tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-05-2017

  • Cập nhật : 26/05/2017

Abbott thu gần 10.000 tỷ từ bán sữa bột cho các bà mẹ Việt

Trong năm vừa qua, Abbott thu về gần 10.000 tỷ từ thị trường Việt Nam và tổng doanh số trong 3 năm gần nhất lên tới 25.000 tỷ đồng. Việt Nam đang là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất của Abbott.

Abbott là hãng sữa đến từ Mỹ, lập văn phòng tại TPHCM từ năm 1995 và có khoảng 100 nhân viên tại Việt Nam. Các sản phẩm chính của Abbott tại Việt Nam là sữa bột như Ensure, Pediasure, Similac, Grow...

Theo một báo cáo mới được công bố, doanh thu của Abbott trên thị trường Việt Nam lần đầu tiên được hé lộ.

Cụ thể, trong 2 năm 2014 và 2015, doanh thu tập đoàn này đạt lần lượt 357 và 331 triệu USD, tương ứng trên dưới 7.500 tỷ đồng/năm.

Sang năm 2016, doanh thu Abbott tăng vọt lên tới 434 triệu USD, tức khoảng gần 10.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng trong 3 năm gần nhất, Abbott thu về hơn 1,1 tỷ USD tại thị trường Việt Nam, khoảng 25.000 tỷ đồng

Theo Abbott, Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay và đây là lí do mà Abbott sẽ liên tục tăng cường sự hiện diện của mình.

Ngoài các sản phẩm về sữa, trong năm 2016, Abbott gây chú ý khi mua lại Glomed, qua đó sở hữu 2 nhà máy sản xuất thuốc tại Bình Dương. Bên cạnh đó, Abbott hiện sở hữu gián tiếp gần 52% vốn điều lệ tại công ty dược Domesco, thông qua công ty con là CFR International SPA.

Thị trường sữa bột được đánh giá là thị trường cạnh tranh vô cùng gay gắt. Báo cáo của một công ty chứng khoán cho biết, Vinamilk và Abbott là 2 cái tên đang cạnh tranh gay gắt nhất cho vị trí dẫn đầu trong phân khúc sữa bột, trong đó Abbott có vị thế nhỉnh hơn.

Vinamilk thường dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ với sự tập trung vào phân khúc đại chúng. Nhưng Abbott lại có thị phần lớn nhất xét về giá trị do Abbott nhắm vào phân khúc cao cấp với giá bán cao hơn nhiều so với Vinamilk. Đôi khi, Vinamilk cũng vươn lên dẫn đầu nhưng vị trí này không kéo dài.

Sự khốc liệt của thị trường thể hiện qua việc hãng sữa Dumex phải rút khỏi Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái do hiệu quả kinh tế thấp, dù đây là một trong những nhà sản xuất đầu tiên gia nhập thị trường sữa bột Việt Nam. Dumex thất bại do không thể xây dựng được mạng lưới phân phối rộng khắp như các đối thủ.

Việc Dumex phải rời bỏ thị trường sẽ để lại khoảng trống thị phần và là cơ hội cho Abbott và Vinamilk tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu của mình.(CafeF)
----------------------------------

Việt Nam vay lớn từ 3 chủ nợ chính

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo Quốc hội rằng thời gian qua Việt Nam huy động khối lượng lớn ODA từ 3 chủ nợ chính là Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á.

bo truong bo tai chinh dinh tien dung - anh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Quochoi.vn

Thông tin được ông Dũng đưa ra khi thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sáng nay 25-5.

Áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ

Theo Bộ trưởng Tài chính, đến cuối năm 2016 các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép: nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP. 

Trong giai đoạn 2010-2016, đã phát hành trên 1.277 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với tốc độ tăng bình quân 36%/năm; huy động được khối lượng lớn vốn ODA, ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài với tổng trị giá cam kết đạt 36,6 tỷ USD, trong đó đã giải ngân 32,8 tỷ USD.

Chính phủ cũng đã thực hiện bảo lãnh cho các doanh nghiệp, ngân hàng chính sách huy động 632,8 nghìn tỷ đồng nhằm thực hiện chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư lớn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. 

Ngoài ra, chính quyền địa phương đã huy động 139 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu, vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Theo đánh giá của Chính phủ, công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập chủ yếu như: nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ (ngoài sự gia tăng nợ trong nước), đáng chú ý là đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài (năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001).

“Trong đó tập trung vào 3 chủ nợ lớn, đó là Nhật Bản - tăng 6,8 lần, Ngân hàng Thế giới (WB) - tăng 11,5 lần, và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - tăng 20,3 lần; việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, trên thực tế đã có một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ” - ông Dũng cho hay. 

Quốc hội quyết định chỉ tiêu an toàn nợ

Nguyên nhân của tình trạng trên được Chính phủ phân tích là do cơ cấu nền kinh tế, mô hình tăng trưởng dựa vào vốn là chính; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, áp lực vốn đầu tư lớn trong khi tích lũy nội địa nền kinh tế còn mỏng; quy mô thị trường vốn trong nước còn nhỏ; tác động bất lợi của kinh tế thế giới. 

Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý “bao cấp” từ Nhà nước, nhất là vốn ODA và trái phiếu Chính phủ; năng lực của một số chủ dự án còn hạn chế; vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư; chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công còn chồng chéo.

Quy định hiện hành cũng chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công; việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quyết toán và báo cáo thực hiện đối với vấn đề nợ công chưa được chú trọng đúng mức. 

Theo quy định của dự thảo luật Chính phủ trình, thì tới đây thẩm quyền quyết định chỉ tiêu an toàn nợ công thuộc Quốc hội. “Đối với chỉ tiêu an toàn nợ công: bao gồm các chỉ tiêu nợ công so với GDP; nợ Chính phủ so với GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu Ngân sách Nhà nước, là những chỉ tiêu quan trọng. Vì vậy, dự thảo Luật quy định Quốc hội quyết định các chỉ tiêu an toàn nợ công” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Kế hoạch vay trả nợ công 5 năm do Chính phủ xây dựng trình Quốc hội quyết định, phù hợp với kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm (theo quy định của Luật NSNN năm 2015) và kế hoạch đầu tư công trung hạn (theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014).

Dự án luật này sẽ được Quốc hội thảo luận trong những ngày tới.(Tuoitre)
---------------

Bộ Công Thương họp báo tại Tây Ban Nha để thông tin về tình hình cá tra của Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, chiều 24/5 (theo giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã chủ trì buổi họp báo tại Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha để thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Thành phần tham dự cuộc họp báo gồm có đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một số phóng viên báo chí nước sở tại và doanh nghiệp của cả hai nước. 

thu truong bo cong thuong cao quoc hung phat bieu tai cuoc hop bao. anh: ngu binh (p/v ttxvn tai chau au)

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Ngự Bình (P/v TTXVN tại châu Âu)

 

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh trong thời gian qua, có một số phóng sự, bài báo chưa phản ánh đầy đủ cũng như thông tin chưa chính xác về tình hình nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Điều này đã ảnh hưởng phần nào đến niềm tin của người tiêu dùng Tây Ban Nha và uy tín của các nhà cung cấp cá tra Việt Nam. 

Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), để được xuất khẩu vào EU, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra phải trải qua rất nhiều công đoạn kiểm tra của EU. Theo đó, mỗi lô hàng xuất khẩu đều được kiểm tra bởi các trung tâm mà EU đã thông qua, đồng thời hàng năm EU tiến hành kiểm tra, rà soát danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU. 

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết cá tra của Việt Nam hiện nay đang được xuất khẩu đến trên 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với kim ngạch đạt khoảng 1,66 tỷ USD và rất được người dân các nước ưa chuộng. Ở Việt Nam, việc nuôi cá tra đã trở thành một trong những phương cách giúp người nông dân thoát nghèo và góp phần giảm bớt tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa. 

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện của VASEP và một số doanh nghiệp xuất khẩu chính cá tra của Việt Nam vào EU đã cung cấp cho các phóng viên, doanh nghiệp Tây Ban Nha những thông tin, tình hình cụ thể, chính xác ngành cá tra của Việt Nam, chứ không như những thông tin bôi nhọ gần đây của một số phương tiện truyền thông ở châu Âu. 

Hồi tháng 1/2017, Đài truyền hình Cuatro của Tây Ban Nha đã phát một phóng sự với chủ đề nuôi trồng, buôn bán cá tra và tội phạm. Phóng sự này đã đưa thông tin sai sự thật về quy trình nuôi trồng và chế biến cá tra Việt Nam, khiến chuỗi siêu thị bán lẻ ở châu Âu của Tập đoàn Carrefour đã tuyên bố ngừng bán cá tra tại các cửa hàng của Tây Ban Nha và Bỉ cũng như trên các quầy tươi ở Pháp. Một số trường học ở Tây Ban Nha cũng từ chối tiêu thụ cá tra Việt Nam. 

Tây Ban Nha hiện là thị trường quan trọng của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh xuất khẩu cá tra bền vững sang thị trường này, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đồng thời cần có chiến dịch truyền thông tích cực, hiệu quả nhằm quảng bá hình ảnh chất lượng cá tra của Việt Nam tại EU.(TTXVN)
-----------------

Ngăn chặn nạn quay vòng hóa đơn chiếm đoạt tiền Nhà nước

Bộ Tài chính đang nghiên cứu cơ chế bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử nhằm ngăn chặn việc quay vòng hóa đơn để khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) hoặc thanh toán từ ngân sách Nhà nước (NSNN).

Hiện nay, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng của Luật doanh nghiệp trong thủ tục thành lập doanh nghiệp để thành lập nhiều công ty “ma”, thực tế không kinh doanh nhưng được tự tạo hóa đơn, xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn thuế GTGT hoặc thanh toán tiền từ NSNN.

Theo các chuyên gia tài chính, công tác quản lý thuế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về quản lý kê khai, hoàn thuế GTGT. Bởi, với tỷ lệ 91,8% là hóa đơn giấy, 8,2% là hóa đơn điện tử nên không có quy định bắt buộc doanh nghiệp chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế.

Để phù hợp với thông lệ quốc tế, theo quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13, từ ngày 1/1/2015 người nộp thuế không phải gửi Bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra cho cơ quan thuế và không có quy định chuyển dữ liệu hóa đơn nên cơ quan thuế không có thông tin về giao dịch kinh tế ghi trên hóa đơn do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này để phát hành hóa đơn nhưng không kê khai nộp thuế để trốn thuế.

Bên cạnh đó, quy định hiện hành về quản lý, sử dụng hóa đơn (nội dung ghi trên hóa đơn, về thủ tục phát hành, quản lý hóa đơn, trách nhiệm của tổ chức kinh tế, trách nhiệm của cơ quan thuế…) được xây dựng cơ bản để áp dụng quản lý đối với hóa đơn giấy (theo hình thức đặt in, tự in) đã có nhiều sơ hở, bất cập, theo đó phương thức quản lý hóa đơn giấy đã trở nên lạc hậu không phù hợp với bối cảnh triển khai thủ tục hành chính điện tử và không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử là giao Bộ Tài chính “thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; trong đó cơ quan thuế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế”.

Theo Bộ Tài chính, do chưa có quy định bắt buộc về việc áp dụng hóa đơn điện tử nên dù hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích kinh tế so với hóa đơn giấy (hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí quản lý, lưu trữ, tiết kiệm thời gian, bảo vệ môi trường….nhưng đến nay, việc áp dụng hóa đơn điện tử chưa thực sự đi sâu vào cộng đồng doanh nghiệp, xã hội và một số cơ quan khác của nhà nước cũng chưa chấp nhận hình thức hóa đơn điện tử của doanh nghiệp.

Hiện, số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử cũng đã tăng hơn trong những năm vừa qua (30 doanh nghiệp năm 2011, tăng lên 331 năm 2015 và năm 2016 là 656 đơn vị). Số lượng hóa đơn điện tử được sử dụng cũng tăng mạnh qua các năm (từ 9.014 năm 2011 lên hơn 277 triệu vào năm 2016). Ở thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (sử dụng mạng Internet) đã đủ năng lực đáp ứng việc sử dụng hóa đơn điện tử.

Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì đến tháng 1/2017 cả nước có hơn 43,9 triệu thuê bao 3G (thuê bao Internet băng rộng di động – Data Card 3G) và tổng số thuê bao Internet băng rộng cố định là hơn 9,3 triệu. Sóng 3G đã phủ khắp 63 tỉnh, thành phố và dịch vụ 4G cũng đang được các nhà mạng mở rộng.

Phía Tổng cục thuế cũng đã chuẩn bị về cơ sở hạ tầng với việc đảm bảo kết nối từ tổng cục (cấp trung ương) tới 63 cục thuế. Dịch vụ kê khai, nộp thuế điện tử cũng đã được triển khai với 576.056 doanh nghiệp (chiếm 99% doanh nghiệp đang hoạt động)…

Theo lộ trình được Tổng cục Thuế đưa ra: Từ đầu năm 2019, việc sử dụng hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế sẽ mở rộng thêm với nhiều đối tượng doanh nghiệp khác. Mục tiêu là đến đầu năm 2020, sẽ có 80% các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Trước tiên, các hộ kinh doanh có doanh thu trên 3 tỷ đồng sẽ bắt đầu bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục