tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hơn 340.000 ô tô sẽ phải thay mới hộp đen?

  • Cập nhật : 06/08/2018

Nếu được thông qua, hơn 340.000 phương tiện kinh doanh vận tải phải bổ sung thiết bị giám sát hành trình có gắn camera.

tong chi phi lap dat thiet bi gps moi len toi khoang 1.500 - 1.900 ti dong - dinh quan

Tổng chi phí lắp đặt thiết bị GPS mới lên tới khoảng 1.500 - 1.900 tỉ đồng - ĐÌNH QUÂN

Phải có camera ghi nhận hoạt động lái xe

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, điểm đáng chú ý là quy định về thiết bị giám sát hành trình của xe đã bổ sung quy định và lộ trình lắp camera.

Cụ thể, khoản 2, điều 12 quy định: “Thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên phải cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe và đảm bảo theo lộ trình”.

Lộ trình áp dụng: Trước ngày 1.7.2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe du lịch từ 9 chỗ trở lên; trước ngày 1.7.2023 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc; trước ngày 1.7.2024 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên và trước ngày 1.7.2025 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ.

Ngoài ra, Bộ GTVT còn đề xuất thêm nội dung dữ liệu hộp đen phải lưu trữ như thông tin về thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày và đề nghị bổ sung xe trung chuyển vào loại phương tiện phải gắn hộp đen.

Lãng phí hàng ngàn tỉ đồng

Theo tính toán của đơn vị soạn thảo, sẽ có trên 340.000 ô tô kinh doanh vận tải hiện phải thực hiện thay thế, bổ sung thiết bị hộp đen để đáp ứng yêu cầu về cung cấp hình ảnh lái xe. Với giá thiết bị hộp đen từ 4,5 - 5,5 triệu đồng/chiếc, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng, tổng chi phí lắp đặt thiết bị mới đối với các doanh nghiệp lên tới khoảng 1.500 - 1.900 tỉ đồng kèm theo chi phí duy trì máy chủ và đường truyền khoảng 500 tỉ đồng/năm.

Đáng chú ý, cách đây chưa đầy 2 năm, khoảng 800.000 phương tiện vận tải (xe khách, taxi, xe tải) đã phải bỏ ra khoảng trên 3.000 tỉ đồng để gắn hộp đen theo Nghị định 171/NÐ-CP.  Với quy định mới này, các thiết bị hộp đen cũ đã lắp sẽ phải thay đổi, hoặc lắp thiết bị mới. 

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM đánh giá đây là một đề xuất bất hợp lý cả về mục tiêu quản lý lẫn tài chính. Theo ông, mục đích Bộ GTVT yêu cầu phương tiện phải gắn hộp đen (GPS) để giảm tai nạn giao thông, kiểm soát tốc độ, kiểm soát hành trình hoặc quản lý phương tiện hoạt động đúng quy định. Tuy nhiên thời gian qua, tất cả mục tiêu trên đều không được đảm bảo. Bằng chứng là trên thực tế xe "dù" bến "cóc" vẫn ngang nhiên hoành hành, số lượng các vụ tai nạn nghiêm trọng, tai nạn thảm khốc vẫn chưa giảm và đặc biệt, các phương tiện gây tai nạn nghiêm trọng hầu hết đều là xe có gắn GPS theo đúng quy định. 

Ông Tính cho rằng GPS là thiết bị kiểm soát tốt nhất, là giải pháp hữu hiệu để xử lý nạn xe "dù" bến "cóc", giảm thiểu tai nạn giao thông nhưng thời gian qua không thành công không phải do thiếu thông tin mà do bộ máy nhà nước không bố trí đủ nhân lực và thời gian để kiểm soát tất cả các xe chạy đúng tuyến hay không, tốc độ như thế nào... Sau nhiều năm áp dụng quy định, việc kiểm tra trực tuyến tại Tổng cục Đường bộ xem tài xế nào đang chạy nhanh để yêu cầu giảm tốc độ, cảnh báo nguy hiểm cũng chưa thực hiện được. Chưa kể việc cùng lúc mấy trăm ngàn phương tiện truyền thông tin về khiến đường truyền tại Tổng cục Đường bộ tắc nghẽn, nhiều trường hợp còn dẫn đến tranh cãi không đánh có giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ quan quản lý. 

Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM khẳng định đề nghị này được thông qua sẽ làm tăng chi phí của các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, lãng phí chi phí xã hội, đi ngược với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện kinh doanh của Chính phủ mà lại không giải quyết được bản chất vấn đề.

"Kiểm soát, quản lý phương tiện qua GPS quan trọng nhất là đảm bảo 3 yếu tố: tốc độ vận hành, thời gian hoạt động của lái xe và chạy đúng hành trình. Hệ thống hộp đen hiện nay hoàn toàn cung cấp đầy đủ 3 thông tin trên, quan trọng là cách thức triển khai quản lý. Chưa có các nước tiên tiến nào trên thế giới ép buộc doanh nghiệp phải gắn GPS. Việc lắp hay không nên để tùy thuộc vào nhu cầu quản lý phương tiện của doanh nghiệp, hợp tác xã" - ông Tính đề xuất.


Hà Mai
Theo Thanhnien.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục