tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 12-06-2017

  • Cập nhật : 12/06/2017

Thị trường Mỹ đối mặt rủi ro lớn nhất từ khủng hoảng tài chính 2008

Theo Bloomberg và Russia Today, ông Bill Gross, tỉ phú kiêm nhà quản lý tiền tệ tại hãng Janus Global, cảnh báo rằng giới đầu tư hiện phải trả mức giá quá cao cho rủi ro mà họ đang gánh. “Thay vì mua thấp bán cao, bạn đang mua cao và chờ may mắn”, ông Gross nhận định tại hội nghị Bloomberg Invest New York.

mot nha giao dich lam viec tren san chung khoan new york. anh: reutes

Một nhà giao dịch làm việc trên Sàn chứng khoán New York. Ảnh: Reutes

''Vua trái phiếu'' 73 tuổi cho hay chính sách lãi suất thấp và âm của các ngân hàng trung ương là lý do khiến giá tài sản tăng giả tạo, đồng thời tạo ra mức tăng trưởng thấp trong nền kinh tế thực, khiến người tiết kiệm, ngân hàng và các hãng bảo hiểm chịu thiệt.

“Tiền đang được bơm vào hệ thống và số tiền đem lại lợi suất âm tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn không chỉ trong trái phiếu có lợi suất thấp mà còn trong cổ phiếu bị định giá quá mức”, ông Gross nói. Giới chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm nay và 2,3% trong năm 2018.

Quỹ đầu tư 2 tỉ USD của ông Gross thu lợi 3,1% trong năm tính đến ngày 6.6, hơn 22 quỹ khác được Bloomberg theo dõi. Lời cảnh báo về rủi ro thị trường của ông Gross đến cùng lúc với nhận định của nhiều chuyên gia khác về hậu quả của việc thị trường liên tiếp nóng lên.

Chủ tịch Barry James của Quỹ James Advantage cho hay dù các cổ phiếu được giao dịch gần mức cao kỷ lục, nguy cơ về đợt điều chỉnh có thể xảy ra vẫn tăng. Nhà đầu tư Thụy Sĩ Marc Faber nhận định thị trường Mỹ đang đứng giữa một quả bong bóng khổng lồ: “Có bong bóng trong tất cả mọi thứ. Không có giá tài sản nào đang ở ngưỡng rất thấp”.(Thanhnien)
--------------------------

UBGSTC: Khai thác thêm 1,5 triệu tấn dầu sẽ góp thêm 0,25% vào tăng trưởng

Tăng trưởng dự kiến sẽ cải thiện nhờ tổng cầu, tăng khai thác dầu thô và sản xuất điện thoại

Tăng trưởng kinh tế quý I năm 2017 chỉ đạt 5,1% để lại gánh nặng tăng trưởng lớn cho 3 quý còn lại để có thể hoàn thành mục tiêu tăng 6,7% trong cả năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm, tổng cung của nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, sự sụt giảm của ngành khai khoáng và tổng cầu phục hồi chậm vẫn là những trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Dự báo cho những tháng còn lại, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) kỳ vọng sự cải thiện của tổng cầu và tăng trưởng từ sản xuất điện tử và khai thác dầu thô sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

UBGSTCQG nhận định tiêu dùng vẫn còn tiềm năng tăng khi tỷ lệ của tiêu dùng cá nhân so với GDP thấp hơn đáng kể so với mức thu nhập bình quân đầu người. Trong khi, tỷ lệ tiêu dùng cá nhân so với GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 của Philippines là 73,7%, của Ai Cập là 80,3% thì tỷ lệ này tại Việt Nam chỉ là 65,1%.

Từ nay đến cuối năm, tiêu dùng có thể được đẩy mạnh nhờ tốc độ lạm phát giảm (qua đó cải thiện sức mua của người dân) và tín dụng tiêu dùng tăng trưởng tốt.

Đối với đầu tư, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư XDCB được đẩy nhanh sẽ giúp ngành xây dựng tăng trưởng tốt hơn tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tổng cầu nhất là tiêu dùng và đầu tư nhờ những lý do trên nên được UBGSTC kỳ vọng sẽ cải thiện trong những tháng cuối năm. Theo tính toán của Ủy ban, riêng đóng góp của tổng cầu, tăng trưởng năm 2017 có thể lên đến 6,3%.

Trong khi đó, tổng cung cũng được hỗ trợ bởi sản xuất điện tử mà cụ thể là sản xuất điện thoại và khai thác dầu thô. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm nhờ tăng sản lượng sản xuất điện thoại, qua đó tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo có khả năng đạt 12-13% trong năm 2017. Thực tế, trong tháng 5, sản lượng điện thoại đã tăng 102% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện đáng kể so với mức tăng 98,4% của 4 tháng đầu năm.

UBGSTCQG cũng tính toán nế khai thác dầu được tăng thêm 1,5 triệu tấn sẽ đóng góp thêm 0,25 điểm % vào tăng trưởng.

Các giải pháp để hỗ trợ tăng trưởng hoàn thành kế hoạch đề ra cũng là vấn dề được quan tâm thảo luận tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra hiện nay. Giải trình tại Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc khai thác thêm một tấn dầu là hoàn toàn tốt cho nền kinh tế mà không phải là khai thác quá mức hay để cạn kiệt các nguồn tài nguyên.

Bộ trưởng cho biết kế hoạch đặt ra đầu năm xác định đặt ra khả năng khai thác cũng như việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng kết hợp với chiều sâu và chú ý đến chất lượng tăng trưởng nên đã không đặt vấn đề khai thác quá mức ở mảng khai thác dầu thô (12,28 triệu tấn, thấp hơn mức 15,6 triệu tấn năm 2016).

Tuy nhiên, trước tình hình giá dầu có phục hồi tốt và khả năng của chúng ta vẫn có thể khai thác được thì Chính phủ cũng quyết định tận dụng cơ hội này để khai thác thêm, bổ sung thêm 1 triệu tấn dầu phục vụ cho tăng trưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhắc lại mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã được Chính phủ xác định và quyết tâm thực hiện. Nguyên nhân là bởi năm 2017 là năm bản lề hết sức quan trọng tạo tiền đề cho các năm tiếp theo trong kế hoạch 5 năm (2016-2020). Cùng đó, Việt Nam phải phát triển nhanh để chống tụt hậu với các nước trong khu vực và tạo nguồn lực để đầu tư phát triển cho các giai đoạn sau cũng như duy trì sự ổn định cân đối lớn như nợ công, thu ngân sách, tạo việc làm, chi cho an sinh xã hội,…

Lạm phát có thể tăng 0,4 điểm % nếu giá điện tăng 10%

Trong khi chỉ tiêu tăng trưởng gặp khó, thì những tháng đầu năm tình hình kiểm soát lạm phát lại cho thấy tín hiệu tốt. Dự báo từ nay đến cuối năm, UBGSTC nhận định lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng giảm do giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống đang được ổn định.

Theo tính toán của cơ quan này, nếu không có sự đột biến về giá hàng hóa thế giới, cũng như chưa tính đến việc điều chỉnh giá dịch vụ công trong những tháng cuối năm thì lạm phát năm 2017 khoảng 2,6% và lạm phát bình quân là 2,65%.

Tuy nhiên, UBGSTCQG ước tính nếu giá dịch vụ công được điều chỉnh tương đương với mức điều chỉnh bằng nửa của năm 2016 sẽ làm lạm phát tăng khoảng 1,8-2 điểm %. Nếu giá điện tăng 8-10% sẽ làm lạm phát tăng khoảng 0,3-0,4 điểm %. Tỷ giá USD/VNĐ tăng 1% sẽ làm lạm phát tăng thêm 0,17 điểm %;(NDH)
------------

Đề xuất đầu tư Nhà máy Nhiệt điện khí Long Sơn 4,39 tỷ USD

Ngày 9-6, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã họp nghe báo cáo xin chủ trương nghiên cứu địa điểm đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện khí Long Sơn do Tổng Công ty Phát điện 3 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn khoảng 4,39 tỷ USD.

Nhà máy được xây dựng nhằm góp phần giảm thiếu hụt nguồn điện, tăng cường khả năng cấp điện ổn định khu vực miền Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong giai đoạn 2020-2030 và những năm tiếp theo.

Nhà máy Nhiệt điện khí Long Sơn dự kiến sẽ được xây dựng tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu với diện tích 132ha, công suất 3.600MW.

Từ năm 2019 - 2025 sẽ xây dựng cảng LNG đầu mối với công suất 3,5 triệu tấn/năm và 3 nhà máy Tubin khí đều có công suất 2x600MW, nguồn khí cung cấp cho nhà máy là nguồn khí LNG nhập qua bến cảng đầu mối, bể trữ khí hóa lỏng LNG, hệ thống hơi, hệ thống vận chuyển khí.

Dự kiến khi đi vào hoạt động, Nhà máy Nhiệt điện khí Long Sơn sẽ bổ sung thêm 21 tỷ kWh điện/năm cho hệ thống điện quốc gia và nộp ngân sách khoảng 4.130 tỷ đồng/năm.(SGGP)
-----------------------

Ngân hàng trong cuộc chiến bán lẻ

Thị trường bán lẻ đầy tiềm tăng nhưng khi tham gia các ngân hàng đều cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh. Bởi nhu cầu khách hàng ngày một đa dạng. Hệ thống công nghệ phục vụ tệp lớn người dùng không những phải tiện ích mà còn phải liên tục tăng cường bảo mật.

Việt Nam đang đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới. Tính đến đầu tháng 01/2017, Việt Nam có gần 95 triệu dân và dự kiến đến năm 2025 sẽ là gần 100 triệu dân. Song song đó, Bộ Công Thương dự báo, trong vòng ba năm tới sẽ có thêm khoảng 300 siêu thị mới tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ; và đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm và hơn 1.500 cửa hàng tiện lợi… Hai nhân tố này góp phần đưa thị trường bán lẻ trở thành mối quan tâm hàng đầu của mọi doanh nghiệp trong vòng xoáy kinh doanh.

Đối với ngành ngân hàng, bán lẻ cũng là một thị trường đầy tiềm năng mà hầu hết các ngân hàng tham gia đều phải ngày càng nâng cao cạnh tranh cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Bởi ở thị trường này đồng nghĩa với việc có một tệp khách hàng rất lớn về số lượng với nhu cầu vô cùng đa dạng.

Nếu như thế mạnh của các ngân hàng quốc doanh là nguồn vốn tốt, giá ưu đãi; ngân hàng nước ngoài là dịch vụ hiện đại vì có sẵn nền tảng công nghệ và thương hiệu từ ngân hàng mẹ thì có thể thấy các ngân hàng TMCP là nhóm phải nỗ lực nhiều hơn cả nếu muốn có được thị phần.

Điển hình về một ngân hàng thương mại cổ phần sớm nắm bắt và gia nhập thị trường màu mỡ này chính là Sacombank. Lướt qua website ngân hàng này có thể thấy danh mục khá đa dạng với hơn 250 sản phẩm dịch vụ (SPDV) đang được cung cấp ra thị trường. Trong đó, các sản phẩm cho vay, tiền gửi, thanh toán… là hơn 60, SPDV về thẻ là hơn 40 và SPDV về ngân hàng điện tử là hơn 65. Những con số này thể hiện rõ những nỗ lực của Sacombank trong hành trình trải nghiệm thị trường, khám phá sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các “thượng đế”.

Đặc biệt, những năm gần đây, khi xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, Sacombank đã đưa ra rất nhiều giải pháp tài chính dành cho khách hàng. Mỗi SPDV đều là những giải pháp để khách hàng có thể tìm thấy sự thoải mái, tiện ích và tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí hơn trong việc quản lý tài chính, mua sắm, giao dịch, thanh toán… Tuy nhiên, Sacombank không ”gom rổ nhu cầu” khách hàng bằng những sản phẩm chung chung, mà chia nhỏ thị trường thành những nhóm khách hàng chuyên biệt để SPDV cung cấp ra luôn đúng nhu cầu.

Ví dụ, để những người buôn bán nhỏ lẻ, các bà nội trợ thích tích lũy tiền có cơ hội kiếm thêm mà không phải tham gia những hoạt động không đảm bảo an toàn như chơi hụi, chơi huê…, Sacombank cung cấp sản phẩm tiền gửi góp ngày; để giúp người trẻ hoàn thành những mục tiêu đã hoạch định, Sacombank mang đến sản phẩm tiền gửi tương lai; hay nhằm đem đến công cụ hiện đại hỗ trợ các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái về cách thức chi tiêu, tiết kiệm, chia sẻ và làm quen giao dịch tài chính, Sacombank cung cấp sản phẩm tiết kiệm Phù Đổng (cho trẻ “bỏ ống heo” qua thẻ tiết kiệm).

Ngoài ra, Sacombank còn có Combo học đường cho sinh viên, thẻ Ladies First cho phụ nữ, thẻ JCB cho người thích mua sắm, ăn uống ở các cửa hàng Nhật Bản... Đặc biệt, hiểu được nỗi vất vả của tiểu thương trong việc xoay sở nguồn vốn cũng như chung tay cùng xã hội ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, Sacombank đã sớm cho ra đời sản phẩm vay tiểu thương và “gõ cửa” từng kios để tiếp thị, tạo điều kiện cho vay vốn.

Bên cạnh đó, Sacombank cũng liên tục liên kết với nhiều tổ chức, doanh nghiệp để cho ra đời các SPDV theo sở thích, thói quen, nhu cầu công việc như: thẻ MasterCard Travel dành cho khách hàng có nhu cầu du lịch, mua sắm, chữa bệnh ở nước ngoài, thẻ Visa Signature cho giới doanh nhân, khách hàng cao cấp với ưu đãi đặc biệt về đổi vé máy bay trực tiếp, gói Tài chính toàn diện cho khách hàng Dịch vụ Ngân hàng cao cấp (Sacombank Imperial), Đăng ký mua ngoại tệ online cho doanh nghiệp…

Đặc biệt mới đây là chương trình Hỗ trợ khách hàng mua sắm trả góp mọi lúc mọi nơi dành cho những người muốn sở hữu các vật dụng cần thiết nhưng lại bị vượt khả năng tài chính hiện tại hoặc những người có thói quen chia dòng tiền ra nhiều rổ để linh hoạt hơn trong chi tiêu.

Nhằm ngăn chặn các tình huống xấu xảy đến cho khách hàng sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử, từ tháng 9/2016, Sacombank đã tiên phong bổ sung thêm bước xác thực qua hình ảnh và ghi chú riêng dành cho khách hàng giao dịch qua kênh này. Với bước xác nhận được bổ sung, khách hàng có thể nhận biết website Ngân hàng điện tử “chính chủ” của Sacombank một cách dễ dàng, tránh vào nhầm các trang lừa đảo.

Ngoài ra, đại diện Ngân hàng này đã cho biết, giữa năm 2017, họ sẽ phát hành ra thị trường công nghệ thẻ không tiếp xúc kèm máy POS công nghệ NFC. Với công nghệ này, khách hàng chỉ cần dùng thẻ chạm vào máy POS là có thể hoàn tất giao dịch mà không cần phải đưa thẻ của mình cho nhân viên cửa hàng khi mua sắm, thanh toán hóa đơn.

Có thể thấy, hệ thống SPDV của Sacombank khá phong phú, dù là độ tuổi nào, thói quen, sở thích ra sao, tìm đến Sacombank, khách hàng vẫn dễ dàng chọn cho mình một SPDV phù hợp. Hiện Sacombank đang phục vụ hơn 4,6 triệu khách hàng, con số này vẫn không ngừng tăng trưởng qua các năm.

Rõ ràng, tiềm năng thị trường bán lẻ là rất lớn, bởi nhu cầu của khách hàng luôn không ngừng tăng và ngày một đa dạng hơn. Đó chính là nền tảng và cơ hội để các ngân hàng phát huy sự sáng tạo, cho ra đời nhiều SPDV mới cũng như những phương thức tiếp cận phù hợp, từ đó góp phần nâng cao tiện ích đời sống cũng như trình độ dân trí của người tiêu dùng Việt Nam khi đất nước ngày càng hội nhập.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục