tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 13-04-2016

  • Cập nhật : 13/04/2016

Quân đội Mỹ sắp có vũ khí điều khiển bằng giọng nói

Quân đội Mỹ vừa công bố kế hoạch tích hợp công nghệ ra lệnh bằng giọng nói lên các thiết bị không dây cầm tay để trang bị cho binh sĩ bắt đầu từ năm tài chính 2017.

Hiện tại, lính Mỹ đang sử dụng các thiết bị cầm tay (tương tự điện thoại thông minh và máy tính bảng) để ra lệnh các cuộc tấn công và truyền tải những thông tin quan trọng. Kể từ năm 2017, họ có thể sử dụng các thiết bị này để điều khiển vũ khí khai hỏa trực tiếp bằng cách ra lệnh bằng giọng nói.

Cụ thể, quân đội Mỹ sẽ mở rộng tính năng nhận dạng sinh trắc học để hoạt động đồng bộ với cơ chế lệnh trên các thiết bị không dây cầm tay.

Tuy nhiên, dù được nâng cấp nhưng một số thách thức kỹ thuật bao gồm việc khắc phục ô nhiễm tiếng ồn tại chiến trường cũng như đảm bảo nguyên tắc bảo mật là những vấn đề mà quân đội Mỹ cần giải quyết.

quan doi my sap co vu khi dieu khien bang giong noi. anh: na-weekly

Quân đội Mỹ sắp có vũ khí điều khiển bằng giọng nói. Ảnh: Na-Weekly

Trong đó, chiến trường là khu vực ồn ào bởi tiếng động cơ máy bay, các vụ nổ, đạn bắn… tạo ra. Chúng có thể làm giảm hiệu quả của hệ thống nhận dạng giọng nói vì thiết bị sẽ gặp khó khăn để phân biệt những gì được con người ra lệnh và tiếng động ở môi trường xung quanh.

Ngoài ra, nếu bị truy cập trái phép hoặc một người nào đó bắt chước nhận dạng sinh trắc học của chủ thiết bị, nó sẽ gây ra tác hại khôn lường. Thêm vào đó, thiết bị ra lệnh bằng giọng nói phải đáp ứng được nhiều người dùng khác nhau trên cùng một đường truyền mạng.

Chẳng hạn, một người lính có quyền ra lệnh tấn công, nhưng người khác chỉ có quyền xem bản đồ. Do vậy, thiết bị cần đáp ứng cho cả hai người. Tuy nhiên, nếu hai người này có giọng giống nhau hay tiếng ồn xung quanh gây nhiễu thì tính năng nhận dạng giọng nói có thể không hoạt động.

Đối với công nghệ nhận dạng bằng khuôn mặt, nếu chủ thiết bị phải truy cập trong bóng tối, rõ ràng đây là một thách thức không nhỏ.

Lãnh đạo của dự án, ông Bob Fedorchak, đến từ Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Kỹ thuật Truyền thông – Điện tử thuộc quân đội Mỹ, lạc quan cho biết bằng cách kết hợp các chỉ số sinh trắc học, binh sĩ có thể sử dụng thiết bị của họ tại chiến trường mà không cần lo ngại vấn đề an ninh.

“Sinh trắc học không phải là thứ mà bạn có thể thay thế. Tôi có thể thay thế giấy tờ tùy thân nhưng không thể thay thế dấu vân tay của mình” – ông Fedorchak nói.


Thủ tướng Australia hứa sẽ gây áp lực lên TQ về vấn đề Biển Đông

Trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới, thủ tướng Australia sẽ mạnh mẽ cảnh báo hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông làm tổn hại quan hệ quốc tế cũng như nền kinh tế nước này.

Wall Street Journal dẫn thông tin từ những người biết về chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói ông Turnbull sẽ thúc giục chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường điều chỉnh lại mối quan hệ với các nước láng giềng.

Điều này bởi vì mối quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á trở nên căng thẳng do các hoạt động bồi lấp và triển khai vũ khí trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong chuyến thăm này, ông Turnbull vừa phải gây áp lực ngoại giao lên Trung Quốc, vừa cần đẩy mạnh hơn mối quan hệ với đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Australia.

Nhà lãnh đạo Australia sẽ dẫn đầu đoàn doanh nghiệp nước này tới thành phố Thượng Hải hôm 14/4 trước khi tới Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo ông Huge White, nhà phân tích chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, đánh giá lợi ích kinh doanh sẽ khó làm thay đổi các ưu tiên chiến lược hiện nay của Trung Quốc.

"Những gì diễn ra ở Biển Đông chính chiếm phần chính yếu trong toàn bộ giấc mơ Trung Hoa của ông Tập Cận Bình. Trung Quốc đang đẩy mạnh các thách thức đối với Mỹ về việc ai sẽ là người dẫn dắt châu Á", ông White nói. Theo chuyên gia, sự hiện diện của 1.000 doanh nhân Australia"sẽ không khiến ông Tập từ bỏ" tham vọng.

Ngày 12/4, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng ông không biết bất kỳ kế hoạch nào của thủ tướng Australia đề cập tới việc thảo luận vấn đề Biển Đông. Ông này nói rằng "một số người không cần phải lo lắng về những chuyện không đâu".

thu tuong australia malcolm turnbull

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull

Chuyến thăm đầu tiên của ông Turnbull tới Trung Quốc trên cương vị thủ tướng Australia diễn ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hà Lan dự kiến ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông vào tháng 5.

Phần lớn nhà quan sát hy vọng PCA sẽ ra phán quyết rằng các hoạt động mà Trung Quốc thực hiện ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Bắc Kinh lớn tiếng cho rằng họ không bị ràng buộc trước phán quyết của tòa.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý thông qua yêu sách "đường lưỡi bò" nuốt gần trọn Biển Đông. Thời gian qua, Bắc Kinh liên tiếp thực hiện các động thái phi pháp ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc đã đưa tên lửa và hệ thống phòng không trái phép tới đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại động thái này nằm trong âm mưu quân sự hóa Biển Đông.

Nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị mở rộng việc xây dựng trái phép trên bãi cạn Scarborough, cách quần đảo Trường Sa 350 hải lý. Một số tàu Trung Quốc tập trung hoạt động trên bề mặt bãi cạn mà Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát của Philippines từ tháng 4/2012.

60% thương mại đường biển của Australia và 1/3 giao thông hàng hải thế giới đi qua Biển Đông. Do đó, Australia hay các nước ven Biển Đông không thể khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc độc chiếm khu vực.


Nga, Trung lo ngại Mỹ triển khai THAAD ở Bán đảo Triều Tiên

Ngày 12/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nước này và Trung Quốc đang lo ngại trước khả năng Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên Bán đảo Triều Tiên.

ngoai truong nga sergei lavrov. anh: thx/ttxvn

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn chung với truyền thông Trung Quốc, Nhật Bản và Mông Cổ, ông Lavrov nhấn mạnh: "Cùng với những người bạn Trung Quốc, chúng tôi nhận thức rõ rằng việc theo đuổi con đường này sẽ tạo ra một mối đe dọa thực sự đối với an ninh của chúng ta, đồng thời làm tổn hại đến sự ổn định chiến lược tại Đông Bắc Á".

Ông Lavrov cũng khẳng định Nga và Trung Quốc công nhận quyền sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình của Triều Tiên, tuy nhiên không chấp nhận tham vọng hạt nhân của nước này. Theo Ngoại trưởng Nga, Moskva và Bắc Kinh sẽ nỗ lực thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên cũng như nối lại các cuộc đàm phán sáu bên.

Trước đó, phát biểu trước khi lên đường công du châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter ngày 8/4 xác nhận Washington vẫn sẽ triển khai THAAD tại Hàn Quốc, bất chấp những phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.

60% số tàu chiến Mỹ đến Ấn-Á-Thái Bình Dương

Hải quân Mỹ có kế hoạch đưa 60% số tàu chiến (mặt nước) tới khu vực Ấn-Á-Thái Bình Dương trong vòng 2 năm tới, để phục vụ cho các nhiệm vụ khác nhau, trong đó có chống khủng bố.

Phó Đô đốc Joseph P Aucoin, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, hôm 11-4 nói: “Chúng tôi hiện có 60% tàu ngầm Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu là đến năm 2019, 60% số tàu chiến mặt nước của Mỹ sẽ có mặt trong khu vực này”.

Hiện Phó Đô đốc Joseph P Aucoin ở trên tàu USS Blue Ridge, tàu đổ bộ chỉ huy của Hạm đội 7, cập cảng ở bang Goa - Ấn Độ.

pho do doc joseph p aucoin anh: ndtv

Phó Đô đốc Joseph P Aucoin Ảnh: NDTV

Để đạt đến 60% tàu mặt nước, Mỹ sẽ triển khai thêm khoảng 10-15 tàu loại này trong khu vực.

Theo Phó Đô đốc Aucoin, Mỹ không chỉ chú trọng số lượng tàu nhưng sẽ điều động những chiếc tàu tốt nhất đến khu vực này. Mỹ tập trung vào khu vực Ấn-Á-Thái Bình Dương bởi vì đây là tuyến đường diễn ra 90% hoạt động thương mại quốc tế.

“Chúng tôi sẽ làm việc với Ấn Độ và các nước khác ở Đông Nam Á” - ông Aucoin khẳng định, đồng thời cho biết 3 trong số những nhiệm vụ chung của Mỹ và Ấn Độ trong khu vực này là chống khủng bố, an ninh hàng hải và cứu trợ nhân đạo khi xảy ra thảm họa.

bo truong quoc phong my ashton carter va nguoi dong cap an do manohar parrikar hom 11-4 den tham tau hai quan my uss blue ridge. anh: the hindu

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar hôm 11-4 đến thăm tàu hải quân Mỹ USS Blue Ridge. Ảnh: THE HINDU

Ngoài ra, ông Aucoin cũng cho biết hải quân Mỹ sẽ triển khai những tàu tuần dương, khu trục cũng như máy bay hiện đại nhất tới khu vực.

Phó Đô đốc Aucoin hé lộ: “Trung tâm quan hệ quốc tế sẽ được đặt tại châu Á - Thái Bình Dương. Máy bay tàng hình F35-B sẽ qua đây vào tháng 1-2017. Nó sẽ được triển khai trên tàu USS Wasp và tàu này sẽ được thay thế bằng tàu USS America, tàu đổ bộ mới nhất của chúng tôi. Điều này cho thấy chúng tôi thực sự đang dịch chuyển về Thái Bình Dương”.

Ông Aucoin cho biết trong chuyến thăm Ấn Độ, ông gặp gỡ các quan chức Ấn Độ để thảo luận về cuộc tập trận hải quân Malabar, dự kiến tiến hành vào tháng 6 tới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar hôm 11-4 đến thăm tàu hải quân Mỹ USS Blue Ridge. Cả hai bên bàn về giai đoạn tiếp theo của mối quan hệ quân sự Ấn-Mỹ.

Ấn Độ được cho là sẽ không quá gần gũi với Mỹ và giữ cán cân thăng bằng trong quan hệ với Trung Quốc.

Ông Carter nói rằng mở rộng mối quan hệ quân sự giữa 2 nước cực kỳ quan trọng, trong đó có việc hợp tác nhiều hơn vào các dự án công nghệ cao, phát triển tàu và máy bay chiến đấu.


Thái Lan sẽ không sử dụng các bản hiến pháp cũ

Ngày 12/4, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha tuyên bố nếu dự thảo hiến pháp hiện tại bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 7/8 tới, Bangkok sẽ xây dựng một bản dự thảo hoàn toàn mới chứ không sử dụng các bản hiến pháp cũ.

thu tuong thai lan prayut chan-ocha. anh: thx/ttxvn

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, trước đó, Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam nói rằng các bản hiến pháp trước đây, đặc biệt là hai bản hiến pháp năm 1997 và 2007, cũng như các dự thảo do các chuyên gia chủ trì xây dựng, có thể được tổng hợp để xây dựng hiến pháp mới.

Theo Thủ tướng Chan-ocha, nội các Thái Lan đã thông qua khoản ngân sách 2,99 tỷ baht để tổ chức trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp. Cùng ngày 12/4, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan cảnh báo rằng người xuyên tạc nội dung của câu hỏi trưng cầu dân ý trong cuộc trưng cầu về dự thảo hiến pháo mới vào ngày 7/8 tới có thể đối với việc truy tổ hình sự.

Trong khi đó, Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết trong vòng 4 tháng trước cuộc trưng câu dân ý, Ủy ban Bầu cử, Ủy ban soạn thảo hiến pháp và Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan sẽ làm rõ các thông tin về dự thảo hiến pháp, các câu hỏi trưng cầu dân ý và quy định về trưng câu dân ý.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục