tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 11-06-2017

  • Cập nhật : 11/06/2017

Dự án 'Red - Dead' và tham vọng nâng tầm ảnh hưởng Trung Quốc ở Trung Đông

Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện ở khu vực Trung Đông bằng cách tham gia đầu tư vào 'Red - Dead', một dự án lấy nước từ biển Đỏ và biển Chết do Israel, Jordan và Palestine cùng khởi xướng.

phan phia nam cua bien chet o israel anh: reuters

Phần phía nam của biển Chết ở Israel ẢNH: REUTERS

Tập đoàn Xuất nhập khẩu Kỹ thuật Quốc gia Trung Quốc đã được đưa vào danh sách đầu tư ngắn hạn cho giai đoạn 1 của dự án nước “Red - Dead”. Theo hãng thông tấn Sputnik, đây là một dự án quy mô lớn, nên không chỉ có công ty của Trung Quốc mà bốn nhà đầu tư khác cũng tham gia đấu thầu, bao gồm: Hutchison Water International Holdings (Hồng Kông), South Korean Water Resources (Hàn Quốc), Mitsubishi Corp. (Nhật Bản) và Suez International SAS (Pháp). Việc xây dựng dự kiến sẽ khởi công đầu vào nửa đầu năm 2018, kết quả đấu thầu cuối cùng sẽ được công bố vào cuối tháng 6.2017.

Nếu Đại lục thắng thầu, thì đây sẽ là dự án cơ sở hạ tầng lớn thứ ba của nước này ở Israel, sau dự án đường sắt Red - Med kết nối thị trấn cảng biển Đỏ ở Eilat và cảng Ashdod ở Địa Trung Hải với Tel Aviv của Israel, và dự án Light Rail, một hệ thống giao thông công cộng có các phương tiện khác nhau bao gồm một mạng lưới đường sắt chạy dưới lòng đất, xe buýt cùng nhiều phương tiện khác nữa.

“Sự thành công của công ty nhà nước Trung Quốc trong việc đạt được đầu tư ngắn hạn cho giai đoạn đầu của dự án “Red - Dead” có thể sẽ mở đường cho các công ty Trung Quốc khác tìm kiếm dự án ở khu vực này, đặc biệt khi Bắc Kinh đang thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các vùng trong và ngoài sáng kiến “Một vành đai - Một con đường”. Nếu công ty Trung Quốc thắng trong cuộc đấu thầu, thì nước này sẽ là một trong số ít các quốc gia đại diện duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả người Palestine và Israel trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên của hai nước láng giềng”, Tzachi Hanegbi, Bộ trưởng Hợp tác khu vực của Israel, cho hay.

Được biết, dự án cơ sở hạ tầng trị giá 1,1 tỉ USD “Red - Dead” sẽ chuyển khoảng 2 tỉ mét khối nước từ biển Đỏ để đưa vào biển Chết, với mục đích ổn định mực nước và tạo nước uống cho một khu vực đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Đường ống dẫn nước sẽ bắt đầu tại cảng Aqaba của Jordan, nơi nhà máy lọc nước sẽ được xây dựng. Đường ống này cũng sẽ tạo ra năng lượng thủy điện từ đoạn cuối cùng khi nó được đặt sụt xuống vài trăm mét dưới mực nước biển ở biển Chết, nơi có độ cao đất thấp nhất thế giới. Nước ngọt từ Aqaba sẽ được mua bởi vùng Arava phía nam Israel, Jordan sẽ mua nước của Israel từ biển Galilee, và chính quyền Palestine sẽ mua nước từ một nhà máy lọc nước của Israel như một phần của sự trao đổi nước giữa ba quốc gia.

Theo số liệu gần đây của Reuters, năm ngoái đầu tư của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào Israel đã tăng hơn 10 lần lên mức kỷ lục 16,5 tỉ USD cho các dự án về internet, điện toán an ninh không gian mạng và thiết bị y tế. Các chuyên gia cũng nhận định rằng Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới các sản phẩm khoáng sản, nguyên liệu thô của Israel. Năm 2015, công ty Bright Food của Đại lục đã mua lại cổ phần kiểm soát của Tnuva, nhà sản xuất sữa lớn nhất Israel. Tất cả những điều này là bằng chứng cho thấy Tập đoàn Xuất nhập khẩu Kỹ thuật Quốc gia Trung Quốc sẽ là ứng cử viên quan trọng trong cuộc đấu thầu “Red - Dead”.(Thanhnien)
---------------------

Nga, Trung Quốc tăng cường hoạt động kinh tế ở 'sân sau' của Mỹ

Nga và Trung Quốc đang nỗ lực hoạt động để giành ảnh hưởng ở các nước thuộc khu vực Trung - Nam Mỹ với những lời hứa viện trợ, hỗ trợ đầu tư hấp dẫn.

Khi nguồn cung cấp dầu thô từ Venezuela bị suy giảm vào năm ngoái, Cuba đã quay sang Nga để kiếm tìm sự giúp đỡ. Vào đầu tháng 5.2017, Moscow đã gửi một chiếc tàu chở đầy dầu thô vượt Đại Tây Dương đến Cuba như một thỏa thuận giữa hai nước. Tuy đây là chuyến hàng đầu tiên mà Cuba nhận được từ Nga sau nhiều năm, nhưng chắc chắn đó không phải là dấu hiệu duy nhất cho sự trở lại của Nga tại khu vực mà nước này đã bỏ lại kể từ sau cuộc Chiến tranh lạnh.

Theo Bloomberg, Nga đang xây dựng một trạm theo dõi vệ tinh ở thủ đô Managua của Nicaragua, xem xét việc mở lại các căn cứ quân sự, cũng như mở rộng các mối quan hệ kinh tế, viện trợ cho các quốc gia ở Trung Mỹ và Caribê.

“Các động thái trên hoàn toàn có thể là cách để người Nga gửi đi thông điệp rằng: Hãy cẩn thận, chúng tôi có thể trở lại ''sân sau'' của Mỹ. Hoặc đó là một cam kết mang tính chiến lược dài hạn của một khoản đầu tư đáng kể vào khu vực này”, Jorge Piñon, Giám đốc Chương trình Năng lượng Mỹ Latin và Caribê, thuộc Đại học Texas (Mỹ), nói.

Theo American Enterprise Institute, Trung Quốc cũng đang xây dựng sự hiện diện của mình tại vùng Caribê. Các công ty và chính phủ Đại lục đã đổ 6 tỉ USD vào khu vực này từ năm 2012. Song, mối quan tâm của Bắc Kinh không chỉ là kinh tế. Nước này muốn thuyết phục Cộng hòa Dominica và 10 quốc gia khác trong khu vực cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Đại lục luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình theo chính sách “Một Trung Quốc”, nhưng Đài Loan luôn cố gắng để khẳng định quyền tự chủ. Trong nhiều năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và Đài Loan đã cạnh tranh với nhau để giành sức ảnh hưởng ngoại giao bằng lời hứa cho các nước nhỏ, nghèo thuộc khu vực Mỹ Latin vay tiền với chi phí thấp hoặc viện trợ không hoàn lại. Tuy nhiên, có vẻ Đài Loan sẽ khó thắng trong cuộc đua vì số tiền Trung Quốc đổ vào khu vực này ngày một nhiều.

Theo Evan Ellis, Giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latin tại Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Học viện Chiến tranh Quân đội Mỹ, cho biết rằng ngay cả trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thu hẹp vai trò toàn cầu của Mỹ theo chính sách “America First”, cả Nga và Trung Quốc đều “nhận ra tầm quan trọng địa chính trị của khu vực này do sự gần gũi của nó với Mỹ. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt ở đây đó là, trong khi Trung Quốc muốn nhẹ nhàng xây dựng sự hiện diện về kinh tế, thì Nga lại muốn nhiều hơn...”.

Nikolay Smirnov, Đại sứ Nga tại Guyana ở phía nam Caribê, nhấn mạnh về tiềm năng hợp tác nhiều hơn ở lĩnh vực thương mại và biến đổi khí hậu giữa Nga với các nước trong khu vực Mỹ Latin. “Trong chính sách đối ngoại của Nga, có rất nhiều cơ hội cho tất cả các nước tham gia vào các mối quan hệ hợp tác kinh tế. Chúng tôi không cạnh tranh với lợi ích của các nước khác”, ông Smirnov nói.

Theo số liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ, hiện Mỹ vẫn là lực lượng kinh tế chủ đạo ở Trung Mỹ và Caribê, với khoảng 80 tỉ USD thương mại hai chiều vào năm ngoái. Mỹ cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của khu vực này với 18 tỉ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, theo một phân tích của Văn phòng Washington về Mỹ Latin, ngân sách viện trợ của Tổng thống Trump cho các nước Trung Mỹ dự kiến sẽ giảm gần 40%. Trong khi đó, số tiền Nga đã viện trợ cho các hòn đảo nhỏ ở Caribê và xóa nợ cho Cuba đã lên tới 32 tỉ USD. Trung Quốc cũng đổ nhiều vốn vào các dự án khách sạn ở Barbados và các nhà máy điện ở Haiti. Tại Jamaica cũng có một con đường mang tên “Đường cao tốc Bắc Kinh” được Đại lục tài trợ 730 triệu USD.(Thanhnien)

-------------------------------

Xu hướng nào cho thương mại điện tử Việt Nam?

Hơn 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, và hàng loạt “ông lớn” như Microsoft, IM Group, VNG, P.A Việt Nam… đã tập trung thảo luận về xu hướng phát triển của thương mại điện tử Việt Nam tại hội thảo mang tên “Xu hướng thương mại điện tử và vấn đề pháp lý”.

Và một trong những con số được nhắc đến, đó là theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ sẽ tăng trưởng 20%/năm và sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020.

hoi thao “xu huong thuong mai dien tu va van de phap ly”

Hội thảo “Xu hướng thương mại điện tử và vấn đề pháp lý”

Tuy vậy, trên thực tế, thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ đã phát triển nhanh hơn và được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25% trong năm 2017, vượt cả kế hoạch đề ra.

Nhiều tiềm năng tăng trưởng như vậy, song theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều rào cản để thương mại điện tử phát triển bền vững. Đó là lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng, hàng hoá, dịch vụ khi họ mua sắm trực tuyến và tính bảo mật khi thanh toán trên mạng.

Cũng chính bởi thế, theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch  Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), mặc dù thương mại điện tử của Việt Nam đã phát triển nhanh trong vòng 10 năm qua, nhưng quy mô thị trường không lớn và quy mô giao dịch còn nhỏ.

“Các doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh khâu tiếp thị và bán hàng trực tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát, giao nhận hàng hóa và tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến trên trang web bán hàng. Các doanh nghiệp cũng cần theo sát những xu hướng thương mại điện tử mới nhất để giữ vững lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh”, ông Liên nói.

Cũng theo ông Liên, thì việc xây dựng danh tiếng và sự tín nhiệm cho thương hiệu là điều tiên quyết để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp kinh doanh dựa trên thương mại điện tử, thì việc lựa chọn một tên miền phù hợp là bước đầu tiên để xây dựng một hiện diện trực tuyến tin cậy trong mắt khách hàng, qua đó, doanh nghiệp có thể bảo đảm thành công.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc Chi nhánh phía Nam, Công ty P.A Việt Nam chia sẻ, để sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ, doanh nghiệp cần xậy dựng một website thành công với một tên miền phù hợp.

“Với các doanh nghiệp muốn vươn ra toàn cầu, tên miền .com luôn là một tên miền đáng tin cậy, nhờ tính sẵn có, độ tín nhiệm và độ ổn định cao của tên miền này trong hơn 18 năm qua”, ông Học nói.

Cũng để thương mại điện tử ngày càng minh bạch hơn, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) đang nỗ lực để trong trường hợp có tình trạng kinh doanh không lành mạnh, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể khiếu nại lên Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin để được hỗ trợ xử lý.(baodautu)
---------------------

Sốc: Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô trong nước

Bộ Công Thương vừa có báo cáo tổ công tác về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô với nhiều đề xuất giải pháp phát triển ngành này.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2020 quy mô thị trường, sức tiêu thụ và khả năng sản xuất của ngành ô tô trong nước sẽ vượt qua Philippines, nước hiện có ngành sản xuất ô tô lớn thứ tư trong ASEAN.

Bộ Công Thương đưa ra ba nhóm giải pháp để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Thứ nhất là tạo dựng thị trường tiêu thụ đủ lớn để khuyến khích sử dụng xe trong nước, trong đó nhấn mạnh đến sự phát triển minh bạch, lành mạnh thông qua các biện pháp chống gian lận thương mại, hàng rào kỹ thuật.

Sốc: Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô trong nước - ảnh 1
Sẽ đưa ra giải pháp hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp ô tô trong nước.

Thứ hai, Bộ đưa ra giải pháp hỗ trợ rất mạnh đối với các doanh nghiệp lắp ráp xe hơi trong nước, trong đó có không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị tạo ra trong nước của ô tô. Đây được xem là ưu đãi lớn chưa từng có cho các liên doanh hoặc doanh nghiệp làm phụ trợ ô tô nếu được thông qua.

Nhóm giải pháp thứ ba, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ, Bộ KH&ĐT thu hút đầu tư các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các tập đoàn lớn và những dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, đại diện một số hãng ô tô cho rằng đề xuất này chưa thực sự cần thiết, đi ngược lại với quy luật tự do hóa, dây chuyền hóa sản xuất chuỗi trong ngành ô tô.(PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục