tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bộ trưởng Nguyễn Quân: 'Việt Nam sẽ phải hình sự hóa các vi phạm sở hữu trí tuệ'

  • Cập nhật : 11/10/2015

(Tin kinh te)

Đổi mới sản xuất, tăng sức cạnh tranh, tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ là những việc mà Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ cho rằng doanh nghiệp phải làm trong 2 năm tới, trước khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.

- Đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất. Bộ trưởng đánh giá thế nào về tác động của các cam kết trong TPP với lĩnh vực khoa học công nghệ?

- Có 2 vấn đề liên quan tới khoa học - công nghệ là những yêu cầu mới của TPP với sở hữu trí tuệ và chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa. Trong đó, vướng mắc nhất là sở hữu trí tuệ. Việt Nam sẽ phải hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực này, thay vì xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, sở hữu trí tuệ còn liên quan đến bảo hộ dược phẩm, trong đó gay cấn nhất là cơ sở dữ liệu thử nghiệm thuốc. Ngoài ra, còn là các yêu cầu rất cao về bảo vệ nông hóa phẩm, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến văcxin thú y… Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nếu đáp ứng những yêu cầu này, sản xuất chắc chắn bị ảnh hưởng.Đây là thách thức rất lớn bởi Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong TPP. Chúng ta mong muốn có khoảng thời gian chuyển đổi đủ dài, còn đối tác lại muốn phải thực hiện ngay. Đoàn đàm phán đã đấu tranh để thời gian chuyển đổi ít nhất bằng một nhiệm kỳ Quốc hội, để có điều kiện sửa đổi các quy định cần thiết. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn phải đợi Bộ Công Thương công bố.

bo truong nguyen quan cho rang neu tich tuc chuan bi, doanh nghiep co the bat kip co hoi tu tpp. anh: n.m

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng nếu tích tực chuận bị, doanh nghiệp có thể bắt kịp cơ hội từ TPP. Ảnh: N.M

- Vậy thách thức với doanh nghiệp khi Việt Nam thực hiện các cam kết này là gì?

- Thách thức lớn nhất khi gia nhập TPP là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi gỡ bỏ các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật…, nếu sản phẩm không có chất lượng tốt, giá hạ, mẫu mã phù hợp thì rất khó cạnh tranh. Để làm được điều này trong thời gian ngắn là rất khó, vì doanh nghiệp Việt Nam có trình độ sản xuất lạc hậu 2-3 thế hệ công nghệ so với các nước. Tiềm lực về vốn so với các đối thủ cũng đang rất nhỏ bé.

Sở hữu trí tuệ cũng sẽ là vấn đề cam go. Hiện nay có tình trạng doanh nghiệp vẫn sử dụng các phần mềm không có bản quyền. Việc này giúp họ đỡ tốn kém một số chi phí, có lợi thế cạnh tranh dù không hợp pháp. Ngoài ra, doanh nghiệp sắp tới sẽ phải lo những chuyện khác nữa như nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, sáng chế… 

Khi tham gia TPP, làn sóng đầu tư nước ngoài, làn sóng đầu tư lên cao thì tranh chấp cũng sẽ bùng nổ. Trong khi đó, hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam gần đây mới làm tốt việc xác lập quyền, còn thực thi vẫn có nhiều hạn chế. Góp phần khắc phục những điểm yếu này là việc ngành khoa học vẫn âm thầm làm suốt thời gian qua, khi chuẩn bị cho TPP. Chúng tôi sẽ tích cực làm hơn nữa trong thời gian tới.

- Tại sao Bộ trưởng cho rằng lĩnh vực nông hóa phẩm cũng chịu nhiều thách thức?

- Hiện nay nông hóa phẩm có 2 vướng mắc. Một là thời gian chuyển đổi bảo hộ phải đủ dài. Ban đầu Việt Nam đề nghị 10-15 năm, nhưng Mỹ trước đây chưa chấp nhận. Họ muốn ép xuống 2-3 năm. Tại sao cần chuyển đổi dài là vì trình độ sản xuất của Việt Nam hiện vẫn rất lạc hậu. Nếu ngay bây giờ phải đáp ứng bảo hộ cao thì doanh nghiệp trong nước gần như không thể tồn tại, nhất là các đơn vị sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vắc xin thú y…

Thứ 2 là bảo hộ cơ dữ liệu thử nghiệm được yêu cầu nâng lên 10 năm. Việt Nam cũng đàm phán để có thời gian chuyển tiếp 3-5 năm. Cơ sở dữ liệu thử nghiệm là kết quả thử nghiệm một loại dược – hóa phẩm, do nhà sản xuất thực hiện trong thời gian dài (thường khoảng 3-5 năm) để được cấp phép sản xuất, tại Mỹ hay Nhật chẳng hạn. Khi đưa vào Việt Nam, họ yêu cầu phải bảo hộ cơ sở này khi nộp tài liệu cho cơ quan quản lý Việt Nam.

Trước nay, ta chỉ bảo hộ mức thấp: tôi giữ bí mật cho anh. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt Nam tình cờ hoặc phân tích thành phần, rồi sản xuất được thuốc đó, họ có thể được cấp phép mà không cần cơ sở dữ liệu thực nghiệm, vì thuốc giống hệt. Bây giờ TPP cấm luôn việc đó. Tức là làm được giống hệt thì vẫn phải thử nghiệm.

Như vậy dù doanh nghiệp Việt Nam có tài giỏi đến đâu thì vẫn bị chậm lại một thời gian. Trong thời gian ấy đơn vị nước ngoài đã chiếm thị phần hoặc sản phẩm đã lỗi thời. Chính vì thế mà phải đàm phán kéo dài thời gian, duy trì mức bảo hộ thấp như các FTA trước đây. Khi đó doanh nghiệp sản xuất nông hóa phẩm Việt Nam mới cạnh tranh được.

- Bên cạnh những thách thức nêu trên, cơ hội với Việt Nam khi tham gia TPP là gì, thưa Bộ trưởng?

- Cơ hội với thương mại thì thấy rất rõ khi các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ. Theo số liệu của Bộ Công Thương thì riêng ngành dệt may có thể tiết kiệm cả tỷ USD tiền thuế mỗi năm cho riêng thị trường Mỹ. Điều này cho phép doanh nghiệp bán giá rẻ hơn, hoặc có giá trị gia tăng cao hơn.

Lợi ích về sở hữu trí tuệ cũng rất tốt. Ví dụ Việt Nam và các nước TPP bảo hộ lẫn nhau về chỉ dẫn địa lý. Trong quá khứ, một người hoặc tổ chức nào đó có thể đăng ký sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam mà không bị cản trở thì nay, các nước TPP bảo hộ cho nhau một cách tuyệt đối. Không ai có thể đăng ký nước mắm Phú Quốc hay cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam rồi sau đó chúng ta lại phải đi mua lại.Tương tự với tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp… Như thế, doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nếu xảy ra tranh chấp, có thể giải quyết thuận lợi.

Ngoài ra, vấn đề tiêu chuẩn chất lượng cũng tương tự. Hiện các nước hay dựng lên hàng rào kỹ thuật để ngăn hàng hoá Việt, như chống bán phá giá, dư lượng kháng sinh… Nhưng khi vào TPP, sẽ có các trung tâm kiểm định của mỗi nước, kết quả được công nhận lẫn nhau nên sẽ hạn chế những quy trình rắc rối nói trên.

bo truong nguyen quan: 'viet nam se phai hinh su hoa cac vi pham so huu tri tue'

Bộ trưởng Nguyễn Quân: 'Việt Nam sẽ phải hình sự hóa các vi phạm sở hữu trí tuệ'

 

- Tiếp cận thuận lợi các công nghệ tiến tiến của nước ngoài dễ dàng hơn có thể khiến các dự án khoa học trong nước khó phát triển. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

- Đương nhiên mở cửa phải chấp nhận những công nghệ cao của nước ngoài. Các doanh nghiệp cũng giống người Việt có tâm lý chuộng ngoại, sẽ tận dụng những công nghệ du nhập vào với giá rẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu nội địa cũng vẫn có cơ hội phát triển, nhất là những sáng chế phù hợp với sản phẩm của chúng ta. Chẳng hạn Mỹ sẽ không nghĩ đến việc bảo quản quả vải, quả xoài… Hay với những sản phẩm thủy sản đặc thù của Việt Nam như các tra, cá ba sa… thì cũng cần công nghệ chế biến nội địa.

Hay là lúa gạo. Trong TPP chỉ có Mỹ và Việt Nam xuất khẩu lớn nhưng công nghệ chế biến, bảo quản của 2 nước khác nhau. Các giống lúa đặc sản, có chỉ dẫn địa lý vẫn sẽ là thế mạnh. Những mặt hàng này này không thể và không cần sử dụng công nghệ nước khác.

Do đó, tôi nghĩ người làm khoa học Việt Nam ngay bây giờ đã phải điều chỉnh lĩnh vực nghiên cứu, tập trung vào những gì có lợi thế cạnh tranh, chứ vẫn làm những gì đã có thì công nghệ rất khó bán cho người Việt, chứ chưa nói đến các nước khác.

- Bộ trưởng có lời khuyên gì với doanh nghiệp để chuẩn bị cho TPP?

- Chúng ta có một may mắn là thời gian ký hiệp định đến khi có hiệu lực là 2 năm. Một số lĩnh vực còn có thêm vài năm sau đó mới phải áp dụng điều kiện mới. Đây là thời gian không dài nhưng tôi nghĩ là đủ nếu hành động quyết liệt. Tôi thấy có nhiều điều cần khuyên, song quan trọng nhất là 3 vấn đề.

Trước hết, nếu doanh nghiệp có tài sản sở hữu trí tuệ thì cần khẩn trương đăng ký ngay để được bảo hộ trong toàn khối TPP, từ nhãn hiệu hàng hóa, tên doanh nghiệp, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp… Với các tập đoàn hoặc doanh nghiệp mang tính địa phương thì cần phải có chỉ dẫn địa lý nữa, ví dụ nước mắm Phú Quốc, Bưởi Năm Roi…

Thứ 2 là phải nhanh chóng đổi mới công nghệ, vốn đang rất lạc hậu. Bây giờ thuế có về 0% mà hàng hóa kém chất lượng cũng rất khó cạnh tranh, ngay cả những thứ truyền thống như gạo hay rau quả nếu vẫn giữ công nghệ chế biến, bảo quản hiện nay. Để làm được việc đó, doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng để đầu tư cho khoa công nghệ, nghiên cứu; đồng thời tận dụng tối đa hỗ trợ của Nhà nước.

Thứ 3 là doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn nhân lực và thị trường. Không thể có công nghệ tốt nếu không có nguồn nhân lực tốt. Phải chuẩn bị thị trường, xem sản phẩm của mình, đối thủ của mình là ai, trong nước hay nước ngoài, đang làm ở trình độ nào, giá cả, thị phần ra sao… Doanh nghiệp, nhất là các đơn vị sản xuất cần làm khẩn trương 3 việc này trong vòng 2-5 năm. Nếu chậm hơn nữa thì chắc chắn không thể cạnh tranh được.


Nhật Minh
Theo VNexpress

Trở về

Bài cùng chuyên mục