tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 04-11-2015

  • Cập nhật : 04/11/2015

Hàn, Nhật, Mỹ đồng tình đảm bảo tự do hàng hải

Hôm qua, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, nhằm tăng cường quan hệ sau các căng thẳng thời gian qua.

Giới quan sát đánh giá cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo là một điểm cộng ngoại giao đối với ông Abe trong bối cảnh Mỹ muốn thúc đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản cải thiện quan hệ trước tình hình Trung Quốc ngày một cứng rắn và CHDCND Triều Tiên có những động thái khó đoán.

Tại cuộc gặp, theo Reuters, ông Abe cũng nêu ra vấn đề căng thẳng trên Biển Đông, nói rằng đây là việc quốc tế quan ngại và Tokyo muốn hợp tác với Seoul cũng như Washington để đảm bảo tự do hàng hải trên biển.

Cuộc gặp giữa ông Abe và bà Park diễn ra ngay sau hội nghị cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo này với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 1-11, nơi lãnh đạo ba nước nhất trí nối lại diễn đàn hằng năm nhằm hợp tác khu vực và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.

Tại cuộc gặp, ông Abe nói với bà Park rằng muốn hợp tác với Seoul để “xây dựng một tương lai mới cho quan hệ sắp tới giữa hai nước” và việc trao đổi thẳng thắn các quan điểm của hai nhà lãnh đạo là điều cần thiết.

Hôm qua, Hội nghị tham vấn an ninh thường niên Hàn Quốc - Mỹ lần thứ 47 do Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter đồng chủ trì tại thủ đô Seoul cũng đã diễn ra.

Theo Yonhap, hội nghị đã đạt được tuyên bố chung gồm 16 điểm, bao gồm các kế hoạch phối hợp tác chiến đối phó với những mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.

Hai bên khẳng định tiếp tục phát triển quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn vững mạnh; tiếp tục thúc đẩy hợp tác, trong đó có lĩnh vực vũ trụ; tăng cường hợp tác đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn, bao gồm chia sẻ thông tin tình báo quân sự...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter kêu gọi Hàn Quốc nhanh chóng gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời kêu gọi các bên liên quan không có thêm bất kỳ hành động nào nhằm quân sự hóa khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo cũng kêu gọi các bên liên quan phải đảm bảo tự do hàng không, hàng hải theo luật pháp quốc tế.


Xây dựng quy tắc ứng xử tình huống không mong muốn trên Biển Đông

Đó là một trong những kết quả nổi bật của Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 3.11.
hoi nghi admm ngay 3.11

Hội nghị ADMM ngày 3.11

Bên lề hội nghị, Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, trưởng đoàn quan chức cao cấp Việt Nam, chia sẻ với các phóng viên Việt Nam một số nội dung về an ninh khu vực mà các nước ASEAN đề cập tại ADMM.
Theo ông, hiện nay vấn đề nổi cộm là đang có sự kêu gọi tập hợp lực lượng tự nguyện sang Trung Đông để tham gia các nhóm khủng bố. Theo đánh giá của các bộ trưởng ASEAN, một số nước như Indonesia, Malaysia, Brunei hoặc Singapore có thể là “trạm trung chuyển” của người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc và một số nhóm khác để đi đến Trung Đông. Vì thế, các nước ASEAN đang đau đầu trước tình huống khi có xung đột lợi ích xảy ra, những nhóm người này có thể quay lại thực hiện các hoạt động khủng bố.
“Đặc biệt tại hội nghị, những tranh chấp trên Biển Đông được đề cập mạnh mẽ. Các nước ASEAN đều nhất trí là vấn đề an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông cần được đảm bảo”, Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng nói.
Trong phiên họp báo cuối ngày 3.11, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, Hishammuddin Hussein đã tổng kết một số kết quả quan trọng của hội nghị ADMM.
doan viet nam tai hoi nghi admm

Đoàn Việt Nam tại hội nghị ADMM

Theo đó, ASEAN đã thảo luận đề xuất của Philippines về việc thành lập Nhóm chuyên gia an ninh mạng theo cơ chế cộng (hợp tác với các nước đối tác). Bên cạnh đó, các bộ trưởng quốc phòng cũng tán thành đề xuất của Malaysia thành lập Lực lượng quân đội phản ứng nhanh hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ (HADR). Ngoài ra, các nước ASEAN đã ký kết Sáng kiến liên lạc trực tiếp (DCL) - đường dây nóng giữa bộ trưởng quốc phòng các nước để có thể nhanh chóng liên lạc khi có tình huống khẩn cấp hoặc khủng hoảng xảy ra trong khu vực.
“Đặc biệt tại hội nghị lần này, chúng tôi đã thảo luận về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử với các tình huống không mong muốn trên biển (CUES) dựa trên sự tương tác giữa quân đội các nước thành viên”, ông Hussein  nói.
Trả lời báo giới về vai trò của Mỹ trong sự củng cố ổn định của khu vực, ông Hussein cho biết Mỹ có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ sự ổn định và hoà bình của thế giới. "Tuy nhiên, chúng ta (ASEAN) cần nhìn vào những sự kiện đang xảy ra trên thế giới để cân nhắc liệu vai trò của họ có cần thiết cho chúng ta hay không, ngay cả sự can thiệp của Trung Quốc cũng vậy. Mọi thứ đang trở nên tồi tệ ở Ukraine, Yemen và Iraq. Nên vai trò của họ trong khu vực của chúng ta sẽ tuỳ thuộc vào hành động của họ trong những khu vực đó", ông Hussein nói.
Ngày mai 4.11, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) sẽ diễn ra với sự tham dự của Bộ trưởng các nước ASEAN và bộ trưởng 8 nước đối tác đối thoại: Mỹ, Nga, Úc, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật, Ấn Độ và Trung Quốc.

Tư lệnh Mỹ: Tuần tra ở Biển Đông không phải là mối đe dọa

Phát biểu tại Bắc Kinh ngày 3.11, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho biết Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và hoạt động này không là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào.
tu lenh ham doi thai binh duong cua my, do doc harry harris (trai) bat tay chu tich uy ban quan uy trung uong trung quoc phong phong huy tai thu do bac kinh, trung quoc ngay 3.11.2015 - anh: reuters

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris (trái) bắt tay Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phòng Phong Huy tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 3.11.2015 - Ảnh: Reuters

“Vùng biển và không phận quốc tế thuộc về tất cả mọi người và không phụ thuộc bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào”, ông Harris nói trong bài bài phát biểu tại Trung tâm Stanford ở Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 3.11, theo AFP.
“Quân đội chúng tôi sẽ tiếp tục điều tàu và máy bay tuần tra bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép. Biển Đông không phải và sẽ không là một ngoại lệ”, ông Harris cho biết thêm.
Phát biểu của ông Harris cho thấy Mỹ kiên quyết đảm bảo tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông, nơi Trung Quốc xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm mục đích quân sự, theo AFP.
Hồi tuần rồi, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen tuần tra sâu vào trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp ở Trường Sa, nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Sứ mạng tuần tra của tàu khu trục Mỹ USS Lassen vừa qua là một phần trong “những hoạt động đảm bảo tự do hàng hải và hàng không của Mỹ” nhằm ngăn chặn “những hành động làm xói mòn thông lệ và luật pháp quốc tế” và không nên bị xem là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào, ông Harris nói, đồng thời bác bỏ khả năng xảy ra giao tranh Mỹ - Trung ở Biển Đông.
“Chúng tôi tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở khắp nơi trên thế giới trong nhiều thập niên, vì thế không ai có thể ngạc nhiên vì những hoạt động này”, ông Harris nói.
Ông Harris còn nhấn mạnh “tuyên bố chủ quyền mơ hồ” của Trung Quốc, còn được gọi là “đường lưỡi bò”, là một thách thức đối với sự tự do hàng không và hàng hải.
Phản ứng trước phát biểu của ông Harris, cùng ngày 3.11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích hoạt động tuần tra của quân đội Mỹ ở Biển Đông “rõ ràng là hành động gây hấn”.
Washington kêu gọi Bắc Kinh ngừng quân sự hóa Biển Đông trong khi lại đưa tàu chiến đến là “âm mưu nhằm cướp đi quyền phòng vệ và chủ quyền quốc gia của Trung Quốc", bà Hoa Xuân Oánh, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong buổi họp báo ngày 3.11.

Mỹ, Nhật lập nhóm thống nhất chiến dịch quốc phòng

Washington và Tokyo ngày 3.11 lập nhóm thống nhất các hoạt động an ninh và ngoại giao của quân đội Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật trong thời bình lẫn các tình huống khẩn cấp.
binh si my va nhat trong mot cuoc tap tran chung - anh: reuters

Binh sĩ Mỹ và Nhật trong một cuộc tập trận chung - Ảnh: Reuters

Chẳng hạn, trong thời bình, nhóm có thể phản ứng nếu CHDCND Triều Tiên tiến hành thử tên lửa đạn đạo, theo một nguồn tin tiết lộ với Kyodo News. Nhóm phối hợp mới sẽ cung cấp thông tin trong mọi tình huống, cho phép hai bên đưa ra quyết định nhanh chóng và nhờ đó tăng cường liên minh quốc phòng.
Thành phần của Mỹ trong nhóm mới là những sĩ quan, quan chức thuộc Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và lực lượng Mỹ đóng tại Nhật. Còn phía Nhật có những sĩ quan, quan chức thuộc Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Lực lượng phòng vệ.
Đưa ra quyết định lập nhóm phối hợp trên là Ban hợp tác quốc phòng, với các thành viên là những quan chức quốc phòng và ngoại giao cấp cao của hai nước. Ban này còn nhất trí sửa đổi kế hoạch chung đưa ra những phản ứng quân sự cho các tình huống khẩn cấp cụ thể.
Tuy nhiên, những chi tiết về kế hoạch không được công khai. Kế hoạch chung được sửa đổi nhằm tận dụng luật an ninh mới lần đầu tiên cho phép Nhật đưa quân ra nước ngoài hỗ trợ các quốc gia đồng minh nếu những nước đó bị tấn công.

Al-Qaeda kêu gọi tấn công kiểu 'sói đơn độc' vào phương Tây

Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh mạng lưới khủng bố al-Qaeda, tiếp tục kêu gọi các phần tử khủng bố tiến hành những vụ tấn công kiểu 'sói đơn độc' ở các quốc gia phương Tây, nhất là Mỹ.
ayman al-zawahiri, thu linh mang luoi khung bo al-qaeda - anh: afp

Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh mạng lưới khủng bố al-Qaeda - Ảnh: AFP

Trùm khủng bố Zawahiri đưa ra tuyên bố trên trong đoạn video tung lên mạng xã hội Twitter, AFP ngày 3.11 dẫn lại báo cáo của tổ chức tình báo Mỹ SITE, chuyên theo dõi các hoạt động của khủng bố trên mạng.
SITE cho hay, đoạn video này được đăng trên Twitter vào hôm 1.11, chứ không phải trên các website của al-Qaeda.
“Đầu tiên là tấn công phương Tây và nhất là Mỹ ngay trong lòng nước Mỹ, và sau đó là tấn công lợi ích của họ ở khắp nơi”, Zawahiri nói.
Theo Zawahiri, tấn công kiểu "sói đơn độc" có thể lấy điển hình là vụ anh em nhà Tamerlan Tsarnaev và Dzokhar Tsarnaev dùng bom tự chế thực hiện vụ tấn công khủng bố ở giải marathon tại thành phố Boston (Mỹ) hồi năm 2013, khiến 3 người chết và 264 người bị thương.
Zawahiri còn ca ngợi những vụ tấn công do người Palestine tiến hành chống lại Israel ở Jerusalem và một số nơi khác ở Israel và khu Bờ Tây. “Những người ủng hộ Israel phải trả giá bằng máu và nền kinh tế của họ”, Zawahiri cho biết. Ông ta còn lặp lại lời kêu gọi các phần tử khủng bố ở khắp nơi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Bắc Phi hãy “đoàn kết”.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục