tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 22-12-2015

  • Cập nhật : 22/12/2015

Tổng thống Mỹ sẽ họp với các lãnh đạo ASEAN vào tháng 2.2016

tong thong my barack obama va cac lanh dao asean tai thuong dinh dong a o kuala lumpur, malaysia ngay 22.11.2015 - anh: reuters

Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo ASEAN tại Thượng đỉnh Đông Á ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22.11.2015 - Ảnh: Reuters


Tổng thống Obama dự kiến kêu gọi ASEAN tăng cường hợp tác với Mỹ và yêu cầu thêm các quốc gia ASEAN tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), trang tin Nikkei Asian Review (Nhật Bản) ngày 21.12 dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ.
Trong khi đó, ông Obama vừa có cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN hồi cuối tháng 11.2015, tại Thượng đỉnh Đông Á tổ chức ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.
“Đây là một điều bất thường khi Tổng thống Mỹ muốn có thêm một cuộc họp khác quá sớm”, theo Nikkei Asian Review.
Vị quan chức cấp cao Mỹ cho hay Nhà Trắng đang cân nhắc về việc tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với cách lãnh đạo ASEAN tại Sunnylands (bang California), nơi ông Obama từng tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2013.
Theo nhận định của Nikkei Asian Review, các quốc gia ASEAN vẫn còn chia rẽ về vấn đề quan hệ với Trung Quốc. “Tại Thượng đỉnh Đông Á, nhiều nước ASEAN chỉ trích Bắc Kinh xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Nhưng Campuchia và Myanmar, thường được cho là thân với Trung Quốc, không dám lên tiếng chỉ trích”,Nikkei Asian Review cho hay.
Các nhà phân tích nhận định Tổng thống Obama xem TPP là nền tảng để mở rộng hợp tác Mỹ - ASEAN. Nikkei Asian Review nhận định Mỹ nỗ lực xây dựng “một mặt trận đoàn kết” ở châu Á để chống lại mưu đồ kiểm soát toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. 
Đến nay, chỉ có 4 quốc gia thành viên ASEAN là Singapore, Malaysia, Việt Nam và Brunei tham gia TPP. Indonesia, Philippines và Thái Lan cũng bày tỏ mong muốn gia nhập TPP. Sau 7 năm đàm phán, Mỹ và 11 quốc gia trong đó có Việt Nam đạt được thỏa thuận TPP. TPP được xem là một trong các thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử nhân loại, giúp giảm thuế xuất nhập khẩu, cũng như bãi bỏ các rào cản bảo hộ thương mại tại 12 quốc gia thành viên. Các quốc gia này hiện chiếm đến 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu. TPP cũng được cho là giúp ông Obama củng cố chiến lược tái cân bằng hay “xoay trục” sang châu Á.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama (đảng Dân chủ) chưa thật sự giành được chiến thắng với TPP, bởi TPP có nguy cơ bị Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát bỏ phiếu phủ quyết.
Bên cạnh đó, một số nhà làm luật Mỹ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại TPP sẽ làm mất đi nhiều công ăn việc làm của người dân Mỹ. Ông Obama sẽ phải thuyết phục Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua một dự luật để TPP chính thức có hiệu lực.
Các nhà phân tích cho rằng việc Quốc hội Mỹ bỏ phiếu khó có thể diễn ra trước cuộc bầu cử năm 2016.(TN)

Khủng bố đe dọa Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 20-12 gửi điện chúc mừng tất cả các nhân viên đã và đang làm việc cho các cơ quan an ninh Nga nhân ngày kỷ niệm dành riêng cho họ, đồng thời ngỏ lời cảm ơn vì sự lao động trung thực và siêng năng cũng như tinh thần trách nhiệm của họ.

hon 30 am muu khung bo bi dap tan o nga trong nam 2015 anh: sputnik

Hơn 30 âm mưu khủng bố bị đập tan ở Nga trong năm 2015 Ảnh: Sputnik

“Chúng ta trân trọng những con người dũng cảm, có tinh thần mạnh mẽ và thực sự chuyên nghiệp. Đối với họ, phục vụ tổ quốc đã trở thành thiên hướng và công việc của cả cuộc đời” - bức điện viết. Ngoài ra, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng hoạt động của nhân viên các cơ quan an ninh có tác động trực tiếp đến sự bảo đảm chủ quyền nước Nga, bảo vệ lợi ích quốc gia và sự an toàn của công dân, cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, chủ nghĩa cực đoan, tham nhũng và các mối đe dọa khác.

Trước đó một ngày, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm nhân ngày Nhân viên an ninh Nga, ông Putin cho biết nhân viên tình báo một loạt quốc gia đang gia tăng hoạt động ở nước này nhưng bày tỏ sự tin tưởng rằng các nhân viên an ninh Nga sẵn sàng đáp trả thích đáng thách thức này. Bằng chứng là, theo nhà lãnh đạo Nga, cơ quan phản gián phát hiện hơn 320 điệp viên, gián điệp nước ngoài, trong đó có không ít người đối mặt công lý.

Chẳng hạn như tòa án khu vực Moscow hôm 15-12 đã kết án 11 năm tù giam đối với Valentin Vygovsky, công dân Ukraine, về tội mua chuộc các chuyên gia lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Nga bán thông tin bí mật.

Không dừng lại ở những nhiệm vụ trên, ông chủ Điện Kremlin còn yêu cầu các cơ quan an ninh quốc gia và kiểm soát quân sự phải phối hợp hành động để tăng cường khả năng của lực lượng vũ trang Nga. “Tôi cũng trân trọng những hành động đầy hiệu quả của các bạn theo hướng bảo vệ biên giới quốc gia, đương đầu với tham nhũng, tội phạm trong lĩnh vực kinh tế” - hãng tin RIA Novosti trích phát biểu của Tổng thống Putin.

Đề cập về chiến dịch quân sự ở Syria, Tổng thống Putin khẳng định các lực lượng vũ trang Nga chưa sử dụng hết năng lực của mình ở Syria và Moscow sẵn sàng sử dụng những phương tiện quân sự tốt hơn khi cần.

“Chúng ta nhận thấy các phi công, nhân viên tình báo của chúng ta hoạt động hiệu quả, phối hợp hành động hiệu quả ở Syria; các binh chủng bộ binh, hải quân và không quân đang sử dụng vũ khí hiện đại của mình. Tôi muốn lưu ý rằng đó hoàn toàn không phải là tất cả khả năng của chúng ta. Chúng ta không sử dụng tất cả những gì chúng ta có ở đó” - Tổng thống Putin quả quyết.

Thêm vào đó, Tổng thống Nga thừa nhận tình hình thế giới hiện nay không hề đơn giản. Tình trạng căng thẳng đang tăng lên ở khu vực Cận Đông cũng như ở một loạt khu vực khác trên thế giới. Theo ông, bọn khủng bố đã tuyên chiến với thế giới văn minh, với toàn thể cộng đồng thế giới. Hành động và kế hoạch của bọn khủng bố cũng đang đe dọa trực tiếp đến đất nước Nga.

Tuy nhiên, theo ông, âm mưu của các tổ chức khủng bố và quá khích đã bị ngăn chặn trên lãnh thổ Liên bang Nga. Cụ thể, Cơ quan An ninh liên bang (FSB) trong năm 2015 đã đập tan hơn 30 âm mưu khủng bố.


Chủ doanh nghiệp phần mềm lập đảng đối lập ở Hàn Quốc

ong ahn cheol-soo - anh: reuters

Ông Ahn Cheol-soo - Ảnh: Reuters


Chính trị gia kiêm nhà sáng lập công ty phần mềm diệt virus, ông Ahn Cheol-soo sẽ thành lập một đảng mới vào đầu năm 2016 để tham gia bầu cử quốc hội trong tháng 4.

“Tôi dự định sẽ trình bày một kế hoạch thành lập đảng mới vào đầu tháng Hai, trước Tết âm lịch”, hãng thông tấn Yonhap trích dẫn phát biểu của ông Cheol-soo tại Quốc hội Hàn Quốc.

Theo RIA Novosti ngày 21.12, từ năm 2014, Ahn Cheol-soo là người sáng lập kiêm chủ tịch đảng Tân Liên minh chính trị vì dân chủ, tổ chức đối lập chính tại Hàn Quốc, chủ trương đẩy mạnh dân chủ hóa. Đầu tháng 12 năm nay, ông tuyên bố rút khỏi đảng vì những bất đồng căng thẳng với Moon Jae Ying, một nhà lãnh đạo khác của đảng này.

Theo ông Ahn Cheol-soo, trong đảng mới, ông sẽ tập trung kiến lập một đường lối chính sách mới để cải thiện cuộc sống của người dân. Có nhiều chính trị gia cũng từ bỏ đảng Tân Liên minh để cùng ông lập đảng mới.

Tại Hàn Quốc, Ahn Cheol-soo được biết đến như người sáng lập Ahnlab, công ty lớn nhất nước chuyên sản xuất các chương trình diệt virus máy tính. Ông cùng Moon Jae Ying và chính trị gia Kim Han Gil thành lập đảng Tân Liên minh chính trị vì dân chủ thông qua việc sáp nhập các lực lượng đối lập.

Hiện nay có ba đảng phái chính trị lớn nhất tại Hàn Quốc là Saenuri (Tân thế giới, đảng cầm quyền), đảng Tân Liên minh chính trị vì dân chủ và đảng Công lý, cũng thuộc phái đối lập.


Nga sẽ bắn máy bay Mỹ nếu tiếp cận phi cơ chở ông Assad

Máy bay chở Tổng thống Syria Bashar al-Assad "sẽ được 4 chiến đấu cơ Nga hộ tống" trong chuyến thăm Iran sắp tới, nhật báo Al-Diyar (Lebanon) đưa tin hôm 20-12.

Chiến đấu cơ Nga sẽ đi cùng chuyên cơ của Tổng thống Assad tới Iran và cả trên đường quay về. Nhà lãnh đạo Syria sẽ tới Tehran thông qua không phận Iraq, tờ Al-Diyar cho biết. Một nguồn tin hôm 18-12 tiết lộ ông Assad dự kiến thăm Iran vào cuối tháng 12-2015, đầu tháng 1-2016 và chi tiết sẽ được thông báo sau.

Nga cũng gửi cảnh báo tới Bộ chỉ huy Không quân của liên minh do Mỹ dẫn đầu tại Iraq và Syria, đề nghị máy bay của liên quân không tiếp cận máy bay của ông Assad bởi máy bay Nga có quyền khai hỏa.

nga se dieu 4 may bay chien dau ho tong tong thong assad toi iran. anh: orient news

Nga sẽ điều 4 máy bay chiến đấu hộ tống Tổng thống Assad tới Iran. Ảnh: Orient News

“Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của nhà lãnh đạo Syria trong vòng 4 năm qua. Hôm 20-10 trước đó, ông Assad đến Moscow” – nguồn tin nói. Thông tin về chuyến thăm Nga chỉ được tiết lộ sau khi ông Assad về nước.

Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về chiến dịch quân sự của không quân Nga và quân đội Syria. Đồng thời, ông Assad cũng gửi lời cảm ơn người đồng cấp Nga Vladimir Putin vì đã mở chiến dịch không kích giúp Damascus chống khủng bố từ ngày 30-9.

Cùng với Nga, Iran là một trong các đồng minh quan trọng luôn ủng hộ Syria trong cuộc chiến chống lại các nhóm nổi dậy trong nước. Chuyến thăm của Tổng thống Assad tới Tehran diễn ra sau những chiến thắng gần đây của Damascus trước phong trào Hồi giáo cực đoan Takfiri.

Chính quyền ông Assad dần tự tin trở lại khi 2 đồng minh đồng loạt tái xuất hiện đầy ấn tượng ở Trung Đông trong năm 2015.

Sau nhiều thập kỷ hỗ trợ tài chính và khí tài quân sự, cuối tháng 9 qua, Nga chính thức mở chiến dịch không kích ở Syria. Tương tự, Iran cũng có cú lội ngược dòng ngoạn mục sau nhiều năm bị cô lập và trừng phạt: Trở lại là cường quốc khu vực với 1 ghế tại các cuộc hội đàm về hòa bình Syria.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vẫn chưa rõ sự "đầu tư" của Nga và Iran sẽ mang lại cho họ vị trí dẫn đầu hay sa lầy tại chảo lửa Trung Đông. Mất ảnh hưởng tại Syria đồng nghĩa với việc Moscow sẽ rơi xuống thế "cường quốc hạng 2".


Châu Á trước mối lo về mầm hoạ IS

Ngày 20.12 vừa qua, cảnh sát chống khủng bố Indonesia đã bắt giữ 9 người tình nghi đang lên kế hoạch tấn công khủng bố. Người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia Indonesia, ông Badrodin Haiti, khẳng định có những thành phần trong số này là thành viên của IS và một số khác muốn theo IS.

Đây là một trong những trường hợp mới nhất gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc IS, một trong những mục tiêu bị tấn công nhiều nhất hiện nay, có thể tạo ra cơn ác mộng cho châu Á.

“Ngòi nổ” ở Malaysia và Indonesia

Ngày 15.11, tức chỉ 2 ngày sau vụ tấn công liên hoàn làm chết 130 người tại Paris (Pháp) mà IS nhận trách nhiệm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia, ông Nur Jazlan Mohamed đã lên tiếng cảnh báo về việc tổ chức này đang muốn lập chi nhánh ở Đông Nam Á.

Trong cuộc thảo luận về an ninh quốc gia và mối đe dọa từ IS tại Kuala Lumpur hôm 12.12, Bộ trưởng Giao thông Malaysia, ông Liow Tiong Lai tiết lộ rằng có khoảng 50.000 người ủng hộ IS tại nước này.
indonesia tang cuong an ninh dac biet trong dip giang sinh va tet duong lich sap toi vi lo ngai khung bo - anh: reuters

Indonesia tăng cường an ninh đặc biệt trong dịp Giáng sinh và Tết dương lịch sắp tới vì lo ngại khủng bố - Ảnh: Reuters

Tương tự, vụ bắt 9 người vừa qua không phải lần đầu tiên Indonesia đối mặt với các kế hoạch khủng bố và trong đó có dính dáng tới IS. Mối lo về IS đặc biệt nghiêm trọng tại Indonesia, vì nước này có người theo đạo Hồi đông nhất thế giới.

Từ cách đây 15 năm, cả 3 nước Malaysia, Indonesia và Singapore đều phải đối đầu với mạng lưới khủng bố Jemaah Islamiah, và nhiều kẻ trong số này đã cố gắng bay đến Thổ Nhĩ Kỳ, tiến sĩ Zachary Abuza, chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á nói với Thanh Niên.

Theo thống kê do tờ Straits Times (Singapore) đưa ra hôm 15.11, khu vực Đông Nam Á có sự hiện diện của ít nhất 6 tổ chức khủng bố cực đoan gồm: Tanzim Al-Qaeda, Kumpulan Mujahidin Malaysia, Jemaah Islamiah, Darul Islam Sabah, New People’s Army và Aby Sayyaf.

Những con sóng ngầm

Ngày 16.11, trong một bài phỏng vấn trên báo Úc The Australian, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định IS đang muốn thành lập một “tỉnh” thuộc “Đế chế Hồi giáo” tại Đông Nam Á. Dù đây có vẻ là mơ ước viễn vông của IS xét về nhiều yếu tố, nhưng thực tế về khả năng bành trướng của IS tại Đông Nam Á là có thật.

Tính đến nay, cảnh sát các nước Singapore, Malaysia và Indonesia đều nhiều lần bắt được các nghi phạm trước khi nhóm này thực hiện các kế hoạch khủng bố, ám sát...
dong nam a khong muon tro thanh noi de is banh truong - anh: reuters

Đông Nam Á không muốn trở thành nơi để IS bành trướng - Ảnh: Reuters

Do mối liên hệ của IS với Đông Nam Á tương đối lỏng lẻo, có thể nói hiện nay tình hình hoạt động của tổ chức cực đoan này đang ở mức nhỏ lẻ và chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền, chiêu dụ, bên cạnh các cuộc sáp nhập.

Về mặt tuyên truyền, công cụ nguy hiểm nhất hiện nay là internet, vì châu Á là nơi có sự phát triển đáng kể và an ninh mạng chưa cao. Hôm 2.12, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia, ông Ahmad Zahid Hamidi cho biết nước này đang đẩy mạnh các chiến dịch thắt chặt an ninh mạng nhằm kiểm soát ảnh hưởng từ chủ nghĩa khủng bố.

An ninh mạng và tình báo là các biện pháp khẩn trương để ngăn chặn việc người dân Malaysia cũng như Singapore và Indonesia lên đường gia nhập IS ở các nước Trung Đông và trở thành mầm họa.

Thứ hai, một số nhóm khủng bố tồn tại lâu nay ở Đông Nam Á cũng có dấu hiệu sẽ giúp IS lớn mạnh bằng cách liên kết với họ. Trong năm 2014, các nhóm như Abu Sayyaf ở Philippines hay Mujahideen ở đông Indonesia cũng đã thề trung thành với IS. Đây là cách thức bành trướng của IS mà người ta đã từng chứng kiến với tổ chức Boko Haram (ở Nigeria).

Ngoài ra, có thể thấy cả Trung Quốc cũng đã xuất hiện mối lo về IS ngày càng lớn, chủ yếu xuất phát từ người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương. Trong vài tháng gần đây, cũng có nhiều thông tin về việc Trung Quốc gửi cố vấn quân sự sang giúp Nga tiêu diệt IS tại Syria, và thậm chí là mong muốn gửi quân đến khu vực đang có sự hiện diện của IS.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục