tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 29-07-2016

  • Cập nhật : 29/07/2016

Mỹ có thể giúp Hàn Quốc phát triển chiến đấu cơ hiện đại

Các quan chức quốc phòng hai nước thảo luận cơ chế hợp tác, chuyển giao công nghệ để Hàn Quốc có thể tự phát triển tiêm kích mới dựa trên công nghệ Mỹ.

chien dau co hang nhe fa-50 do han quoc tu san xuat. anh: skaf

Chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50 do Hàn Quốc tự sản xuất. Ảnh: SKAF

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu vòng đàm phán cấp cao đầu tiên hôm 26/7 ở Washington để bàn về khả năng chuyển giao công nghệ giúp Seoul tự phát triển chiến đấu cơ của mình, theo KoreaTimes.

Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên của Nhóm Hợp tác và Chiến lược Công nghệ Quốc phòng (DTSCG) được thành lập hồi năm ngoái theo thỏa thuận giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước. DTSCG sẽ bàn bạc các vấn đề quan trọng về hợp tác an ninh quốc gia và công nghệ quân sự, trong đó có dự án sản xuất chiến đấu cơ KF-X.

Dự án FK-X trị giá khoảng 7,5 tỷ USD được Hàn Quốc thực hiện với tham vọng thay thế phi đội chiến đấu cơ cũ kỹ F-4 và F-5 bằng những chiếc tiêm kích tàng hình hiện đại do nước này tự sản xuất. Chính phủ Hàn Quốc dự định đầu tư thêm hơn 8 tỷ USD nữa để sản xuất 120 chiến đấu cơ KF-X vào năm 2032.

Dự án này đang được tiến hành với sự giúp đỡ của nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin, đơn vị cam kết sẽ chuyển giao các công nghệ sử dụng trên tiêm kích tàng hình F-35 cho Hàn Quốc, để đổi lại việc Seoul đặt mua 40 chiếc máy bay hiện đại này.Từ đầu năm nay, Cơ quan Chương trình Mua sắm Quốc phòng Mỹ (DAPA) đã đàm phán với Lockheed Martin để liệt kê các công nghệ có thể chuyển giao cho Hàn Quốc.

hinh anh phac hoa tiem kich tang hinh kf-x han quoc muon tu phat trien. anh:skaf

Hình ảnh phác họa tiêm kích tàng hình KF-X Hàn Quốc muốn tự phát triển. Ảnh:SKAF

Trước khi được chính thức thực hiện vào tháng 1/2016, dự án KF-X đã gặp khủng hoảng nghiêm trọng sau khi chính phủ Mỹ từ chối cho phép Lockheed Martin chuyển giao 4 công nghệ cốt lõi gồm radar mảng pha điện tử chủ động, pod ngắm mục tiêu quang hồng ngoại, bộ gây nhiễu tần số và hệ thống theo dõi, dò tìm hồng ngoại trên chiến đấu cơ cho Hàn Quốc.

Sau cuộc họp của DTSCG hôm thứ ba, phía Mỹ cho biết vấn đề chuyển giao các công nghệ quan trọng trên chiến đấu cơ sẽ được tiếp tục bàn thảo trong các hội nghị tiếp theo.(Vnexpress)

Một nghị sĩ Anh phản ứng đài Trung Quốc trích sai ý kiến

Bà Catherine West, nghị sĩ Quốc hội Anh, vừa lên tiếng cho biết những ý kiến của bà đã bị trích dẫn sai trong đoạn video Trung Quốc phát tán tại Mỹ.

quang truong thoi dai cua my, noi trung quoc da do tien ra thue bang quang cao de tuyen truyen thong tin sai lac ve bien dong cua ho - anh: qz

Quảng trường Thời Đại của Mỹ, nơi Trung Quốc đã đổ tiền ra thuê bảng quảng cáo để tuyên truyền thông tin sai lạc về Biển Đông của họ - Ảnh: QZ

Theo Quartz, chính trị gia cao cấp của Công đảng Anh, bà Catherine West, đã tỏ ra hết sức bất ngờ và bối rối khi biết một trong những nội dung trả lời phỏng vấn đài Trung Quốc của bà đã bị cắt xén khỏi ngữ cảnh, biến thành một ý hoàn toàn xa lạ trong đoạn video tuyên truyền của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông phát trên bảng quảng cáo ở quảng trường Thời Đại (Mỹ)

Việc Trung Quốc bỏ hàng đống tiền để làm việc phi nghĩa này đã là điều quái đản, song tệ hơn nữa, theo Quartz, rõ ràng họ đã tìm đủ mọi cách để cãi chày cãi cối về yêu sách chủ quyền vô lý tại Biển Đông.

Trong đoạn video này, Trung Quốc đã trích dẫn ý kiến của một số chính trị gia hàng đầu nêu quan điểm của họ ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Tuy nhiên khi Quartz liên lạc với bà West, một trong những chính trị gia được "trích dẫn" đó, bà đã "té ngửa" trước thông tin này.

Thư ký báo chí của bà West, ông Matthew Whitty, cho biết trong thời gian tham dự diễn đàn các đảng phái chính trị cấp cao Trung Quốc - châu Âu lần thứ 5 tại Bắc Kinh hồi tháng 5 năm nay, bà West đã trả lời phỏng vấn nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc.

Đoạn video trích dẫn ý kiến của bà West đã bị cắt xén ra từ một trong những cuộc phỏng vấn đó.

Trong đoạn này, phần ý kiến của bà West được giữ lại là: "Tôi nghĩ rằng các cuộc đàm phán là rất quan trọng. Và đó là lý do vì sao chúng ta phải thận trọng rằng chúng ta cần giải quyết một vấn đề một cách rất cục bộ và có cách tiếp cận trách nhiệm trong đối thoại" (bắt đầu từ phút 2'25 trong video tuyên truyền của Trung Quốc).

Phía Trung Quốc đã tách phát biểu này ra khỏi ngữ cảnh liên quan để minh họa cho điều họ mong muốn, đó là các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết thông qua các đối thoại song phương giữa nước này và các nước có liên quan trực tiếp trong các tranh chấp.

Tuy nhiên trong email gửi tới Quartz, bà West giải thích rõ rằng phát biểu của bà đã bị tách ra khỏi ngữ cảnh của nó.

Bà lý giải quan điểm của mình: "Tôi khẳng định việc đối thoại là rất cần thiết để đảm bảo hòa bình trong khu vực, quá trình xử lý của tòa trọng tài quốc tế tại The Hague sẽ là một cơ hội như vậy để có thể giải quyết tranh chấp một cách có trách nhiệm".

Cuối email gửi cho Quartz, bà West viết: "Cảm ơn vì đã cho tôi biết về video này, bây giờ tôi mới xem và phải nói là tôi rất bối rối và lo ngại về những điều khẳng định trong đó. Tôi không hề biết là những quan điểm bình luận của mình sẽ được sử dụng theo kiểu này.

Mặc dù đương nhiên tôi rất thoải mái trong việc trả lời phỏng vấn, nêu ra những quan ngại của mình về tình trạng quân sự hóa tại Biển Đông và nhu cầu cần hợp tác với nhau để đạt được một giải pháp hòa bình, nhưng tôi không vui vì đoạn băng phỏng vấn đã được sử dụng theo cách cho thấy tôi ủng hộ cách tiếp cận vấn đề hiện tại của Trung Quốc với các quần đảo này (ở Biển Đông).

Tôi hi vọng biên bản tại quốc hội chứng tỏ rằng tôi đã liên tục nêu lên những quan ngại về tình trạng xây các đảo nhân tạo của Trung Quốc và quân sự hóa tại Biển Đông của họ, và thực sự tôi đã hối thúc Chính phủ Anh làm tất cả mọi việc để đảm bảo tôn trọng luật pháp quốc tế và để toàn khu vực được ổn định với tất cả các bên liên quan".

Thổ Nhĩ Kỳ “bịt miệng” truyền thông sau đảo chính

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đóng cửa hơn 130 cơ quan truyền thông trong khi cuộc đàn áp sau vụ đảo chính bất thành vẫn chưa kết thúc.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27-7 ra lệnh bắt giữ thêm 47 nhà báo chỉ vài ngày sau khi 42 phóng viên bị bắt giữ. Danh sách các nhà báo bị bắt giữ mới nhất hầu hết là thành viên của tờ báo Zaman đã không còn hoạt động.

Đến nay, 3 hãng tin, 16 kênh truyền hình, 23 đài phát thanh, 29 nhà xuất bản và nhà phân phối, 45 tờ báo và 15 tạp chí bị buộc phải đóng cửa.

nhieu phong vien cua bao zaman bi bat giu. anh: reuters

Nhiều phóng viên của báo Zaman bị bắt giữ. Ảnh: Reuters

Resmi Gazete, tờ báo chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ, đã đưa tin về vụ đóng cửa các cơ quan truyền thông và quan chức lực lượng vũ trang bị sa thải. Tên của các tổ chức truyền thông chưa được công bố chính thức.

Ngoài các cơ quan truyền thông nhỏ và ở địa phương, các tờ báo cũng như hãng tin lớn đều là những mục tiêu bị thanh trừng.

Ông Emre Deliveli, phóng viên báo Today’s Zaman, cho rằng việc chính phủ trấn áp truyền thông có thể khiến nhiều nhà báo bị giam giữ mà không có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào. Ông này còn cho rằng một số nhà báo bị bắt giữ sẽ bị buộc tội khủng bố.

Thêm vào đó, khoảng 1.700 thành viên lực lượng vũ trang, gồm 149 tướng lĩnh và đô đốc, bị sa thải vì tình nghi liên quan đến cuộc đảo chính hôm 15-7 khiến ít nhất 246 người thiệt mạng và hơn 2.000 người khác bị thương. Giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ đã bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ khoảng 8.651 thành viên các lực lượng vũ trang quốc gia tham gia cuộc đảo chính bất thành. Những kẻ âm mưu lật đổ chính phủ đã sử dụng 35 máy bay, 35 trực thăng, 74 xe tăng và 3 tàu.

Hãng tin Al Jazeera trích nguồn tin chính phủ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch đóng cửa tất cả các trường quân sự trên cả nước. Một sắc lệnh sẽ được ban hành yêu cầu đuổi tất cả các học viên tại trường trung học quân sự nhưng họ có thể tiếp tục học tại các trường bình thường.

Theo số liệu mới nhất do Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efkana Ala công bố, hơn 15.000 người đã bị giam giữ sau cuộc đảo chính. Tổng cộng có 8.113 người bị bắt đang chờ xét xử.(NLĐ)

Thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy bị tòa Campuchia kết tội phỉ báng

Theo Tân Hoa xã, ngày 28-7, Tòa án TP Phnom Penh (Campuchia) đã ra phán quyết kết tội thủ lĩnh đảng đối lập Cứu nguy dân tộc (CNRP) Sam Rainsy phỉ báng Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin.
ong sam rainsy trong mot buoi hop bao tai thu do tokyo, nhat ban ngay 10-11-2015. (nguon: afp/ttxvn)

Ông Sam Rainsy trong một buổi họp báo tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 10-11-2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Theo phán quyết, ông Sam Rainsy phải nộp phạt 10 triệu riel (2.500 USD) và đền bù 150 triệu riel (27.500 USD) cho nguyên đơn.

Tháng 12-2015, ông Samdech Heng Samrin đã kiện Sam Rainsy sau khi ông này đăng một đoạn băng video phỉ báng mình trên trang mạng cá nhân Facebook trước đó một tháng.

Ông Sam Rainsy đã sống lưu vong ở Pháp từ tháng 11-2015, nhằm tránh thi hành án tù giam hai năm vì tội phỉ báng Phó Thủ tướng Hor Namhong từ năm 2008./.(PLO)

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ can dự vào âm mưu đảo chính

Ngày 28/7, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc hai cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ đã hỗ trợ đào tạo những thành viên phong trào của Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen.

giao si hoi giao fethullah gulen - nguoi bi cao buoc dung dang sau cuoc dao chinh tho nhi ky.

Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen - người bị cáo buộc đứng đằng sau cuộc đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc trên do Văn phòng Trưởng công tố Edirne soạn thảo và được Tòa hình sự Thổ Nhĩ Kỳ thông qua, theo đó có nêu rõ Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã hỗ trợ đào tạo một số nội dung cho một nhóm người trung thành với Giáo sĩ Gulen. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những đối tượng được hai cơ quan nói trên đào tạo đã thi hành nhiệm vụ trong vụ đảo chính vừa qua.

Kể từ sau cuộc đảo chính đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cáo buộc Giáo sĩ Gulen, đang sống lưu vong tại Mỹ, đứng đằng sau âm mưu đảo chính, đồng thời thúc giục Mỹ dẫn độ nhân vật này về nước để xét xử. Tuy nhiên, Mỹ vẫn một mực khẳng định cần bằng chứng thuyết phục chứng minh ông Gulen có liên quan tới vụ đảo chính vừa qua.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu chính quyền Berlin dẫn độ những đối tượng đang sống tại Đức tình nghi liên quan đến Giáo sĩ Gulen.(TTXVN)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục