tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-12-2017

  • Cập nhật : 07/12/2017

Mỹ đánh thuế nặng lên thép Việt Nam xuất xứ Trung Quốc

Ngày 5-12, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp dụng mức thuế trừng phạt 265% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam với lý do chúng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

6 nha san xuat thep cua my khieu nai thep trung quoc doi lot viet nam de tron thue - anh: afp

6 nhà sản xuất thép của Mỹ khiếu nại thép Trung Quốc đội lốt Việt Nam để trốn thuế - Ảnh: AFP

Theo AFP, việc áp thuế trừng phạt lên thép Việt Nam xuất xứ Trung Quốc là một trong hàng loạt động thái thương mại cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm bảo vệ hàng hóa và thị trường Mỹ.  

Trong đa số trường hợp (lần này cũng không ngoại lệ), Trung Quốc là mục tiêu chính.

Thép từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đã tăng mạnh kể từ khi Washington đánh thuế chống phá giá lên sản phẩm Trung Quốc cách đây 2 năm. Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc lách thuế bằng cách cho hàng đi vòng qua Việt Nam.

Từ thời điểm đó, thép không gỉ từ Việt Nam vào Mỹ đã nhảy lên 80 triệu USD/năm từ mức chỉ 2 triệu USD/năm; thép cuộn lạnh tăng từ 9 triệu USD lên 215 triệu USD/năm - theo số liệu Bộ Thương mại Mỹ.

Hồi tháng 11, Cơ quan chống gian lận của Ủy ban châu Âu (OLAF) cũng phát hiện thép Trung Quốc được vận chuyển qua Việt Nam và gắn mác "Made in Vietnam" để tránh bị đánh thuế theo quy định của khối.

Với chiêu trò này, doanh nghiệp thép Trung Quốc đã trốn được khoản thuế chống phá giá khoảng 9,6 triệu USD từ EU.

Trở lại trường hợp Mỹ, thuế chống phá giá áp dụng với thép Việt Nam chỉ mới là biện pháp tạm thời dựa trên khiếu nại của 6 của nhà sản xuất thép Mỹ, Bộ Thương mại nước này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 2-2018.

Các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể làm đơn xin miễn trừ loại thuế này nếu có thể chứng minh nguyên liệu sản xuất không phải nguồn gốc Trung Quốc.

Từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1, Washington đã leo thang cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, đánh thuế chống phá giá lên phôi nhôm, gỗ ép và nhiều hàng hóa Trung Quốc khác.

Tuần trước, Bắc Kinh phản ứng kịch liệt khi Mỹ mở cuộc điều tra chống phá giá đối với tấm hợp kim nhôm Trung Quốc, giá trị xuất khẩu lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Tuy nhiên, mục tiêu giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc của ông Trump vẫn còn xa.

Số liệu Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc cao kỷ lục trong tháng 10, đẩy mức thâm hụt lên 31,9 tỉ USD trong tháng. (Tuoitre)
-------------------------

Tòa án Mỹ bác bỏ cáo buộc sản phẩm phấn rôm Johnson & Johnson gây ung thư

Vừa qua, Bồi thẩm đoàn tại bang California (Mỹ) đã bác bỏ cáo buộc của nguyên đơn Tina Herford.

Bà Tina Herford cho rằng Johnson & Johnson (J&J) và nhà cung cấp đã bán sản phẩm bột phấn rôm - có thể là nguyên nhân gây ra căn bệnh u trung biểu mô giai đoạn cuối cho bà.

Theo đó, tòa đã chỉ ra rằng không có bằng chứng nào cho thấy sản phẩm phấn rôm trẻ em của J&J là không an toàn. Công ty cũng đã thực hiện đúng và phù hợp việc thiết kế nhãn sản phẩm và bán hàng dựa trên những nghiên cứu khoa học tại thời điểm hiện tại. Vì vậy, bồi thẩm đoàn bang California đã tuyên bố J&J không cần chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào đối với căn bệnh u trung biểu mô giai đoạn cuối của bà Herford.

Trước các cáo buộc về nguy cơ ung thư tiềm ẩn của sản phẩm phấn rôm, J&J khẳng định mặc dù công ty rất cảm thông với tình trạng bệnh tật của những phụ nữ bị ung thư buồng trứng, nhưng các chứng cứ khoa học đã khẳng định độ an toàn của phấn rôm trẻ em do J&J sản xuất. Công ty đã đệ đơn kháng cáo và giành chiến thắng trong các phiên tòa phúc thẩm. Gần đây nhất, Tòa phúc thẩm Los Angeles (bang California, Mỹ) đã hủy bỏ bản cáo buộc J&J bồi thường 417 triệu USD cho một phụ nữ bị ung thư buồng trứng trong phiên sơ thẩm vào ngày 21.8. Tòa phúc thẩm cho biết cả hai bên liên quan không cung cấp bằng chứng tại phiên tòa hồi tháng 8, đồng thời nói thêm rằng những sai sót của bồi thẩm đoàn đã được ghi hình trong suốt phiên xử. Trên cơ sở đó, tòa ra phán quyết cho phép hãng Johnson & Johnson yêu cầu phiên tòa mới.

Bột Tan là một thành phần không thể thiếu trong phấn rôm và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc cá nhân như màu mắt, phấn trang điểm, xà phòng, kem đánh răng, lăn khử mùi, kẹo cao su, dầu ô-liu, thuốc viên… Trong hơn một thế kỷ qua, Johnson’s Baby Powder, với thành phần bột Tan chuẩn mỹ phẩm là một sản phẩm quen thuộc được lựa chọn để chăm sóc trẻ nhỏ, chăm sóc da và trang điểm cho người lớn trên toàn thế giới.

Chuẩn bột Tan dùng trong mỹ phẩm có độ tinh khiết rất cao, ở cùng cấp độ với bột Tan sử dụng trong dược phẩm, và hoàn toàn không chứa a-mi-ăng và sợi a-mi-ăng (một chất có khả năng gây ung thư). Bột Tan chuẩn mỹ phẩm chỉ được khai thác tại các mỏ được lựa chọn kỹ, tại các khu vực có chứng nhận, và được nghiền thành các hạt với kích thước tương đối lớn, không thể xâm nhập đường hô hấp.

Tính an toàn của bột Tan đã được chứng minh từ hơn 30 năm nghiên cứu của các nhà khoa học có kiến thức chuyên môn sâu rộng. Các cơ quan y tế tại Mỹ và trên toàn thế giới cũng đã tiến hành xem xét các dữ liệu và xác nhận bột Tan là an toàn khi sử dụng trong việc chăm sóc cá nhân.

Một minh chứng cụ thể cho kết quả này là báo cáo từ công trình Nghiên cứu Sức khỏe các Y tá (The Nurses’ Health Study). Đây là nghiên cứu về sức khỏe phụ nữ lớn nhất từ trước đến nay do chính phủ Mỹ tài trợ. Theo đó, nghiên cứu được thực hiện trong vòng 14 năm trên 31.344 phụ nữ sử dụng bột Tan thường xuyên. Kết quả cho thấy không có sự gia tăng tỷ lệ ung thư buồng trứng trong tổng số những phụ nữ này.

Ngày nay, bột Tan được chấp nhận là an toàn khi sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Canada cùng nhiều quốc gia khác như Argentina, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia.

Johnson’s Baby Powder chứa thành phần bột Tan theo chuẩn Dược Điển Mỹ (USP), không có a-mi-ăng, đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng, độ tinh khiết. Nguồn cung bột Tan của Johnson & Johnson thường xuyên được kiểm tra với những tiêu chí nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý trên toàn cầu.(Thanhnien)
------------------------

Giới phân tích: Nền kinh tế Mỹ sẽ "cất cánh" trong năm 2018

Sau một thời gian dài tranh luận sôi nổi về dự luật cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump, Thượng viện Mỹ tuần qua đã tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật này.

Giới phân tích nhận định nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ ký ban hành luật trước Lễ Giáng sinh tới để năm 2018 sẽ bắt đầu thời điểm "cất cánh" mới của nền kinh tế Mỹ.

Gần 11 tháng kể từ ngày tỷ phú Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, dù Nhà Trắng vẫn chưa hết xáo trộn do những thay đổi trong chính sách đối ngoại và nhân sự cấp cao, nhưng nền kinh tế Mỹ đã có những bước tiến ấn tượng.

Cụ thể, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng gấp đôi so với thời điểm diễn ra cuộc tranh cử Tổng thống, tỷ lệ lạm phát thấp, trong khi chỉ số Dow Jones liên tục lập các kỷ lục mới, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp và giới đầu tư. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua khi chỉ còn 4,1% hồi cuối tháng 10 năm nay. Tỷ lệ này được dự báo sẽ giảm xuống còn 3,5% vào cuối năm 2018.

Chính sách giảm thuế trong tương lai được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh lợi nhuận và phục hồi kinh tế. Kích thích tăng trưởng chính là mong muốn của Tổng thống Trump để điều chỉnh hiện tượng mà kinh tế học gọi là “cơ cấu đòn bẩy."

Thí dụ như giảm thuế mạnh cho giới doanh nghiệp là một đòn bẩy, khuyến khích đầu tư nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn để được lợi nhuận nhiều hơn.

Khi giới doanh nhân được hưởng nhiều lợi nhuận hơn thì giới lao động có nhiều việc làm hơn. Vì vậy, nếu luật thuế mới được áp dụng ngay từ năm 2018, kinh tế Mỹ có thể sẽ bùng nổ mạnh vì chi tiêu đầu tư kinh doanh và cá nhân sẽ tăng mạnh. Dù thuế suất giảm nhưng tăng trưởng GDP cao sẽ đẩy thu nhập kinh doanh và cá nhân tăng cao, cuối cùng sẽ cho tổng thu nhiều hơn và không làm tăng thâm hụt ngân sách do giảm thuế, nhất là sau 3-4 năm.

Các nghiên cứu định lượng chỉ ra rằng giảm thuế xuống mức 20% sẽ tăng nhu cầu đầu tư khoảng 15% và GDP trong 10 năm khoảng 4%, tức là tăng thêm 0,4% GDP trong mỗi năm.

Ngoài ra, với việc giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 20%, các hãng của Mỹ và nước ngoài được dự báo sẽ gia tăng đầu tư ở Mỹ vì hấp dẫn hơn. Đồng thời, các hãng đa quốc gia sẽ bớt nhu cầu đẩy sản xuất và việc làm ra khỏi Mỹ.

Việc giảm thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ tác động tích cực đến sản xuất và tích cực tham gia lao động hơn trước. Giới đầu tư ngoài doanh nghiệp cũng sẽ gia tăng đầu tư vì được khấu trừ ngay và giảm thuế, còn các cá nhân sẽ hăng hái làm việc hơn vì được giữ lại thu nhập nhiều hơn.

Theo giới chuyên gia, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn về “sức khỏe” nền kinh tế Mỹ vào năm 2018 khi đây được coi là năm bản lề đối với nền kinh tế số một thế giới, năm mà chính sách kinh tế của Tổng thống Trump, hay còn gọi là "Trumponomics," bước vào vòng thử thách đầu tiên.

2018 cũng là năm hứa hẹn sẽ có nhiều điều bất ngờ, từ sự thay đổi trong ban lãnh đạo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho đến những cải cách thuế.

Việc bổ nhiệm ông Jerome Powell, một thành viên của Hội đồng Thống đốc Fed, giữ chức Chủ tịch Fed thay thế bà Janet Yellen sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 2/2018, là một yếu tố quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2018. Lâu nay, Fed luôn được coi là một "mối đe dọa" đối với việc chấm dứt tăng trưởng kinh tế bằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh và quá nhiều.

Tuy nhiên, với ông Powell, không có lý do gì để lo lắng về chính sách tiền tệ quá chặt chẽ, ít nhất là trong năm 2018 và một số năm sau đó.

Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ gần đây, thay vì tuyên bố sẽ thu hẹp bảng cân đối kế toán - vốn đang phình to do Mỹ thực hiện chính sách nới lỏng định lượng để kích thích kinh tế - để trở lại tương ứng với mức trước thời kỳ khủng hoảng, ông Powell lại nhấn mạnh bảng cân đối sẽ giảm xuống còn 2,5-3 nghìn tỷ USD, đồng nghĩa cần mất thêm 4 năm để hoàn thành mục tiêu này, và đến thời điểm đó nó sẽ nghiêng nhiều về cột tài sản có.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẽ thêm các biện pháp phụ và tiếp tục xem xét lại hay bỏ bớt các quy định nhằm tăng cường hiệu ứng sản xuất công nghệ và sớm phục hồi các thành phố công nghiệp lớn tại Mỹ.(Vietnam+)
-------------------------------

Hơn 22 triệu euro đầu tư dự án điện gió tại Quảng Trị

Vestas và Tân Hoàn Cầu vừa ký kết bản thỏa thuận hợp tác xây dựng trang trại điện gió ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dự án có giá trị hơn 22 triệu euro và được thực hiện trong vòng tám tháng.

Dựa trên tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, khu vực nghiên cứu dự án điện gió tại xã Hướng Linh này sẽ được phát triển theo từng giai đoạn thông qua sáu tiểu dự án với công suất tối thiểu 30 MW. Cả hai bên sẽ tiến hành nghiên cứu sức gió và địa điểm để chọn vị trí đặt tua bin cho các tiểu dự án trên.

Tại lễ ký kết diễn ra chiều 6-12, ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Tân Hoàn Cầu cho hay khu vực này được quy hoạch với diện tích gần 2.900 héc ta. Đây là khu vực giáp Lào, địa hình đồi núi, có nắng và gió quanh năm, dân cư thưa thớt. Người dân ở đây luôn ước mơ được biến gió thành một sản phẩm nào đó có thể bán hoặc xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cho vùng Quảng Trị.

Dự án sử dụng công nghệ của Vestas là dự án mới. Trước đó, vào tháng 9 vừa qua, Tân Hoàn Cầu đã đưa vào hoạt động nhà máy điện gió Hướng Linh 2.

Đánh giá về tiềm năng thị trường Việt Nam, ông Clive Turton, Chủ tịch Vestas khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho hay, Việt Nam có bờ biển dài, có diện tích đất lớn và nguồn gió dồi dào, được Vestas đánh giá là nước có tiềm năng về điện gió lớn nhất khu vực ASEAN. Sản lượng điện gió tiềm năng có thể lên tới 30 GW nếu được đầu tư đúng mức. Hiện Vestas đang cung cấp công nghệ, dịch vụ và cơ chế tài chính cho một số dự án điện gió tại Việt Nam.

Ông Huế cho biết giá mua điện thấp là một trong những khó khăn lớn của nhà đầu tư. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ không thể mua điện gió với giá cao như các nước Thái Lan, Hàn Quốc (khoảng 25 xu Mỹ/kWh). Giá điện gió ở Việt Nam hiện nay chỉ là 7,8 xu Mỹ/kWh, ngang với giá điện than. Do đó, các nhà đầu tư quan ngại về hiệu quả kinh tế và khả năng thu hồi vốn khi đầu tư vào những dự án năng lượng tái tạo này.(TBKTSG)

Trở về

Bài cùng chuyên mục