tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 08-01-2016

  • Cập nhật : 08/01/2016

Kim Jong-un 'làm khó' ông Tập Cận Bình

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un biết rõ Triều Tiên là vùng đệm quan trọng, chắn cho Trung Quốc khỏi viễn cảnh bị lính Mỹ lượn lờ sát sườn nên Triều Tiên có thể làm bất kỳ chuyện gì, kể cả tuyên bố thử bom nhiệt hạch.

Vị trí địa lý chiến thuật của Triều Tiên đối với Trung Quốc - là cửa ngõ tiếp giáp trung tâm công nghiệp ở phía đông bắc của Trung Quốc, nối tiếp thủ đô Bắc Kinh - là lý do khiến Trung Quốc tìm mọi cách duy trì quan hệ với Triều Tiên.

Sự sụp đổ của Triều Tiên sẽ là cơn ác mộng tồi tệ với Bắc Kinh: lính Mỹ từ Hàn Quốc sẽ rất “vui lòng” đổ về phía bắc bán đảo Triều Tiên mà kiểm soát các tuyến đường cửa ngõ sát sườn Trung Quốc, chưa kể người tị nạn Triều Tiên đổ vào biên giới Trung Quốc. 
 

Chính Trung Quốc đã gọi mối quan hệ với Triều Tiên là “môi hở, răng lạnh”, bao đời nay vẫn chi tiền cứu đói, cứu rét cho Triều Tiên dẫu lắm lúc bất đồng. Nhưng vụ Triều Tiên hôm 6.1 tuyên bố thử bom nhiệt hạch, nếu đúng là sự thật, khiến Trung Quốc lo lắng hơn cả.
trong khi ong kim jong-un chua tung duoc moi den trung quoc, tong thong han quoc park gyeun-hye la khach thuong xuyen cua ong tap can binh - anh: reuters

Trong khi ông Kim Jong-un chưa từng được mời đến Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Park Gyeun-hye là khách thường xuyên của ông Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters

Về mặt đối ngoại, với tuyên bố thử bom nhiệt hạch, hẳn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhắm tới mục đích đầu tiên là vị thế mới trong mắt Mỹ và đồng minh. Nhưng báo Wall Street Journal phân tích rằng với đòn này, ông Kim cũng đang muốn lao vào một trận tâm lý chiến tương tự với ông láng giềng Trung Quốc.

Nhưng rõ rằng, lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình không phải là người “dễ chơi”. Cần Triều Tiên là thế nhưng đã 3 năm rưỡi kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm chính quyền, Trung Quốc chưa từng mời ông đến Bắc Kinh, trong khi Tổng thống Hàn Quốc Park Gyeun-hye lại là khách mời thường xuyên đến đất nước đông dân nhất hành tinh. Nhưng dẫu sao, chuyện mời hay không mời đôi khi chỉ mang yếu tố lễ tân, ngoại giao.
Còn nói về chính trị thật sự, Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng muốn cạnh tranh với Mỹ để chiếm ưu thế ở Đông Á. Và cuộc tranh giành ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên cực kỳ quan trọng, bởi như ở nói trên, nó nằm ở sát sườn Trung Quốc. Thắng lợi của Mỹ ở đây - được định nghĩa bằng sự sụp đổ của Triều Tiên - sẽ là thất bại thảm hại cho Trung Quốc. Còn với Mỹ, đây sẽ là thắng lợi của cả khối liên minh Đông Á, trong đó bao gồm Nhật Bản - đối thủ của Trung Quốc.
Thế nên ông Tập cũng sẽ phải tìm cách “chơi” với ông Kim, dẫu có phải phớt lờ những hành động khiêu khích khó chịu như tuyên bố thử bom nhiệt hạch vừa qua.
nguoi dan trieu tien tap trung theo doi thong bao cua chinh quyen ve viec thu bom nhiet hach - anh: reuters

Người dân Triều Tiên tập trung theo dõi thông báo của chính quyền về việc thử bom nhiệt hạch - Ảnh: Reuters

Nhưng sự phớt lờ đó không phải là không mang lại nhiều rủi ro cho ông Tập. Trong bối cảnh dư luận Trung Quốc đang nghiêng về phía chống đối Triều Tiên, sự phớt lờ của ông Tập sẽ bị đánh giá là yếu thế. Nó cũng sẽ gây tổn hại cho tham vọng của ông Tập trong việc đưa Trung Quốc thành một cường quốc có tiếng nói nặng ký sánh ngang hàng với Mỹ.

Với riêng Hàn Quốc, đất nước mà ông Tập đang muốn kết thân, thái độ phớt lờ trước sự khiêu khích của Triều Tiên cũng sẽ bị xem là hành động thiếu thiện chí.
Phản ứng chính thức của Trung Quốc sau diễn biến ở Triều Tiên tới nay cho thấy Trung Quốc vẫn đang cố phớt lờ, cũng tương tự cách người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh phớt lờ câu hỏi của phóng viên về viễn cảnh cấm vận Triều Tiên, mà chỉ tuyên bố một câu rất quen tai rằng Trung Quốc ủng hộ giải pháp đàm phán vì một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.

Mỹ thừa nhận Tổng thống Syria sẽ 'trụ' lâu hơn Tổng thống Obama

tong thong syria bashar al-assad - anh: reuters

Tổng thống Syria Bashar al-Assad - Ảnh: Reuters


Chính phủ Mỹ bí mật thừa nhận Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ vẫn tại vị khi Tổng thống Barack Obama rời Nhà Trắng, theo một tài liệu nội bộ bị rò rỉ được báo Anh Telegraph trích dẫn ngày 7.1.
Một lịch trình do giới chức Mỹ soạn thảo và được hãng tin AP thu thập được đã xác lập tháng 3.2017 là thời điểm sớm nhất có thể để ông al-Assad thôi giữ vai trò tổng thống và bộ sậu thân tín rời khỏi quyền lực. Điều đó có nghĩa là nhà lãnh đạo Syria sẽ tiếp tục cầm quyền hơn 5 năm sau khi chủ nhân Nhà Trắng kêu gọi ông này từ chức, và 2 tháng sau khi ông Obama rời khỏi chiếc ghế cao nhất nước Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 6.1 cho biết lịch trình trên được soạn thảo cuối năm 2014 như một tài liệu hướng dẫn dành cho Ngoại trưởng John Kerry và các nhà ngoại giao khác của Mỹ khi họ nỗ lực chuẩn bị một cuộc chuyển tiếp chính trị cho Syria.
Phát ngôn viên John Kirby đã mô tả tài liệu trên là “văn bản gợi ý suy nghĩ cấp nhân viên”, có tính “sơ bộ và chưa được quyết”, cũng không phải là một “quan điểm chính thức”.
Ông cũng nói rằng đó “không phải là sự soạn thảo chính xác các kế hoạch của cộng đồng quốc tế để tác động một cuộc chuyển tiếp chính trị ở Syria”.
Tuy nhiên, tài liệu trên phản ánh các chi tiết của một kế hoạch được thương thảo Vienna (Áo) hồi tháng 11.2015 cho một cuộc ngừng bắn sẽ được tiếp nối bằng một bản hiến pháp mới và một chính phủ chuyển tiếp. Các cuộc bầu cử tổng thống và chính phủ mới cuối cùng sẽ diễn ra vào tháng 8.2017.
Vai trò của Tổng thống al-Assad vẫn còn chưa chắc chắn. Nga tuyên bố ông Assad nên được phép tham gia tranh cử, điều mà Mỹ muốn loại trừ. Lịch trình trên không đưa ra lời giải thích chính xác về việc ông này sẽ rời khỏi quyền lực như thế nào hoặc tương lai thời hậu tổng thống của ông sẽ ra sao.
Trong bất kỳ trường hợp nào, các nỗ lực thực thi kế hoạch và chấm dứt 5 năm xung đột đẫm máu sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong tuần qua, Iran và Ả Rập Xê Út, vốn ủng hộ các bên đối kháng nhau trong cuộc xung đột ở Syria, đã cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Về phần mình, Tổng thống al-Assad từ chối rời khỏi quyền lực khi mối đe dọa khủng bố đối với nước ông, bao gồm các nhóm chống đối và tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), tiếp tục tồn tại.

Hàn Quốc cấm công dân đến khu công nghiệp liên Triều

Hàn Quốc ngày 7.1 cấm người dân đến khu công nghiệp Kaesong ở biên giới liên Triều sau khi Triều Tiên một ngày trước đó tuyên bố thử bom nhiệt hạch.

Ngày 7.1, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đưa ra quyết định hạn chế sự di chuyển vào khu công nghiệp liên Triều đối với các công dân Hàn Quốc, phần lớn là các doanh nhân đầu tư trong khu phức hợp Kaesong.
“Chính phủ nhận thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ căng thẳng sau khi Triều Tiên thử hạt nhân. Chúng tôi buộc phải đưa ra những biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho người dân”, một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc phát biểu, theo Yonhap.
Khu công nghiệp Kaesong được mở hồi năm 2004, là một nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên. Tổng cộng có 124 doanh nghiệp Hàn Quốc mở nhà máy trong khu công nghiệp này, tuyển dụng 54.000 công nhân Triều Tiên.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 năm qua, chính phủ Hàn Quốc đưa lệnh cấm công dân vào Kaesong sau xung đột căng thẳng hồi tháng 8.2015 xảy ra ở khu vực biên giới trên đất liền.
Bình Nhưỡng ngày 6.1 tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H). Việc này khiến nhiều người Hàn Quốc lo lắng và phẫn nộ, cho rằng Bình Nhưỡng đang phá hỏng những nỗ lực của cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, người đã đưa ra chính sách Ánh Dương nhằm giúp đỡ Triều Tiên và thống nhất liên Triều.
“Phát triển vũ khí (hạt nhân) không có ý nghĩa gì ngoài việc tự sát thương cho chính mình”, tờ Korea Times dẫn lời một người dùng internet tại Hàn Quốc.
Ông Kim Sam-soo thuộc Liên minh công dân vì công bằng kinh tế cho rằng vụ thử hạt nhân không thể được công nhận cho dù với lý do gì. “Chúng tôi thực sự lo ngại về vụ thử này của Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng vẫn thường tuyên bố mang lại hòa bình trên bán đảo”, ông Kim phát biểu.
Người dân Hàn Quốc cũng chỉ trích chính phủ nước này không ngăn chặn được việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân, gây đe dọa cho cả Hàn Quốc.

Bahrain tố Iran âm mưu tấn công

bieu tinh phan doi vu xu tu giao si sheikh nimr al-nimr truoc su quan a rap xe ut o new delhi (an do) - anh: reuters

Biểu tình phản đối vụ xử tử giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr trước Sứ quán Ả Rập Xê Út ở New Delhi (Ấn Độ) - Ảnh: Reuters


Căng thẳng giữa Ả Rập Xê Út và Iran tiếp tục có nguy cơ leo thang lên tầm khu vực sau khi Bahrain tuyên bố phá một âm mưu tấn công “dính líu tới Tehran”.
Ngày 6.1, Hãng thông tấn BNA của Bahrain dẫn nguồn tin an ninh cấp cao tuyên bố: “Một âm mưu khủng bố liên quan tới lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và nhóm Hezbollah ở Li Băng vừa bị phá vỡ. Những kẻ tấn công lên kế hoạch tiến hành một loạt vụ đánh bom để phá hoại an ninh của Vương quốc Bahrain”.
Theo BNA, nghi phạm chính tên Ali Ahmed Fakhrawi và người này đã đến Li Băng để nhận 20.000 USD từ Hezbollah. Bahrain không nói rõ Fakhrawi có bị bắt hay chưa nhưng cáo buộc người này có nhiều mối liên hệ với “các phần tử tại Iran”. Chính quyền Tehran lẫn Hezbollah chưa có phản ứng về các thông tin trên.

Hiện Bahrain đã cùng Sudan và Djibouti cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran để bày tỏ ủng hộ Ả Rập Xê Út về vụ một nhóm quá khích tấn công sứ quán của Ả Rập Xê Út tại Tehran sau khi chính quyền Riyadh hành hình ông Nimr al-Nimr, một giáo sĩ rất có ảnh hưởng của dòng Hồi giáo Shiite.

Trước đó, Ả Rập Xê Út quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao cũng như đình chỉ quan hệ giao thương và các dịch vụ hàng không với Iran. Những nước Hồi giáo dòng Sunni khác như Kuwait, Jordan và UAE cũng có các động thái phản đối Iran. Đáp lại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố những hành động của Ả Rập Xê Út là nhằm “che giấu tội ác”.
Trong hôm qua 6.1, cộng đồng Hồi giáo Shiite ở nhiều nước tiếp tục biểu tình phản đối vụ xử tử giáo sĩ Nimr còn chính quyền Syria và Hezbollah ở Li Băng tỏ ra ủng hộ Iran.
Theo giới quan sát, căng thẳng hiện nay sẽ khiến những cuộc chiến tại Trung Đông thêm trầm trọng. Không những đại diện cho 2 dòng Hồi giáo đối nghịch, Ả Rập Xê Út và Iran còn đang chạy đua trở thành thế lực mạnh nhất khu vực, thông qua việc hậu thuẫn những phe phái kình chống nhau tại Yemen và Syria nên “cuộc chiến giấu mặt” giữa 2 bên sẽ càng thêm tồi tệ. Bất ổn cũng có thể ảnh hưởng lên giá dầu đồng thời tác động tai hại đến cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trước tình hình trên, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Liên đoàn Các quốc gia Ả Rập hôm qua 6.1 thông báo sẽ lần lượt tổ chức họp bất thường vào các ngày 9 và 10.1 để tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng. Suốt mấy ngày qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry liên tục điện đàm với những người đồng cấp Iran và Ả Rập Xê Út, kêu gọi giữ bình tĩnh và xúc tiến thỏa thuận hòa bình vì Syria. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc cảnh báo: “Mối quan hệ vỡ tan giữa Riyadh và Tehran có thể để lại những hậu quả rất nghiêm trọng cho khu vực”, theo AFP.
Cũng trong ngày 6.1, Nga, Pakistan, Iraq lên tiếng sẵn sàng làm trung gian, thúc đẩy đối thoại giữa Iran và Ả Rập Xê Út.

Indonesia nhờ Trung Quốc chặn người Duy Ngô Nhĩ tham gia thánh chiến

Cơ quan chống khủng bố Indonesia đang làm việc với đối tác Trung Quốc để cùng có những hành động ngăn chặn các tay súng người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương, Trung Quốc tham gia thánh chiến ở Indonesia do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và những tay súng ủng hộ lực lượng này triển khai, theo Reuters hôm 6.1.
Người đứng đầu cơ quan chống khủng bố của Indonesia, ông Saud Usman Nasution cho biết như trên sau khi nước này bắt 13 người được cho có liên quan các hoạt động khủng bố trên đảo Java, trong đó có một người Duy Ngô Nhĩ bị bắt khi mang bom tự sát.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, ông Nasution cho biết nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã đáp lời kêu gọi của Santoso để tham gia lực lượng chiến đấu của thủ lĩnh sừng sỏ ủng hộ thánh chiến IS này. Có hơn 1.000 tay súng được cho trung thành với IS ở Indonesia, quốc gia có người theo Hồi giáo đông nhất thế giới.
Người Duy Ngô Nhĩ vượt biên giới qua Myanmar, Thái Lan và Malaysia để đến căn cứ của Santoso trong rừng thuộc miền đông Indonesia.
“Chúng tôi đang hợp tác với Trung Quốc để điều tra các chứng cứ như thẻ ATM, điện thoại di động (liên quan đến những người Duy Ngô Nhĩ tham gia thánh chiến ở Indonesia)”, ông Nasution nói. Tuy nhiên chưa rõ Bắc Kinh phản ứng vụ việc này như thế nào, và có giúp đỡ Jakarta hay không.
Người Duy Ngô Nhĩ sống chủ yếu ở Khu tự trị Tân Cương, nơi thường xảy ra những cuộc bạo động mà Bắc Kinh cáo buộc do những phần tử khủng bố Duy Ngô Nhĩ gây ra, với sự giúp đỡ của tổ chức người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng lên tiếng quan ngại về vấn đề khủng bố ở Trung Quốc và kêu gọi thế giới giúp đỡ.
Chuyên gia Bilveer Singh của trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) nhận định sự tham gia của người Duy Ngô Nhĩ vào các nhóm vũ trang ở Đông Nam Á “gây thêm lo ngại cho mối đe dọa khủng bố từ bên trong của Trung Quốc”.
“Nó cũng có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ với một nước Trung Quốc đang vươn lên và cũng muốn khẳng định vai trò lớn hơn của mình trong cuộc chiến chống khủng bố của khu vực”, ông Singh phát biểu trong một bài báo của EurasiaReview, theo Reuters.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục