tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiểu 29-01-2016

  • Cập nhật : 29/01/2016

Đức cảnh cáo 'Nga không được tuyên truyền chính trị'

Ngày 27-1, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier lên tiếng cảnh cáo Nga đừng lợi dụng vụ việc cô bé người Đức gốc Nga Lisa F. tố cáo bị một nhóm người nhập cư ở Đức bắt cóc và cưỡng hiếp để tuyên truyền chính trị.

Trong một cuộc họp báo ngày trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng chính phủ Đức đã cố tình cho "chìm xuồng" vụ việc.

Ngày hôm sau, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier phản pháo lại, cho biết hiện văn phòng công tố Berlin vẫn đang điều tra vụ việc.

Không có gì có thể bào chữa được việc Nga lợi dụng vụ việc để tuyên truyền chính trị và gây khó khăn thêm cho tình hình đối phó với người nhập cư vốn đã đủ phức tạp của Đức.

Cô bé Lisa F. (tên đầy đủ được giữ kín theo luật Đức) 13 tuổi trình báo cảnh sát rằng cô bị một nhóm người nhập cư bắt cóc ngày 11-1 ở một khu ngoại ô phía đông Berlin, giữ và cưỡng hiếp cô trong 30 giờ. 

Vụ việc đã làm cộng đồng người Nga ở Đức rất giận dữ. Cuối tuần rồi đã có khoảng 700 người tụ tập trước văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel biểu tình phản đối vụ việc. Truyền thông Nga thì đưa tin liên tục.

cong dong nguoi nga bieu tinh phan doi vu viec tai berlin (duc). anh: dpa

Cộng đồng người Nga biểu tình phản đối vụ việc tại Berlin (Đức). Ảnh: DPA

Trong ngày 27-1, người phát ngôn văn phòng công tố Berlin Martin Steltner cho biết chưa tìm thấy chứng cứ chứng minh lời tố cáo của cô bé Lisa F. là sự thật.

Theo ông, điều tra cho thấy cô bé Lisa F. đã có quan hệ với một thanh niên 20 tuổi trước khi biến mất và vụ việc này có liên quan đến việc cô bé mất tích trong 30 giờ sau đó.

Khủng hoảng người nhập cư tấn công tình dục đã làm chao đảo nước Đức, gia tăng áp lực và khó khăn cho chính phủ Đức trong ứng xử với làn sóng người nhập cư. Đức đón số lượng người nhập cư kỷ lục trong năm 2015, 1,1 triệu người.


Úc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực

Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan) trong vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc sẽ giải quyết một lần rốt ráo về các đảo nhân tạo trên biển Đông có lãnh hải 12 hải lý hay không.
Ngày 26-1 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Úc Julie Bishop (ảnh) tuyên bố như trên tại cuộc hội thảo do Trung tâm Vì an ninh Mỹ mới tổ chức tại Washington (Mỹ).
ngoai truong uc julie bishop

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop

Bà ghi nhận quyết định của Trọng tài thường trực cực kỳ quan trọng như một tuyên bố về nguyên tắc quốc tế. Bà nói dù Trung Quốc cho rằng không liên quan đến vụ kiện nhưng tất cả các nước có tranh chấp hoặc có lợi ích trong khu vực đều sẽ ủng hộ phán quyết của trọng tài.

Báo The Australian (Úc) đưa tin Ngoại trưởng Julie Bishop nhận định căng thẳng trên biển Đông là nguyên nhân dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang tiềm tàng. Bà kêu gọi các nước Đông Nam Á và Trung Quốc thiết lập bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông, xuống thang căng thẳng và đừng để tính toán nhầm lẫn dẫn đến xung đột.


Tiếp tổng thống Iran, Pháp vẫn kêu gọi trừng phạt Tehran

Pháp đã yêu cầu các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran liên quan đến các cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây của Tehran dù đang chào đón Tổng thống Hassan Rouhani.

Hai quan chức EU giấu cho biết Pháp đưa ra yêu cầu trên sau khi Mỹ áp đặt lại một số biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran vì phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung mới đây.

Đề xuất của Pháp chính thức được EU xem xét nhưng hầu hết thành viên EU cho rằng động thái này phản tác dụng đối với nỗ lực khôi phục quan hệ chính trị và kinh tế với Iran sau thời gian dài tranh cãi về chương trình hạt nhân của nước này.

tong thong iran hassan rouhani (giua). anh: ap

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (giữa). Ảnh: AP

Một nhà ngoại giao Pháp giấu tên cũng cho biết EU đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran nhưng từ chối cho hay nước nào đã đề xuất vấn đề này.

Động thái trên, thậm chí nếu không thành công, cũng sẽ làm phức tạp thêm chuyến thăm Pháp của ông Rouhani. Ngoài ra, Pháp còn muốn Iran đảm nhận vai trò hòa giải ở Trung Đông khi Syria và Yemen chìm sâu trong nội chiến.

tong thong hassan rouhani tham gia cuoc hop tai phap. anh: ap

Tổng thống Hassan Rouhani tham gia cuộc họp tại Pháp. Ảnh: AP

Trước đó, Tổng thống Iran Rouhani đã chứng kiến lễ kí một số thỏa thuận thương mại trị giá hàng tỉ USD trong chuyến thăm 3 ngày tại Ý. Pháp hy vọng sẽ đạt được những thỏa thuận tương tự trong chuyến thăm 2 ngày của ông Rouhani tại nước này cùng với nỗ lực kiến tạo hòa bình trong khu vực.

Trong số đó có thỏa thuận mua hơn 100 máy bay mới của hãng sản xuất máy bay Airbus của Pháp. Khoảng 20 thỏa thuận giữa các công ty và các bộ của hai nước dự kiến được ký kết trong ngày 28-1 (giờ địa phương).

Ông Rouhani dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Pháp Francois Hollande trong chuyến thăm. Ngay khi đặt chân đến Pháp, ông Rouhani cho hay chuyến đi này là bước ngoặt quan trọng trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Iran và Pháp.


Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu bị cảnh cáo

Ông Hồ Tích Tiến, Tổng Biên tập Thời báo Hoàn cầu, tờ báo “con” của Nhân dân Nhật báo, nhận kỷ luật cảnh cáo vì tự ý du lịch Ba Lan bằng ngân sách nhà nước.

Tổ công tác số 4 Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) tiến hành kiểm tra toàn diện Nhân dân Nhật báo từ ngày 30-6 đến 31-8-2015.

Theo kết quả kiểm tra được công bố ngày 28-1 năm nay, ông Hồ Tích Tiến đã đi du lịch bằng ngân sách nhà nước khi chưa được cấp trên cho phép. Ngoài ra, ông Hồ cùng một Phó Tổng biên tập của tờ báo này phải viết bản kiểm điểm trình tổ thanh tra của CCDI, đồng thời hoàn trả mỗi người 6.417,9 nhân dân tệ đã sử dụng.

ong ho tich tien anh: scmp

Ông Hồ Tích Tiến Ảnh: SCMP

Hồi tháng 9-2015, từng rộ lên tin đồn trên mạng rằng ông Hồ Tích Tiến bị xử phạt vì thay đổi lịch trình của một diễn đàn truyền thông Trung-Đức vào tháng 6-2013, tổ chức cho du khách đi du lịch Ba Lan trong ba ngày. Các khoản chi phí do tờ báo của ông này chi trả. Lúc đó, không ít cư dân mạng trách móc Tổng Biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu. Họ nói rằng ông này chỉ trích người khác nhưng không làm đúng những gì rao giảng.

Thời báo Hoàn cầu nổi tiếng với những bài viết mang đầy giọng điệu hiếu chiến và tin tức thường tạo ra tranh cãi. Trong một bài phát biểu tại trường ĐH Trung Quốc ở Hồng Kông vào năm 2014, ông Hồ Tích Tiến nói rằng tờ báo dựa vào thị hiếu thị trường chứ không phải là cái loa của chính quyền. Tuy nhiên, phát biểu đó bị một giáo sư tại trường phản đối bằng cách rời khỏi khán phòng bằng đôi chân trần.

Về phần Nhân dân Nhật báo, 13 nhân viên bị buộc dọn dẹp đồ rời đi vì chiếm nhà trái phép, Trưởng Văn phòng ở Thượng Hải bị sa thải và cấp phó nhận cảnh cáo do văn phòng “quá khổ”, Trưởng Văn phòng tại Hồ Bắc lãnh cảnh báo bởi mua quá nhiều xe công...


Tín hiệu tốt trong cuộc chiến chống tham nhũng

Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) hôm 27-1 công bố Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2015, theo đó Đan Mạch là quốc gia ít tham nhũng nhất trong số 167 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Đan Mạch giữ vị trí này với số điểm 91/100. Theo AP, đứng sau Đan Mạch là Phần Lan, Thụy Điển, New Zealand, Hà Lan, Na Uy, Thụy Sĩ, Singapore, Canada... Ở chiều ngược lại, Triều Tiên và Somalia “đội sổ” với điểm số không đổi là 8/100.

nguoi dan brazil bieu tinh phan doi vu be boi cua petrobras anh: tan hoa xa

Người dân Brazil biểu tình phản đối vụ bê bối của Petrobras Ảnh: TÂN HOA XÃ

Đáng chú ý, Mỹ và Anh đạt thứ hạng cao chưa từng có trong bảng xếp hạng năm qua - Anh giữ vị trí thứ 10 (81 điểm, đồng hạng với Đức và Luxembourg), còn Mỹ đứng 16 (76 điểm, đồng hạng với Áo). Ngoài ra, Nga tăng 17 hạng, lên vị trí thứ 119 (29 điểm) trong lúc Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới, đứng vị trí 83 (37 điểm). Riêng Việt Nam đứng 112, tăng 7 hạng. Đang đối mặt vụ bê bối tham nhũng của tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, không có gì khó hiểu khi Brazil tụt hạng nhiều nhất trong danh sách (giảm 7 bậc, xuống vị trí 76).

Nhìn chung, khoảng 2/3 quốc gia, vùng lãnh thổ trong danh sách có điểm dưới 50. Dù vậy, TI ghi nhận một tín hiệu tốt là có 64 quốc gia, vùng lãnh thổ tăng điểm, 53 giảm điểm và số còn lại không thay đổi.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục