tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 09-01-2016

  • Cập nhật : 09/01/2016

​Anh: “Tự do hàng hải biển Đông là vấn đề không thể thương lượng”

Đến thăm Philippines ngày 7-1, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond phản đối mọi hành vi hạn chế tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông bởi đây là vấn đề “không thể thương lượng”.

ngoai truong anh philip hammond (trai) hoi kien tong thong philippines benigno aquino - anh: reuters

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond (trái) hội kiến Tổng thống Philippines Benigno Aquino - Ảnh: Reuters

Theo AFP, trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario ở Manila, ông Hammond khẳng định: “Tự do hàng hải và hàng không là vấn đề không thể thương lượng”. Ông mô tả đối với Anh đây là “lằn ranh đỏ” không quốc gia nào được phép xâm phạm.

Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh Anh sẽ khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông. Trước đó, Trung Quốc gây quan ngại đặc biệt khi triển khai ba máy bay thử nghiệm tới Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Del Rosario cảnh báo với các chuyến bay thử nghiệm, Trung Quốc có thể đang dọn đường cho việc thành lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trái phép trên biển Đông, tương tự như ADIZ nước này đơn phương lập ra tại biển Hoa Đông.

“Nếu chúng ta không phản đối, Trung Quốc sẽ nghĩ rằng có thể triển khai và thực hiện ADIZ. Dù là chính thức hay không chính thức thì điều đó cũng sẽ là không thể chấp nhận được đối với chúng tôi” - ông Del Rosario khẳng định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cảnh báo sau Đá Chữ Thập, rất có thể Trung Quốc sẽ triển khai các chuyến bay thử nghiệm trái phép tới Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của VIệt Nam.

Theo giáo sư Thayer, ban đầu Trung Quốc sẽ triển khai máy bay tuần tra hàng hải ở các đảo nhân tạo, về lâu dài sẽ lập các căn cứ quân sự trên các đảo này để đưa máy bay quân sự và tàu hải quân tới đây. Mục tiêu là hiện thực hóa tham vọng độc chiếm biển Đông.

Hiện Philippines đang kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền “đường lưỡi bò” vô lý của Trung Quốc. Ngoại trưởng Anh Hammond cho biết ủng hộ các nước đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.


986 người bị cảnh sát Mỹ bắn chết trong năm 2015

Chiều cuối năm 2015, cảnh sát Las Vegas đã bắn chết thanh diên da đen 23 tuổi Keith Childress Jr., trường hợp cuối cùng trong số 986 người bị cảnh sát Mỹ bắn chết năm 2015.

thanh nien 23 tuoi keith childress jr. bi canh sat los angeles ban chet vao ngay cuoi nam 2015 - anh: facebook cua keith childress jr.

Thanh niên 23 tuổi Keith Childress Jr. bị cảnh sát Los Angeles bắn chết vào ngày cuối năm 2015 - Ảnh: Facebook của Keith Childress Jr.

Theo Washington Post, Keith Childress Jr. là thanh niên da đen bị truy nã vì dính líu một số vụ án bạo lực. Cảnh sát nổ súng khi người này không chịu bỏ một vật đang cầm trong tay.

Tuy nhiên sau khi khám nghiệm, vật trong tay đó hóa ra không phải khẩu súng mà chỉ là một chiếc điện thoại di động.

Với vụ việc này, cảnh sát Mỹ đã kết thúc năm 2015 với 986 trường hợp bị họ bắn chết. Cao hơn gấp đôi so với tỉ lệ báo cáo thường niên của Cục điều tra liên bang (FBI) trong suốt thập kỷ qua.

Con số thống kê các trường hợp bị cảnh sát Mỹ bắn chết này là của Washington Post trong bối cảnh xảy ra qua nhiều vụ việc những người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát bắn chết khi không mang theo vũ khí.

Tờ Washington Post đã ghi lại mọi trường hợp bị bắn chết dưới tay cảnh sát trong năm 2015 và công bố những khía cạnh ngóc ngách trong từng tình huống dẫn tới việc xả súng cũng như những đặc trưng riêng của các nạn nhân.

Dự án thống kê số người bị cảnh sát bắn chết này của Washington Post sẽ còn tiếp tục trong năm 2016.

Giới chức liên bang đã công bố những kế hoạch cải thiện hệ thống thu thập dữ liệu của họ, nhưng sáng kiến mới này phải tới năm 2017 mới triển khai. Trong khi đó, chỉ tính tới những ngày đầu tháng 1-2016, Washington Post đã ghi nhận 11 vụ xả súng chết người của cảnh sát.

Trong năm 2015 tờ Washington Post nhận thấy phần lớn những trường hợp bị cảnh sát bắn chết có mang theo vũ khí và một nửa trong đó là người da trắng.

Mặc dù người da đen chỉ chiếm 6% dân số Mỹ nhưng họ lại chiếm tới 40% trong số những người bị cảnh sát bắn chết khi không mang theo vũ khí.

Nếu không nói tới vấn đề chủng tộc, có khoảng 1/4 những người bị bắn chết có biểu hiện các bệnh tâm thần.

Tháng 12-2015 là tháng có tỉ lệ chết chóc cao thứ tư trong năm khi có tới 89 trường hợp bị bắn chết. Năm 2015, chỉ Rhode Island là bang duy nhất ở Mỹ không xảy ra vụ cảnh sát bắn chết người nào.

Tờ Washington Post cho rằng, mặc dù đã có tới hơn 900 trường hợp bị cảnh sát Mỹ bắn chết năm 2015 nhưng con số thống kê vẫn có thể còn cao hơn.

Tờ báo vẫn đang xem xét một số vụ việc hiện chưa rõ bị cảnh sát bắn chết hay nạn nhân tự tử. Ngoài ra còn có một số vụ việc bị ỉm đi, không được thông báo.


Mỹ chỉ trích Trung Quốc vì 'nhẹ tay' với Triều Tiên

Chính quyền ông Obama ngày 7-1 đã cảnh báo Trung Quốc rằng cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với việc kiềm chế Triều Tiên "không hiệu quả" và đã đến lúc kết thúc "hoạt động thương mại như bình thường" với quốc gia mà Bắc Kinh đã hỗ trợ trong sáu thập niên qua.
Bình luận về vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên hôm 6-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông đã nói với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc điện đàm ngày 7-1 rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đối với việc gây ảnh hưởng lên Triều Tiên đã chứng minh thất bại.
"Trung Quốc đã có một cách tiếp cận khác biệt của riêng nước này. Chúng tôi đã đồng ý và tôn trọng dành cho họ "không gian riêng" để có thể thực hiện điều đó" - ông Kerry nói sau cuộc điện đàm. 
"Nhưng hôm nay trong cuộc nói chuyện của tôi với ông Vương (Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị - ND), tôi đã nói rõ rằng cách tiếp cận đó thất bại và chúng ta không thể tiếp tục hoạt động thương mại như bình thường (với Triều Tiên)” - ông Kerry cho hay.

Tờ New York Times cho biết sau vụ thử nghiệm hạt nhân vừa qua của CHDCND Triều Tiên, Bắc Kinh chỉ đồng ý áp đặt lệnh cấm buôn bán vũ khí đến Bình Nhưỡng và trừng phạt các công ty cũng như cá nhân liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

ngoai truong my john kerry phat bieu trong mot cuoc hop bao ngay 7-1. anh: afp 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 7-1. Ảnh: AFP 

Ông Kerry không chỉ rõ các biện pháp trừng phạt nào mà ông muốn Trung Quốc đồng ý áp đặt Triều Tiên nhưng ông nói rằng Mỹ đang soạn thảo một nghị quyết trừng phạt mới nghiêm khắc hơn - mà Trung Quốc, Nga, và có thể các quốc gia khác, gần như chắc chắn sẽ tìm cách bác bỏ.

Theo New York Times, đầu tiên sẽ là một lệnh cấm đối với tàu Triều Tiên tại các cảng trên thế giới - về cơ bản ngăn chặn hầu hết việc trao đổi thương mại của Triều Tiên, ngoại trừ những hoạt động diễn ra trên biên giới đất liền với Trung Quốc và một khu vực nhỏ gần lưu vực sông Tume, giáp với Nga. 
Tuy nhiên, phạm vi lệnh cấm không rõ ràng và thường có những trường hợp ngoại lệ đối với thực phẩm cũng như hàng hóa nhân đạo.
Một biện pháp trừng phạt thứ hai đang được xem xét là cắt đứt các mối quan hệ liên quan ngành ngân hàng của Triều Tiên, giống như những hạn chế áp đặt đối với Iran, để buộc Tehran ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này trước đây.
Tuy nhiên, biện pháp hiệu quả nhất có thể áp đặt đối với Triều Tiên là hạn chế hoặc cắt đứt nguồn dầu mỏ xuất khẩu sang nước này. Bình Nhưỡng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dầu đến từ Trung Quốc. Hầu hết các chuyên gia tin rằng đây là biện pháp Bắc Kinh có thể phản đối nhất.
"Những gì chúng ta muốn thấy là sự tăng cường hiệu lực trong việc thực thi" - một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết.
Trong khi các quan chức Mỹ thảo luận về lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, Hàn Quốc hôm 7-1 cho biết Seoul sẽ tiếp tục chương trình phát sóng loa tuyên truyền như hồi năm ngoái sau khi căng thẳng giữa hai nước xảy ra.
Cũng như Hoa Kỳ, Hàn Quốc đưa ra một vài lựa chọn để trừng phạt Triều Tiên vì những tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bán đảo Triều Tiên: Mỹ chuẩn bị triển khai máy bay B-52

Quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã dự kiến triển khai vũ khí chiến lược sau sự kiện CHDCND Triều Tiên thông báo thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom H) đầu tiên.

Vũ khí chiến lược sẽ bao gồm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, máy bay ném bom B-52 và máy bay tiêm kích tàng hình F-22.

Ngày 7-1, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết như trên.

Nguồn tin cho hay trong cuộc trò chuyện trước đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Lee Sun-jin và tư lệnh lực lượng hỗn hợp Hàn-Mỹ Curtis Scaparrotti đã thảo luận đến vấn đề triển khai vũ khí chiến lược.

Hồi tháng 3-2013, tức một tháng sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba, quân đội Mỹ cũng đã từng triển khai máy bay ném bom B-2 và B-52.

Cùng ngày, Phó Giám đốc thứ nhất Cục An ninh quốc gia Cho Tae-yong thông báo Hàn Quốc sẽ nối lại công tác tuyên truyền dọc biên giới liên Triều để trả đũa Triều Tiên thử hạt nhân.

Dự kiến thời gian tuyên truyền sẽ bắt đầu từ trưa 8-1.

nguoi dan binh nhuong nghe thong bao thu hat nhan ngay 6-1. anh: ap

Người dân Bình Nhưỡng nghe thông báo thử hạt nhân ngày 6-1. Ảnh: AP

Ông Cho Tae-yong nhận định vụ thử hạt nhân lần thứ tư hôm 6-1 đã vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận hai bên đạt được trong hội đàm ngày 25-8-2015 sau vụ nổ mìn ở vùng phi quân sự (hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương).

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho hay các đơn vị trú đóng gần các loa phóng thanh tuyên truyền đã được đặt trong tình trạng báo động tối đa. Dự kiến nếu loa bị bắn, các đơn vị này sẽ nhận được lệnh trả đũa ngay.

Nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang tại Viện Sejong nhận định: “Có thể Bắc Triều Tiên sẽ phản ứng rất dữ dội vì quyết định của Hàn Quốc đã phá rối lễ sinh nhật”.

Ngày Hàn Quốc phát loa tuyên truyền đúng vào ngày 8-1 là sinh nhật của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong ngày 7-1, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã điện đàm với Tổng thống Obama trong 20 phút. Hai bên tiếp tục khẳng định quan hệ chặt chẽ về quốc phòng.

Bà Park Geun-hye cũng điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Hàn Quốc Han Min-koo đã điện đàm với nhau.

Ông Ashton Carter tái khẳng định cam kết bảo vệ Hàn Quốc, trong đó có giải pháp mở rộng trả đũa.

Ông Han Min-koo thông báo Hàn Quốc nỗ lực để lắp đặt sớm hơn hệ thống phòng thủ chống tên lửa Kill Chain, hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD).

Ngoài ra hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục tập trận chung.

Song song đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã điện đàm để thảo luận các biện pháp đối phó.

Hai bên khẳng định vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã đe dọa hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như thế giới và nhất trí đáp trả mọi khiêu khích.

Ông John Kerry tuyên bố Mỹ không chấp nhận Triều Tiên là quốc gia có vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh và Mỹ sẽ cùng trao đổi với các đối tác trong Hội đồng Bảo an LHQ và vòng đàm phán sáu bên để có biện pháp thích hợp.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cũng đã điện đàm với người đồng cấp Nhật Fumio Kishida.


Venezuela: Phe đối lập chống tổng thống

Cuộc đấu tranh quyền lực ở Venezuela đã trở nên nghiêm trọng hơn khi phe đối lập nước này muốn lợi dụng ưu thế chiếm đa số tại quốc hội để nắm quyền kiểm soát ngân hàng trung ương nhằm cố tác động đến chính sách kinh tế.

Trước đó, Tổng thống Nicolas Maduro đã ký lệnh bác bỏ quyền của quốc hội đối với việc đề cử và cách chức các giám đốc ngân hàng trung ương ngay trước khi quốc hội mới của Venezuela nhậm chức hôm 5-1.

Động thái trên đã chọc giận liên minh đối lập vốn đã đánh bại Đảng Xã hội cầm quyền trong cuộc bầu cử hồi tháng 12 vừa qua và giành 2/3 số ghế tại quốc hội.

Liên minh đối lập cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Maduro vi phạm hiến pháp Venezuela.

tong thong venezuela nicolas maduro dang phai duong dau voi phe doi lap da chiem da so tai quoc hoi. anh: reuters

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang phải đương đầu với phe đối lập đã chiếm đa số tại quốc hội. Ảnh: REUTERS

Các nghị sĩ đối lập hiện đang có kế hoạch cải tổ đạo luật trên để đánh đổ những thay đổi của Tổng thống Maduro.

“Đây là điều đầu tiên liên quan các vấn đề kinh tế chúng tôi sẽ đưa ra bởi vì đó là chuyện cấp bách và dễ dàng nhất” - nhà kinh tế Jose Guerra, cựu giám đốc ngân hàng, dự kiến sẽ tham gia ủy ban tài chính của quốc hội Venezuela, cho biết.

Angel Alvarado, một nghị sĩ đối lập khác, cũng dự kiến sẽ là thành viên ủy ban trên, thừa nhận công cuộc cải tổ sẽ giúp kiểm soát tình trạng lạm phát của Venezuela.

Tuy nhiên, bất kỳ cuộc cải tổ nào cũng nhiều khả năng bị chính phủ phản đối tại Tòa án Tối cao, cơ quan thường phán quyết thiên vị cho chính phủ.

Năm ngoái, Tổng thống Maduro từng dự báo lạm phát nước này trong năm 2015 sẽ đạt gần 100% nhưng ngân hàng trung ương Venezuela trong suốt 1 năm trời đã không công bố con số này hằng tháng, còn phía tư nhân ước tính lạm phát đã lên đến gần 200%.

nhung nguoi ung ho tong thong maduro dat hoa truoc di anh co tong thong hugo chavez. anh: reuters

Những người ủng hộ Tổng thống Maduro đặt hoa trước di ảnh cố tổng thống Hugo Chavez. Ảnh: REUTERS

Các nghị sĩ đối lập Venezuela muốn buộc ngân hàng trung ương nước này công bố dữ liệu về lạm phát và tổng sản phẩm nội địa.

Thế nhưng, sự thay đổi của ông Maduro vừa qua cho phép ngân hàng trung ương giữ bí mật dữ liệu trên, được xem là an ninh quốc gia hoặc sự ổn định kinh tế.

Quốc gia Nam Mỹ này chìm sâu vào khủng hoảng hơn khi lực lượng vũ trang Venezuela hôm 7-1 tuyên bố trung thành tuyệt đối với Tổng thống Maduro trong bối cảnh lực lượng đối lập trung hữu mới đang tìm cách hạ bệ nhà lãnh đạo này.

Cùng ngày, nghị sĩ Pedro Carreño, thuộc đảng cầm quyền ở Venezuela, cho biết đã yêu cầu Tòa án Tối cao vô hiệu hóa bất cứ quyết định nào của quốc hội mới, kể cả trong lĩnh vực lập pháp cũng như chính trị, bao gồm cả việc tổ chức cho 3 nghị sĩ đối lập tuyên thệ hôm 6-1 bất chấp lệnh cấm của Tòa án Tối cao.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục