tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hội nghị G7 ở Nhật - nỗi nhức nhối với Trung Quốc

  • Cập nhật : 26/05/2016

(tin kinh te)

Các lãnh đạo G7 dự hội nghị sẽ bàn luận những vấn đề liên quan trực tiếp đến Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đứng ngồi không yên.

tong thong obama va thu tuong nhat shinzo abe tham du hoi nghi lanh dao g7. anh: reuters

Tổng thống Obama và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tham dự hội nghị lãnh đạo G7. Ảnh: Reuters

Ngày 25/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rời Việt Nam, lên đường tới Nhật Bản tham dự hội nghị G7, nơi các lãnh đạo quyền lực nhất thế giới bàn bạc về những chủ đề quan trọng, trong đó có tình hình trên Biển Đông, mà không có sự tham dự của Trung Quốc. Theo giới phân tích, những chủ đề được bàn bạc tại hội nghị quan trọng này có thể sẽ khiến Bắc Kinh cảm thấy vô cùng khó chịu. 

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại với sự giảm nhiệt của nền kinh tế Trung Quốc, và lãnh đạo các nước phát triển đang tranh cãi về việc thực hiện những hành động tài khóa để có thể thúc đẩy phát triển kinh tế nước mình, theo Business Insider.

Các lãnh đạo G7 cũng nhóm họp trong lúc Tòa Trọng tài Thường trực sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên Biển Đông. Phán quyết được dự đoán là sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cách hành xử của Trung Quốc tại vùng biển quan trọng này.

Hồi tháng 4, hội nghị các ngoại trưởng G7 diễn ra ở Hiroshima, Nhật Bản đã ra tuyên bố phản đối các hành động "khiêu khích và áp đặt" trên biển Hoa Đông và Biển Đông, kêu gọi tất cả các bên hành xử theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã phản ứng giận dữ với bản tuyên bố này, dù nó không hề đề cập trực tiếp tên quốc gia nào.

Trung Quốc đã triệu tập đại diện ngoại giao các nước G-7 chỉ vài ngày trước khi diễn ra hội nghị ngoại trưởng này, tìm cách thuyết phục họ không nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông và các chủ đề liên quan đến Trung Quốc khác tại hội nghị, theo một quan chức Trung Quốc giấu tên am hiểu tình hình.

Theo giới phân tích, hội nghị các nhà lãnh đạo G7 lần này nhiều khả năng sẽ ra một tuyên bố tương tự, và lời lẽ trong đó có thể sẽ khiến Trung Quốc cảm thấy bị "động chạm" rất nhiều.

"Về cơ bản, Nhật và Mỹ đang tìm cách thuyết phục các nước châu Âu bày tỏ quan ngại về các hành động của Trung Quốc", Robert Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á Đương đại thuộc Đại học Temple, Nhật Bản, nhận định.

"Một tuyên bố, dù chỉ là ám chỉ, cũng sẽ là chiến thắng cho Tokyo và Washington. Nó khiến Bắc Kinh nhận ra rằng ngay cả các nước từng chỉ tìm cách làm ăn kinh tế ở Trung Quốc giờ đây cũng đang lo lắng", Dujarric nói.Hồi đầu tuần, sau cuộc gặp với ngoại trưởng Nga và các nước Trung Á ở Uzbekistan, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo rằng những quốc gia "cố tình lợi dụng vấn đề Biển Đông vì mục đích chính trị sẽ không thu được lợi ích hay sự ủng hộ nào, mà chỉ hủy hoại uy tín của mình", theo website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

may bay p-3c orion cua nhat tuan tra tren nhom dao senkaku tren bien hoa dong. anh: stripes

Máy bay P-3C Orion của Nhật tuần tra trên nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông. Ảnh: Stripes

Trong khi đó, nước chủ nhà Nhật Bản đã công bố chương trình nghị sự hội nghị lãnh đạo G7 lần này, trong đó nhấn mạnh "tình hình châu Á – Thái Bình Dương" và sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc sẽ được các nhà lãnh đạo thảo luận.

Nhật cũng đã mời lãnh đạo của một số quốc gia không thuộc G7 đến tham dự hội nghị, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Lào, Bangladesh và Sri Lanka.

Mặt trận kinh tế

Ngoài những tranh chấp chủ quyền trên biển, các vấn đề của kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ được các lãnh đạo G7 đem ra mổ xẻ trên bàn hội nghị. Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ phải hứng những lời chỉ trích mới về hoạt động sản xuất thép, khi nhiều nước trên thế giới, trong đó có Anh, đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc giảm lượng thép nước này sản xuất để cứu lấy ngành công nghiệp thép thế giới. Ngoài ra, việc đồng tiền Trung Quốc ngày càng giảm giá trị cũng sẽ là một chủ đề thảo luận trọng tâm.

Theo Noriyuki Kawamura, giáo sư nghiên cứu đối ngoại tại Đại học Nagoya, quan hệ Nhật – Trung đã trở nên xấu nhất trong nhiều thập kỷ qua, và những cuộc đàm phán cấp cao giữa hai bên vẫn chưa được nối lại trong bối cảnh hai nước đang đối đầu căng thẳng vì tranh chấp nhóm đảo Senkaku.

"Trung Quốc sẽ vô cùng khó chịu nếu Nhật Bản tiên phong khơi mào cuộc thảo luận nhắm vào nước này. Quan hệ hai nước mới chỉ bắt đầu được cải thiện từ năm ngoái, và hội nghị này có thể sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực", giáo sư Kawamura nói.Song Guoyou, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nước Mỹ tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, cho rằng bất cứ nỗ lực nào của các lãnh đạo G7 nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc mà không có sự tham dự của nước này là "phản tác dụng".

cac lanh dao g7 trong cay tren dao kashiko, noi dien ra hoi nghi. anh: reuters

Các lãnh đạo G7 trồng cây trên đảo Kashiko, nơi diễn ra hội nghị. Ảnh: Reuters

"Trung Quốc ngày nay sẽ không cúi mình trước loại sức ép chính trị và ngoại giao này từ các nước khác, và những hành động như vậy chỉ tạo ra ngờ vực, khiến mối quan hệ ngày càng trở nên đối lập", Song nói.

Nếu bị các lãnh đạo G7 chỉ trích gay gắt, Trung Quốc có thể sẽ có những phản ứng tiêu cực, như coi tổ chức này chỉ là một thứ lỗi thời nhằm tìm cách loại bỏ họ - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – ra khỏi cuộc chơi. Bắc Kinh có thể cho rằng G20, tổ chức mà nước này tham gia và sẽ chủ trì một hội nghị vào tháng 9, mới là hợp thời.

"Trung Quốc coi G7 là một tàn tích của thế kỷ 20. Họ cho rằng chỉ có G20 mới có thể làm nên điều khác biệt trong các vấn đề quốc tế hiện nay. Đó chính là cách họ nhìn nhận", ông Kawamura nhấn mạnh.

 

Trí Dũng
Theo Vnexpress

Trở về

Bài cùng chuyên mục