tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thực hư về thông tin trà Ô long ở Lâm Đồng tồn kho 2.000 tấn

  • Cập nhật : 05/11/2015

(Cong nghiep)

Một vài tháng gần đây, báo chí và công luận dấy lên các luồng thông tin về việc ngành chè Lâm Đồng đầu ra, đặc biệt trong đó là câu chuyện tồn kho và mất giá của trà Ô long (Oolong).

 

Về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, là người có tình cảm sâu lặng và gắn bó với ngành chè từ nhiều năm nay đã không khỏi lo lắng cho thương hiệu trà Ô long vốn còn chưa được phổ biến rộng rãi tại thị trường trong nước.

“Thủ đoạn” cạnh tranh

Ông Tài cho biết, trà Ô long chủ yếu được trồng, sản xuất ở Lâm Đồng, do các doanh nhân Đài Loan (Trung Quốc) trực tiếp đầu tư và sản phẩm hầu hết là để về tiêu thụ tại Đài Loan. Từ cuối năm ngoái trở lại đây, thị trường đã xảy ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Nguyên nhân chủ yếu, các doanh nghiệp chè sản xuất chè ở Đài Loan có chi phí và giá bán cao nhiều so với Việt Nam, do đó xuất hiện trên thị trường những tin đồn chè Việt Nam nhiễm dioxin, có thời điểm cả 100 container chè đã bị hải quan Đài Loan giữ lại. Tuy nhiên trước vụ việc đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam (Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Nông nghiệp, Bộ Quốc phòng…) khẳng định các khu vực trước đây bị Mỹ rải dioxin đã bị khoanh vùng và không cho sản xuất nông nghiệp nói chung, chứ không riêng ngành trồng chè.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Chè Việt Nam cũng đã có thư gửi cho Hiệp hội chè Đài Loan khẳng định chè Việt Nam không có dioxin. Hơn thế nữa, các nhà kinh doanh Nhật Bản, Đài Loan đầu tư sản xuất chè tại Việt Nam, trong quá trình cứu đến khi dự án khả thi họ đã tính toán rất kỹ các điều kiện kỹ thuật trong sản xuất, như xác định các thành phần trong đất bằng các trình độ công nghệ cao.

tien sy nguyen huu tai, chu tich hiep hoi che viet nam. (anh: nhan vat cung cap)

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Sau động thái đó, phía Đài Loan nhanh chóng cho thông quan và đến nay hoạt động thương mại giữa hai phía vẫn diễn ra rất bình thường,” ông Tài nhấn mạnh.

"Trà Ô long mà tồn kho 2.000 tấn?"

Về thông tin con số 2.000 tấn trà ​Ô long đang bị tồn kho tại Lâm Đồng, ông Tài cho rằng đã có sự nhầm lẫn, bởi quy trình sản xuất loại trà này rất chặt chẽ và an toàn, chi phí đầu tư cao, kén thị trường đầu ra nên mới chỉ tập trung chủ yếu trồng ở Lâm Đồng, còn các tỉnh thành, địa phương khác là rất ít.

Đồng tình với đánh giá trên, ông Đoàn Trọng Phương, Chủ tịch Hội Chè Lâm Đồng chỉ ra, người nông dân hiện trồng chè sản xuất trà ​Ô long chưa nhiều, toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha, sản lượng tối đa khoảng 1.000 tấn/năm.

“Nên tồn, kho trà ​Ô long chỉ có thể tồn vài trăm tấn, còn lại chủ yếu vẫn là chè đen và một số loại chè xanh khác. Việc ‘nhiễu thông tin’ sẽ ảnh hưởng không nhỏ và tác động trực tiếp đến người trồng chè. Trên thị trường, chè búp tươi thường được mua với mức giá 27.000 đồng-30.000 đồng/kg rồi xuống còn 20.000 đồng-17.000 đồng/kg và nay chỉ còn 13.000 đồng-12.000 đồng/kg, song vẫn không có người mua. Cho nên thông tin tồn kho 'cao' thì khách hàng lại càng có cơ hội ép giá nông dân,” ông Phương quan ngại.

Theo ông Phương, sản lượng trà ​Ô long của Việt Nam hiện không nhiều, nên nhà quản lý cũng như doanh nghiệp và người nông dân cần phải bình tĩnh lại. Trước mắt, ngành chè Lâm Đồng cần hướng tới mở rộng đa dạng thị trường đồng thời quy hoạch phát triển ngành dừng lại ở diện tích hiện có.

“Những tin đồn đại đi cùng bài toán cạnh tranh thương mại không lành mạnh tại thị trường nhập khẩu là nguyên nhân cơ bản. Hiện với các sản phẩm chè xuất sang Đài Loan, doanh nghiệp đã ngừng mua và nếu mua thì họ lại khắt khe về chất lượng, như trước đây, chu kỳ hái chè là 50 ngày/lứa thì bây giờ là 40 ngày/lứa, mầm chè mới nhú lên đã hái khiến khối lượng giảm đi đồng thời gây hao phí trong sản xuất,” ông Phương xót xa.

"Bỏ quên" thị trường nội địa

Đại diện Hiệp hội chè Việt Nam, ông Tài khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất trà ​Ô long cần hướng tới phát triển thị trường nội địa. Bởi, trà ​Ô long là loại chè được sản xuất theo chuỗi đảm bảo quy trình an toàn, bên cạnh đó lại có nhiều hợp chất hữu cơ có lợi cho sức khỏe của con người.

mot goc doi che o huyen thanh ba (phu tho) dang cho thu hoach. (anh: dinh hue/ttxvn)

Một góc đồi chè ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ) đang cho thu hoạch. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Vạn Tài (Thái Nguyên) cho biết, hiện Vạn Tài là đơn vị duy nhất sản xuất trà ​Ô long tại Thái Nguyên và thị trường hoàn toàn là nội địa.

Tuy nhiên, bà Hương chia sẻ, người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều đến công dụng của trà ​Ô long nên sức tiêu thụ còn thấp. Song vài năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ của Công ty đã phát triển ra toàn quốc với khối lượng dao động khoảng 1-2 tấn/năm. Giá bán lẻ trà ​Ô long đặc biệt là 3 triệu đồng/kg, trà ​Ô long ngon là 1,25 triệu đồng/kg.

Bên cạnh đó, bà Hương cũng thú nhận “Công ty hiện sản xuất trực tiếp và tiêu thụ bán lẻ, tuy nhiên chưa phát triển thương mại cũng như chưa đầu tư cho marketing, quảng cáo, tiếp thị bán hàng.”

Về phía Hiệp hội Chè Việt Nam, trước bài toán khó khăn đầu ra của trà ​Ô long Lâm Đồng, ông Phương đề xuất ​các hướng giải pháp. Nếu như trước đây 90% sản lượng trà ​Ô long sản xuất tại Lâm Đồng là đưa vào thị trường Đài Loan, thì đến nay cần phải mở rộng ra các thị trường châu Âu, ASEAN và nội địa.

Cụ thể, theo ông Phương, tỉnh Lâm Đồng cần phải quy hoạch vùng, hướng người nông dân kết nối với người sản xuất thành một chuỗi, với mục tiêu sản xuất bán thị trường nào phải rõ ràng. Thứ nhất, nếu xuất sản phẩm đi châu Âu thì phải đảm bảo tiêu chuẩn của họ. Thứ hai, quy hoạch vùng chè cung cấp cho nội địa thì phải chú ý đến gu và văn hóa uống trà, như hương thơm, vị đậm, nước sánh vàng…

“Ngành chè nên bắt tay chế biến trà ​Ô long riêng cho người Việt đón ngay cái Tết Bính Thân này. Giá trà bán nội địa còn cao hơn xuất đi nước ngoài nhiều, phổ thông thấp nhất từ 300.000 đồng-500.000 đồng/kg, các loại đặc sản từ 1 triệu đồng-3 triệu đồng/kg, trong khi xuất khẩu chỉ 10 USD-11 USD/kg,” ông Phương nói./.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục