tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-12-2017

  • Cập nhật : 21/12/2017

Pakistan xem xét bỏ USD, dùng Nhân dân tệ khi giao thương với Trung Quốc

Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Ahsan Iqbal cho hay chính quyền nước này đang xem xét đề xuất sử dụng Nhân dân tệ trong thương mại với Đại lục.

anh: reuters

Ảnh: Reuters

Theo nhật báo tiếng Anh Dawn của Pakistan, ông Iqbal phát biểu sau khi ra mắt Kế hoạch dài hạn (LTP) cho Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC): “Chúng tôi đang thử dùng Nhân dân tệ thay vì đô la Mỹ trong thương mại giữa hai nước”.

Thương mại song phương giữa Pakistan và Đại lục đạt 13,8 tỷ USD trong năm 2015 -2016, một thập niên sau khi hai bên ký thỏa thuận thương mại tự do. Pakistan sẽ tiếp tục sử dụng đồng rupee trong nước, ông Iqbal cho hay.

Kế hoạch LTP bao gồm nhiều mục hợp tác về mặt năng lượng, cơ sở hạ tầng mạng thông tin, đường bộ, đường sắt, các khu thương mại và công nghiệp, du lịch, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo. Kế hoạch được thực hiện theo ba giai đoạn. Giai đoạn đầu kết thúc trong năm 2020, giai đoạn thứ nhì vào năm 2025 và giai đoạn cuối vào năm 2030.

Theo kế hoạch, hai bên muốn phát triển việc hợp tác đa tầng và đẩy mạnh hợp tác chính sách, cũng như thiết lập và cải thiện hệ thống tín dụng xuyên biên giới và các dịch vụ tài chính. Karachi và Bắc Kinh muốn tăng cường thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, tạo hệ thống thanh toán song phương.

Đầu năm nay, Trung Quốc cam kết đầu tư 57 tỷ USD vào Pakistan để tài trợ cho dự án CPEC, một phần của phát kiến "Một vành đai, một con đường", tham vọng xây dựng con đường tơ lụa mới trên biển và đất liền, đi qua hơn 60 nước ở châu Âu, châu Á và châu Phi.(Thanhnien)
----------------------

Chủ tịch UBS thúc giục các nước can thiệp tiền ảo

Chủ tịch ngân hàng lớn của Thụy Sĩ UBS, ông Axel Weber, vừa cho biết ông không xem Bitcoin là tiền và thúc giục giới quản lý các quốc gia can thiệp tiền ảo.

 

chu tich ngan hang ubs vua len tieng canh bao ve bitcoin

Chủ tịch ngân hàng UBS vừa lên tiếng cảnh báo về bitcoin

 

Theo AFP, giá Bitcoin năm nay tăng vọt từ mức dưới 1.000 USD trong tháng 1 lên 17.000 USD hồi tuần trước, sau khi Bitcoin lên thị trường kỳ hạn của Chicago Board Options Exchange (CBOE). Đây là lần đầu tiên loại tiền ảo này xuất hiện trên nền tảng giao dịch truyền thống.

Trong cuộc phỏng vấn với tuần báo NZZ am Sonntag, sếp UBS Axel Weber cảnh báo các nhà đầu tư về việc tham gia thị trường tiền ảo, cho biết bong bóng cuối cùng sẽ nổ tung.

“Theo tôi, Bitcoin không phải là tiền”, ông Weber nói, cho hay tiền ảo có “lỗ hổng thiết kế” đáng kể. Tiền có ba chức năng chính song Bitcoin lại chẳng có cả ba thứ này.

Thứ nhất, Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hiệu quả vì nó không được chấp nhận rộng rãi trên thế giới, không phải là thước đo giá trị tốt vì giá cả sản phẩm, hàng hóa không được niêm yết bằng Bitcoin. Thứ hai, Bitcoin không phải tài sản lưu trữ giá trị vì giá của nó không ổn định.

Vấn đề cuối cùng nhưng quan trọng nhất đó là Bitcoin không có ngân hàng trung ương hậu thuẫn và cũng không có nhà phát hành kiểm soát lượng tiền cung ứng. Giá trị Bitcoin hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu. Điều này khiến nó biến động giá mạnh theo cả hai chiều lên và xuống.

UBS đến nay vẫn tư vấn cho khách hàng rằng họ không nên đầu tư vào Bitcoin, vì nhà băng không xem Bitcoin “có giá trị và bền vững”. Để bảo vệ các nhà đầu tư không nghe theo lời khuyên của ngân hàng, sếp UBS cho rằng giới chức cần quản lý tiền ảo.(Thanhnien)
-------------------------------

Nợ toàn cầu: Báo động “cấp tối đa”

Tờ Les Echos của Pháp vừa có bài viết cảnh báo chính sách của khối G7 đang dẫn thế giới đến một cuộc "khủng hoảng tài chính toàn cầu mới".

lanh dao cac nuoc g7 trong mot thuong dinh tai duc, nam 2015 - reuters

Lãnh đạo các nước G7 trong một thượng đỉnh tại Đức, năm 2015 - Reuters

Báo kinh tế Les Echos nhận định chưa bao giờ mức nợ công, nợ doanh nghiệp, nợ gia đình lại đạt đến mức cao như vậy trong thời bình. Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và Cơ quan hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE), cảnh báo nếu các nước G7, tức các cường quốc, không xét lại triệt để chính sách kinh tế của mình, một khủng hoảng lớn rất có thể sẽ bùng phát.

Cụ thể là trong khoảng một thập niên, từ 2006 đến 2016, tổng số nợ đã tăng từ 234% đến 275% GDP. Chỉ riêng nợ của các gia đình những quốc gia giàu tăng từ 52% năm 2008 lên 63% vào năm ngoái, có nghĩa là mấp mé với mức 65%. Đây là mức mà theo IMF khả năng bùng phát khủng hoảng là rất cao.

Trong một phân tích gần đây, chuyên gia Patrick Artus của hãng Netixis điểm mặt thủ phạm trực tiếp của tình trạng này là do giá cổ phiếu, bất động sản, tỉ số nợ trên tổng tài sản của doanh nghiệp… leo thang không ngừng. Mà đứng sau tình trạng này là ngân hàng trung ương và lãnh đạo của các quốc gia khối G7. Hàng núi tiền mặt đã được rót vào hệ thống tài chính toàn cầu, chủ yếu thông qua việc bán công trái (Chính sách nói trên bị lên án là "vô trách nhiệm, kể cả trong lĩnh vực tiền tệ, kinh tế vĩ mô, cũng như về khí hậu hay quốc phòng").

Les Echos nhấn mạnh là các nhà lãnh đạo đã không tiến hành các cải cách cấu trúc cần thiết để khôi phục tăng trưởng, hỗ trợ tạo việc làm và giảm bớt bình đẳng, mà chủ trương dùng chính sách tiền tệ làm công cụ chủ yếu. Cựu trợ lý thống đốc Ngân Hàng Trung ương Pháp, ông Hervé Hannoun, trong một xuất bản mới đây, khẳng định đây là "một hành động tự sát".

Tác giả mô tả hiện nay, đông đảo dân chúng tại các nước phát triển dường như đều có cảm tưởng đang sống trong thế giới kỳ diệu của nàng Alice, mà không hiểu rằng họ đang ngự trên một bong bóng nợ khổng lồ đang ngày một phồng lên, một ngày không xa đe dọa sẽ nổ tung.

Nhà kinh tế của Netixis nêu ra hai ví dụ cụ thể của tình trạng tài chính phi lý hiện nay. Thứ nhất là tình trạng lãi suất âm, nhiều chính phủ các nước châu Âu được trả tiền để vay thêm các khoản tiền mới. Đây là nguồn gốc của tình trạng nợ công tăng vọt tại một số nước (năm 2008 đến 2016, nợ công Pháp tăng từ 68 % lên 96% GDP; Đức 65% - 68%). Ví dụ thứ hai là, về phía các doanh nghiệp, lãi suất tiền vay quá thấp, khiến nhiều doanh nghiệp vay tiền để mua lại cổ phiếu, thay vì đầu tư cho sản xuất.

Khủng hoảng sẽ xảy ra khi lạm phát trở lại, các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất trở lại (như điều mà ngân hàng trung ương Mỹ đang rụt rè tiến hành, Liên Âu và Nhật Bản thì chưa), với hệ quả là các nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn về tài chính. Chuyên gia kinh tế dự báo, cuộc khủng hoảng mới sẽ dẫn đến việc xem xét lại mô hình tăng trưởng của khối G7, cho đến nay chủ yếu dựa trên nợ nần chồng chất, năng lượng hóa thạch và chạy đua vũ trang.(Bizmive)
--------------------

Mỹ chi 4,6 tỷ USD cho Đông Âu để làm gì?

ổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã ký phê chuẩn lượng ngân sách quân sự trong năm tài khóa 2018 với số tiền lên đến mức kỷ lục là 692 tỷ USD, trong đó có 65,7 tỷ USD được dùng cho các chiến dịch quân sự của Mỹ ở nước ngoài.

Mỹ chi 4,6 tỷ USD cho Đông Âu để làm gì?

Tàu chiến Mỹ

Trong số ngân sách quân sự mới được phê chuẩn, Mỹ cũng sẽ dành 4,6 tỷ USD cho các nước Đông Âu trong tổ chức các hoạt động chống lại “mối đe dọa xâm lược Nga”, 350 triệu USD được chi cho các hoạt động trợ giúp quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, nhiều khả năng Ukraine sẽ chỉ nhận được gần 175 triệu USD, 1/2 số tiền còn lại sẽ chỉ được cấp sau khi Kiev “hoàn thành các cuộc cải cách".

Trong ngân sách quân sự Mỹ năm tài khóa 2018 cũng sẽ có khoảng 4,4 tỷ USD được chi ra cho chương trình phòng không, trong đó chủ yếu là cho hoạt động bố trí tại sườn Tây của Mỹ các hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Mỹ cho xây dựng hệ thống phòng thủ đắt đỏ này để chống lại các đòn tấn công tên lửa từ Triều Tiên. Theo giới phân tích quân sự quốc tế, điều này cho thấy trong thời gian ngắn tới đây, Mỹ sẽ không dám mạo hiểm tấn công Triều Tiên.

Phát biểu trong buổi lễ ký phê chuẩn ngân sách quân sự, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói một cách đầy tự hào: “Số lượng quân nhân đã lần đầu tiên được gia tăng trong vòng 7 năm gần đây và lương của họ cũng được xem xét tăng lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua”.

Một số các chuyên gia quân sự cho rằng, tuyên bố này cho thấy các hành động của ông Donald Trump đang thực sự đi ngược lại với những tuyên bố “yêu hòa bình” được đưa ra trước đó, cũng như các tuyên bố về việc “Mỹ không nên can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia khác”.

Tuy nhiên, số chuyên gia khác lại cho rằng động thái lần này của ông Donald Trump là sự hiện thực hóa một trong các tuyên bố chính trong chương trình vận động tranh cử của ông Donald Trump là tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ.

Ông Donald Trump đã từng lên tiếng kêu gọi nhanh chóng chấm dứt quá trình chuyển đổi sang loại vũ khí mới đã kéo dài 25 năm qua ở Mỹ- điều đòi hỏi phải tiêu tốn khoảng 1.000 tỷ USD.

Tuyên bố của ông Donald Trump về việc Mỹ đã hành động không đúng ở Iraq không đồng nghĩa với việc Mỹ cần chấm dứt hoạt động tại Iraq.

Trái ngược với chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama khi muốn giảm chi tiêu quân sự và rút lực lượng quân Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan, nước Mỹ thời Donald Trump lại đang gia tăng ngân sách quân sự. (Infonet)
-------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục