tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 27-05-2016

  • Cập nhật : 27/05/2016

Mỹ phản bác cáo buộc “châm lửa ở khu vực” của Trung Quốc

Tờ China Daily cho rằng động thái dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ đối với Việt Nam là nhằm “kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh động thái của Mỹ “không liên quan gì đến Trung Quốc”.

bi thu thanh uy tp.hcm dinh la thang gap go ngoai truong my john kerry toi 24-5 - anh: thuan thang

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tối 24-5 - Ảnh: Thuận Thắng

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm Việt Nam nhấn mạnh động thái dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam “không liên quan gì đến Trung Quốc”.

Nhưng truyền thông Trung Quốc, trong đó có tờ China Daily, lên tiếng chỉ trích Mỹ “nói dối” và cảnh báo Washington không được “châm lửa ở khu vực”. “Điều này báo trước hiểm họa cho nền hòa bình và ổn định” - tờ báo Trung Quốc viết.

Tờ Thời báo hoàn cầu thì mô tả tuyên bố của phía Mỹ là “lời nói dối rất tệ”, và nó có thể làm nghiêm trọng thêm “tính đối đầu chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh”.

Báo này cho rằng Nhà Trắng đang “lợi dụng Việt Nam để gây rối” ở Biển Đông.

Bình luận về những chỉ trích này, ông Kerry cho rằng "nếu muốn đề cập đến khả năng xuất hiện mồi lửa có thể đốt cháy thứ gì đó, chúng tôi lưu ý rằng Trung Quốc không nên có hành động đơn phương như cải tạo đất hoặc quân sự hóa các đảo ở khu vực có nhiều bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn".

Những lời lẽ của truyền thông Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với những gì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Là một quốc gia láng giềng, chúng tôi vui mừng thấy Việt Nam phát triển những mối quan hệ thân hữu, hợp tác với các nước khác trong đó có Mỹ”.


Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN: Tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là quan trọng

Chiều 25-5, Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 10 (ADMM 10) đã kết thúc thành công tốt đẹp. 

Ngay sau khi kết thúc hội nghị, các bộ trưởng quốc phòng ASEAN thực hiện việc ký kết Tuyên bố chung ADMM 10. Dự lễ ký kết có Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh.

Tuyên bố chung tại ADMM 10 tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định cũng như duy trì tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông theo các nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế công nhận, bao gồm Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Tuyên bố nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên trong việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nguyên tắc sáu điểm của ASEAN trên Biển Đông và tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15 nhân kỷ niệm 10 năm DOC và tái khẳng định tầm quan trọng của việc tập trung hướng tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Văn kiện bày tỏ quan ngại trước tần suất, quy mô và sự phức tạp của các mối đe dọa phi truyền thống và tái khẳng định sự cần thiết, cam kết và trách nhiệm tập thể của ADMM trong việc đối phó với những thách thức này để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.

Tuyên bố chung cũng tái khẳng định vai trò và vị trí trung tâm của ASEAN là động lực chính trong hợp tác quốc phòng và an ninh với các nước đối tác trong một cấu trúc mở, minh bạch và dung nạp; kiên trì theo đuổi các cam kết về mục đích và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN nhằm phục vụ vì mục tiêu của người dân các quốc gia thành viên ASEAN và nhằm bảo đảm người dân được sống trong hòa bình theo đúng tôn chỉ của ASEAN “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng quan tâm và chia sẻ”.


Ấn Độ chi 500 triệu USD đầu tư cảng Iran để làm gì?

Hồi đầu tuần, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo sẽ dành khoảng 500 triệu USD đầu tư phát triển cảng biển chiến lược Chabahar ở miền Nam Iran.

Mục đích nhằm xây dựng con đường nối liền nơi này với Trung Á mà không phải đi ngang qua nước láng giềng Pakistan vốn có lịch sử không mấy êm thắm với Ấn Độ.

Công bố này là một phần của các thỏa thuận nhằm củng cố quan hệ kinh tế giữa Ấn độ với Iran mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký với Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Theo các thỏa thuận này, Ấn Độ sẽ xây dựng và khai thác hai trạm đầu - cuối và năm bến tàu xử lý hàng hóa tại cảng Chabahar.

Đài truyền hình Mỹ CNBC đưa tin ngày 23-5, Ấn Độ cũng đã ký kết thỏa thuận ba bên với Iran và Afghanistan nhằm phát triển một hành lang giao thông giữa ba nước thông qua Chabahar. Thủ tướng Narendra Modi ghi nhận hành lang này sẽ cho phép dòng chảy thương mại, vốn và công nghệ trong khu vực không bị cản trở.

Ông Narendra Modi mô tả thỏa thuận Chabahar là một hành lang của hòa bình và thịnh vượng cho dân tộc. Phát triển hành lang Chabahar sẽ mở đường hợp tác giữa Ấn Độ và đất nước không có biển Afghanistan.

Từ Chabahar, Ấn Độ có thể tiếp cận Afghanistan mà không cần đi qua hành lang bất ổn ở nước láng giềng Pakistan thông qua mạng lưới đường bộ của Iran và quốc lộ Zaranj-Delaram trước đó Ấn Độ đã giúp Afghanistan xây dựng.

Chuyên gia Tanvi Madan ở Viện nghiên cứu Brookings nhận định động cơ chính của Ấn Độ khi ký thỏa thuận Chabahar là kinh tế và chiến lược nhưng bên cạnh đó cũng nhằm vào Trung Quốc. Ông nói: “Chú ý những gì Trung Quốc đang làm không chỉ ảnh hưởng ở Pakistan mà còn ảnh hưởng tới Trung Đông”.

Bắc Kinh đầu tư mạnh để phát triển cảng Gwadar tại tỉnh Balochistan (Pakistan), nơi cách Chabahar không xa.

Hồi tháng 4, báo Dawn của Pakistan đã trích lời một quan chức Trung Quốc nhận xét cảng Gwadar sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2016 và khoảng một triệu tấn hàng hóa vận chuyển qua đây vào năm 2017.

Đầu năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Iran, Saudi Arabia và Ai Cập như một động thái tăng cường sự hiện diện của Bắc Kinh trong khu vực nhằm làm sống lại con đường tơ lụa.

Chuyến thăm Iran của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng là một phần trong sáng kiến tiếp cận Trung Đông, nơi có cộng đồng người Ấn đông đảo đồng thời là đối tác thương mại và là nguồn năng lượng quan trọng đối với Ấn Độ. Năm 2015, ông đã có chuyến thăm chính thức tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và hồi tháng 4 đã tới Saudi Arabia. Dự kiến ông sẽ tới Qatar trong vài tháng tới.

CNBC dẫn lời một số chuyên gia ghi nhận chuyến thăm Saudi Arabia của Thủ tướng Narendra Modi có thể được xem như bước đi chiến lược sau khi Pakistan không hỗ trợ quân sự cho liên minh Ả Rập chống phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng Ấn Độ vẫn phải đối mặt với thách thức trong nỗ lực hợp tác chống Pakistan do mối quan hệ lịch sử lâu dài của nước này với các ông lớn trong khu vực.


Indonesia dùng hóa chất xử phạt tội phạm ấu dâm

 Tổng thống Indonesia vừa chính thức thông qua sắc lệnh trừng phạt nặng tay nhất và có hiệu lực ngay với loại tội phạm tấn công tình dục trẻ em. 

tong thong indonesia joko widodo vua chinh thuc thong qua cac hinh phat moi voi nhung toi pham au dam - anh: afp

Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa chính thức thông qua các hình phạt mới với những tội phạm ấu dâm - Ảnh: AFP

Theo AFP, trong sắc lệnh khẩn cấp ban hành hôm qua, 25-5, của tổng thống Joko Widodo, nêu rõ hình phạt với những kẻ tấn công tình dục trẻ em sẽ gồm những mức phạt tối đa như tử hình hoặc tiêm hóa chất vào người tội phạm để chúng không còn ham muốn tình dục.

Không những thế, theo luật mới, ngay cả khi mãn hạn tù, những kẻ phạm tội ấu dâm cũng buộc phải đeo trên người chip điện tử để cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi.

Phát biểu tại dinh tổng thống ngày hôm qua, 25-5, tổng thống Joko Widodo nói: “Điều luật này nhằm vượt qua sự khủng khoảng do tình trạng bạo lực tình dục xảy ra với trẻ em. Những tội ác về tình dục nhằm vào trẻ em là những tội ác tày trời vì chúng đe dọa sinh mạng trẻ em”.

Sắc lệnh có hiệu lực thi hành ngay mặc dù sau đó quốc hội có thể phản bác.

Sắc lệnh đặc biệt được tổng thống Indonesia ban hành sau khi xảy ra vụ việc hồi tháng 4 ở đảo Sumatra. Một nhóm thanh thiếu niên say rượu đã cưỡng hiếp tập thể và giết hại một nữ sinh đang trên đường đi học về nhà.

Thi thể bầm dập của cô bé đã được tìm thấy ba ngày sau đó trong rừng. Liên quan tới vụ việc, bảy thiếu niên, lứa tuổi 16, 17 đã bị bắt giam đầu tháng này.

Vụ tấn công tàn bạo đã làm dấy lên dư luận trong nước về vấn đề bạo lực tình dục, làm bùng phát các cuộc biểu tình tại thủ đô Jakarta, đòi hỏi chính quyền cần có biện pháp mạnh tay hơn với những kẻ phạm tội ấu dâm.


Bắt đầu chiến dịch tấn công đầu não IS ở Syria

Raqqa ở miền Bắc Syria được xem là thủ phủ của IS (ảnh). Hôm 24-5 (giờ địa phương), tổ chức Các đơn vị dân chủ Syria thông báo đã mở chiến dịch gồm ba mũi tấn công vào Raqqa.

Mục tiêu ban đầu là giải phóng vùng ngoại ô phía bắc Raqqa, sau đó mới tổ chức bao vây Raqqa và tổng tiến công. Người phát ngôn quân đội Mỹ ở Iraq Steve Warren xác nhận thông tin này.

Hãng tin Sputnik (Nga) đưa tin chiến dịch đã mang lại kết quả ban đầu. IS đang cố thủ và trà trộn vào dân thường để tránh không kích. Chúng cũng lấy các trường học có tầng hầm làm nơi ẩn náu. IS đã cấm dân chúng không được di tản khỏi Raqqa.

 

Đây là chiến dịch quy mô nhất từ khi IS tuyên bố lập nhà nước Hồi giáo tự xưng vào mùa hè năm 2014 ở Iraq và Syria. Lực lượng tham gia chiến dịch lên đến hàng chục ngàn quân. Tổ chức Các đơn vị dân chủ Syria hành quân dưới sự yểm trợ của không quân thuộc liên minh do Mỹ đứng đầu.

Các đơn vị dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn gồm liên quân các lực lượng Ả Rập và người Kurd ở Syria với 25.000 quân người Kurd và 5.000 quân Ả Rập. Mục tiêu của liên minh hiện nay là tái chiếm Raqqa ở Syria cùng với Falluja và Mosul ở Iraq. Nga tuyên bố sẵn sàng phối hợp với tổ chức Các đơn vị dân chủ Syria và Mỹ để tấn công IS ở Raqqa. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố có thể giải phóng Raqqa nhanh hơn nếu các đơn vị Nga và Mỹ cùng phối hợp.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục