tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 16-02-2016

  • Cập nhật : 16/02/2016

Úc sẽ chất vấn Trung Quốc vấn đề biển Đông

Ngoại trưởng ÚC Julie Bishop muốn Trung Quốc đưa ra một "lời giải thích thấu đáo" về những dự án xây đảo nhân tạo phi pháp hàng loạt của nước này trên Biển Đông.

Theo tờ Sydney Morning Herald, bà Bishop hôm 14-2 bắt đầu thực hiện chuyến thăm hai nước Nhật Bản và Trung Quốc. 

Bà Bishop cho biết bà dự định nhân chuyến thăm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lần này, sẽ thúc giục Trung Quốc mạnh tay hơn nữa nhằm gia tăng sức ép lên Triều Tiên sau khi nước này tiến hành phóng tên lửa tầm xa, bất chấp cảnh báo của quốc tế hôm 7-2.

 ngoai truong uc julie bishop (nguon: sydney morning herald)

 Ngoại trưởng ÚC Julie Bishop (Nguồn: Sydney Morning Herald)

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Úc nhấn mạnh rằng bà sẽ yêu cầu người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đưa ra lời giải thích về mục đích sử dụng những công trình trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.

"Tôi sẽ tập trung vào các vấn đề như Trung Quốc có kế hoạch làm gì với những công trình ở đó, chúng ta sẽ được thấy gì từ những ngọn hải đăng cùng các cơ sở trên đó", bà Bishop cho hay.

Bà Bishop nói rằng bà muốn đẩy những câu hỏi này đi xa hơn nếu có thể.

Theo bà Bishop, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du Mỹ hồi năm ngoái khẳng định nước này không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. 

Ông Vương Nghị cũng từng nói đường băng và các công trình mà Trung Quốc xây dựng (trái phép) ở Biển Đông chủ yếu chỉ nhằm phục vụ các nhiệm vụ "nhân đạo". Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế nhận định có khả năng lớn là Bắc Kinh sẽ quân sự hóa chúng.

Tờ Sydney Morning Herald nhận định rằng bà Bishop trong những ngày tới sẽ có lịch trình dày đặc và căng thẳng trong chuyến thăm hai nước Nhật Bản và Trung Quốc mà bà gọi là “hai gã khổng lồ Bắc Á”.


Saudi Arabia triển khai máy bay đánh IS ở Syria

Các máy bay chiến đấu của Saudi Arabia (ảnh) đã đến căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường hoạt động chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Tướng Ahmed Asiri (Bộ Quốc phòng Saudi Arabia) đã xác nhận như trên vào đêm 13-2 (giờ địa phương) trên kênh truyền hình Al Arabiya.

Ông giải thích máy bay Saudi Arabia tại căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoạt động song song với chiến dịch thực hiện từ các căn cứ không quân ở Saudi Arabia. Ông nói Saudi Arabia triển khai máy bay nhằm gia tăng vai trò của Saudi Arabia trong liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ đứng đầu.

Về vấn đề mở chiến dịch hành quân trên bộ ở Syria, tướng Ahmed Asiri cho biết Saudi Arabia đang tiếp tục trao đổi với các nước trong liên minh. Ông khẳng định kế hoạch này phụ thuộc đa số nước trong liên minh nhất trí hay không chứ Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ không hợp tác đưa ra quyết định riêng.

 

Iran (đồng minh của Syria) đã lên tiếng phản ứng quyết định triển khai máy bay chiến đấu của Saudi Arabia. Phát biểu trên kênh truyền hình Al Alam, tướng Masoud Jazayeri, Phó tham mưu trưởng quân đội Iran, khẳng định Iran sẽ đưa ra quyết định cần thiết vào thời điểm thích hợp.

Ông khẳng định: “Chắc chắn chúng tôi sẽ không cho phép tình hình Syria diễn ra theo ý muốn của các nước phản nghịch”. Ông nói: “Hiện nay, với chiến thắng của quân đội Syria và các lực lượng nhân dân, họ muốn đưa quân đến Syria nhưng đó chỉ là trò lừa bịp và tâm lý chiến mà thôi”.

Trong khi đó, báo Le Soir (Thụy Sĩ) đưa tin ngày 14-2, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter thông báo Thụy Sĩ sẽ giữ vai trò đại diện lợi ích của Saudi Arabia tại Iran và đại diện lợi ích của Iran tại Saudi Arabia sau khi hai nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Quyết định trên được đưa ra sau chuyến thăm Saudi Arabia trong 24 giờ của Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter. Sáng 14-2, Ngoại trưởng Didier Burkhalter đã yết kiến quốc vương Salman bin Al Saud và hội đàm với người đồng cấp Saudi Arabia.


Triều Tiên lấy 70% thu nhập công nhân Kaesong để đầu tư vũ khí?

Hàn Quốc cáo buộc có 70% số tiền lương và chi phí cho các dự án công nghiệp Kaesong (Triều Tiên) đã được chuyển cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng và mua sắm hàng hóa xa xỉ cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Theo đó, 55.000 công nhân Triều Tiên tại khu phức hợp Kaesong không được trả đủ 160 USD như hàng tháng.
Hôm thứ Tư (10-2), Hàn Quốc đưa ra hình phạt cho việc phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên vào 7-2 bằng cách đình chỉ dự án, nói rằng sẽ không cho phép các quỹ tài trợ cho Kaesong bị đem sử dụng cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Triều Tiên gọi động thái này của Hàn Quốc là "tuyên chiến" và sa thải tất cả các công nhân Hàn Quốc vào 11-2 và đóng băng tài sản của các công ty Hàn Quốc.

"Tiền công cho công nhân của Triều Tiên và các chi phí khác bằng tiền đôla Mỹ được trả cho chính quyền", Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết hôm 14-2. 

 mot nhan vien bao ve han quoc dung canh gac tren mot con duong trong dan den khu cong nghiep kaesong (kic)

 Một nhân viên bảo vệ Hàn Quốc đứng canh gác trên một con đường trống dẫn đến Khu công nghiệp Kaesong (KIC)

Bộ cho biết sau đó tiền mặt được lưu giữ và quản lý tại văn phòng của Đảng Lao động cầm quyền 39 và các cơ quan khác của Triều Tiên. Ngoài ra, Bộ cũng đã xác nhận được sự di chuyển của tiền tệ thông qua nhiều nguồn khác nhau nhưng không xác định chúng.
Nhiều người tin rằng văn phòng 39 tồn tại để vung tiền cho lối sống xa hoa của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Văn phòng cũng được cho là một phần của các cơ quan Triều Tiên đã tài trợ cho tên lửa và chương trình hạt nhân của nước này.
Chính phủ Hàn Quốc và các công ty khác đã đầu tư khoảng 1.000n tỉ won (829 triệu USD) ở Kaesong bao gồm 616 tỉ won tiền mặt kể từ khi bắt đầu dự án hơn một thập kỷ trước, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hong Yong-pyo cho biết hôm 10-2.
Công nhân Triều Tiên ở thành phố Kaesong làm việc cho 124 nhà sản xuất vừa và nhỏ hoạt động, khoảng 54 km về phía tây bắc của Seoul.
Mức lương tối thiểu cho công nhân Triều Tiên là khoảng 70 USD/tháng. Mặc dù các công ty có tiền thưởng và trả tiền nhiều gấp đôi nếu công nhân làm thêm giờ thì mức lương vẫn còn thấp so với mức lương ở Hàn Quốc.
Dự án Kaesong đi vào hoạt động sau cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của Hàn Quốc và Triều Tiên năm 2000, nơi các nhà lãnh đạo đã cam kết hòa giải và hợp tác. Đây được xem là biểu tượng cuối cùng còn sót lại của những nỗ lực trong quan hệ biến động Bắc-Nam những năm qua. 
Kaesong đã bị đóng cửa một lần trong năm tháng đầu năm 2013, trong bối cảnh căng thẳng tăng cao sau vụ thử hạt nhân thứ ba của Triều Tiên.

Thổ Nhĩ Kỳ quyết không tha người Kurd, Syria cầu cứu LHQ

Chính phủ Syria hôm 14-2 lên án hành động quân sự chống lại các chiến binh người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc nước này, đồng thời tố cáo đó là hành động vi phạm chủ quyền.

Damascus kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) gấp rút hành động sau khi Ankara ngày thứ hai liên tiếp nã pháo vào lực lượng người Kurd ở tỉnh miền Bắc Aleppo.

Trong bức thư gửi Tổng thư ký LHQ và Chủ tịch Hội đồng Bảo an, chính phủ Syria cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm chủ quyền lãnh thổ của mình bằng cách hỗ trợ các phần tử khủng bố vũ trang liên kết al-Qaeda và cảnh báo nước này có quyền đáp trả.

“Syria sẽ duy trì quyền hợp pháp để đối phó với những tội ác và các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời yêu cầu được bồi thường thiệt hại” – một đoạn trong thư viết.

tho nhi ky tan cong luc luong nguoi kurd o mien bac syria hom 14-2. anh: ap

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria hôm 14-2. Ảnh: AP

Bức thư cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép khoảng 100 tay súng (được cho là binh sĩ hoặc lính đánh thuê) vượt qua biên giới vào Syria.

Ngày 15-2, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz bác bỏ cáo buộc trên và tuyên bố không có kế hoạch triển khai quân đến Syria, theo hãng tin Anadolu. Trình bày trước quốc hội, ông Yilmaz cũng phủ nhận thông tin máy bay Ả Rập Saudi đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để chuẩn bị chống IS song tiết lộ Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Ả Rập Saudi đưa đến đây 4 chiếc F-16 trong tương lai.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria.

Ankara luôn xem Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và Đảng Công nhân người Kurk (PKK) là các tổ chức khủng bố cũng như lo ngại vũ khí được tuồn qua biên giới từ Syria đến tay lực lượng PKK.

Washington bác bỏ quan điểm cho rằng PYD là một tổ chức khủng bố và khẳng định họ là đồng minh đắc lực giúp chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Điều đó gây ra những rạn nứt giữa hai đồng minh NATO và cản trở các cuộc đàm phán hòa bình quốc tế.

 

Nga không kích quân nổi dậy gần TP Aleppo. Ảnh: AP
Nga không kích quân nổi dậy gần TP Aleppo. Ảnh: AP

 

Hôm 14-2, Nga thông báo Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama đã đồng ý trong một cuộc điện đàm rằng hai nước sẽ làm việc chặt chẽ hơn để thúc đẩy thỏa thuận ở TP Munich – Đức ngày 18-2 tới. Theo đó, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết đạt được thỏa thuận ngưng chiến ở Syria trong vòng 1 tuần.

Tuy nhiên, Nga nhấn mạnh “chấm dứt chiến sự ở Syria không áp dụng cho các cuộc không kích của nước này” – bắt đầu từ 30-9-2015 để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad. Một tuyên bố của Điện Kremlin cho biết Moscow vẫn chiến đấu chống lại IS và các tổ chức khủng bố khác.


IS nhận trách nhiệm vụ đánh bom xe ở Nga

Hai nhân viên cảnh sát thiệt mạng sau vụ đánh bom xe gần thị trấn Derbent, Cộng hòa Dagestan thuộc Nga hôm 15-2, truyền thông địa phương dẫn lời các nhân viên thực thi pháp luật cho biết.

Ban đầu, các quan chức an ninh đổ trách nhiệm cho một kẻ đánh bom tự sát đến từ một nhóm cực đoan địa phương.

Hãng tin RIA Novosti dẫn lời một nguồn tin an ninh ở Dagestan giấu tên nói: “Một kẻ khủng bố lái xe đã tự phát nổ cùng trái bom. Theo điều tra ban đầu, các chiến binh đến từ nhóm khủng bố phía Nam đứng sau vụ nổ”.

Tuy nhiiên, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau đó đã nhận trách nhiệm vụ việc trên mạng xã hội Twitter. Ngoài 2 nhân viên cảnh sát thiệt mạng, 18 cảnh sát và dân thường cũng bị thương trong vụ tấn công. Tổng cộng 4 chiếc xe đã bị phá hủy.

hien truong vu danh bom gan thi tran derbent, cong hoa dagestan. anh: rt

Hiện trường vụ đánh bom gần thị trấn Derbent, Cộng hòa Dagestan. Ảnh: RT

Dagestan có chung biên giới với Cộng hòa Chechnya, nơi Nga góp mặt trong 2 cuộc xung đột đẫm máu chống lại các chiến binh ly khai Hồi giáo trước khi giành lại quyền kiểm soát khu vực. Nơi này được xem là trung tâm Hồi giáo vũ trang ở Bắc Caucasus và một số nhóm chiến binh đã thề trung thành với IS.

Cũng trong ngày 15-2, ít nhất 2 người thiệt mạng và hơn 10 người bị thương trong một loạt các vụ nổ lựu đạn ở khu vực Ngagara ở thủ đô Bujumbura - Burundi.

Hãng tin Reuters cho biết hai trong số các vụ nổ xảy ra tại một ngôi chợ. Hai quả lựu đạn khác phát nổ ở trung tâm Bujumbura làm bị thương 11 người. Một vụ nổ khác xảy ra tại khu vực Buyenzi khiến ít nhất 3 người bị thương.

Thủ đô của Burundi chìm trong bạo lực từ tháng 4 năm ngoái khi tổng thống nước này tuyên bố ra tranh cử nhiệm kỳ ba. Theo Liên Hiệp Quốc, hàng trăm người đã thiệt mạng ở Bujumbura do các cuộc xung đột bạo lực.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục