tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 16-08-2016

  • Cập nhật : 16/08/2016

Nhật thay đổi chiến lược viện trợ nước ngoài để đối phó Trung Quốc

Nhật Bản đang có xu hướng thay đổi các hình thức viện trợ ra nước ngoài để tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á nhằm đối phó với các động thái gây hấn từ Trung Quốc.

tau canh sat bien nhat ban hom 13/7 tham gia mot bai tap tran chong hai tac tren vung bien ngoai khoi philippines. anh: afp

Tàu cảnh sát biển Nhật Bản hôm 13/7 tham gia một bài tập trận chống hải tặc trên vùng biển ngoài khơi Philippines. Ảnh: AFP

Phương pháp tấn công quyến rũ mà Nhật Bản theo đuổi hiện vượt ra ngoài các biện pháp củng cố "quyền lực mềm" thông thường nước này vẫn áp dụng, theo Strait Times. Trước đây, Tokyo chủ yếu giúp đỡ các nước khu vực phát triển cơ sở hạ tầng, nhân lực nhưng nay còn mở rộng sang cả hỗ trợ xây dựng năng lực quân sự.

Nhật Bản tuần trước thông báo sẽ cung cấp cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines hai tàu lớn mới. Trước đó, Tokyo hứa cấp 10 tàu tuần duyên cỡ vừa cho Manila. Chiếc đầu tiên thuộc lô tàu nói trên sẽ cập cảng Philippines trong tháng 8. Hồi tháng 5, Việt Nam cũng đề nghị Nhật Bản cấp tàu tuần tra nhằm tăng cường năng lực trên biển.

Theo giáo sư Heng Yee Kuang từ Trường Chính sách Công thuộc Đại học Tokyo, sự thay đổi này là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang muốn tìm kiếm những "nguồn ủng hộ ngoại giao" ở Đông Nam Á để đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và hung hăng trên biển.

Dù những bước đi gần đây đã giúp Nhật Bản gia tăng uy tín đáng kể song "mức độ hỗ trợ cũng như số lượng trang thiết bị được cung cấp vẫn chưa thể làm thay đổi cán cân quyền lực thật sự ở khu vực", ông Heng đánh giá. Thực tế, đây như một nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm thiết lập vị thế Nhật Bản như một "người giám hộ cho những quy tắc và quy chuẩn toàn cầu".

Điều lệ Hợp tác Phát triển, một tài liệu về các biện pháp viện trợ cần được nội các Nhật Bản thông qua, hồi năm ngoái nêu rõ: "Với điều kiện kinh tế xã hội Nhật Bản hiện nay, làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nước mới nổi và đang phát triển, kết hợp khai thác nguồn lực từ họ là chìa khóa cho sự thịnh vượng bền vững của quốc gia".

Trong bối cảnh mối quan hệ với Bắc Kinh đang ngày càng trở nên căng thẳng, Tokyo chắc chắn sẽ phải nghiêng về Đông Nam Á, đối tác thương mại lớn thứ hai của Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc, ông Heng nhấn mạnh.

Mặt khác, theo giáo sư Purnendra Jain từ Đại học Adelaide, Australia, "các dự án viện trợ lớn còn mở đường cho hàng loạt công ty Nhật Bản tiến vào những mảnh đất mới, nơi mà triển vọng tăng trưởng kinh tế và mở rộng thị trường là rất lớn".

Bên cạnh đó, việc ông Abe hồi năm 2013, sau khi nhậm chức không lâu, tới thăm 10 quốc gia Đông Nam Á cũng cho thấy tầm quan trọng của khu vực đối với Nhật Bản, giáo sư Heng nhận định. Phương pháp tiếp cận theo kiểu "tiếp thêm sức mạnh" cho ASEAN rõ ràng cũng "phù hợp với động lực kinh tế và chiến lược" của Nhật Bản, ông cho biết thêm. 

Thủ tướng Abe năm 2013 đánh dấu mốc 40 năm quan hệ Nhật Bản - Đông Nam Á bằng một gói viện trợ trị giá hai nghìn tỷ yen ( hơn 19,7 tỷ USD) cho khu vực. Đặc biệt, Tokyo năm ngoái tuyên bố rót thêm 750 tỷ yên (hơn 7,4 tỷ USD) trong ba năm cho các nước vùng Mekong, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Theo một số tài liệu từ chính phủ, nguồn vốn Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Nhật Bản hiện tập trung nhiều ở Đông Nam Á. Tokyo năm 2015 còn nói rõ rằng những khoản viện trợ này được sử dụng để "bảo vệ các lợi ích quốc gia".

Theo giáo sư Heng, ông Abe hiện tại có chiều hướng "đẩy mạnh các chương trình phát triển năng lực và cho phép dùng ODA cho những thứ được gắn mác mục tiêu 'chiến lược' thay vì chỉ để xây đường hay trường học".

Nhưng song song với đó, giới chuyên gia cho rằng Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục tạo dựng uy tín, thu về ủng hộ từ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và nhân lực tại những quốc gia Đông Nam Á đang phát triển.

"Dù đã xác định lại đường hướng viện trợ nhằm phục vụ cho mục tiêu địa chiến lược cũng như lợi ích quốc gia... Tokyo vẫn sẽ gắn chặt với triết lý viện trợ truyền thống, dồn đáng kể nguồn lực tài chính và nhân sự cho các vấn đề xã hội, nhân đạo", giáo sư Jain khẳng định.(Vnexpress)


Trung Quốc không muốn nhắc đến biển Đông tại G20

Các cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc dịp hội nghị G20 rất có khả năng sẽ xuất hiện các vấn đề mà Trung Quốc không muốn nhắc đến như thái độ ngày càng quyết liệt của Trung Quốc ở biển Đông.

Trung Quốc hy vọng hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) sẽ chỉ tập trung vào bàn về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tài chính chứ không phải bàn đến các tranh chấp lãnh thổ như tranh chấp biển Đông, hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn ý kiến một số quan chức cấp cao Trung Quốc ngày 15-8.

Hội nghị G20 sẽ diễn ra trong hai ngày 4 và 5-9, là một sự kiện ngoại giao quan trọng trong năm nay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và Trung Quốc rất muốn hội nghị diễn ra suôn sẻ, không bị mất mặt.

dan trung quoc xem man trinh dien anh sang cho don hoi nghi g20 tai hang chau (chiet giang, trung quoc) ngay 5-8. anh: reuters

Dân Trung Quốc xem màn trình diễn ánh sáng chờ đón hội nghị G20 tại Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc) ngày 5-8. Ảnh: REUTERS

Phó Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc Yi Gang cho biết hội nghị sẽ tập trung bàn cách kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu thông qua thương mại toàn diện, cởi mở, cũng như tập trung phát triển lành mạnh các thị trường tài chính.

Theo ông Yi Gang, đây sẽ là lần đầu tiên hội nghị G20 bàn chi tiết, cụ thể về việc để tỉ giá tiền tệ cho thị trường điều chỉnh thay vì các nước tự phá giá tiền tệ để làm lợi cho xuất khẩu.

G20 cũng sẽ bàn cách giám sát và phản ứng tốt hơn với các rủi ro từ dòng lưu chuyển vốn toàn cầu, ông Yi Gang cho biết.

Bên cạnh đó, hội nghị G20 cũng sẽ bàn về các rào cản thương mại và đầu tư, theo Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao.

Nội dung chính thức của hội nghị G20 chủ yếu về kinh tế nhưng Reuters dẫn nhận định một số nhà ngoại giao rằng trong các cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc rất có khả năng sẽ xuất hiện các vấn đề mà Trung Quốc không muốn nhắc đến như thái độ ngày càng quyết liệt của Trung Quốc ở biển Đông.

Dù không trả lời trực tiếp liệu G20 có bàn đến biển Đông hay không, nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Li Baodong thừa nhận các nước luôn luôn muốn đưa vấn đề mình quan tâm vào các hội nghị. Tuy nhiên theo ông này “Chủ đề của hội nghị G20 ở Hàng Châu là về tăng trưởng kinh tế. Đó là điều mọi người tập trung và đồng lòng. Chúng tôi tin các nước thành viên sẽ tập trung bàn về vấn đề quan trọng, trọng tâm của hội nghị”.(PLO)


​Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên dừng phát triển hạt nhân

 Những thông điệp kêu gọi quốc gia láng giềng được tổng thống Hàn Quốc đưa ra trong bài diễn văn kỷ niệm Giải phóng của Hàn Quốc, cũng là ngày Chính phủ Hàn Quốc thành lập (15-8).

tong thong han quoc park geun-hye - anh: reuters

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye - Ảnh: Reuters

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm nay (15-8) một lần nữa kêu gọi CHDCND Triều Tiên "ngay lập tức" dừng phát triển chương trình hạt nhân.

Theo hãng thông tấn Yonhap, cùng với kêu gọi xóa bỏ hạt nhân, bà Park cũng đề nghị chính quyền Triều Tiên chấm dứt ngay những hành vi đe dọa, khiêu khích nước khác, bởi theo bà, những hành động này chỉ càng khiến Triều Tiên bị cô lập và khó khăn hơn về kinh tế.

Cùng với đó, bà Park cũng khẳng định lập trường không thay đổi của Hàn Quốc trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc.

Coi đó như một biện pháp bảo vệ Hàn Quốc trước những khiêu khích liều lĩnh của Bình Nhưỡng, bà Park nhấn mạnh kế hoạch này không phải một hoạt động chính trị hóa.

Tổng thống Hàn Quốc nói: "Tôi kêu gọi Triều Tiên hãy dừng ngay lập tức việc phát triển hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, chấm dứt những đe dọa mang tính khiêu khích với Hàn Quốc. Mọi âm mưu đe dọa người dân và chính phủ Hàn Quốc đều sẽ thất bại".

Bà Park cũng thúc giục chính quyền Bình Nhưỡng nâng cao việc bảo vệ quyền con người trong nước. Bà cho rằng Bình Nhưỡng không thể làm ngơ trước các quyền cơ bản của con người tại nước họ.

Bà nói: "Chúng tôi sẽ không phớt lờ nỗi khổ sở của những người dân Triều Tiên hiện đang phải gánh chịu vì các lựa chọn sai lầm của nhà cầm quyền nước họ. Chúng tôi muốn Triều Tiên trở thành một thành viên bình thường của cộng đồng quốc tế, tôn trọng các quyền phổ biến của con người và tuân thủ các nguyên tắc, thông lệ của thế giới".(TT)


Hàng chục vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị đánh cắp

Khoảng 50 vũ khí hạt nhân của Mỹ tại căn cứ không quân Incirlik gần biên giới với Syria có nguy cơ bị các lực lượng chống chính phủ đánh cắp.

can cu khong quan incirlik cua tho nhi ky. anh: reuters

Căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Thông tin trên do Trung tâm Stimson, một cơ quan của Mỹ chuyên nghiên cứu các vấn đề bảo đảm hoà bình trên toàn cầu, đưa ra trong một báo cáo hôm nay, IBTimes đưa tin. 

Theo đó, liệu Mỹ có kiểm soát được các vũ khí trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn ở Thổ Nhĩ Kỳ là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

"Về phương diện an ninh, việc tiếp tục để gần 50 vũ khí hạt nhân tại căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ là một trò may rủi", Laicie Heeley, một trong những tác giả của báo cáo, nói với AFP.

Bà Heeley đánh giá có một lượng đáng kể nhân viên an ninh được giao nhiệm vụ trông coi, nhưng điều đó không giúp loại trừ được rủi ro. Khi xảy ra đảo chính, khó nói chắc chắn là Mỹ có thể bảo đảm được quyền kiểm soát.

Căn cứ không quân Incirlik, cách biên giới Syria khoảng 110 km, là một địa điểm chiến lược dành cho chiến dịch không kích truy quét Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Trong một diễn biến khác, sĩ quan chỉ huy căn cứ Incirlik đã bị chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt giữ do liên quan đến cuộc đảo chính bất thành giữa tháng trước.

Lầu Năm Góc cho hay sẽ không bình luận về các kế hoạch với vũ khí hạt nhân. Giới quan sát cho rằng những quả bom hạt nhân ở Incirlik là nhằm chống lại Nga trong một phần kế hoạch của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là kho chứa vũ khí hạt nhân ở nước ngoài lớn nhất của Mỹ và tất cả đều nằm ở căn cứ này.

Bản báo cáo được công bố trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Thổ đang ở mức thấp do bất đồng về việc dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống ở Mỹ và bị Ankara cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính.(VNEX)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục