tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lao đao ngao Tiền Hải

  • Cập nhật : 28/08/2015

(Tin kinh te)

Huyện Tiền Hải (Thái Bình) là vùng nuôi ngao lớn nhất miền Bắc. Cách đây vài năm, khi con ngao “lên ngôi”, nhiều hộ nơi đây thành tỷ phú. Nhưng hiện nay, “vựa ngao” không còn được như trước

Biển bạc

Ngay cái tên Tiền Hải đã nói lên sự trù phú của vùng đất này. Hơn 20 km bờ biển với 3 cửa sông (sông Hồng, sông Trà Lý, sông Lân) tạo thành những bãi bồi lấn biển rộng lớn, là nơi sinh sống lý tưởng của nhiều loài thủy sản, đặc biệt là ngao.

Theo ngư dân địa phương, cách đây khoảng 30 năm trở về trước, ngao tự nhiên có rất nhiều trên các bãi triều ven biển Tiền Hải. Dần dần, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, hoạt động khai thác gia tăng chóng mặt. Vào cuối những năm 80, người dân Tiền Hải bắt đầu nuôi ngao. Cùng với sự đi lên của kinh tế - xã hội, nghề nuôi ngao phát triển nhanh chóng.

Theo báo cáo của UBND huyện Tiền Hải, toàn huyện có 2.305 ha nuôi ngao (trong số 3.293 ha ngao của cả tỉnh), sản lượng nuôi trồng 6 tháng đầu năm nay đạt khoảng 20.000 tấn.

Diện tích nuôi ngao tập trung tại các xã Nam Hưng, Nam Thịnh, Nam Phú, Nam Cường, Đông Minh, Đông Hoàng và Đông Long.

Vùng nuôi ngao sải rộng ra phía biển hàng cây số và chạy dài tít tắp trên 20 km từ cửa sông Trà Lý đến cửa Ba Lạt nơi sông Hồng đổ ra biển. Nhìn từ trên cao, cánh đồng ngao rộng lớn được chia thành các thửa vuông vức như ô bàn cờ. Ranh giới là các hàng cọc có đính lưới vây quanh bãi nuôi để giữ ngao. Mỗi thửa có một chòi ngao “cắm chân” ở đấy trông coi.

Đứng ở mép biển có thể thấy vùng nuôi ngao rộng lớn với hàng nghìn những chòi canh ngao lênh khênh, chạy hút tầm mắt từ phía bắc xuống phía nam và vươn ra xa tít đường chân trời phía đông. Không chỉ có người địa phương mà người ở nhiều tỉnh, thành khác cũng đến đây thuê bãi triều để nuôi ngao.

vung nuoi ngao menh mong cua tien hai

Vùng nuôi ngao mênh mông của Tiền Hải

Tiền Hải cũng là nơi đầu tiên trong tỉnh xuất hiện những trang trại nuôi ngao giống theo phương pháp nhân tạo. Vốn đầu tư ban đầu ít nhất của một hộ nuôi ngao giống khoảng 5 tỷ đồng. Ngao giống thường được ương nuôi trong các đầm nước mặn lợ đến khi đạt cỡ ngao cúc (500 - 800 con/kg) mới đưa ra nuôi ngoài bãi triều.

Từ năm 2011, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển nuôi ngao vùng ven biển của tỉnh giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020. Vì thế, tất cả các bãi triều nuôi ngao đều phải nằm trong vùng quy hoạch. Hầu hết các bãi nuôi ngao ở Tiền Hải rộng từ 1 - 2 ha (địa phương quy định, cho thuê không quá 2 ha đối với hộ gia đình, 10 ha đối với tổ chức).

Sau mỗi chu kỳ nuôi, vào lúc thủy triều rút, người nuôi phải vệ sinh mặt bãi, sử dụng máy, cày lật bãi nuôi, kết hợp bón vôi và san bằng mặt bãi trước khi thủy triều lên. Họ vây lưới cao khoảng 1m quanh bãi nuôi để tránh ngao di chuyển ra ngoài và ngăn ngừa địch hại xâm nhập.

Ngao được thả nuôi quanh năm nhưng tập trung vào 2 đợt, tháng 4 - 5 và tháng 9 - 10 dương lịch. Ngư dân thả giống lúc sáng sớm hoặc chiều mát, khi nước thủy triều đang lên. Giống nuôi chủ yếu là ngao trắng mua từ các tỉnh phía Nam.

Ngao không phải cho ăn, chỉ cần người nuôi thường xuyên thăm bãi, bắt địch hại như cua, ốc… và kiểm tra những yếu tố ảnh hưởng đến ngao như nhiệt độ, độ mặn, sóng gió... Ngoài ra, vì mật độ nuôi cao, các hộ nuôi ở Tiền Hải thường phải sục cát để tạo sự thông thoáng hoặc vãi thêm cát mới vào bãi nuôi để tạo thêm nguồn thức ăn mới cho ngao.

Bà con nơi đây thường nuôi ngao trong 1 năm rưỡi đến 2 năm, khi ngao đạt kích cỡ 50 - 60 con/kg thì thu hoạch. Có thể thu bằng lưới kéo trên thuyền máy, đỡ tốn nhân công hơn nhưng một số ngao có thể bị dập vỏ và lẫn tạp chất vào trong ruột. Vì thế các hộ nuôi vẫn thường thu hoạch ngao thủ công.

Khi nước triều rút, thường vào buổi đêm và rạng sáng, hàng trăm người ngồi xếp thành hàng, chia mỗi người chừng 1 - 3 m2 để cào và nhặt ngao khỏi mặt cát. Họ được trả công khoảng 100 - 150 nghìn đồng/người/ngày. Những đợt thu hoạch như vậy, chủ bãi ngao có thể thu hàng trăm tấn ngao một đêm.

Gia đình anh chị Dũng - Hiền (thôn Thanh Lâm, xã Đông Minh) cho biết, nhà anh chị nuôi 1,5 ha ngao, mỗi lứa nuôi cần khoảng 200 triệu đồng để mua ngao giống (600 - 700 kg). Sau 2 năm nuôi, thu hoạch khoảng 80 tấn ngao thương phẩm.

ngao ban le tai cho dong minh, huyen tien hai

Ngao bán lẻ tại chợ Đông Minh, huyện Tiền Hải

Thời gian tới, huyện sẽ tập trung triển khai thực hiện đề án nuôi ngao của UBND tỉnh theo quy hoạch, tăng cường hướng dẫn, tập huấn cho nông dân biện pháp kỹ thuật để tăng hiệu quả nuôi ngao. Đồng thời, mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khuyến khích mở rộng hoạt động SXKD các sản phẩm từ ngao. Đặc biệt, huyện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng hạ tầng vùng ương ngao giống tại xã Đông Minh và Đông Hoàng, từng bước chủ động nguồn con giống.

Theo các hộ nuôi nơi đây, 1 ha nuôi ngao cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng, trong đó chi phí chừng 500 triệu đồng, thu lãi khoảng 400 - 500 triệu đồng.

Vượt khó

 

Từ năm 2010 - 2012 là thời thịnh nhất của ngao Tiền Hải. Giá ngao thịt đạt đến gần 30.000 đ/kg. Ngao được chuyển lên tàu biển xuất khẩu ra nước ngoài, nhiều nhất là Trung Quốc… hoặc theo xe tải đi tiêu thụ khắp các tỉnh miền Bắc. Người nuôi khá giả lên nhanh chóng. Ở các xã nuôi nhiều ngao nhất như Đông Minh, Nam Thịnh, có thể nói “ra đường là gặp tỷ phú”.

 

Thế nhưng, thời vàng son đó đã qua. Nay lượng ngao phía Trung Quốc thu mua giảm mạnh so với trước, có thời điểm gần như ngừng thu mua. Trong khi đó, số hộ nuôi tăng lên. Hiện cũng chưa có đơn vị nào đứng ra bao tiêu sản phẩm nên các hộ nuôi tự liên lạc với thương lái. Thị trường không ổn định nên tư thương thường ép giá.

Vì thế, giá ngao giảm mạnh. Ngao thịt bán tại bãi những ngày này chỉ chừng 10.000 - 14.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, hiện tượng ngao chết hàng loạt diễn ra ngày càng nhiều. Cách đây một năm, hàng nghìn ha ngao của Tiền Hải bị chết trắng xóa các bãi triều. Nhiều hộ nuôi mất trắng cả tỷ đồng chỉ sau một đêm.

Cơ quan chức năng lý giải, ngao chết hàng loạt do sốc độ mặn cao và mật độ nuôi quá cao so với quy định: Trung bình 500 - 600 con/m2, có những hộ thả nuôi tới hơn 1.000 con/m2, trong khi mật độ khuyến cáo cao nhất là 350 con/m2.

Còn theo nhiều người dân, ngao chết nhiều do nguồn nước bị ô nhiễm. Nước sông Lân, sông Trà Lý trước khi đổ ra biển đã hấp thụ nhiều nguồn thải, nhất là thuốc bảo vệ thực vật từ các cánh đồng rộng lớn.

Nguồn con giống cũng đang là một khó khăn của vựa ngao Tiền Hải. Hiện nguồn giống trong tự nhiên đã cạn kiệt, số giống SX tại chỗ không đủ cung cấp, các hộ nuôi phải nhập về từ các tỉnh miền Nam, miền Trung, từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch. Vì thế, chất lượng ngao giống khó được kiểm soát.

(Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam)

Trở về

Bài cùng chuyên mục