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm xác định các chiến lược và chính sách quốc gia, làm nền tảng cho phát triển đô thị và xây dựng quy hoạch vùng nhằm thúc đẩy việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, xã hội, kinh tế một cách bền vững và phù hợp với tất cả các chính sách và chiến lược quốc gia.

Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm xây dựng khung phát triển không gian đô thị và kế hoạch phát triển cho tất cả các khu vực đô thị trong hệ thống phân loại đô thị quốc gia.

Các khu vực đô thị sẽ là đối tượng của quy hoạch chi tiết hơn, được thực hiện theo thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Còn với những khu vực không phải đô thị như đất nông nghiệp, rừng, vườn quốc gia, các ngành công nghiệp khai khoáng và cơ sở hạ tầng trong khu vực giao thông vận tải và phát điện… sẽ được áp bằng khung chính sách quản lý do quy hoạch vùng đưa ra.

Như vậy, quanh câu chuyện xây dựng sân bay của Lai Châu, thì vấn đề trước hết là cần có quy hoạch tổng thể của cả khu vực Tây Bắc để thấy được lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương. Từ đó mới có căn cứ để thiết kế các dự án hạ tầng quan trọng với quy mô phù hợp định hướng phát triển của địa phương, đặt trong tương quan chung của cả vùng.


Ngọc Khanh
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục