tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giá thuê đất tiếp tục tăng: Áp lực mới cho thị trường

  • Cập nhật : 12/06/2016

Giới kinh doanh bất động sản đang hết sức lo ngại bởi giá thuê đất năm 2016 đã tăng gấp 2 – 3 lần so với 2015. Nếu khung giá đất này áp dụng thì một mặt bằng giá mới cho thị trường chắc chắn sẽ hình thành. Và như thế, thị trường nhà đất mới có chút khởi sắc lại có nguy cơ rơi vào khó khăn.

dn dau tu khu cong nghiep phai chuyen doi hinh thuc thue dat tra tien mot lan thay vi tra tien tung nam de nha dau tu thu cap co the the chap voi to chuc tin dung (anh: kcn que vo – bac ninh)

DN đầu tư khu công nghiệp phải chuyển đổi hình thức thuê đất trả tiền một lần thay vì trả tiền từng năm để nhà đầu tư thứ cấp có thể thế chấp với tổ chức tín dụng (Ảnh: KCN Quế Võ – Bắc Ninh)

Trong báo cáo của VCCI cho thấy nhiều DN trên cả nước đang “kêu trời” vì giá thuê đất quá cao.

Gánh nặng
Trao đổi với PV, ông Trần Anh Tài – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư P.H cho rằng, giá thuê đất quá cao và cách tính tiền sử dụng đất chưa phù hợp chính là nguyên nhân đang gây cản trở hoạt động của các DN. Ông Tài dẫn chứng về giá thuê đất của DN trên địa bàn Hà Nội năm 2016 đã tăng gần 3 lần so với năm 2015 và tăng 4 – 5 lần trong 5 năm trở lại đây. Bằng chứng năm 2015, giá thuê đất của P.H là 500.000 đồng/m2 thì hiện tại con số này cũng tăng lên hơn 1.000.000 đồng/m2. “Điều này gây rất nhiều khó khăn cho DN, nhất là trong thời điểm giá xăng dầu và hàng loạt các loại nguyên vật liệu khác đều tăng giá mạnh”, ông Tài cho biết.
Trong văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình cũng “bức xúc” không kém với mức giá thuê đất ngày càng… tịnh tiến. Hiệp hội dẫn chứng, giá thuê đất tại CTCP Tam Kỳ năm 2015 là 10.000 đồng/m2 năm thì năm 2016 là 33.600 đồng/m2 (tăng 3,36 lần); CTCP Điện tử Thái Bình năm 2015 nộp 226 triệu đồng, năm 2016 tăng lên 618 triệu đồng (tăng 2,7 lần).
Các DN cho rằng, chính giá thuê đất cao khiến tình trạng nợ tiền sử dụng đất diễn ra khá phổ biến. Chỉ riêng tại TP HCM vẫn còn trên 400 trường hợp chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất với số tiền hơn 6.300 tỷ đồng. Tại Hà Nội, Cục Thuế cũng nêu tên hơn 400 DN với tổng số tiền nợ thuế trên 1.000 tỷ đồng. Giới kinh doanh bất động sản cho rằng, khung giá đất đối với Hà Nội và TP HCM tăng lên gấp đôi, sẽ khiến cho giá các sản phẩm tới tay người mua nhà bị tăng cao.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng chỉ rõ những bất cập trong quy định về tiền sử dụng đất. Thậm chí, ông Châu cho rằng điều này đã trở thành gánh nặng cho DN bất động sản. Do vậy, HoREA kiến nghị, nên xem xét thay tiền sử dụng đất bằng một sắc thuế khác để hạn chế cơ chế xin, cho.
“Hiện nay, hầu hết các ngành nghề đều được Nhà nước cho phép hạch toán bù trừ trong quá trình kinh doanh để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, chỉ riêng DN bất động sản lại không được áp dụng đầy đủ cho hoạt động kinh doanh của mình vì theo quy định thì kinh doanh bất động sản phải được hạch toán riêng. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị nhà nước xem xét lại việc thực hiện tăng giá thuê đất nên theo lộ trình cụ thể và có mức trần không vượt quá 2 lần so với giá 2010”, ông Châu kiến nghị.
Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và khu công nghiệp Việt Nam cho biết trước thời điểm 01/6/2015, rất nhiều nhà đầu tư trên cả nước đã thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, sau ngày 01/6/2015, việc thế chấp quyền sử dụng đất của các nhà đầu tư không thể thực hiện được do Luật Đất đai năm 2013. Quy định trên đòi hỏi DN đầu tư khu công nghiệp phải chuyển đổi hình thức thuê đất trả tiền một lần để Nhà đầu tư thứ cấp có thể thế chấp với tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức thuê đất trả tiền một lần sẽ phát sinh chi phí thuê đất trả cho nhà nước rất lớn đối với DN đầu tư khu công nghiệp và DN hạ tầng không thể yêu cầu nhà đầu tư thứ cấp thanh toán do hợp đồng đã ký.
Mặt khác, do chính sách thu hút đầu tư, tại thời điểm này nhiều DN FDI được miễn giảm thuế đất, gây bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các DN.

Cần lộ trình phù hợp
Trong khảo sát mới đây của Bộ Kế hoạch và đầu tư, đất đai là một trong những khó khăn lớn nhất mà DN đang gặp phải. Hiện nay, rất nhiều chính sách trợ giúp phát triển mặt bằng sản xuất kinh doanh đang được nhiều địa phương triển khai nhưng chưa có mấy hiệu quả thì việc giá đất tăng sẽ khiến cho việc tìm đất và thuê đất sản xuất càng khó khăn hơn.
Trước những khó khăn của DN, mới đây dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đã xác định “giảm chi phí kinh doanh” là một trong 5 nhóm giải pháp lớn. Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các quy định về đất đai theo hướng điều chỉnh tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của DN để bảo đảm tính cạnh tranh, ổn định, dễ áp dụng và thực hiện cho DN.
Được biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên-môi trường chủ trì nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ DN tiếp cận đất sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp theo hướng chia nhỏ diện tích, cho phép áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt để phù hợp với nhu cầu sử dụng của DN nhỏ và vừa; sửa đổi các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất thống nhất với quy định lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu….
Theo GS Đặng Hùng Võ, Chính phủ phải xây dựng một lộ trình tăng giá đất một cách ổn định để DN có thể tính phương thức kinh doanh dài hạn, đặc biệt với các DN kinh doanh khu công nghiệp. Các Bộ, ngành có liên quan cũng cần hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, đặc biệt là chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đất đai.
Ông Đào Trung Chính – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên -môi trường: Chặn lãng phí sử dụng đất
Hiện đơn giá thuê đất hàng năm được tính bằng công thức: Tỷ lệ phần trăm (%) nhân với (x) Giá đất tính thu tiền thuê đất; khi điều chỉnh lại đơn giá thuê đất cho kỳ ổn định tiếp theo được tính bằng giá đất trong bảng giá đất x Hệ số điều chỉnh giá đất. Sở dĩ Nhà nước quy định mức thu tiền thuê đất cao như vậy là nhằm giảm tình trạng lãng phí trong sử dụng đất, đồng thời “đánh” vào các DN cố tình chạy dự án, xin đất về sau đó bỏ hoang, gây thất thoát nguồn lực. Trước mắt, để tạo thuận lợi cho DN, DN có thể kiến nghị Chính phủ theo hướng quy định linh hoạt mức thu tiền sử dụng đất phù hợp với thực tế của từng loại hình sử dụng đất, hình thức sử dụng đất và từng thời điểm cụ thể. Nội dung này thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính theo phân công của Chính phủ. Bộ Tài nguyên-môi trường sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện về chính sách thu tiền sử dụng đất cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. 


Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở về

Bài cùng chuyên mục