tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 18-02-2016

  • Cập nhật : 18/02/2016

Đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm, TQ “thổi bùng căng thẳng Biển Đông”

 Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin lên án việc Trung Quốc đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam “sẽ thổi bùng căng thẳng trên biển Đông”.

hinh anh chup tu ve tinh cho thay ten lua trung quoc tren dao phu lam - anh: fox news

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tên lửa Trung Quốc trên đảo Phú Lâm - Ảnh: Fox News

Ngày 17-2, đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Mỹ, chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa biển Đông khi triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo Reuters, trong cuộc họp báo ở Tokyo (Nhật), đô đốc Harris mô tả hành vi này là sự quân sự hóa biển Đông theo cách mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết là sẽ không thực hiện. “Đây rõ ràng là hành vi quân sự hóa” - ông Harris nhấn mạnh.

Sau hãng tin Mỹ Fox News, chính quyền Đài Loan cũng xác nhận đã phát hiện quân đội Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm.

Fox News mô tả đây là hai hệ thống tên lửa HQ-9 có tầm bắn khoảng 200 km, đe dọa tất cả các loại máy bay quân sự và dân sự.

Đại diện Đài Loan kêu gọi: "Các bên có liên quan cần hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông, kiềm chế không thực hiện các hành vi đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng". 

Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang ngược tuyên bố nước này “triển khai vũ khí quốc phòng cần thiết trên lãnh thổ đất nước”.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin lên án việc đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm “sẽ thổi bùng căng thẳng trên biển Đông”.

Báo New York Times dẫn lời nhà phân tích Thomas Berger của ĐH Boston nhận định với hành động này, Trung Quốc chủ trương khiêu khích Việt Nam và Philippines. Chuyên gia Mira Rapp-Hooper thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới cho rằng đây là động thái phản ứng của Trung Quốc đối với các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ trên biển Đông.

Báo Guardian dẫn lời một số nhà quan sát bình luận nhiều khả năng Trung Quốc cũng muốn thử phản ứng của cộng đồng quốc tế để chuẩn bị cho bước quân sự hóa các đảo nhân tạo bất hợp pháp trên biển Đông, thậm chí lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại vùng biển Đông Nam Á. 

Chuyên gia Euan Graham của Viện Lowy (Úc) đánh giá việc Trung Quốc đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm cùng thời điểm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN diễn ra ở California cho thấy Bắc Kinh muốn cảnh báo các nhà lãnh đạo ASEAN không nên quá thân cận với Mỹ. 

Đó cũng là chiêu thử tâm lý Ngoại trưởng Úc Julie Bishop khi bà đến Bắc Kinh gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay. Trước đó Úc từng nhiều lần phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên biển Đông. 

Hồi tháng 10-2015, bà Bishop từng tuyên bố Úc và Mỹ sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải thực hiện cam kết của ông Tập Cận Bình là không quân sự hóa biển Đông. Dự báo cuộc công du Trung Quốc của bà Bishop sẽ rất căng thẳng. 

Tuy nhiên động thái của Trung Quốc sẽ khiến các quan chức Mỹ, đặc biệt trong Bộ Quốc phòng, cảm thấy cần phải cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Chuyên gia quân sự Edward Luttwak ở Maryland khẳng định chắc chắn quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thách thức Trung Quốc bằng cách triển khai tàu chiến tới tuần tra trên biển Đông. 


Ông Obama kêu gọi ngừng xây đảo nhân tạo và quân sự hóa biển Đông

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Sunnylands, California, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi ngừng bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa biển Đông.

ong obama phat bieu trong cuoc hop bao - anh: reuters

Ông Obama phát biểu trong cuộc họp báo - Ảnh: Reuters

Theo AFP, trong cuộc họp báo sáng nay 17-2 (giờ VN), ông Obama cho biết ông và các nhà lãnh đạo ASEAN đã “thảo luận những bước cụ thể để hạ nhiệt căng thẳng trên biển Đông, bao gồm ngừng bồi lấn, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các khu vực tranh chấp”.

Ông Obama cho biết các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết đối với “một trật tự khu vực nơi các quy định và thông lệ quốc tế, quyền lợi của tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, đều được tôn trọng”. “Việc ASEAN lên tiếng một cách rõ ràng và thống nhất sẽ giúp thúc đẩy an ninh, cơ hội và phẩm giá con người“ - ông Obama mô tả.

Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh: “Tự do hàng hải phải được tôn trọng, và thương mại hợp pháp không thể bị cản trở. Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, và chúng tôi ủng hộ quyền tương tự của tất cả các nước”.

Ông Obama cam kết nước Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á tăng cường năng lực bảo vệ an ninh hàng hải.

Trong tuyên bố chung của hội nghị, các nhà lãnh đạo Mỹ và Đông Nam Á tái khẳng định nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự bình đẳng và độc lập chính trị của mọi quốc gia theo luật pháp quốc tế.

Mỹ và ASEAN kêu gọi cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cam kết đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, đảm bảo an ninh hàng hải, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp với Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).

Ông Obama cũng công bố các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế Đông Nam Á, theo đó Mỹ sẽ thành lập ba văn phòng kinh tế ở Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan) và Singapore nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế với các tổ chức của ASEAN.

Tổng thống Mỹ khẳng định hội nghị là thông điệp với khu vực rằng nước Mỹ sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường sự hiện diện tại châu Á.

“Tôi tin rằng dù tổng thống mới của nước Mỹ là ai thì cũng sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ dựa trên nền tảng chúng ta đã thành lập, bởi sự ủng hộ của cả hai đảng dành cho vai trò của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương là rất mạnh mẽ” - ông Obama cho biết.   


Trung Quốc di dời 10.000 dân để "săn" người ngoài hành tinh

Kế hoạch di dời dân này nhằm phục vụ cho việc vận hành kính viễn vọng radio lớn nhất thế giới - thiết bị hứa hẹn sẽ giúp tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.

dai thien van fast cua trung quoc dang duoc xay voi chi phi 1,2 ti nhan dan te - anh: epa

Đài thiên văn FAST của Trung Quốc đang được xây với chi phí 1,2 tỉ nhân dân tệ - Ảnh: EPA

Theo báo chí nhà nước Trung Quốc ngày 16-2, kính viễn vọng FAST 500m được đặt trên các ngọn đồi tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc, và dự kiến bắt đầu hoạt động trong năm nay.

Khu vực xây FAST tương đối xa xôi và nghèo nàn. Tân Hoa Xã cho biết nơi đây được chọn do không có thị trấn lớn gần đó.

Chính quyền tỉnh cam kết sẽ di dời và tái định cư 9.110 cư dân sinh sống trong phạm vi 5km tính từ FAST từ nay đến tháng 9. Người dân sẽ được bồi thường 12.000 nhân dân tệ và hỗ trợ nhà ở.

FAST được xây với kinh phí 1,2 tỉ nhân dân tệ, sẽ là kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới khi hoàn thành với đường kính 500m. "Ngôi vị" này hiện thuộc về Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico với đường kính 300m.

Wu Xiangping, tổng giám đốc Hiệp hội thiên văn Trung Quốc, nói độ cao của kính viễn vọng này "sẽ giúp chúng ta tìm kiếm sự sống thông minh bên dải ngân hà".

Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư cho thiên văn học, Bắc Kinh đang thúc đẩy chương trình thám hiểm không gian nhiều tỉ USD, trong đó có kế hoạch xây một trạm không gian vào năm 2020 và đưa tàu thăm dò có người lái lên Mặt trăng.


Ngoại trưởng Úc đến Bắc Kinh sau khi chỉ trích Trung Quốc vụ Biển Đông

Báo Sydney Morning Herald đưa tin Ngoại trưởng Julie Bishop khuya 16-2 đã đến Bắc Kinh để gặp gỡ các quan chức cấp cao Trung Quốc trong cuộc đối thoại quốc tế và chiến lược thường niên.

ngoai truong uc julie bishop va thu tuong nhat shinzo abe  tai tokyo ngay 16-2 (anh: ap)

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe  tại Tokyo ngày 16-2 (Ảnh: AP)

Theo báo Úc, bà Julie Bishop đã tuyên bố trong chuyến thăm Tokyo trước đó rằng bà sẽ yêu cầu người đồng cấp Vương Nghị làm rõ việc Trung Quốc dự định sử dụng các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép trong vùng biển có tranh chấp như thế nào.

Tại Tokyo, Ngoại trưởng Bishop nói Úc không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nhưng sẽ chờ đợi kết quả vụ kiện của Philippines từ Tòa trọng tài thường trực The Hague.

“Chúng tôi công nhận quyền của Philippines giải quyết vấn đề thông qua Tòa trọng tài thường trực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không dùng ép buộc hay đe dọa”, bà Bishop nói.

Trước cuộc đối thoại quốc tế và chiến lược thường niên giữa Ngoại trưởng Bishop và người đồng cấp Vương Nghị, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã “ra đòn” trước nhắm vào các phát ngôn của bà tại cuộc họp báo ngày 16-2.

Người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố Trung Quốc “không bao giờ” chấp nhận hành động “đơn phương” kiện ra tòa trọng tài quốc tế của Philippines và cho rằng điều này trái với luật quốc tế.

Tờ Sydney Morning Herald bình luận mối quan hệ an ninh và chiến lược sâu sắc giữa Úc và Nhật Bản cũng góp phần làm không khí cuộc gặp tại Bắc Kinh thêm căng thẳng.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cùng Ngoại trưởng Fumio Kishida trước đó đã bàn bạc với bà Bishop về việc làm cách nào ngăn chặn hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Họ cũng đồng ý với nhau Bắc Kinh nên dùng ảnh hưởng của mình để ngăn hành động khiêu khích của Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa gần đây.


Rơi trực thăng quân sự Iraq, 9 người chết

Theo các quan chức an ninh Iraq, chiếc Mi-17 do Nga sản xuất bị rơi khi đang bay từ căn cứ quân sự ở Basra, miền nam Iraq, tới đông nam thủ đô Baghdad.

nhung nam gan day iraq bi mat nhieu truc thang do tai nan hoac bi phien quan ban ha - anh: afp

Những năm gần đây Iraq bị mất nhiều trực thăng do tai nạn hoặc bị phiến quân bắn hạ - Ảnh: AFP

Tai nạn xảy ra hôm nay 16-2. Một phát ngôn viên an ninh cho biết chiếc trực thăng rơi xuống khu vực phía nam Baghdad do "trục trặc kỹ thuật". 9 người trên trực thăng được xác nhận đã thiệt mạng, trong đó có 2 sĩ quan và 7 hạ sĩ quan. 

Theo chuẩn tướng Yahya Rasool, chiếc Mi-17 này vốn dành để chuyên chở nhưng cũng có thể được trang bị vũ khí. Nó gặp nạn khi đang trên đường từ thành phố miền nam Basra tới thành phố Kut, đông nam Baghdad. Hiện chưa có thêm thông tin chi tiết.

Những năm gần đây, Iraq bị mất nhiều máy bay trực thăng do tai nạn và bị phiến quân bắn hạ.

Hồi tháng 10-2014, phiến quân đã bắn hạ một chiếc Bell 407 ở phía bắc Baghdad, giết chết 2 thành viên phi hành đoàn, chỉ 5 ngày sau khi một chiếc Mi-35 bị bắn rơi ở cùng khu vực.

Tháng 8-2014, một trực thăng khác bị rơi sau khi đi phát hàng cứu trợ cho người dân ở khu vực bị phiến quân IS chiếm đóng ở núi Sinjar, làm phi công thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, trong đó có 1 nghị sĩ...


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục