tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 11-11-2015

  • Cập nhật : 11/11/2015

Đảng đối lập Campuchia kêu gọi quốc tế giám sát ông Hun Sen

Lãnh đạo đảng đối lập ở Campuchia kêu gọi quốc tế giám sát Thủ tướng của nước này và cả cuộc bầu cử sắp tới trước mối lo ngại sự an toàn đối với đảng mình.
thu linh dang doi lap campuchia (trai) keu goi quoc te giam sat ong hun sen (phai) - anh: afp

Thủ lĩnh đảng đối lập Campuchia (trái) kêu gọi quốc tế giám sát ông Hun Sen (phải) - Ảnh: AFP

Lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) hôm nay 10.11 cho hay nhiều nghị sĩ của đảng này đang bị đe dọa nên lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế, giám sát hành động của Thủ tướng Hun Sen và cuộc bầu cử ở nước này, theo Reuters.
Hai nghị sĩ của CNRP bị hành hung trước tòa nhà quốc hội và Phó chủ tịch của đảng là ông Kem Sokha bị các nghị sĩ quốc hội chủ yếu của đảng cầm quyền bỏ phiếu truất quyền. CNRP cho rằng đang có sự trấn áp từ chính phủ của ông Hun Sen đối với các thành viên của đảng.
“Cần khẳng đình rằng bầu cử dân chủ cần phải được tổ chức theo đúng kế hoạch với sự giám sát của cộng đồng quốc tế”, ông Sam Rainsy, Chủ tịch CNRP nói với báo chí khi thăm Tokyo, Nhật cùng với ông Kem Sokha.
Tiếp lời ông Rainsy, Phó chủ tịch CNRP Kem Sokha nhấn mạnh rằng đang có cuộc đối đấu giữa 2 đảng và ông kêu gọi sự giám sát, theo dõi của quốc tế trước khi bầu cử diễn ra. Campuchia sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2018.
Chưa có phản ứng nào từ CPP cũng như Thủ tướng Hun Sen trước những cáo buộc của đảng đối lập.
Cuộc bầu cử hồi năm 2013 với chiến thắng của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) làm đảng đối lập thất vọng, cho rằng có gian lận trong bầu cử nên đã tẩy chay quốc hội. Hồi năm 2014, 2 đảng này đạt được thỏa thuận gọi là “trao đổi”, CPP đồng ý nhường cho người của CNRP làm phó chủ tịch quốc hội, đổi lại đảng đối lập phải chấm dứt tẩy chay kéo dài gần một năm.
Tháng 10.2015, CPP đã rút lại thỏa thuận đổi chác, phế truất chức phó chủ tịch của CNRP vì đảng này liên tục miệt thị chính phủ cầm quyền. Vụ truất quyền gây ra rạn nứt mới trong quan hệ giữa 2 đảng lớn và thường xuyên xung đột ở Campuchia này

Chính phủ quân sự Thái Lan hoan nghênh cuộc bầu cử Myanmar

Người đứng đầu chính phủ quân sự Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha ngày 10.11 đã gửi lời chúc mừng tới Myanmar nhân cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên ở Myanmar sau 25 năm, theo trang tin Khaosod English (Thái Lan).
tuong prayuth chan-ocha da gui loi chuc mung cuoc bau cu o myanmar - anh: reuters

Tướng Prayuth Chan-ocha đã gửi lời chúc mừng cuộc bầu cử ở Myanmar - Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Sek Wannamethee cho biết trong thông điệp gửi tới Tổng thống Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã hoan nghênh cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra tại Myanmar hôm 8.11, về tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao cũng như việc chính quyền Myanmar đã cho phép các quan sát viên Thái Lan giám sát cuộc bỏ phiếu này.
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng chính phủ Thái Lan có ý định hỗ trợ sự phát triển chính trị cũng như tiến trình hòa giải dân tộc ở Myanmar, đưa quốc gia này đi tới hòa bình, ổn định và phát triển”, ông Sek Wannamethee nói thêm.
Chính phủ quân sự Thái Lan cũng khẳng định Thái Lan sẵn sàng hợp tác với các bên ở Myanmar, trong đó có chính phủ mới sẽ được lập ra sau cuộc tổng tuyển cử này.
Chính phủ hiện nay tại Thái Lan do ông Prayuth Chan-ocha, tướng Quân đội Hoàng gia Thái Lan, đứng đầu. Theo lộ trình, quân đội Thái Lan cam kết sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 6.2017.

Rộ tin đồn Bí thư đảng Lao động Triều Tiên bị thanh trừng

Trong danh sách 170 quan chức tham dự lễ quốc tang của Nguyên soái Ri Ul-sol (Triều Tiên) vào ngày 11.11 không có tên ông Choe Ryong-Hae, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên làm dấy lên thông tin đồn đoán rằng ông đã bị thanh trừng, truyền thông Hàn Quốc ngày 10.11 cho hay.
ong choe ryong-hae (trai), uy vien thuong vu bo chinh tri, bi thu dang lao dong trieu tien, va nha lanh dao kim jong-un - anh: reuters

Ông Choe Ryong-Hae (trái), Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, và nhà lãnh đạo Kim Jong-un - Ảnh: Reuters

Danh sách các quan chức cấp cao dự lễ quốc tang Nguyên soái Ri Ul-sol vào ngày mai 11.11 không có tên của ông Choe. Ông Ri từ trần do bệnh ung thư phổi hồi cuối tuần rồi, theo tờ Korea Joongang Daily (Hàn Quốc) ngày 10.11.
“Điều đáng ngạc nhiên từ danh sách quan chức tham dự tang lễ công bố vào ngày 8.11 lại không có tên của ông Choe, từng được xem là cánh tay phải của lãnh đạo Kim Jong-un, dấy lên thông tin đồn đoán cho rằng ông có thể đã bị phế truất hoặc bị thanh trừng khỏi Đảng Lao động Triều Tiên”, theo Korea Joongang Daily.
Nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang thuộc Học viện Sejong (Hàn Quốc) cho biết ông Choe là con trai của một người lính từng chiến đấu cùng cố lãnh đạo Kim Nhật Thành trong cuộc kháng chiến chống Nhật.
Với lý lịch của mình, nếu ông Choe thật sự bị phế truất hay thanh trừng thì đây là một sự thay đổi lớn trong nội bộ chính quyền Triều Tiên.
Ông Choe không xuất hiện trong nhóm các quan chức hộ tống lãnh đạo Kim Jong-un khi ông Kim đến nhà tang lễ, nơi đặt linh cửu ông Ri tại thủ đô Bình Nhưỡng, vào ngày 8.11.
Trước đó, ông Choe từng được cử sang Bắc Kinh với tư cách đặc phái viên hồi tháng 9.2015 để tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2.
Sự vắng mặt của ông Choe cho thấy ông có thể bị trừng phạt vì nỗ lực bất thành trong việc hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh khi ông Lưu Vân Sơn, ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đến thăm Bình Nhưỡng vào ngày 10.10, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên.
“Danh sách quan chức cấp cao dự quốc tang là một tài liệu vô giá để theo dõi tình trạng hiện tại và những thay đổi trong nội bộ chính quyền Triều Tiên. Có khả năng tên những quan chức cấp cao nào không xuất hiện trong danh sách này đã bị sa thải hoặc bị thanh trừng”, ông Cheong nhận định.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Hyon Yong-chol bị xử bắn bằng súng phòng không vì tội không trung thành và thể hiện sự bất kính với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) tiết lộ hồi tháng 5.2015.
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) vào tháng 8.2015 loan tin Phó thủ tướng Triều Tiên, ông Choe Yong-gon bị xử bắn vì đã lên tiếng phản đối những chính sách của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trung Quốc âm thầm bắn thử tên lửa có thể diệt vệ tinh Mỹ

Trung Quốc gần đây bắn thử nghiệm một tên lửa mới có khả năng tiêu diệt các vệ tinh do thám của Mỹ.
cac ten lua lien luc dia trong mot cuoc duyet binh o thu do bac kinh, trung quoc hoi nam 2009 - anh: reuters

Các tên lửa liên lục địa trong một cuộc duyệt binh ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hồi năm 2009 - Ảnh: Reuters

Việc bắn thử nghiệm tên lửa Dong Neng-3 (DN-3) được tiến hành vào ngày 30.10 tại khu phức hợp thử nghiệm tên lửa ở thành phố Korla (khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc), trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ) ngày 9.11 dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin đây là cuộc thử nghiệm tên lửa phòng không. Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết đây là loại tên lửa có khả năng đánh chặn và tiêu diệt vệ tinh.
Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thông tin này. Về phía Trung Quốc, một người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết: “Tôi không nắm thông tin chi tiết về vụ thử tên lửa”.
“Trung Quốc ủng hộ sử dụng không gian vũ trụ trong hòa bình và phản đối quân sự hóa và chạy đua vũ khí không gian”, người phát ngôn này cho hay.
Trang tin Guancha.com của Trung Quốc ngày 1.11 đưa tin có những vệt khói bất thường trên bầu trời ở thành phố Korla, cho rằng đây là một vụ phóng tên lửa. “Trong những năm gần đây, những vệt khói tương tự xuất hiện nhiều lần ở Tân Cương”, theoGuancha. Tờ Minh báo của Hồng Kông ngày 4.11 cũng đưa thông tin tương tự.
Một bản báo cáo gần đây của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc cho biết Trung Quốc từng thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh vào các năm 2010, 2013 và 2014, nhưng Bắc kinh tuyên bố đây là thử nghiệm tên lửa phòng không.
“Mặc dù Trung Quốc gọi đó là những cuộc thử nghiệm tên lửa phòng không, nhưng có nhiều chứng cứ cho thấy đó là những cuộc thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh”, theo báo cáo.
Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc cảnh báo sau những đợt thử nghiệm, Trung Quốc sẽ triển khai tên lửa diệt vệ tinh sớm nhất là vào năm 2020. Kể từ năm 2005, Bắc Kinh đã tiến hành 7 cuộc thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh.
Hồi năm 2014, Trung Quốc cũng từng âm thầm tiến hành thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh. Ông Frank Rose, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Chính sách Quốc phòng và Vũ trụ lúc bấy giờ cảnh báo: “Mặc dù Trung Quốc tuyên bố không phải, nhưng tôi xin cam đoan rằng đây là một vụ thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh”.
Trung Quốc từng thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh vào tháng 1.2007, bắn hạ một vệ tinh thời tiết của Trung Quốc, tạo ra hàng vạn mảnh vỡ trong không gian và đây là mối đe dọa đối với cả vệ tinh, tàu vũ trụ và Trạm Không gian Quốc tế ISS, ông Rose nói.
Ông Rose cho biết những bí ẩn liên quan đến chương trình vũ khí diệt vệ tinh của Trung Quốc đã ngăn Washington hợp tác với Bắc Kinh về vấn đề không gian. Hợp tác chỉ có thể đến “với điều kiện Trung Quốc thay đổi hành vi của nước này về chương trình tên lửa diệt vệ tinh”, ông Rose cho hay.
“Việc Trung Quốc tiếp tục phát triển và thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh gây bất ổn, đe dọa an ninh và sự bền vững trong môi trường không gian vũ trụ”, theo ông Rose.
Những tài liệu do trang Wikileaks công bố cho thấy Mỹ và các đồng minh châu Á từng lên tiếng phản đối gay gắt vụ Trung Quốc thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh hồi năm 2010.
Trong bài phát biểu nhân chuyến thăm tàu sân bay USS Roosevelt hoạt động trên Biển Đông hồi tuần rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố Lầu Năm Góc đang theo dõi sát sao việc phát triển vũ khí của Trung Quốc.

Malaysia đang đầu tư mạnh vào thị trường BĐS Anh và Australia

Báo cáo gần đây của Knight Frank cho thấy, Malaysia đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 châu Á tại 2 thị trường Australia và Vương quốc Anh trong 2 năm qua.

Các khoản đầu tư của Malaysia chiếm 5,61 tỉ USD, trong khi Trung Quốc có tổng giá trị đầu tư là 22,09 tỉ USD và Singapore là 25,10 tỉ USD vào thị trường Anh và Australia.

Tổng cộng, giá trị đầu tư bất động sản của các nhà đầu tư châu Á tại các thị trường Mỹ, Anh, châu Âu và Australia kể từ quý III năm 2013 đạt 78,4 tỉ USD.

London Central Portfolio (LCP) vừa công bố kế hoạch tăng 150 triệu USD từ vốn đầu tư châu Á để mua 100 đơn vị nhà ở tại trung tâm London, trong các công trình mang tính biểu tượng xung quanh London, với mục tiêu cung cấp 12% lợi nhuận từ bất động sản.

Giám đốc điều hành LCP Naomi Heaton đã trả lời về quyết định nhắm vào các nhà đầu tư châu Á: “Khả năng chi trả không phải vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới. Với hơn 13 triệu cá nhân có lượng tài sản lớn trên thế giới và lên đến 5.000 giao dịch mỗi năm ở London, sự khan hiếm của chứng khoán, nhu cầu liên tục có trên toàn cầu là nền tảng tiềm năng cho sự tăng trưởng về giá trong tương lai”.

Giám đốc điều hành của Knight Frank, James Buckley nhận xét rằng đầu tư bất động sản ra nước ngoài của Malaysia đã tăng tích cực, tuy nhiên hiện đang có nguy cơ tăng chậm lại và suy yếu dần.

Ông cho biết, các nhà đầu tư Malaysia có mong muốn đa dạng tài sản của họ tại các thị trường nước ngoài. Hiện đã có một sự thay đổi nhỏ trong việc đầu tư vốn ra thị trường nước ngoài, các nhà đầu tư Malaysia đã tập trung nhiều hơn vào thị trường Australia hơn thị trường Anh.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục