tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 06-12-2017

  • Cập nhật : 06/12/2017

Sẽ kiểm toán hàng loạt “đại dự án giao thông“ trong năm 2018

Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ ưu tiên lựa chọn kiểm toán là các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải như Dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh - Tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên; dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội...

 

se thuc hien kiem toan du an duong sat do thi thanh pho ha noi tuyen cat linh - ha dong trong nam 2018.

Sẽ thực hiện kiểm toán dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông trong năm 2018.

 

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký và ban hành quyết định về “Kế hoạch kiểm toán năm 2018” của Kiểm toán nhà nước.

Theo đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ tập trung kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý thuế, kê khai nộp thuế, chống thất thu thuế; các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải 

Cụ thể, Trong Kế hoạch kiểm toán năm 2018, Kiểm toán Nhà nước sẽ đẩy nhanh việc triển khai các cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương, kịp thời cung cấp thông tin cho Hội đồng nhân dân địa phương phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2017 theo quy định. 

Ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện kiểm toán chuyên đề liên quan đến công tác quản lý thuế, kê khai nộp thuế, chống thất thu thuế, Kiểm toán Nhà nước sẽ đưa nội dung kiểm toán công tác quản lý thuế, kê khai, nộp thuế, chống khai man, trốn thuế thành nội dung kiểm toán trọng yếu trong các cuộc kiểm toán liên quan đến thu ngân sách nhà nước thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2018.  

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tập trung kiểm toán đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, các dự án, công trình lớn được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm. 

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ tập trung kiểm toán việc quản lý, điều hành NSNN theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ, Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công và các văn bản liên quan. Kiểm toán việc đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung vào 03 trọng tâm: 

Kiểm toán việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính công, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công.

Trong đó, kế hoạch kiểm toán ưu tiên lựa chọn kiểm toán là các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải: Dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh - Tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên; dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội; dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh; các dự án giao thông đầu tư theo hình thức đối tác công tư... 

Ngoài ra, theo kế hoạch sẽ tiến hành kiểm toán việc cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, khu vực công theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. 

Kiểm toán việc bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên lựa chọn kiểm toán các dự án môi trường, phòng chống thiên tai, lũ lụt, ngập úng tại các thành phố lớn: Dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực thành phố Hồ Chí Minh xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1; Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương - giai đoạn 2. 

Kiểm toán các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế, nhằm đánh giá hiệu quả các chính sách ưu đãi của Chính phủ và các địa phương đối với các doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong các khu kinh tế...(Bizlive)
----------------------------

Sotrans mua thêm cổ phiếu Sowatco nâng sở hữu lên trên 84%

Sotrans mua thêm cổ phiếu Sowatco nâng sở hữu lên trên 84%

Sotrans sẽ mua thêm 6,3 triệu cổ phiếu Sowatco

Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam – Sotrans (HOSE: STG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT thông qua về việc chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Sotrans – công ty con 100% vốn mua thêm cổ phiếu SWC để nâng sở hữu tại Tổng Công ty Cổ phần Đường Sông Miền Nam (Sowatco) lên 84,39%.

Hiện Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Sotrans đang nắm 50,3 triệu cổ phiếu SWC, tương đương sở hữu 75%. Theo đó, Sotrans dự kiến sẽ mua thêm 6,3 triệu cổ phiếu nửa để nâng lên tỷ lệ 84,39%.

Sotrans đã liên tục gom cổ phiếu Sowatco kể từ tháng 3/2016 đến nay. Hiện cổ phiếu SWC trên thị trường đang có giá 13.400 đồng/cp, tương đương mức vốn hoá gần 900 tỷ đồng.

 

Năm ngoái, Sowatco đã bán đi tài sản tốt nhất của mình đó là phần vốn góp tại các công ty liên doanh Keppel Land – Watco I đến V phát triển dự án Saigon Centre tại TPHCM.

Theo đó, HĐQT đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2017 đạt gần 720 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2016, lợi nhuận sau thuế cũng dự kiến tăng mạnh lên mức 491,6 tỷ đồng, cao gấp 7 lần năm trước.

Kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm, Sowatco đạt tổng doanh thu 132 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế tăng gấp 465 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ sau khi ghi nhận phần lãi từ bán vốn tại SaiGon Centre.(CafeF)
------------------------------

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Các ngân hàng đang “đỏ mắt” tìm khách hàng cho vay

Thanh khoản tại các ngân hàng hiện khá dồi dào, vì vậy, không có chuyện ngân hàng làm khó không cho doanh nghiệp vay. Nhiều ngân hàng đã áp dụng phương thức cho vay mới không dựa vào tài sản thế chấp mà dựa vào quan hệ tín dụng chặt chẽ giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên cơ sở quản lý được dòng tiền, tài chính công khai minh bạch.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Các ngân hàng đang “đỏ mắt” tìm khách hàng cho vay

Ảnh minh họa.

Đây là những chia sẻ cũng như trả lời những thắc mắc của doanh nghiệp tại Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ của đại diện Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú, chiều ngày 4/12/2017.

Ông Đào Minh Tú cho biết, trong 3 năm qua, ngành ngân hàng đã có chủ trương và thực hiện giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn ngân hàng thông qua đối thoại. Riêng năm 2017, tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng các tỉnh thành tổ chức 312 cuộc đối thoại, bình quân khoảng 5 lần đối thoại/tỉnh/năm, để giải quyết câu chuyện doanh nghiệp khó tiếp cận vốn và ngân hàng thừa vốn, góp phần cải cách thủ tục hành chính.

Hiện, số thắc mắc của doanh nghiệp về vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng đã giảm khá rõ rệt. Thêm vào đó, thanh khoản tại các ngân hàng đang khá dồi dào, vì vậy, không có chuyện ngân hàng làm khó không cho doanh nghiệp vay.

Theo ông Đào Minh Tú, các ngân hàng bao gồm ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đang cạnh tranh nhau quyết liệt trong việc cho khách hàng vay. Có thể nói, ngân hàng đang “đỏ mắt” tìm khách hàng cho vay. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không thể vay vốn, các ngân hàng từ chối cho vay, doanh nghiệp cần xem lại mình.

Bởi, hiện nay theo phương thức cho vay kiểu mới, các ngân hàng không đặt thế chấp tài sản là điều kiện tiên quyết trong cho vay. Việc thế chấp tài sản đảm bảo cho khoản vay chỉ diễn ra khi quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp không chặt chẽ, các ngân hàng không đánh giá được dòng tiền của doanh nghiệp, doanh nghiệp không quản lý được dòng tiền… Một khi doanh nghiệp có tình hình tài chính không minh bạch, rõ ràng, tiền bán hàng không biết ở đâu ra, vay về không biết làm gì, các ngân hàng buộc phải sử dụng phương pháp thế chấp để đảm bảo khoản vay. Vì vốn này các ngân hàng thương mại phải  huy động tiền gửi trong dân.

Để tiếp cận vốn dễ dàng hơn, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp – ngân hàng, các doanh nghiệp cần chứng minh được nguồn tài chính công khai minh bạch, đảm bảo chữ tín với ngân hàng.

Đối với vấn đề giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước một lần nữa khẳng định, khi điều kiện vĩ mô cho phép trong thời gian tới bao gồm kiểm soát lạm phát và các chỉ số vĩ mô khả quan, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét đưa lãi suất cho doanh nghiệp vay giảm thêm nữa. Tuy nhiên, ông Tú cho biết, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất bình thường đánh giá mức lãi suất hiện nay đối với họ là hợp lý.

Liên quan gói 100.000 tỷ đồng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, ông Đào Minh Tú cho biết, gói do khoảng 10 ngân hàng đăng ký tham gia cung cấp. Đến nay, giải ngân cho vay nông nghiệp công nghệ cao đến 36.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 30.000 tỷ đồng cho vay các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và 6.000 tỷ đồng cho vay phục vụ nuôi trồng sản xuất các sản phẩm sạch trong nông nghiệp.(Bizlive)
---------------------------

Tăng vù vù, cổ phiếu Vinamilk lọt top 5 cổ phiếu đắt giá nhất thị trường chứng khoán Việt

Tăng vù vù, cổ phiếu Vinamilk lọt top 5 cổ phiếu đắt giá nhất thị trường chứng khoán Việt

Bò sữa Vinamilk – doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường và cũng luôn được đánh giá là doanh nghiệp hiếm có trên sàn chứng khoán – đang giao dịch ở P/E 26 lần. Trong một thập kỷ trở lại đây, cổ phiếu của doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam luôn nằm trong đích ngắm của nhiều quỹ đầu tư tên tuổi.

Phiên giao dịch sáng nay (04/12/2017), cổ phiếu VNMcủa Vinamilk chính thức chạm ngưỡng 200.000 đồng. Đây là mức giá cao nhất (tính theo giá điều chỉnh) của Vinamilk từ trước đến nay.

Đạt mức giá 200.000 đồng/cổ phiếu, Vinamilk lọt top 5 cổ phiếu có mức giá trên 200.000 đồng và đắt giá nhất thị trường chứng khoán Việt.

Đứng đầu về thị giá hiện tại vẫn là cổ phiếu SAB của Sabeco. SAB tăng giá mạnh thời gian qua sau thông tin sắp sửa bán vốn. Tuy nhiên, sự tăng giá ầm ầm của cổ phiếu SAB khiến nhiều người dùng từ “mức giá trên trời” để mô tả cổ phiếu này. Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu SAB đã tăng hơn 70% lên 335.000 đồng/cp và trở thành cổ phiếu có thị giá lớn nhất TTCK Việt Nam. Tại mức giá này, P/E Sabeco đã lên tới gần 49, bỏ xa các “đại gia” bia trên Thế giới như Heineken (P/E 27), Carlsberg (P/E 22), ThaiBev (P/E 18), Asahi Group (P/E 24), Kirin Holdings (P/E 21), San Miguel (P/E 15), Sapporo (P/E 28)…

Việc tăng giá quá “nóng” trong năm 2017 đã khiến vốn hóa Sabeco hiện lên tới 9,6 tỷ USD, vượt qua vốn hóa một số doanh nghiệp tầm cỡ ngành bia như Sapporo Holdings (2,5 tỷ USD), San Miguel (5,3 tỷ USD). Trong khi đó, quy mô của Sabeco lại quá nhỏ bé so với các doanh nghiệp kể trên.

Đứng thứ hai về thị giá là cổ phiếu VCS của Vicostone. Bất đắc dĩ phải “bán mình” cho đối thủ, Vicostone đã tăng trưởng gấp 20 lần thành công ty 700 triệu USD chỉ sau 3 năm. Những biến động lớn về cơ cấu sở hữu trong năm 2014 đã đưa Vicostone từ nguy cơ “bị đe dọa về thị phần, triển vọng tăng trưởng” phải chấp nhận để đối thủ thâu tóm trở thành một trong những doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng nhất trong suốt 3 năm qua.

Vấn đề tăng giá của Vicostone bắt đầu sau thú vị của câu chuyện về đối thủ của Vicostone là Phenikaa thâu tóm thành công Vicostone thì chính Phenikaa lại bị “thâu tóm” bởi chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng.

Và sau câu chuyện thâu tóm là câu chuyện giao dịch cổ phiếu VCS trên thị trường chứng khoán không còn sôi động nữa. Thanh khoản cổ phiếu VCS hiện chỉ đạt ~70.000 cổ phiếu mỗi phiên.

5 co phieu dat gia nhat thi truong chung khoan viet

5 cổ phiếu đắt giá nhất thị trường chứng khoán Việt

Đứng thứ ba về thị giá cổ phiếu là CTD của Coteccons. Nằm im suốt nhiều tháng trời quanh giá 200.000 – 210.000 đồng, CTD dường như chỉ còn phù hợp với những nhà đầu tư muốn giữ tiền một cách an toàn. Thế nhưng bất ngờ trong tháng qua, CTD bật tăng đi ngược tình trạng chung của hầu hết các cổ phiếu trên thị trường và cùng ngành.

Với cơ cấu tài chính nổi tiếng lành mạnh, kết quả kinh doanh bứt phá đã khiến một cổ phiếu thị giá cao nhưng an toàn như CTD trở thành lựa chọn lý tưởng cho giai đoạn này. Riêng quý 3/2017 Coteccons báo lãi sau thuế 477,5 tỷ đồng, tăng trưởng 30,5% so với quý 3 năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận lớn nhất trong quý 3 mà Coteccons đạt được trong nhiều năm trở lại đây.

Đứng thứ 4 về thị giá là cổ phiếu VCF của Vinacafe’ Biên Hòa. Hiện tại, cổ phiếu VCF đã đạt đến ngưỡng 205.000 đồng/cp và nhìn chung, sau khi Masan thâu tóm VCF thì cổ phiếu này cứ tăng đều đặn, từ từ với thanh khoản rất thấp.

Và, VNM của Vinamilk là doanh nghiệp đứng thứ 5 về thị giá và lọt top 5 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có giá trên 200.000 đồng.

Cổ phiếu VNM đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn SCIC thoái vốn lần thứ 2. Với mức giá này, vốn hóa của Vinamilk đạt gần 290,3 nghìn tỷ đồng tương đương hơn 13 tỷ USD.

Bò sữa Vinamilk – doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường và cũng luôn được đánh giá là doanh nghiệp hiếm có trên sàn chứng khoán – đang giao dịch ở P/E 26 lần. Trong một thập kỷ trở lại đây, cổ phiếu của doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam luôn nằm trong đích ngắm của nhiều quỹ đầu tư tên tuổi (Dragon Capital, Vina Capital, DWS, IPMorgan...) khi các tổ chức này đầu tư vào TTCK Việt Nam. Và không ít quỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, nhờ khoản đầu tư này.

Việc cổ phiếu VNM tăng giá mạnh đã giúp cho tỷ phú Thái-người đã rót hàng tỷ đô để mua cổ phiếu VNM từ SCIC thoái vốn giàu thêm rất nhiều. (CafeF)
---------------------------

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục