tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 17-09-2017

  • Cập nhật : 17/09/2017

Hà Nội “bêu” tên 121 DN nợ hơn 59 tỷ đồng tiền thuế, phí

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa công khai thêm danh sách 121 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất với tổng số tiền nợ hơn 59 tỷ đồng. Trong đó, 117 doanh nghiệp nợ hơn 46,5 tỷ đồng tiền thuế, phí và 4 đơn vị nợ hơn 12,6 tỷ đồng tiền thuê đất.

anh minh hoa - nguon: vov

Ảnh minh họa - Nguồn: VOV

Doanh nghiệp có số tiền nợ thuế, phí lớn nhất là Công ty cổ phần Constrexim Đông Đô (phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy) với số tiền nợ thuế là hơn 7,9 tỷ đồng.

Thứ 2 là Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công nghiệp: Xí nghiệp xây dựng số 7 (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) nợ thuế gần 2,9 tỷ đồng.

Tiếp theo là Công ty TNHH thương mại dịch vụ và xây dựng TNA với số nợ hơn 1,8 tỷ đồng.

Nhìn chung, các doanh nghiệp có mức nợ từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng chiếm đa số trong danh sách công bố đợt này gồm: Công ty Cổ phần Siêu Chung Kỳ; Công ty cổ phần Lũng Lô 51; Công ty luật TNHH một thành viên Trần BROS; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình chi nhánh Long Biên;...

Ngoài những đơn vị nợ thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng nêu tên 4 dự án nợ tiền thuê đất. Đứng đầu là Công ty Vật tư và XD Công trình (Mai Dịch, Cầu Giấy) với số nợ hơn 8,5 tỷ đồng; tiếp đến là Công ty CP thương mại và đầu tư Linh Châu (phường Vạn Phúc, Hà Đông) nợ hơn 3,7 tỷ đồng;...

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, Cục Thuế TP. Hà Nội đã thực hiện công khai nợ của 1.071 doanh nghiệp và dự án nợ tiền thuế với tổng số tiền nợ đã đăng công khai là hơn 2.939 tỷ đồng.

Sau công khai đã có 343 doanh nghiệp nộp hơn 167,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.(Viettimes)
-------------------

Nhiều khách hàng bị lừa khi mua dự án đất nền Đồng Nai

Mập mờ về pháp lý ở một số dự án đất nền tại Đồng Nai trong thời gian qua khiến nhiều khách hàng chịu thiệt. Người mua cần cẩn trọng trước những chiêu trò của công ty môi giới.

Đây là một trong những vấn đề được các nhà chuyên môn đưa ra phân tích tại buổi toạ đàm “Thị trường Bất động sản Đồng Nai: Nhận diện cơ hội và rủi ro” diễn ra tại TP.HCM sáng 14/9.

Nở rộ dự án đất nền

Đánh giá về định hướng phát triển hạ tầng giao thông của Đồng Nai, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, ngoài dựa trên khung phát triển giao thông vùng, Đồng Nai còn đi theo định hướng phát triển các trục hướng tâm và vành đai.

Định hướng này giúp Đồng Nai có được sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là khi quỹ đất tại TP.HCM ngày càng thu hẹp.

Theo TS Sử Ngọc Khương, nghiên cứu của Savills Việt Nam cho thấy, tính đến hết năm 2016, Đồng Nai có tổng cộng 55 dự án nhà ở, cung cấp gần 30.200 căn/nền trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Thị trường thứ cấp chiếm 27.600 căn/nền tổng nguồn cung, trong khi đó nguồn cung hiện hữu trên thị trường sơ cấp chỉ khoảng 2.600 căn/nền.

“Hạ tầng giao thông mang lại sinh lực cho bất động sản Đồng Nai. Thời gian qua, đất nền nơi đây được khách hàng đón nhận hơn so với các phân khúc khác và người mua hướng đến phương thức đầu tư dài hạn, từ 5 – 7 năm”, TS Sử Ngọc Khương cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, ngoài hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, Đồng Nai còn có lợi thế khác là Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang rục rịch xây dựng.

Theo ông Lâm, Đồng Nai đã quy hoạch 21.000ha quanh sân bay Long Thành để làm khu công nghiệp, khu đô thị, phụ trợ cho dân cư. Tuy nhiên, hiện nay tình hình thay đổi nên tỉnh đã dừng lại để điều chỉnh quy hoạch và xin ý kiến Chính phủ thuê tư vấn nước ngoài.

nhung co hoi va rui ro cua thi truong bds dong nai duoc cac chuyen gia phan tich tai buoi toa dam. 

Những cơ hội và rủi ro của thị trường BĐS Đồng Nai được các chuyên gia phân tích tại buổi toạ đàm. 

Đồng ý với quan điểm trên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), Đồng Nai có lợi thế về vị trí địa lý khi nằm sát TP.HCM và đất nền là phân khúc nổi bật của tỉnh này thời gian qua.

Về quan điểm người mua đất nền đầu tư hay đầu cơ, ông Châu cho rằng ai cũng có thể là nhà đầu tư, tức mua đi bán lại nhưng đầu cơ là hành vi thu gom lượng lớn sản phẩm đủ để chi phối giá rồi làm giá theo ý mình và khống chế thị trường.

“Nếu hành vi đầu cơ đơn lẻ, chưa ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người tiêu dùng thì còn chấp nhận được. Nhưng đầu cơ theo quy mô làm lũng đoạn thị trường thì vô cùng nguy hiểm”, Chủ tịch HoREA nói. 

Cẩn trọng tính pháp lý của các dự án

Tại buổi toạ đàm, ông Lê Hoàng Châu cho biết mới đây HoREA nhận được đơn kêu cứu của 300 người dân tố hai công ty môi giới địa ốc. Bằng những thủ đoạn như đổi tên dự án, đổi tên chủ đầu tư để khách hàng không tìm được chủ đầu tư thật sự.

Thậm chí, công ty môi giới còn tự ý vẽ lại quy hoạch 1/500, thêm thắt nhiều tiện ích không có trong dự án hay nâng giá bán so với giá chủ đầu tư đưa ra từ 100 – 200 triệu đồng. Các dự án có những lùm xùm này nằm tại huyện Nhơn Trạch, Long Thành và Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai.

Theo ông Châu, công ty môi giới trên còn dùng “chim mồi” để dẫn dắt khách hàng đi các dự án khác với dự án được giới thiệu ban đầu. Để minh bạch thị trường và tránh thiệt hại cho người mua, theo ông Châu, những hành vi này, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý.

Liên quan đến hai công ty môi giới nói trên, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, theo thông tin ông nắm được thì hai công ty này đăng ký kinh doanh tại TP.HCM và vụ việc đang được Bộ Công an vào cuộc điều tra.

Để hạn chế những rủi ro trong quá trình giao dịch nhà đất, theo Luật sư Lâm Đăng Phúc, Phó giám đốc hãng luật Nguyên Giáp, mua bán nhà đất thông qua giấy viết tay khi chưa có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là sai luật. Người mua sẽ chịu thiệt khi phát sinh tranh chấp.

Nếu có sổ đỏ, thường những trường hợp này lại không đủ điều kiện để giao dịch, chẳng hạn phát sinh vấn đề thừa kế. Một trong những người thừa kế bán đi thì người mua dễ bị tranh chấp. Ngoài ra, trường hợp đồng sở hữu thì người mua cũng chịu thiệt.

Theo luật sư Phúc, giao dịch phổ biến nữa là mua bán đất nông nghiệp, mục đích mua bán chỉ hướng và phân lô bán nền. Thường chủ đầu tư không thông qua trình tự quy định, tự phân lô bán, khách mua sẽ gặp rủi ro khi làm thủ tục giấy tờ có thể không làm được nhưng chủ đầu tư cứ hứa.

Ngoài ra, có những trường hợp dự án đất nền tạm gọi là “chính thống”, đúng thủ tục pháp luật nhưng do đơn vị môi giới phân phối và họ sử dụng chiêu trò. Chẳng hạn, môi giới bằng nhiều thủ thuật và móc nối với các bên để tự nhận là chủ đầu tư dự án, viết các hợp đồng mua bán nhưng thực tế người mua sẽ không thể làm sổ đỏ.

Để hạn chế rủi ro về pháp lý sau này, luật sư Phúc khuyến cáo người mua nhà đất nên tìm hiểu thật kỹ lưỡng về dự án, chủ đầu tư cũng như sàn môi giới để gửi gắm niềm tin.(Infonet)
------------------------

Lại đề xuất đánh thuế lãi gửi tiết kiệm

Kiến nghị đánh thuế thu nhập cá nhân với các khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm vừa được luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật Basico) đưa ra với Bộ Tài chính làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.

Kiến nghị này được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến sửa 5 luật do Phòng Công nghiệp - Thương mại VN (VCCI) tổ chức mới đây.

Gửi 3 tỉ trở lên phải chịu thuế ?

Luật sư Trương Thanh Đức lý giải, đối với người gửi tiết kiệm chỉ có vài chục triệu đồng hay thậm chí lên cả tỉ đồng vẫn không tính là nhiều. Tuy nhiên với những người gửi tiết kiệm lên mức hàng chục tỉ đồng thì đó nên gọi là tiền đầu tư. Ví dụ một cá nhân có tiền lãi gửi tiết kiệm hằng năm lên hơn gấp đôi mức thu nhập chịu thuế quy định hiện nay thì đây là khoản tiền lớn. Theo quy định hiện hành, mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 108 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân cao hơn 200 triệu đồng thì cần phải vào diện nộp thuế. Với mức lãi suất khoảng 7%/năm thì có được số tiền này, cá nhân sẽ phải gửi ngân hàng (NH) khoảng 3 tỉ đồng trở lên.

Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Cũng giống như quy định tính thuế TNCN 5% đối với cổ tức hiện nay thì với số tiền gửi trên 3 tỉ đồng cần phải xem xét thu thuế tương tự. Nếu cơ quan quản lý chưa đủ cơ sở dữ liệu tổng thể thì có thể áp dụng biện pháp thu thuế từng lần như thu nhập vãng lai. Ngoài ra, đối với thu nhập từ hoạt động mua trái phiếu, kỳ phiếu NH cũng cần được đưa vào diện chịu thuế TNCN.

Ủng hộ đề xuất này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trên nguyên tắc, mọi thu nhập đều phải tính thuế. Ở nhiều nước, cuối năm hệ thống NH sẽ cung cấp danh sách khách hàng cho cơ quan thuế để tổng hợp thu nhập và từ đó sẽ tính thuế TNCN. Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng thừa nhận nếu việc đánh thuế này được áp dụng sẽ khiến các NH khó huy động tiền gửi. Vì vậy cần xem xét có giới hạn miễn trừ hoặc nâng cao mức giảm trừ gia cảnh để khấu trừ thuế TNCN để giảm tác động đến người dân.

Ảnh hưởng đến vốn đầu tư

Đây cũng không phải lần đầu tiên có ý kiến đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM từng đưa ra đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng để khuyến khích dòng tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và các chuyên gia kinh tế.

TS Nguyễn Anh Phong, Khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, phân tích: Hiện nay, vai trò của hệ thống NH vẫn là kênh huy động và cung cấp vốn chính cho đầu tư phát triển của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng hằng năm tỷ lệ thuận với tăng trưởng GDP. Nếu đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm thì có thể nhiều khách hàng sẽ rút tiền ra khỏi hệ thống tín dụng. Để giữ chân khách hàng, buộc các NH phải tăng lãi suất huy động. Điều này cũng kéo theo lãi suất cho vay sẽ tăng tương ứng, gây áp lực về chi phí vốn cho doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ...

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cũng không đồng ý với đề xuất này và cho rằng cần hạn chế các chính sách thuế khóa mang tính tận thu đối với người dân, trong đó có tiền tiết kiệm. Với việc đánh thuế tiền gửi NH đồng nghĩa với việc không có chủ trương khuyến khích người dân gửi tiết kiệm hay tích lũy dài hạn. Không phải ai cũng có kinh nghiệm để tự đầu tư chứng khoán hay bất động sản nên gửi tiết kiệm là một kênh tích lũy an toàn cho mọi người dân. Hơn nữa, hệ thống NH huy động tiền gửi của người dân và từ đó cũng cho vay, đưa vốn trở lại cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Vì vậy phải tính toán thật kỹ khi chính sách được cho rằng sẽ tác động tiêu cực cho hoạt động của hệ thống NH.(Thanhnien)
---------------------------

Cắt giảm chi phí: Doanh nghiệp vẫn đợi chờ

Giảm chi phí cho doanh nghiệp đang trở thành chủ đề nóng với những hành động, nỗ lực thực tế từ Chính phủ.

Nhất là khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, năm 2017 phải là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp; các cơ quan, bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu các phương án, lược bỏ các quy định, yêu cầu và tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu tối đa gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ tâm tư, "chỉ thấy tăng, chứ giảm chi phí còn là điều hết sức xa lạ !".

Nhất là khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, năm 2017 phải là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp; các cơ quan, bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu các phương án, lược bỏ các quy định, yêu cầu và tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu tối đa gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ tâm tư, "chỉ thấy tăng, chứ giảm chi phí còn là điều hết sức xa lạ !".

giam chi phi cho doanh nghiep dang tro thanh chu de nong. anh: ttxvn

Giảm chi phí cho doanh nghiệp đang trở thành chủ đề nóng. Ảnh: TTXVN

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực may mặc, các doanh nghiệp kêu nhiều về những bất cập và sự gia tăng chi phí vô lý.

Cũng như các hiệp hội ngành nghề khác, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã kiến nghị rất nhiều, nhưng để sửa đổi, hủy bỏ một số quy định liên quan tới việc tăng hay giảm chi phí cho doanh nghiệp là điều rất khó khăn và đòi hỏi sự kiên trì.

Đơn cử như nếu sử dụng nguyên liệu trong nước để sản xuất thì doanh nghiệp phải nộp thuế giá trị gia tăng và sau khi xuất hàng thì mới được hoàn thuế. Như vậy chi phí sẽ lớn hơn so với việc nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài. Hay như việc duy trì mức 2% thuế xơ nhập khẩu somolite để bảo vệ Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ...

Một đại diện thuộc Công ty May10 bổ sung, mỗi một container hàng 40 feet xuất khẩu qua cảng Hải Phòng, năm 2012, doanh nghiệp phải trả phí khoảng 8 triệu đồng, đến năm 2017 là 11 triệu đồng. Trong vòng 1 năm, từ năm 2016 đến 2017, chi phí tăng khoảng 100 USD. Như vậy, phải chăng, chủ trương "giảm chi phí cho doanh nghiệp" chưa thực phát huy trong đời sống thực tiễn.

Theo ghi nhận của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngoài những chi phí trực tiếp thì những khoản thu gián tiếp khác cũng làm chi phí kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước khác. Trong khi đó, các dịch vụ công không đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là bất cập các cơ quan chức năng không thể cùng khai thác chung một hệ thống cơ sở dữ liệu về thống kê, thị trường... khiến chi phí doanh nghiệp không thể được tiết giảm.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI phản ánh thực tế, không thể tin được ngay những rủi ro trong kinh doanh cũng được tính vào chi phí của doanh nghiệp; trong đó, có cả việc các thủ tục hành chính bị trùng lặp; các quy trình, quy định phải tuân thủ pháp luật cũng bị trùng lặp... Điều đó có thể dẫn tới nguy cơ, doanh nghiệp sẽ phải đón nhận vòng lặp lại của những rủi ro lớn. Ngoài ra, còn có tình trạng áp thuế và hồi tố về chính sách hay những phiền toái, rủi ro từ các cơ quan hành chính Nhà nước, các tổ chức đoàn hội...

Qua khảo sát từ cộng đồng doanh nghiệp, những khoản phí tiềm tàng nguy cơ và tăng cao chi phí cho doanh nghiệp gồm có phí hạ tầng cảng biển như quy định riêng biệt của một số địa phương; phí thủ tục hành chính để giải quyết việc thông quan, cấp phép, kiểm định hay thẩm tra mà một số cơ quan, bộ, ngành đang quy định...cùng với đó là phí vận tải hay logistics; phí bảo hiểm xã hội cho người lao động hay phí công đoàn; chi phí tín dụng hay vay vốn...

Ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Đà Nẵng Miền Trung cho biết, ngoài những chi phí chính thức nêu trên và được quy định theo chính sách pháp luật, thì gánh trên vai doanh nghiệp còn nặng thêm vì rất nhiều khoản phí không chính thức mà chẳng doanh nghiệp nào mong muốn. Từ phí hoa hồng, phí tiếp khách, phí "bôi trơn".. cho đến nhiều loại phí khác mà chính doanh nghiệp cũng không biết gọi là gì để hợp thức hóa chứng từ thanh toán.

"Nếu mọi việc được minh bạch; mọi quy trình, quy định được thực hiện đúng pháp luật; mọi cá nhân đều làm việc với tinh thần công tâm, liêm chính, thì có lẽ, vấn đề chi phí chẳng thể là gánh nặng đối với doanh nghiệp", ông Minh Hải kết luận.

Nêu quan điểm cá nhân, ông Hải cho rằng, sẽ đơn giản hơn nhiều so với việc phải rà soát cả hệ thống chính sách pháp luật; rà soát danh mục các chi phí ở mỗi ngành, lĩnh vực hay tính toán tỷ lệ tăng - giảm chi phí nào cho phù hợp với thực tế của doanh nghiệp....

"Chỉ cần Chính phủ nhất tâm thực hiện những cam kết đã có với doanh nghiệp thì sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng đối với mọi hoạt động và thành phần kinh tế", Tổng giám đốc Công ty đầu tư Đà Nẵng Miền Trung chia sẻ.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục