tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-08-2017

  • Cập nhật : 20/08/2017

Doanh nghiệp bất động sản đổi vận nhờ hoạt động M&A

Hàng loạt dự án bất động sản đình đám từng “chết chìm” bỗng dưng đổi vận nhờ hoạt động M&A.

dat nen du an nam an khanh da duoc thi truong quan tam tro lai. nguon: internet

Đất nền dự án Nam An Khánh đã được thị trường quan tâm trở lại. Nguồn: Internet

Cách đây 5 năm, bất động sản dọc hai bên Đại lộ Thăng Long từng được coi là nơi “hốt bạc” của giới đầu tư. Đặc biệt, dự án Nam An Khánh từng được ví như "thiên đường" cuộc sống ở Hà Nội và được chào bán với giá cao ngất ngưởng lên tới 50-60 triệu đồng/m2. Tuy nhiên do thị trường bất động sản giai đoạn 2008-2009 bắt đầu lao dốc, chủ đầu tư gặp khó khăn khiến dự án "đắp chiếu" trong nhiều năm.

Cơ hội hồi sinh dự án

Cách đây 2 năm, để có tiền tái khởi động dự án, ông Hồ Sỹ Hùng - Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Sudico đã phải tuyên bố bán một phần dự án Nam An Khánh cho Công ty cổ phần (CP) Phát triển dự án Techcom Developer.

Nỗi đau của bất động sản Đại lộ Thăng Long có lẽ không thể không kể tới dự án Tricon Tower của Công ty CP đầu tư Minh Việt. Sau khi hoàn thành phần móng, cho tới nay dự án vẫn đang chìm trong giấc ngủ dài và chưa biết tới ngày nào tái khởi động bởi chính ông chủ của dự án hiện nay không còn có thông tin nào ở Việt Nam.

Và 128 khách hàng đã ký hợp đồng mua bán căn hộ Tricon Towers từ những năm 2009, 2010 cũng có nguy cơ rơi vào cảnh mất trắng căn hộ nếu không có ai giải cứu.

Không chỉ có những dự án nằm dọc Đại lộ Thăng Long, hiện nay nhiều dự án “chết lâm sàng” vẫn nằm la liệt trên thị trường mà chưa biết bao giờ mới vực dậy như: Chuỗi dự án của Vina Megastar, Usilk City, AZ Lâm Viên Complex, Habico Phạm Văn Đồng…

Ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội thừa nhận, để xảy ra tình trạng nhiều dự án chết lâm sàng cũng một phần do tầm nhìn của chủ đầu tư phán đoán sai về hướng phát triển của thị trường bất động sản.

“Thời điểm năm 2008, thị trường bất động sản đang trên đỉnh cao, các nhà đầu tư đổ xô xây dựng cao ốc, lúc đó lãi suất ngân hàng lại khá cao nên khi thị trường bị “đóng băng” thì các nhà đầu tư này đã gánh chịu hậu quả. Đây cũng là bài học đắt giá cho các chủ đầu tư, khi quyết định đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ thị trường, phán đoán đúng nhu cầu, không nên chạy theo phong trào” – ông Cường cho biết.

Lúc này, để hồi sinh các dự án chết lâm sàng cần phải có một DN lớn, tiềm lực tài chính cực mạnh đứng ra để xử lý được những vấn đề tồn tại của dự án. Điển hình như các khoản nợ thuế, nợ ngân hàng,...

Bên cạnh đó, còn phải hoàn thành các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng dự án rất phức tạp mà ngay cả cơ quan quản lý cũng bối rối. Quan trọng đó là phải làm sao xử lý được mối quan hệ vẹn toàn với những khách hàng đã đặt mua nhà tại dự án.

Tạo dựng lòng tin với khách hàng

Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch CEN Group cho rằng, điều quan trọng nhất để hồi sinh những dự án “đắp chiếu” hoặc tạm dừng thi công do thiếu vốn là cần phải có lòng tin.

“Ngân hàng có lòng tin thì mới cho vay, nhà thầu có tin chủ đầu tư thì mới ứng tiền thi công, khách hàng có tin thì mới tiếp tục đóng tiền. Vì thế, cần phải có cơ chế xây dựng lòng tin và cơ chế phối hợp giữa ngân hàng, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị phân phối và khách hàng” – ông Hưng cho biết.

Dẫn chứng tại dự án như Usilk City, khi khách hàng đã hoàn toàn mất niềm tin vào chủ đầu tư cũ, cho dù những động thái của chủ đầu tư mới tốt đến đâu thì họ vẫn cứ nghi ngờ. Chính vì vậy, nếu bên mua không có cách ứng xử phù hợp để lấy lại niềm tin của khách hàng thì rất khó khởi động lại dự án.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô thừa nhận, việc hồi sinh một phần dự án Usilk City không hề dễ dàng bởi dự án này quá phức tạp và tình hình của Sông Đà Thăng Long quá nhiều vấn đề, vì vậy thủ tục pháp lý phê duyệt chuyển nhượng chậm hơn dự kiến.

Tuy nhiên chủ đầu tư mới và khách hàng của dự án này đã đi đến một quyết định chưa từng có tiền lệ là khách hàng sẽ đóng tiền vào tài khoản chủ đầu tư tại ngân hàng và khách hàng cùng ngân hàng giám sát việc giải ngân theo tiến độ. Nhờ cách làm này, dự án Usilk City đã hồi sinh một phần và chủ đầu tư đang chuẩn bị bàn giao nhà.

Còn tại dự án Nam An Khánh, sau khi bán lại một phần dự án cho đối tác và được triển khai bài bản, đất nền tại dự án này đã được thị trường quan tâm trở lại.

Cả công trường dự án Nam An Khánh cả năm qua tấp nập xe cộ, máy móc thi công, đi lại. Có lẽ đây chính là lý do khiến dự án này đang từ đắp chiếu bỗng chốc trở thành món "hàng hot" trên thị trường bất động.(enternews)
----------------------------

“Lợi ích nhóm” trong quy hoạch?

Quy hoạch và quản lý xây dựng ở các đô thị lớn đang là câu chuyện nóng. Ai hay nước tràn vào nhà, đường phố Hà Nội như sông chỉ sau một trận mưa? Ai thấu, mỗi khi triều lên là nhiều khu ở TP. Hồ Chí Minh, dân lội bì bõm trong ô nhiễm. Tình trạng xây nhà không phép, vượt phép, các khu đô thị thiếu không gian cho cây xanh, trường học, nhà trẻ, chung cư không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy... xuất hiện khắp nơi đang vẽ lên phần nào bộ mặt thực của công tác quy hoạch của quản lý đô thị hiện nay.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Người dân có thể hiểu rằng, câu trả lời ấy đồng nghĩa với việc quá tải hạ tầng, sự nhếch nhác ở các khu dân cư, đô thị sẽ mãi là câu “chuyện dài, nhiều tập”. Ngay như những sai phạm trong hàng loạt dự án  của Tập đoàn Mường Thanh mà “tư lệnh” ngành xây dựng nói đã xử lý, nhưng muốn rốt ráo và sâu hơn thì vẫn phải chờ Hà Nội và các tỉnh thành nơi Mường Thanh có dự án.

Mặc dù Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhận trách nhiệm để xảy ra những sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh là do thanh tra, kiểm tra bị buông lỏng, nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi: Có ô dù nào che chắn cho những sai phạm của tập đoàn này? Có “lợi ích nhóm” trong phê duyệt dự án, điều chỉnh quy hoạch?

Bài học đắng chát khi trao dự án xây dựng các khu đô thị, chung cư cao tầng cho các nhà đầu tư, các “đại gia” không tuân thủ Luật Xây dựng. Không thể để tình trạng người mua căn hộ phải chạy tới, chạy lui, lo giấy tờ sở hữu căn nhà của chính mình.

Càng không thể chấp nhận những chủ đầu tư chỉ nhăm nhắm thu lợi, mải chiếm đất, tăng mật độ xây dựng mà quên đi các công trình công cộng, dân sinh đi kèm. Nếu không chỉ đạo giám sát quyết liệt, buộc các nhà đầu tư phải dành đủ quỹ đất xây trường học, nhà trẻ... chắc chắn nhiều chung cư, cao ốc sẽ lại phát sinh tình trạng quá tải, nhếch nhác.

Quy hoạch xây dựng căn cơ phải đi trước. Hơn thế, việc thực hiện các công trình phải nhất nhất tuân thủ quy hoạch đã vạch ra một cách nghiêm túc. Né nể, ngại va chạm sẽ làm gia tăng nguy cơ quy hoạch bị bóp méo. Buông lỏng quản lý chính là tạo cơ hội để “lợi ích nhóm” chi phối, thao túng quy hoạch.

Tư duy nhiệm kỳ, thiếu tầm nhìn sẽ là mảnh đất màu mỡ cho kiểu quy hoạch nay “nắn”, mai “vuốt”… Tất cả những thứ đó là gốc rễ gây nên tình trạng sai phạm xây dựng nở rộ ở nhiều công trình, tuyến phố, khu dân cư.

Người dân ở các thành phố lớn khát khao được sống trong những đô thị đáng sống! Nhưng gia tăng dân số cơ học, đơn cử như ở TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm tiếp nhận thêm 130 nghìn người từ khắp nơi trên cả nước, khiến hạ tầng các đô thị như ngày càng “chìm” xuống dưới áp lực dân cư. Để phần nào hiện thực hóa mơ ước của người dân, chỉ có nhờ vào những quy hoạch và quản lý đô thị bài bản và có tầm nhìn.

Không thể quy hoạch kiểu “nén” những cao ốc, chung cư 40 - 50 tầng ở các quận trung tâm của các thành phố lớn. Dứt khoát không thể cứ buông lỏng quy hoạch và quản lý đô thị rồi đổ cho non tầm, yếu kém nhưng không thấy chỉ ra trách nhiệm người đứng đầu. Đất nước có kỷ cương nhưng muốn đi lên phải tập trung xây dựng, triển khai, giám sát quy hoạch từ vi mô đến vĩ mô chứ không phải tạo cơ hội để những “nhóm lợi ích” chen chân trục lợi. (DBND)
---------------------------------

Việc làm trên đất Mỹ sẽ không dễ dàng

Mục tiêu tạo việc làm trên đất Mỹ sẽ không dễ dàng khi các hội đồng cố vấn kinh tế bị giải tán

TTCK vươn tới những mức cao kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 17 năm… là cơ sở để Tổng thống Donald Trump khẳng định, nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt dưới thời của ông. Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức lớn mà chính quyền của ông Trump đang phải đối mặt. Một trong số đó là việc các hội đồng cố vấn kinh tế - được ông Trump lập ra với mục đích tập hợp những nhà lãnh đạo hàng đầu các công ty lớn của Mỹ để giúp tư vấn thúc đẩy sản xuất và việc làm trong nước - đã vừa bị giải tán.

muc tieu tao viec lam tren dat my se khong de dang khi cac hoi dong co van kinh te bi giai tan

Mục tiêu tạo việc làm trên đất Mỹ sẽ không dễ dàng khi các hội đồng cố vấn kinh tế bị giải tán

Vụ bạo động xảy ra ở Charlottesville, bang Virginia cuối tuần trước khiến 1 người thiệt mạng và nhiều người bị thương giữa hai phe ủng hộ và chống cuộc diễu hành của nhóm phát xít mới và nhóm ủng hộ da trắng tưởng chỉ là một vụ việc nhỏ và sẽ nhanh chóng lắng xuống nhưng lại làm chia rẽ hơn trong nền chính trị và kinh tế Mỹ hiện nay.

Dù nhanh chóng lên án vụ việc này, nhưng việc Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho "nhiều bên" khiến hỗn loạn và bạo lực diễn ra đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các thành viên của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, giới luật sư và dư luận bởi ông đã không nêu đích danh những nhóm theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng và có tư tưởng phân biệt chủng tộc là nguyên nhân chính.

Đáng chú ý, đây cũng là nguồn cơn khiến hàng loạt thành viên - là Giám đốc điều hành (CEO) và Chủ tịch của các tập đoàn lớn hàng đầu của Mỹ - đã từ bỏ hai hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump. Và khi mà các CEO lần lượt tuyên bố rút lui, ông Trump ngày 16/8 cho biết, ông đã quyết định giải tán cả hai hội đồng này.

“Thay vì gây áp lực cho các doanh nhân của Hội đồng Ngành Sản xuất và Hội đồng Diễn đàn Chiến lược và Chính sách, tôi sẽ chấm dứt cả hai hội đồng này. Cảm ơn tất cả các bạn!”, ông Trump tweeted. Tổng thống Trump cũng không quên cho rằng, những CEO quyết định rời đi là những người "làm việc thiếu nghiêm túc", đồng thời khẳng định không thiếu các nhân vật khác sẵn lòng làm cố vấn cho mình.

Trước đó khi mới nhậm chức, ông Trump từng kỳ vọng các hội đồng này sẽ giúp ông đạt được một trong những mục tiêu chính yếu của chính quyền mới là tạo công ăn việc làm, đặc biệt là trong ngành sản xuất cho nước Mỹ với ý tưởng là sẽ lắng nghe những đề xuất và lời khuyên của các CEO này. Tuy nhiên, các CEO là thành viên của các hội đồng trên đã lũ lượt “khăn gói ra đi” ngay sau tuyên bố “không thể chấp nhận” của ông Trump về vụ bạo lực ở Charlottesville vừa qua.

Hội đồng Diễn dàn Chính sách và Chiến lược gồm những CEO có tên tuổi lớn trên thị trường tài chính và kinh doanh như: Stephen Schwarzman của Blackstone; Jamie Dimon của JPMorgan; Mary Barra của General Motors; Doug McMillon của Walmart hay Indra Nooyi của PepsiCo… Hội đồng này có nhiệm vụ cố vấn cho Tổng thống về tác động của chính sách đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và sức sản xuất. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 16/8, Hội đồng này nêu rõ: "Sự thiếu khoan dung, phân biệt chủng tộc và bạo lực hoàn toàn không có chỗ trên đất nước này và là một sự sỉ nhục đối với các giá trị cốt lõi của Mỹ". Đồng thời, tuyên bố trên cũng cho biết: “Chúng tôi tin rằng cuộc tranh luận về sự tham gia của diễn đàn đã bị xao lãng từ thiện chí mong muốn và chân thành của chúng tôi để giúp thảo luận về các chính sách quan trọng nhằm cải thiện cuộc sống của người dân Mỹ. Như vậy, Tổng thống và chúng tôi quyết định giải tán diễn đàn này”.

Một số CEO còn cố gắng làm rõ rằng, họ đã quyết định rút khỏi các hội đồng tư vấn trên trước khi ông Trump tuyên bố giải thể. “CEO Alex Gorsky đã đưa ra quyết định từ chức khỏi hội đồng sáng ngày hôm nay trước khi các dòng tweet của Tổng thống được đăng tải”, Tập đoàn Johnson và Johnson cho biết trong một tuyên bố vào chiều ngày 16/8 và lý giải thêm: “Như chúng tôi đã nói trong tuyên bố trước của mình, những bình luận của Tổng thống ngày hôm qua (15/8) đã đánh đồng những người bị thúc đẩy bởi sự thù ghét chủng tộc với những người chống đối hận thù là điều không thể chấp nhận được”.

CEO Dimon của JPMorgan cũng đưa ra một tuyên bố cho thấy, cá nhân ông ủng hộ việc giải tán Diễn đàn Chiến lược và Chính sách. "Tôi rất không đồng tình với phản ứng của Tổng thống đối với các sự kiện diễn ra tại Charlottesville trong vài ngày qua", ông Dimon nói.

Trong khi đó, 8 thành viên của Hội đồng ngành sản xuất - được thành lập vào tháng 1 vừa qua và có mục tiêu thúc đẩy tạo việc làm cho công dân Mỹ - đã tuyên bố rút lui trong tuần này, mở đầu là Ken Frazier, Giám đốc điều hành của Công ty dược Merck vào ngày 14/8 vừa qua. Ken Frazier cho rằng: “Các nhà lãnh đạo phải tôn trọng các giá trị cơ bản của Mỹ bằng cách thể hiện những phản đối rõ ràng trước các biểu hiện của sự hận thù hay các nhóm thượng đẳng”. Tổng thống Trump đã sa thải Ken Frazier chỉ một giờ sau tuyên bố trên.

Tiếp đó, các CEO và lãnh đạo cao cấp khác của Intel, 3M, Under Armour, AFL-CIO, Campbell Soup Co, Alliance for American Manufacturing cũng tuyên bố từ bỏ Hội đồng này vào ngày 15 và 16/8. “Tôi từ chức để kêu gọi sự chú ý tới những tổn hại nghiêm trọng vì bầu không khí chính trị bị chia rẽ hiện nay của chúng ta đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng, trong đó bao gồm cả nhu cầu giải quyết sự suy giảm của ngành sản xuất ở Mỹ”, CEO Brian Krzanich của Intel cho biết.(TBNH)
------------------------

'Tung tiền' dàn xếp vụ kiện lạm dụng thuốc giảm đau tại Mỹ

Ngày 18/8, Hãng dược phẩm Insys (Mỹ) đã nhất trí trả 4,5 triệu USD để chấm dứt vụ kiện tại bang Illinois về cáo buộc hãng này đã có hành vi gian dối trong công tác tiếp thị sản phẩm.

Đây là một trong những vụ dàn xếp pháp lý đầu tiên trong hàng loạt vụ kiện mà các hãng dược phẩm đang phải đối mặt liên quan đến lạm dụng thuốc.

Hàng chục thành phố, địa hạt và các bang trên toàn nước Mỹ đang khởi kiện các hãng dược phẩm lớn của nước này gây ra vấn nạn nghiện ma túy tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. 

Trong hơn một năm qua, một loạt vụ kiện đã diễn ra trên khắp nước Mỹ với cáo buộc ngành dược phẩm nước này đã tiến hành các chiến dịch tiếp thị quảng bá sản phẩm hạ thấp khả năng gây nghiện của nhóm thuốc giảm đau opioid, nhóm thuốc kê theo đơn, vốn có thành phần hóa học như heroin. 

Theo thống kê của tờ New York Times, trong năm 2016, Mỹ có khoảng 60.000 trường hợp tử vong vì sử dụng quá liều thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện trong điều trị y tế, tăng 19% so với năm 2015. 

Trong khi đó, Hiệp hội về thuốc gây nghiện của Mỹ ước tính có khoảng 2-3 triệu người đang được kê đơn sử dụng heroin hoặc thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện. Còn theo số liệu của chính phủ Mỹ, trung bình mỗi ngày tại Mỹ có 90 người chết vì sử dụng nhóm thuốc giảm đau opioid quá liều. 

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions nhận định trong lịch sử, nước Mỹ chưa bao giờ phải đối mặt với những con số cao như vậy, chưa kể đến những trường hợp không tử vong nhưng phải đương đầu với những tác hại của cơn nghiện. 

Ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện (nhóm opioid) ở Mỹ đã trở thành "tình trạng khẩn cấp quốc gia" và cam kết đẩy mạnh các nỗ lực chống vấn nạn này.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục