tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 19-11-2017

  • Cập nhật : 19/11/2017

Cổ đông máu mặt góp vốn khủng của Alibaba Tây Bắc là ai?

Mới ra mắt hơn một tháng nhưng Địa ốc Alibaba Tây Bắc TP.HCM đăng ký số vốn điều lệ 12.000 tỉ đồng. Nhưng đó chỉ là vốn đăng ký chứ chưa có tiền.

tru so cong ty co phan dia oc alibaba tren duong kha van can, quan thu duc, tp.hcm - anh: quang dinh

Trụ sở Công ty cổ phần địa ốc Alibaba trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cấp lần đầu ngày 12-10-2017, Công ty Alibaba Tây Bắc đăng ký vốn điều lệ 12.000 tỉ, góp vốn bằng tiền mặt. 

Với số vốn điều lệ khủng như vậy, Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM vượt mặt cả những công ty có tiếng tăm trên thị trường bất động sản.

Công ty này có ba cổ đông sáng lập, trong đó cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Ali (Công ty Ali) cam kết góp vốn 7.800 tỉ đồng, tương đương 65% cổ phần, do ông "CEO Cùi Bắp" Nguyễn Thái Luyện làm giám đốc. 

Ông Luyện chính là chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, đơn vị thu tiền giữ chỗ khách hàng tại khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khi chưa phải là chủ đầu tư dự án.

 

Theo tìm hiểu, Công ty Ali đăng ký lần đầu vào tháng 12-2010, vốn điều lệ chỉ có 100 triệu. Qua hai lần đăng ký thay đổi, đến nay vốn điều lệ công ty được nâng lên 100 tỉ. 

Do vậy, việc cam kết góp số vốn "khủng" 12.000 tỉ của Công ty Alibaba Tây Bắc khiến nhiều người đặt câu hỏi về khả năng tài chính của công ty này.

Hai cổ đông sáng lập khác là ông Lê Xuân Sơn (quận 7) đăng ký góp 3.600 tỉ, tương đương 30% cổ phần và bà Đặng Thị Bích Ngọc (quận Gò Vấp) đăng ký góp 5% cổ phần, tương đương 600 tỉ đồng.

Trao đổi qua điện thoại, bà Đặng Thị Bích Ngọc, một trong ba cổ đông sáng lập Công ty Alibaba Tây Bắc, cho biết Công ty Alibaba Tây Bắc được thành lập để đón đầu dự án Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII thuộc khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM). 

Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đang đứng ra làm hồ sơ đề xuất, sau này nếu được làm chủ đầu tư sẽ giao lại cho Công ty Alibaba Tây Bắc tiến hành các thủ tục tiếp theo liên quan đến dự án. Hiện giờ Công ty Alibaba Tây Bắc chưa có hoạt động nào.

Bà Ngọc cho biết vốn điều lệ của Công ty Alibaba Tây Bắc hiện nay chỉ mới là đăng ký, khi nào đấu thầu xong dự án, có quyết định giao đất thì mới huy động vốn đóng góp vào. 

"Việc đóng tiền cũng phải theo giai đoạn thôi. Làm một dự án, tiền đâu có một lúc để đóng như thế", bà Ngọc nói.

Sau cảnh báo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc có văn bản khẳng định việc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án là trái với các quy định của pháp luật. 

Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc cũng xác nhận có nhận được văn bản đề xuất thực hiện dự án của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tại khu đô thị Tây Bắc. 

Tuy nhiên, dự án đề xuất chưa được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sau khi nhận thông tin phản hồi về việc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba thu tiền giữ chỗ của khách khi chưa phải là chủ đầu tư dự án, thanh tra sở lập tức tiến hành xác minh vụ việc. 

"Sau khi có báo cáo, nếu xét thấy sự việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, sở sẽ chuyển cho cơ quan điều tra" - vị này nói. (Tuoitre)
-----------------------------

Còn hơn 15.000 tỷ dư địa cho vay đầu tư chứng khoán

Tính toán theo số liệu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đưa ra tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng nay (17/11), dư địa để các ngân hàng thương mại cho vay đầu tư chứng khoán còn rất lớn.

Còn hơn 15.000 tỷ dư địa cho vay đầu tư chứng khoán

Tỷ trọng cho vay đầu tư chứng khoán hiện chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng, giảm tới 40% so với cuối 2016.

Cụ thể, Thống đốc cho biết, đối với lĩnh vực chứng khoán, tỷ trọng dư nợ của các tổ chức tín dụng hiện nay ở mức thấp, giảm mạnh so với 2016. Tỷ trọng cho vay hiện khoảng 10.000 tỷ đồng, giảm tới 40% so với cuối 2016.

Theo quy định hiện hành, các ngân hàng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay đầu tư chứng khoán. Về giới hạn, ngân hàng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán tối đa 5% vốn điều lệ.

Với giới hạn trên, tính theo quy mô tổng vốn điều lệ 505.258 tỷ đồng của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đến 31/8/2017, mức cho vay tối đa đối với lĩnh vực đầu tư chứng khoán có thể lên tới hơn 25.000 tỷ đồng, tức vẫn còn hơn 15.000 tỷ đồng có thể tăng thêm.

Quy mô dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán thấp, cũng như giảm mạnh so với năm 2016 như trên được đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra sôi động và tăng trưởng khá mạnh từ đầu năm đến nay. Quy mô giao dịch trên các sàn liên tục ghi nhận những phiên nguồn tiền đổ vào mạnh, trong đó có sự tham gia mạnh mẽ của khối nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng từ thông tin tại buổi chất vấn sáng nay, tín dụng cho vay bất động sản hiện ở mức trên 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.

"Tốc độ tăng tín dụng thấp hơn so với năm ngoái và các loại tín dụng toàn hệ thống", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Cũng như với cho vay đầu tư chứng khoán, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã nâng các điều kiện thời gian qua để kiểm soát, hạn chế rủi ro. 

Như với cho vay đầu tư bất động sản, hệ số rủi ro đã tăng lên, cùng với lộ trình thực hiện hạ giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. (Vneconomy)
-----------------------------

Happyland lại khởi công trong vòng xoáy nợ nần

Dù mới chỉ đóng 1 tỉ trong tổng số 800 tỉ đồng phải thi hành án nhưng chủ đầu tư Dự án Happy Land lại tiếp tục khởi công một số hạng mục sau khi đã bán phần lớn cổ phần.

 

du an happyland da duoc khoi cong tu nam 2011 - anh: son lam

Dự án Happyland đã được khởi công từ năm 2011 - Ảnh: SƠN LÂM

 

Trong thông cáo báo chí được phát đi ngày 18-11, nội dung chính của lễ khởi công là Công ty cổ phần và phát triển hạ tầng Phú An (công ty con của Tập đoàn Khang Thông, chủ đầu tư Dự án Happyland tại Bến Lức, Long An) khởi công xây dựng thêm một số hạng mục trọng điểm như: Khu khách sạn 5 sao hơn 1.000 phòng, khu resort, khu giải trí…

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online qua điện thoại, ông Nguyễn Anh Điệp, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Khang Thông cho biết các hạng mục này đều nằm trong danh mục được phê duyệt theo quy hoạch ban đầu của dự án.

Đối tác chính để xây dựng các hạng mục này là Tập đoàn Vina Oscar Hotel. Vào tháng 7 vừa qua, Tập đoàn này đã ký hợp đồng mua lại 88% cổ phần hạng mục khu giải trí 305 ha trong dự án Happyland với mức giá 668 triệu USD. 

"Tới đây, chúng tôi cũng sẽ giải quyết dứt điểm các khoản tiền đang phải thi hành án và cùng đối tác tiếp tục các hạng mục của dự án", ông Điệp thông tin.    

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Gấu, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Long An cho biết hiện việc kê biên tại dự án này chỉ mới diễn ra một phần, và chấp hành viên vẫn đang tiếp tục thực hiện việc kê biên. 

"Về khắc phục, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Phú An chỉ mới nộp số tiền hơn 1 tỉ đồng, trong tổng số tiền gần 800 tỉ đồng phải thi hành án đợt này", ông Gấu nói.

Về việc khởi công xây dựng có ảnh hưởng đến vấn đề pháp lý của việc kê biên thi hành án hay không, ông Gấu cho biết, theo quy định thì không được thay đổi hiện trạng các tài sản đang trong quá trình kê biên. 

"Hiện các chấp hành viên cũng đã đi kiểm tra và nắm lại thông tin về việc chủ đầu tư tổ chức lễ khởi công. Các tài sản đang kê biên có bị thay đổi hay không phải qua quá trình kiểm tra mới có thể biết được", ông Gấu nói thêm. 

Năm 2011, Happyland được khởi công rầm rộ với tuyên bố 3 năm sau dự án "vui chơi, giải trí lớn nhất Đông Nam Á" này sẽ đưa vào khai thác, tuy nhiên đến thời điểm này nhiều hạng mục xây dựng vẫn dở dang. 

Theo thiết kế, dự án trải dài 3,7km dọc theo sông Vàm Cỏ Đông mang tên Happyland này sẽ là khu phức hợp hoành tráng, gồm nhiều hạng mục đẳng cấp như Disneyland, Universal Studio…

Ngoài ra, dọc theo bờ sông sẽ bố trí đầy đủ các hạng mục giải trí từ khinh khí cầu bay, lâu đài rượu, làng Việt Nam đến phim trường, nhà cổ, thành phố đồ chơi, khách sạn 5 sao…(Tuoitre)
---------------------

Mai Linh ra xe ôm cạnh tranh với Uber và Grab

GrabBike và UberMoto sắp có đối thủ mới khi ngày 20-11 tới Hãng taxi Mai Linh dự định tung đội xe ôm Mai Linh Bike ra với mức giá ngang ngửa.

 

nhieu tai xe mai linh chay thu nghiem xe om cong nghe. anh: thu dung

Nhiều tài xế Mai Linh chạy thử nghiệm xe ôm công nghệ. Ảnh: THU DUNG

 

Theo ông Hồ Huy, chủ tịch HĐQT Mai Linh, ứng dụng xe ôm của Mai Linh có tên là Mai Linh Bike đã được thử nghiệm khoảng một tháng do các nhân viên và tài xế công ty thực hiện.

Đây được coi là bước chuẩn bị để đến 20-11, Mai Linh Bike sẽ chính thức hoạt động tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Cũng như GrabBike và UberMoto, khách hàng sử dụng xe ôm của Mai Linh sẽ biết được các thông tin về lái xe như họ tên, hình ảnh, biến số xe và số điện thoại.

Một trong những điều được quan tâm chính là giá cước được Mai Linh cho là cạnh tranh.

Đối với loại xe thông thường, mức giá cước được áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu và 3.800 đồng/km tiếp theo.

Loại xe cấp cao có mức giá cước gấp đôi thông thường, ở mức 20.000 đồng/2km đầu và 7.000 đồng/km tiếp theo. Tuy nhiên loại hình Premium này chỉ được triển khai ở giai đoạn hai thời gian sau này. 

Như vậy có thể thấy giá của Mai Linh Bike so với UberMoto và GrabBike không chênh lệch nhiều. 

Hiện tại UberMoto có mức giá cước là 3.700 đồng/km. Tuy nhiên, mỗi phút sử dụng dịch vụ này khách hàng còn bị tính cước 200 đồng, chưa kể UberMoto còn áp dụng cước phí hủy chuyến 5.000 đồng và đặt ra mức cước phí tối thiểu 10.000 đồng.

Trong khi đó, giá cước GrabBike tại Hà Nội và TP.HCM được tính cước theo 2 bảng giá khác nhau.

Cụ thể, GrabBike áp mức cước 11.000 đồng/2km đầu tiên đối với thị trường Hà Nội, trong khi 2km đầu tiên tại TP.HCM phải trả 12.000 đồng.

Mức giá của cả Uber lẫn Grab còn được điều chỉnh linh hoạt khi nhu cầu tăng cao dựa theo khu vực, thời điểm trong ngày nên có thể còn tăng khá mạnh. 

Một trong những chiêu để thu hút các tài xế (mà Mai Linh gọi là đối tác) hợp tác chính là tỉ lệ ăn chia. 

Theo đó, tỉ lệ ăn chia được Mai Linh đưa ra trong 2 tháng đầu kể từ ngày 20-11-2017 đến 19-1-2018 là 0% cho tập đoàn và 100% cho đối tác, nhằm thu hút các tài xế về mình.

Các tháng tiếp theo, hãng này áp dụng tỉ lệ 15% cho Mai Linh còn 85% cho tài xế. Đây là mức thấp hơn so với 20-25% mà các đối thủ Grab và Uber đang áp dụng.

Theo đại diện của Mai Linh, các tài xế muốn trở thành đối tác của Mai Linh sẽ phải qua một khóa đào tạo và khi được nhận sẽ nộp khoản tiền duy trì tài khoản là 100.000 đồng. 

Nếu số tiền duy trì chỉ còn 10.000 đồng thì hãng sẽ khóa tài khoản Mai Linh Bike của tài xế.(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục