tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nếu Trung Quốc “giết” siêu chu kỳ trên thị trường hàng hóa, Fed đang “chôn cất” nó

  • Cập nhật : 26/11/2015

(The gioi)

Vì đồng bạc xanh tăng giá, sức mua của các công ty thu mua nguyên vật liệu thô trên toàn cầu sụt giảm, đồng thời hàng hóa cũng trở nên kém hấp dẫn hơn khi đặt cạnh những tài sản khác như trái phiếu và cổ phiếu.

 

Đối với thị trường hàng hóa, có vẻ như thế kỷ 21 chưa bao giờ diễn ra.Lần cuối cùng chỉ số Bloomberg Commodity Index mang lại cho nhà đầu tư mức lợi suất thấp đến vậy, sản phẩm bán chạy nhất của Apple là một chiếc máy tính để bàn, và bạn vẫn có thể mua hàng với những đồng franc của Pháp hay đồng mark Đức.

Chỉ số theo dõi diễn biến của 22 loại hàng hóa cơ bản đã giảm 2/3 so với khi đạt đỉnh, rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Như vậy thứ gọi là “siêu chu kỳ” trên thị trường hàng hóa đã kết thúc và quay trở lại điểm ban đầu. Cơn khát than đá, dầu mỏ và kim loại của các nhà sản xuất Trung Quốc đã tạo nên “thị trường con gấu” kéo dài suốt 1 thập kỷ cho tới năm 2011.

“Ở Trung Quốc, bạn có tới 1,3 tỷ người bước vào quá trình công nghiệp hóa – một quy mô chưa từng thấy trong lịch sử. Tuy nhiên, không có điều gì mãi mãi trường tồn’, Andrew Lapping, CIO của quỹ Allan Gray đang quản lý 33 tỷ USD, nhận định.

Nếu kinh tế Trung Quốc đang hướng tới năm tăng trưởng yếu nhất trong 25 năm qua và đặt dấu chấm hết đầu tiên cho siêu chu kỳ trên thị trường hàng hóa, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang chuẩn bị đặt dấu chấm hết cuối cùng và chôn vùi siêu chu kỳ ấy.

 

dien bien cua chi so bloomberg commodity index ke tu nam 1998 den nay

Diễn biến của chỉ số Bloomberg Commodity Index kể từ năm 1998 đến nay

Phần lớn thị trường dự báo Fed sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006 vào tháng 12 tới và điều này giúp đồng USD tăng giá tới 9% kể từ đầu năm đến nay. Đó là tin xấu mới nhất đối với thị trường hàng hóa vốn được định giá bằng USD. Vì đồng bạc xanh tăng giá, sức mua của các công ty thu mua nguyên vật liệu thô trên toàn cầu sụt giảm, đồng thời hàng hóa cũng trở nên kém hấp dẫn hơn khi đặt cạnh những tài sản khác như trái phiếu và cổ phiếu.

Chỉ số Bloomberg Commodity Index tính đến số lỗ và lãi khi đầu từ vào hàng hóa trên thị trường kỳ hạn nhằm xác định mức lợi suất thực. Chỉ số giao ngay theo dõi giá các nguyên vật liệu thô đã giảm xuống mức thấp nhất 6 năm trong phiên 23/11, và chỉ số theo dõi các cổ phiếu của ngành này đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 trong phiên 29/9. Giảm mạnh nhất là nhóm cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ (vốn đã giảm 31% kể từ đầu năm đến nay) với những cái tên như First Quantum Minerals, Glencore và Freeport-McMoran.

Trong suốt những năm 2000, khi nhu cầu cao kỷ lục, những nhà sản xuất hàng hóa như Total, Rio Tinto và Anglo American đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án dài hơi. Chính những dự án này khiến thế giới ngập trong dầu mỏ, khí đốt, quặng sắt và đồng khi kinh tế Trung Quốc suy yếu.

Dầu mỏ là hàng hóa dư thừa nguồn cung nhiều nhất. Cho dù giá đã giảm 60% kể từ tháng 6/2014, lượng hàng tồn kho vẫn đang ở mức cao kỷ lục là gần 3 tỷ thùng (theo số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA). Nguyên nhân là do Mỹ đạt sản lượng cao kỷ lục trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhất quyết không cắt giảm mục tiêu sản lượng nhằm giữ thị phần và đè bẹp các nhà sản xuất có chi phí cao.

Quay trở lại với Fed, động thái nâng lãi suất đi kèm với USD tăng giá sẽ cản trở nỗ lực giảm lượng dư thừa. Chi phí khai thác được thanh toán bằng ngoại tệ trong khi doanh thu lại được lấy về bằng USD. Chính mức giảm hơn 30% của đồng ruble là điều giúp Nga duy trì khả năng sinh lời của các công ty sản xuất thép và nickel. Vẫn làm ăn có lãi, các nhà máy chẳng có lý do gì để đóng cửa.

Mặc dù một vài tập đoàn tầm cỡ thế giới như Glencore đã lên kế hoạch cắt giảm sản lượng đồng và kẽm, những ông lớn khác như BHP, Vale và Rio Tinto vẫn đang ngoan cố giữ sản lượng vì không muốn mất thị phần vào tay đối thủ.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục