tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 06-01-2016

  • Cập nhật : 06/01/2016

Lo ngại TQ đẩy nhanh lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông

Việc Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm lần đầu trên một đường băng ở Biển Đông khiến giới phân tích lo ngại nước này sẽ sớm điều tới đây các máy bay quân sự và thành lập vùng ADIZ.

trung quoc ngang nhien xay dung duong bang tren da chu thap thuoc quan dao truong sa cua viet nam - anh: reuters

Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đường băng trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, dư luận cho rằng, việc Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm tại một trong những đường băng trên đảo nhân tạo ở Biển Đông cho thấy các cơ sở hạ tầng nước này xây dựng trái phép đã hoàn thành theo đúng kế hoạch của họ, và không sớm thì muộn, chắc chắn Trung Quốc sẽ điều tới đây các máy bay quân sự.

Giới quan chức nước ngoài và các chuyên gia phân tích nhận định, việc tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc tại những vùng biển mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền rõ ràng nằm trong ý đồ xúc tiến thành lập một vùng phòng không trên Biển Đông do Bắc Kinh kiểm soát.

Sau khi Việt Nam ra công hàm phản đối việc Trung Quốc bay thử nghiệm đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết Manila cũng đang có ý định hành động tương tự.

Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng đường băng trên các đảo nhân tạo trong hơn một năm và việc nước này bay thử nghiệm dù không gây bất ngờ, nhưng làm dấy lên những căng thẳng nghiêm trọng.

Đường băng trên Đá Chữ Thập dài 3.000 mét, là một trong ba đường băng Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa.

Các đường băng đều được xây đủ dài để các máy bay ném bom tầm xa, máy bay vận tải cũng như các loại máy bay chiến đấu tốt nhất của Trung Quốc có thể hoạt động. Đây chính là hạ tầng Trung Quốc còn thiếu trước nay để họ có thể tăng cường hiện diện sâu hơn trong khu vực hàng hải Đông Nam Á.

Giới quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xây dựng một loạt cảng, kho chứa và các khu đồn trú quân sự trên các đảo mới.

Dự kiến trên đá Chữ Thập Trung Quốc sẽ lắp đặt hệ thống radar cảnh báo sớm và các phương tiện liên lạc quân sự.

Leszek Buszynski, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Đại học Quốc gia Australia cho biết, ông tin rằng việc Trung Quốc đưa các máy bay quân sự tới những đảo này là “không thể tránh khỏi”.

Một vùng phòng không, mặc dù có thể chưa sớm tuyên bố, nhưng là điều có thể xảy tới sau khi Trung Quốc đã củng cố xong sức mạnh không quân của họ. Chuyên gia Leszek Buszynski nói: “Bước tiếp theo sẽ là, sau khi đã thử nghiệm rất nhiều chuyến bay, họ sẽ mang tới đây những chiếc Su-27 và Su-33 của họ và hoạt động cố định tại đó. Đó là những gì Trung Quốc sẽ làm”.

Chuyên gia Biển Đông Ian Storey tại Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore cho rằng, những căng thẳng trong khu vực sẽ tồi tệ hơn nhiều khi Trung Quốc sử dụng các hạ tầng mới của nước này để tăng ảnh hưởng sâu hơn của họ trên Biển Đông.

Ngay cả khi Trung Quốc chưa chính thức tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) thì chắc chắn họ sẽ vẫn có những động thái nhằm bảo vệ các đường băng mới cùng nhiều công trình hạ tầng khác.

Chuyên gia Storey nói: ‘Khi các công trình này đi vào hoạt động, việc Trung Quốc đưa ra những cảnh báo với cả máy bay quân sự và dân sự sẽ trở nên thường xuyên hơn. Và đây là những tiền đề để Trung Quốc tuyên bố ADIZ, hoặc một ADIZ mặc định mà chưa tuyên bố của họ”.

Trong một diễn biến liên quan, thượng nghị sỹ John McCain, chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 4-1 đã chỉ trích chính quyền tổng thống Obama về việc trì hoãn việc tiến hành thêm các chuyến tuần tra “tự do hàng hải” trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông.

Ông John McCain nói Trung Quốc vẫn đang tiếp tục “theo đuổi tham vọng lãnh thổ của họ” trong khu vực, trong đó có việc hạ cánh thử nghiệm một máy bay trên đường băng mới ở quần đảo Trường Sa ngày 2-1.

Thượng nghị sỹ John McCain cho rằng, việc quân đội Mỹ không thể tiến hành thêm các cuộc tuần tra năm ngoái là “điều đáng thất vọng nhưng không hề ngạc nhiên”. Ông nói chính quyền tổng thống Obama “hoặc không thể kiểm soát được những phức tạp trong việc ra quyết định an ninh quốc gia liên quan giữa các bên, hoặc đơn giản là quá e ngại rủi ro nên không thể làm những việc cần thiết để bảo vệ trật tự dựa trên các nguyên tắc ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương”.


Malaysia đưa nội dung chống IS vào trường học

 Bộ giáo dục Malaysia phối hợp với lực lượng cảnh sát tổ chức các buổi nói chuyện cung cấp thông tin với học sinh về những nguy cơ khủng bố và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

mot nhom nu sinh nguoi malaysia theo dao hoi - anh: mashable

Một nhóm nữ sinh người Malaysia theo đạo Hồi - Ảnh: Mashable

Theo Malaysia Insider, thứ trưởng Bộ giáo dục Malaysia Chong Sin Woon cho biết, hiện thời, hầu hết các thông tin truyền đạt sẽ được cung cấp ở dạng các buổi nói chuyện của cảnh sát và các cơ quan an ninh tại nhiều địa điểm khác nhau, trong đó có trường học.

Phát biểu trước báo giới, ông Chong Sin Woon nói: “Cùng với cảnh sát và lực lượng an ninh, năm nay chúng tôi bắt đầu phổ biến thông tin (về nguy cơ khủng bố) tại các trường học”.

Quan chức ngành giáo dục của quốc gia có phần đông dân số theo đạo Hồi này cho biết, đây là một phần trong những nỗ lực ngành giáo dục Malaysia triển khai nhằm ngăn chặn việc học sinh có thể bị ảnh hưởng trước những tư tưởng khủng bố, đặc biệt của IS.

Có vẻ như đây cũng là chương trình hợp tác đầu tiên thuộc dạng này giữa Bộ giáo dục và cảnh sát Malaysia.

Ngày thứ năm tuần trước, 31-12, một sinh viên người Malaysia ở Ai Cập đã trở thành sinh viên đầu tiên bị kết án vì tội ủng hộ tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Theo thống kê của chính phủ Malaysia cung cấp cho tờ Foreign Policy, kể từ năm 2013 đến nay, đã có khoảng 112 người nước này bị bắt vì có liên quan tới IS theo một dạng thức nào đó. Một số đầu quân làm chiến binh, một số phụ nữ tự bán mình là phụ nữ mua vui cho những kẻ thánh chiến.

Điều tra dư luận của Trung tâm nghiên cứu Pew công bố tháng 11-2015 cho biết khoảng 67% người dân theo đạo Hồi tại Malaysia phản đối IS, 21% chưa có quan điểm rõ ràng.

Từ tháng 9-2015, Malaysisa đã gia nhập Liên minh toàn cầu chống IS do Mỹ chỉ huy.


Mỹ trục xuất dân nhập cư bất hợp pháp

bieu tinh chong truc xuat di dan o my - anh minh hoa: reuters

Biểu tình chống trục xuất di dân ở Mỹ - Ảnh minh họa: Reuters


Chính quyền Mỹ sẽ bắt đầu chính sách trục xuất những người nhập cảnh và lưu trú bất hợp pháp trên đất Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn di dân bất hợp pháp từ Trung Mỹ vào nước này.

Người đứng đầu Cơ quan an ninh nội địa của Mỹ Jeh Johnson hôm 4.1 tuyên bố cơ quan di trú liên bang sẽ trục xuất 121 người, gồm cả người lớn và trẻ em, tờ The Washington Post cho hay. Những người này đang bị giữ tại các trung tâm tạm giữ sau một cuộc truy quét của cảnh sát tuần qua ở các bang Georgia, Texas và Bắc Carolina.
“Tôi muốn lặp lại rằng biên giới nước Mỹ không chào đón di dân bất hợp pháp. Bất kỳ ai đến đây trái phép sẽ bị trục xuất trở về nước theo đúng luật và giá trị Mỹ”, ông Johnson nói trong một thông cáo của cơ quan an ninh nội địa Mỹ.
The Washington Post cho biết 121 người bị tạm giữ nói trên nằm trong số hàng trăm ngàn di dân từ các nước ở vùng Trung Mỹ nhập cư bất hợp pháp vào nước Mỹ và sẽ bị trục xuất trở về nơi họ đã ra đi.
Đây là số người đầu tiên bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ trong một chiến dịch của chính phủ Tổng thống Barack Obama dẹp nạn di dân bất hợp pháp từ các nước ở phía Nam nước Mỹ và đang hình thành phong trào di cư của giới trẻ từ năm 2014. Nhiều tổ chức phản đối chính sách trục xuất di dân này của chính phủ.
Chưa rõ chính sách trục xuất này sẽ được mở rộng đối với những di dân bất hợp pháp ở khu vực khác như thế nào. Nước Mỹ là một trong những quốc gia thu hút di dân bất hợp pháp nhiều nhất thế giới. Nhiều người nhập cảnh vào nước này không vì mục đích di dân đã ở lại và xin được cơ chế tị nạn, trong đó không ít tội phạm nghiêm trọng trốn việc bị trừng phạt ở quê nhà.

Số người Triều Tiên đào tẩu giảm mạnh dưới thời Kim Jong-un

ke tu khi len lanh dao trieu tien vao cuoi nam 2011, ong kim jong-un duoc cho da ra lenh that chat an ninh bien gioi - anh: reuters

Kể từ khi lên lãnh đạo Triều Tiên vào cuối năm 2011, ông Kim Jong-un được cho đã ra lệnh thắt chặt an ninh biên giới - Ảnh: Reuters


Trong năm 2015 có 1.277 người từ CHDCND Triều Tiên vào Hàn Quốc thông qua Trung Quốc và một số nước khác, giảm 52,8% từ con số 2.706 của năm 2011.
Đó là con số thống kê do Bộ Thống nhất Hàn Quốc đưa ra ngày 4.1, theo Yonhap. Bộ này cho rằng số người Triều Tiên đào tẩu giảm đáng kể có thể là do Bình Nhưỡng kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn kể từ lúc ông Kim Jong-un lên lãnh đạo vào cuối năm 2011, ngay sau khi cha của ông là lãnh đạo Kim Jong-il qua đời.
Số người đào tẩu Triều Tiên định cư ở Hàn Quốc lần đầu tiên lên tới con số 1.000 vào năm 2001 và tăng đều đặn tới 2.914 vào năm 2009, nhưng sau đó giảm mạnh xuống còn 1.502 vào năm 2012 và 1.397 vào năm 2014.
Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ Triều Tiên vượt biên lại tăng lên. Hơn 80% người đào tẩu Triều Tiên đến Hàn Quốc trong năm 2015 là nữ. Theo Yonhap, phụ nữ ở Triều Tiên, đặc biệt là những người làm việc tại các chợ dường như ít bị giám sát hơn so với đàn ông có công việc đều đặn. Ngoài ra, phụ nữ đào tẩu Triều Tiên dễ tìm được việc ở Trung Quốc và kiếm đủ tiền để đến Hàn Quốc.

Đến lượt kinh tế Singapore chững lại

mot goc duong tai singapore trang hoang de don chao nam moi 2016 - anh: afp

Một góc đường tại Singapore trang hoàng để đón chào năm mới 2016 - Ảnh: AFP


Kinh tế Singapore ước tính tăng trưởng ở mức 2,1% trong năm 2015, mức tăng tệ nhất tính từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, theo thống kê chính thức từ đảo quốc này.
AFP cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Singapore trong năm 2015 ứng với dự báo “gần 2%” được chính phủ nước này đưa ra trước đó.
Tăng trưởng GDP của Singapore đã giảm 0,6% trong năm 2009, giai đoạn diễn ra khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng đã hồi phục mạnh mẽ trở lại ngay năm sau đó, với mức tăng trưởng ấn tượng 15,2%.
Bộ Thương mại Singapore đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2016 là vào khoảng từ 1% đến 3%.
Lĩnh vực sản xuất của Singapore, vốn chiếm khoảng 1/5 tỷ trọng nền kinh tế, cũng đã giảm 6% trong quý 4/2015 và đây là lần giảm thứ tư liên tiếp tính theo quý.
Tính cả năm 2015, sản xuất đã giảm 4,8% do lượng tiêu thụ đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như chất bán dẫn và các sản phẩm cơ khí có độ chính xác cao trở nên suy yếu, theo báo cáo của Bộ Thương mại Singapore.
Nhu cầu đối với giàn khoan dầu cũng đã giảm mạnh do giá dầu thô tuột dốc kéo dài đã ảnh hưởng hoạt động dò tìm.
Singapore hiện là nhà lắp đặt giàn khoan 3 chân cắm hàng đầu thế giới, nắm giữ đến 70% thị phần toàn cầu.
Tác động tiêu cực từ sự suy yếu của lĩnh vực sản xuất trong năm 2015 được giảm thiểu nhờ 2 mảng, đó là xây dựng và dịch vụ.
Xây dựng của Singapore đã tăng trưởng 7%, còn dịch vụ trong quý 4 cũng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, hãng phân tích Capital Economics (Anh) nghi ngờ khả năng duy trì mức tăng trưởng của ngành xây dựng Singapore trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ.
“Lãi vay tăng cao nhiều khả năng sẽ làm suy yếu thị trường nhà đất và gây khó khăn cho lĩnh vực xây dựng”, Capital Economics bình luận.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã từng đưa ra cảnh báo về tình hình kinh tế suy yếu trong thông điệp chúc mừng năm mới hồi tuần trước.
“Nền kinh tế của chúng ta đang chậm lại và đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp. Chúng ta chẳng thể kỳ vọng sẽ có một tiến trình thuận lợi trước mắt”, ông Lý phát biểu.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục